Nguyên nhân cá chết: Những cuộc tranh cãi khô cong

2 tuần qua, chúng ta sôi sục đôi co nhau về nguyên nhân cá chết mà quên mất một câu chuyện khác - câu chuyện lắng nghe biển cả.
Nguyên nhân cá chết: Những cuộc tranh cãi khô cong

James Nestor, cây viết chuyên về mảng khoa học cho các báo và tạp chí chuyên ngành hàng đầu của Hoa Kỳ như Outside Magazine, Men’s Journal, National Public Radio… năm 2015 đã giành giải PEN danh giá của Hiệp hội nhà văn quốc tế, cho cuốn sách có tên “Deep” (Sâu thẳm). Cuốn sách được xem là ghi chép một cách khoa học những trải nghiệm thực tế của chính James Nestor khi tiến hành nghiên cứu để giải mã sóng sonar (sóng âm phản xạ) mà loài cá voi thường sử dụng.

Trải qua hàng trăm cuộc lặn biển, tiếp cận với những con cá voi, ghi nhận vô số các sóng sonar mà chúng phát ra, James đã khẳng định rằng, loài cá voi có trí tuệ phát triển ở mức rất cao, và sóng sonar mà chúng sử dụng đã đạt đến mức độ của ngôn ngữ giao tiếp phức tạp.

Trong khoảng 150 năm qua, con người đã giết hại khoảng 70% cá voi trên hành tinh, tức là khoảng 350.000 cá thể. Vậy nên, khi bắt đầu những cuộc lặn biển nghiên cứu cá voi, cảm giác đầu tiên của James Nestor là e dè, thậm chí sợ hãi. Lần chạm trán đầu tiên với một con cá voi xanh, James nhận trực tiếp những sóng sonar mà con cá phóng về phía mình.

“Nó đánh giá xem tôi là thứ gì, có nguy cơ phương hại, hay là thức ăn. Sau đó thì con cá có màn chào hỏi giới thiệu. Nó chào tôi”. Đó là những dòng James Nestor ghi lại về cuộc gặp đầu tiên với cá voi. Nó để lại cho ông ấn tượng sâu sắc, và sự ân hận chua xót từ một cá thể người.

Việt Nam đang trong những ngày xôn xao với hiện tượng cá chết hàng loạt ở một số tỉnh duyên hải miền Trung. Những con cá nhiều chủng loại, trong đó có cả những loại chỉ sống ở tầng nước sâu, dạt vào bờ và chết. Hiện tượng đó khiến con người sợ hãi. Người ta bắt đầu truy tìm lý do của hiện tượng bất thường ấy, và việc đầu tiên, là họ tìm cách quy kết do lỗi xả thải độc hại của các khu công nghiệp trên địa bàn. Suy đoán ấy hoàn toàn hợp lý, nếu nhìn vào hồ sơ “đen” dài dằng dặc những vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy, khu công nghiệp trên khắp Việt Nam hàng thập kỷ qua. Đến nay, cả nước mới có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lí nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành) và 20 khu công nghiệp đang xây dựng trạm xử lí nước thải. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Bởi vậy, dù việc cá chết có liên quan trực tiếp đến việc xả thải của khu công nghiệp hay không, thì sự cố này cũng chính là dịp để cơ quan chức năng tổng rà soát và thắt chặt quy trình xử lý xả thải của các nhà máy và khu công nghiệp trên cả nước.

Nguyên nhân cá chết: Những cuộc tranh cãi khô cong ảnh 1

Nguồn tài nguyên biển của nước ta đang dần cạn kiệt (Ảnh minh họa)

Nhưng còn một câu chuyện nữa, không thấy báo chí nào nhắc tới. Đó là câu chuyện của biển cả, chuyện lắng nghe biển cả.

