Hội nhập tài chính thế nào?

Trong năm 2016, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các cam kết về thuế nhập khẩu theo các Thông tư đã ban hành các Biểu FTA, theo dõi việc thực thi và tăng cường trao đổi, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp…
Hội nhập tài chính thế nào?

Năm qua, ngành Tài chính đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, ASEAN+3, APEC, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và G20; tích cực triển khai xây dựng phương án đàm phán, phương án kết thúc các hiệp định thương mại tự do; tiếp tục rà soát, chuyển đổi biểu thuế và ban hành Biểu thuế cho các FTA đang thực hiện và vừa ký kết.  

Đồng thời, hoạt động đối ngoại, hợp tác tài chính quốc tế đã tích cực đóng góp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài; thu hút có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước; góp phần hoàn thiện về chính sách và thể chế quản lý của ngành tài chính trên các lĩnh vực như thuế, hải quan, quản lý giá, phát triển thị trường vốn và các chính sách tài chính khác.

Hội nhập tài chính đã góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thương mại quốc tế, chuyển đổi cơ cấu ngành, vùng.

Tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình

Năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ 8 FTA đã có hiệu lực theo các Thông tư ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 2015-2018.

Bộ Tài chính cũng tích cực trao đổi, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến các Biểu thuế FTA đang thực hiện để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, ngành hàng trong nước nhưng vẫn đảm bảo được cam kết của Việt Nam với các đối tác FTA.

Năm 2015 mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao: trong ATIGA đạt khoảng 93%, ASEAN-Trung Quốc 84% số dòng thuế về 0%, ASEAN-Hàn Quốc 78% và ASEAN-Nhật Bản 62%.

Theo đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc được hưởng thuế 0% từ năm 2015 như sắt thép, phân bón, sản phẩm điện tử, xe tải, đồ điện gia dụng, máy móc thiết bị…

Cam kết về thuế nhập khẩu trong 2 khuôn khổ FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam-EU có tỷ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế, cụ thể:

Với EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO.

Trong TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế đối với khoảng 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ đối với 86,5% số dòng thuế sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế cơ bản 4-10 năm.

Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam cam kết lộ trình trên 10 năm hoặc hạn ngạch thuế quan.

Với việc ký kết 2 Hiệp định và tuyên bố kết thúc 2 Hiệp định quan trọng TPP và Việt Nam-EU, năm 2015 đã phác ra một bức tranh rõ ràng về khả năng tiếp cận thị trường ngày càng tăng của hàng ngoại nhập và bức tranh thương mại của Việt Nam trong các năm tới đây.

Trong các FTA thế hệ mới, với đặc thù là đàm phán với các nước phát triển nên các nước đều ủng hộ quan điểm xóa bỏ thuế xuất khẩu vì cho rằng thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp cho sản xuất trong nước, gây bóp méo thương mại quốc tế.

Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án cam kết về thuế xuất khẩu với EU và các nước TPP nhằm phù hợp với xu hướng quốc tế đồng thời vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo đó, đối với EU, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu với hàng xuất khẩu sang EU với lộ trình dài nhất là 15 năm.

Trong TPP, Việt Nam bảo lưu đối với khoảng 70 mặt hàng thuế xuất khẩu sẽ có mức thuế suất 2-40%, trong đó quan trọng nhất là bảo lưu được đối với nhóm than đá, dầu mỏ và một số nhóm khoáng sản khác. Các mặt hàng còn lại có lộ trình xóa bỏ thuế xuất khẩu ngay hoặc trong vòng 5/7/10/15 năm.

Thận trọng trong tự do hóa dịch vụ tài chính

Cam kết về dịch vụ bảo hiểm và chứng khoán của Việt Nam đã ở mức tự do hóa cao trong WTO, ta chỉ bảo lưu một số ít các hạn chế về mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như: chưa cho phép thành lập chi nhánh bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, chưa cho phép cung cấp dịch vụ qua biên giới đối với dịch vụ nhượng tái bảo hiểm…

Việc gia nhập WTO tạo cơ hội cho việc phát triển nhiều sản phẩm mới và thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

Tính đến tháng 11/2015, lĩnh vực bảo hiểm cũng đã thu hút được 30 doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, góp phần nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ bảo hiểm.

Các dịch vụ bảo hiểm đã được đa dạng hóa, bao quát hầu hết các loại hình tài sản của mọi thành phần kinh tế, mọi ngành kinh tế. 

Ngoài dịch vụ tài chính thì dịch vụ kế toán kiểm toán và dịch vụ thuế theo cam kết WTO cũng đã ở mức tự do hóa rất cao, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường, tăng cường minh bạch hóa quản trị doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Các chuẩn mực kế toán kiểm toán của Việt Nam hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở tiệm cận và phù hợp với các tiêu chuẩn kế toán kiểm toán quốc tế, các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới như Big 4 và nhiều hãng kiểm toán nước ngoài đã có đại diện tại Việt Nam. 

Định hướng hội nhập tài chính trong bối cảnh mới

Năm 2016, kinh tế thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục phục hồi với tốc độ chậm và còn nhiều biến động về kinh tế, chính trị và bất ổn tại một số khu vực.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 khẳng định thêm vai trò trung tâm kết nối của ASEAN trong các thiết chế khu vực.

Đối với Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và vị thế chính trị của Việt Nam với thế giới.

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, công tác hội nhập và hợp tác tài chính của ngành tài chính sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:  

Tiếp tục triển khai và theo dõi việc thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu trong các FTA đã ký kết theo lộ trình đã ban hành. Trong năm 2016, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các cam kết về thuế nhập khẩu theo các Thông tư đã ban hành các Biểu FTA, theo dõi việc thực thi và tăng cường trao đổi, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp.

Xây dựng lộ trình cam kết về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu; nghiên cứu cam kết trong các lĩnh vực của Bộ Tài chính trong TPP và EU để chuẩn bị sẵn sàng thực thi khi Hiệp định có hiệu lực.

Tiếp tục xây dựng phương án và tham gia đàm phán các lĩnh vực thuế nhập khẩu, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác trong các FTA đang và sẽ đàm phán.

Đẩy mạnh hợp tác tài chính quốc tế và khu vực; kiểm điểm, đánh giá quan hệ với từng đối tác, bao gồm cả song phương và đa phương, cả cấp chính phủ trung ương, địa phương, khu vực doanh nghiệp và tư nhân; gắn hợp tác quốc tế với các yêu cầu cải cách và hiện đại hóa ngành tài chính.

Theo dõi và đánh giá tác động hội nhập để kịp thời kiến nghị điều chỉnh chính sách. 

Tăng cường công tác tuyên truyền và đối thoại chính sách, hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước tận dụng các cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực từ các thách thức do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin thường xuyên về cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do để nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, nhất là những cơ hội và lợi ích trong các Hiệp định, các điều kiện để hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan, các cải cách về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…

Vũ Nhữ Thăng

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tài chính

Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.