Tình trạng bạo lực giữa nữ sinh: Bóng ma của trường học hiện đại

Bạo lực học đường - cụm từ nhạy cảm này xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nó đã tạo ra một làn sóng lo lắng, bất an trong dư luận.
Tình trạng bạo lực giữa nữ sinh: Bóng ma của trường học hiện đại

Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây gióng lên một hồi chuông báo động toàn xã hội và biến thành một bóng ma ám ảnh trong trường học. Bạn không tin ư?

Hãy vào Google và gõ “Bạo lực học đường”, bạn sẽ nhận được hơn 98.000 kết quả. Con số thật sự “ấn tượng”! Vậy mà, rất nhiều người còn hiểu một cách mơ hồ về nó.

Xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm, kéo bè kéo cánh, xung đột mâu thuẫn,…tất cả đều là những hiểm họa khôn lường mà mỗi bậc làm cha làm mẹ thời hiện đại này đều canh cánh một nỗi lo khi con cái cắp sách đến trường. Vấn nạn bạo lực giữa học sinh đang nóng hổi hơn bao giờ hết. Theo kết quả một cuộc khảo sát 9000 học sinh Châu Á, trong đó có Việt Nam, cứ 10 học sinh thì 7 em đã “trải nghiệm” bạo lực học đường. Con số khiến người nghe phải há hốc mồm kinh ngạc.

Tình trạng bạo lực giữa nữ sinh: Bóng ma của trường học hiện đại ảnh 1

Thời gian qua, có rất nhiều clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau được chia sẻ trên mạng xã hội.

Nam sinh đánh nhau có lẽ là “chuyện bình thường” với bao người. Giờ đây, dư luận đang hết sức quan tâm đến những vụ bạo lực do phe tóc dài gây ra. Không ít clip ghi lại cảnh “hỗn chiến” được tung lên mạng. Những kẻ bất lương từ đó đã biến nỗi đau của người khác thành trò cười vô nhân đạo.

Một trong số đó là vụ việc em P., học sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị các bạn cùng lớp khóa chặt cửa, chửi, mắng, đánh, tát, túm tóc và phang ghế nhựa vào đầu. Bộ quần xanh áo trắng đang khoác trên người các em thật ngây thơ, nhưng lời nói, hành động của chúng chẳng hề ngây thơ chút nào!

Tình bè bạn ở đâu khi kẻ đánh, người xem, không can ngăn, không ứng cứu. Tình người ở đâu khi sự việc này đã âm ỉ suốt hai tháng trời ròng rã, kẻ bạo hành cứ nhởn nhơ ra oai còn người bị bạo hành phải nhẫn nhục, câm lặng chịu đựng. Gia đình, nhà trường, xã hội chỉ bắt đầu vào cuộc khi những hình ảnh phản cảm đó tràn lan trên mạng.

Chỉ một tuần sau thôi, nỗi bất an trong lòng mọi người lại dâng cao khi một nữ sinh, một bí thư lớp 10 ở Phú Thọ bị bạn đánh đến đa chấn thương. Cô bé bị bốn cô bạn cùng khối siết vòng vây, đánh hội đồng mặc kệ những tiếng gào khóc, lời van xin tội nghiệp. Ngã sóng xoài xuống đất, cô bé ấy còn bị bạn mình dùng chân đạp thẳng vào mặt và gãy xương sống mũi. Nhẫn tâm đến thế là cùng!

Ở Cà Mau, hình ảnh hai nữ sinh đánh nhau trên cầu Rạch Ruộng và hơn mười em học sinh khác tung hô, cỗ vũ được quay và phát tán trên mạng. Rồi clip hai nữ sinh cấp hai đánh một bạn gái ở Thanh Hóa, dùng mũ bảo hiểm phang vào mặt, xé quần áo, xung quanh hô hào và chỉ cả cách đánh sao không để lại dấu vết bầm tím… Và hàng loạt vụ ẩu đả khác nữa, mà nguyên nhân thì cũng chỉ xoay quanh những-chuyện-nhỏ-nhặt.