Nếu chúng ta lắng nghe biển cả mỗi ngày, thì chúng ta sẽ biết rằng biển cả đã nói với Việt Nam từ lâu về sự ô nhiễm. Năm 2010, GPA (Chương trình Hành động toàn cầu quản lý ô nhiễm biển, đất liền) đã chọn Việt Nam để thử kiểm kê tổng thể tải lượng các chất gây ô nhiễm biển và vùng cửa sông ven bờ từ nguồn đất. Kết quả cho thấy khả năng gây ô nhiễm biển từ vùng biển ven bờ là 30% và 70% là do các nguồn thải từ đất liền. Năm 2015, tạp chí Science rất uy tín trên thế giới đã công bố kết quả khảo sát và phân tích số liệu từ 192 quốc gia. Theo đó, hơn 8 triệu tấn rác nhựa được đổ xuống các đại dương mỗi năm và Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia thải nhựa ra biển nhiều nhất (gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka).

Nếu chúng ta lắng nghe biển cả, chúng ta sẽ biết rằng, nguồn lợi thủy hải sản của chúng ta đã và đang sụt giảm thê thảm chỉ trong 2 thập kỷ qua. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo, thì gần như ở tất cả dải ven biển Việt Nam đã ghi nhận mực nước triều cường cao hơn, rõ rệt nhất ở ĐBSCL. Ngoài ra, đã xuất hiện hiện tượng tẩy trắng san hô do nhiệt độ nước biển cao kết hợp với nắng nóng, dẫn đến suy thoái san hô. Khi san hô bị suy thoái, sản lượng hải sản ở khu vực đó suy giảm nghiêm trọng, và biển trở nên nghèo, ảnh hưởng sinh kế người dân.

Các quan trắc tại một số khu vực như Côn Đảo, Phú Quốc, Vân Đồn (vịnh Bái Tử Long) cho thấy, những năm gần đây, hiện tượng tẩy trắng san hô do xảy ra rất thường xuyên. Các nghiên cứu cũng cho thấy ít nơi nào trên thế giới có mức độ tận diệt tài nguyên biển khốc liệt như ở Việt Nam, khiến nguồn tài nguyên hải sản ven bờ biển Việt Nam hiện thuộc loại nghèo nàn nhất và rất khó phục hồi. Các hình thức đánh bắt quá mức, đôi khi là hủy diệt như giã cào, đánh bắt bằng thuốc nổ, kích điện, thuốc độc… đang tàn phá tất cả các hệ sinh thái ven bờ biển và hải đảo.

Một bãi biển đầy cá chết, có thể dấy lên một làn sóng quan tâm trong dư luận. Nhưng hàng trăm kilomet bờ biển, hàng nghìn hải lý vùng biển, đã và đang cạn kiệt dần mòn nguồn tài nguyên biển, không những thế còn nhiễm độc và quay ngược lại gây hại cho con người, là một thực trạng không mấy ai quan tâm. Đó mới chính là một nghịch lý chua xót.

Trở lại với nghiên cứu về cá voi và đại dương của James Nestor, trong bài viết có tựa đề “Trò chuyện với cá voi” đăng trên tờ The Newyork Times mới đây, James đã kể lại khoảnh khắc anh lặn xuống sát cạnh con cá voi, đến mức có thể nhìn sâu vào mắt nó.

“Khi tôi nhìn vào con mắt có kích cỡ bằng trái banh tennis, ngay lập tức tôi nhận ra nó ẩn chứa một trí tuệ khác thường, một loài có tư duy. Và tôi tin rằng loài cá voi cũng nhìn thấy điều ấy ở chúng ta” – James viết – “Nhưng bạn không thể giao tiếp với đại dương khi ngồi co chân bên bàn máy tính. Bạn cần phải xuống nước”.

Chúng ta đã dành 2 tuần lễ để đôi co về nguyên nhân thực sự khiến những con cá chết. Đó là những cuộc tranh cãi khô cong, cách biển hàng trăm kilomet, phiến diện, suy đoán, chụp mũ, và phần nhiều là vô căn cứ. Nhưng cái mà đại dương cần, là chúng ta hãy xuống nước, không chỉ để tắm biển, mà thực sự để lắng nghe và cảm nhận về những biến đổi tự nhiên, mà chính mỗi cá nhân chúng ta đều có một phần trách nhiệm.

Theo Khám Phá

Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.