Bạo lực học đường đang trở thành một bóng ma, ám ảnh trường học. Nhà trường nơm nớp lo sợ, thầy cô nơm nớp lo sợ, gia đình nơm nớp lo sợ. Bởi hậu quả mà nó để lại thật khó lường! Trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực, các em sẽ gánh lấy những thương tổn nghiêm trọng về cả thể xác lẫn tinh thần.

Những vết thương trên cơ thể cần thời gian để kín miệng, nhưng những vết sẹo trong tâm hồn các em làm sao để xóa mờ? Sự hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ trong các em sao có thể vẹn nguyên trong ánh mắt như lúc ban đầu? Cô bé nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh đã được một trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh nhận vào học, nhưng chắc chắn em sẽ mất một thời gian khá dài để hòa nhập trong môi trường mới.

Bí thư lớp 10 ở Phú Thọ tâm sự thật đáng thương khi mong các bạn đừng đánh nữa để có thể đến trường. Ước mơ đến trường trong em vẫn cháy nhưng áp lực từ nhiều phía khiến em phải ngừng học một thời gian, tương lai nào cho em?...

Còn những kẻ gây ra thảm trạng đau lòng đó, cũng chẳng “được” gì cả. Sự phấn khích trong chốc lát đánh đổi bằng nỗi buồn lo dai dẳng. Sự nể phục của bạn bè dần dần biến thành sự xa lánh, ghê sợ. Tính hiếu thắng được thỏa mãn nhưng bản án kỉ luật, cảnh cáo, đuổi học có thể sẽ là vết nhơ không phai mờ suốt cuộc đời. Và từ bạo lực học đường tiến tới bạo lực xã hội cũng ngắn chẳng tày gang!

Những bậc sinh thành thì không thể sống yên ổn vì con. Bố mẹ nạn nhân khóc cạn nước mắt, uất ức nhìn hình ảnh con bị bạo hành mà bất lực, tuyệt vọng. Bố mẹ kẻ thích bạo lực thì sững sờ nhìn hình ảnh đứa con ngoan hiền ở nhà của mình đột ngột biến thành kẻ thích thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, côn đồ, hung hãn, nhẫn tâm, lạnh lùng, vô cảm. Họ đau xót, xấu hổ, nhục nhã, van xin sự tha thứ…

Nguyên nhân nào khiến nạn bạo lực học đường bùng phát như hiện nay?

Cuộc sống hiện đại quá đầy đủ, quá dư thừa tạo ra một lối sống đua đòi, ích kỉ trong giới trẻ. Cái TÔI của mỗi người quá lớn và học sinh nhiễm dần những căn bệnh: sĩ diện, thích thể hiện, muốn khẳng định… Những căn bệnh đó mọc rễ trong những cái đầu non nớt với suy nghĩ hời hợt, hành động bồng bột, lời nói thiếu suy nghĩ dẫn đến bao điều đáng tiếc, đau lòng.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự kết nối toàn cầu, trào lưu sử dụng facebook, thế giới game online sôi động… đang khiến một bộ phận đánh mất mình vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt.

Chúng ta cũng không thể phủ nhận một phần nguyên nhân từ phía gia đình. Cuộc sống mưu sinh bận rộn, vòng xoáy công việc cuốn người ta đi mãi. Trong suy nghĩ của rất nhiều ông bố, bà mẹ, cho con một cuộc sống đầy đủ tiện nghi là đã làm tròn trách nhiệm. Chỉ cần con mở miệng xin tiền, họ sẵn sàng cho mà không quan tâm xem những đồng tiền ấy được sử dụng vì những mục đích “chính đáng” hay không.

Họ lao vào làm việc mà quên mất con cái mình đang tuổi lớn với bao sự xáo trộn tâm sinh lí. Dù rằng những đồng tiền vô cảm đó không thể nào so sánh được sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ, dạy dỗ, bảo ban dành cho con cái!

Trong khi đó, trường học cũng chưa thật sự là môi trường thân thiện với một số học sinh. Đến trường, là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là yêu cầu của bố mẹ, không phải mong muốn, khao khát chiếm lĩnh tri thức để tạo thành động lực học tập. Rất nhiều tệ nạn rình rập bên ngoài nhà trường, chỉ cần sơ sẩy, một bộ phận học sinh lập tức “nhiễm”!... Tất cả những lỗ hổng trên chính là mảnh đất màu mỡ cho mầm mống của bạo lực học đường mọc rễ.

Nhìn rõ nguyên nhân, chúng ta sẽ từng bước ngăn chặn mầm mống của bạo lực học đường. Trước hết, mỗi học sinh cần trau dồi một ý thức học tập, rèn luyện đúng đắn. Hãy trân trọng những giây phút ngồi trên ghế nhà trường hồn nhiên, trong sáng bởi đó sẽ là hành trang tuyệt đẹp cho đường đời còn dài sau này. Hãy giữ gìn sự quí giá của tình thầy trò, tình bè bạn và cả tình người.

Hãy tỉnh táo tránh xa mọi thứ cám dỗ của văn hóa phẩm không lành mạnh và giữ mình trước những thói hư tật xấu… Gia đình hãy là tổ ấm chở che, bảo bọc với tình yêu thương luôn ngập tràn. Để con trẻ lớn lên trong tình yêu thương, cảm nhận hạnh phúc, tâm hồn con trẻ sẽ thuần khiết.

Cha mẹ hãy là người bạn biết lắng nghe, chia sẻ và cùng con cái tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Cha mẹ hãy là người thầy định hướng con cái trong việc tiếp nhận cái hay, cái đẹp và thanh lọc tâm hồn trước cuộc sống muôn hình vạn trạng…

Nhà trường cần tạo ra một sân chơi lành mạnh với các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ thu hút sự hứng thú của học sinh. Không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, phong trào “Trường học thân thiện” mà cần phát huy hơn nữa vai trò cầu nối sợi dây tình cảm giữa thầy và trò, giữa trò và trò.

Việc chú trọng giáo dục tư tưởng, tình cảm cho học sinh thông qua bộ môn Giáo dục công dân đang được thực hiện hi vọng sẽ tạo ra một sự chuyển biến mới. Cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh để các em chủ động xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, điều tiết tình cảm, chấn chỉnh hành vi. Nên chăng, cần tạo lập một trung tâm tư vấn cho học sinh để hỗ trợ các em giải quyết các vấn đề cuộc sống, tiến tới đào tạo giáo viên tâm lí trường học như các nước đã làm và có hiệu quả tích cực...

Các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa sự quản lí đối với game online, mạng xã hội. Nhà trường – Gia đình – Xã hội cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ để phát huy vai trò giáo dục thế hệ trẻ… Trách nhiệm này không của riêng ai mà đòi hỏi một sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người cần xây dựng một ý thức đúng đắn về cách ứng xử giữa người và người. Đừng thờ ơ, vô cảm, dửng dưng trước những việc làm sai trái, những lối hành xử thiếu thiện cảm. Hãy góp một tiếng nói, hãy góp một hành động nhỏ bé của mình để cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Bóng ma của trường học hiện đại đang lấp ló khắp nơi. Cần lắm sự nhanh tay hành động. Hãy để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cho con tôi, con bạn, cho tất cả chúng ta…

Trang Hiếu

Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
(Ngày Nay) - Apple đã nỗ lực tách biệt dòng iPhone thường và iPhone Pro để biện minh cho việc tăng giá của dòng Pro mà không làm giảm tiềm năng của dòng cơ bản. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai loại này có thể thay đổi vào cuối năm nay nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).