Biến tấu đa phong cách cùng tre

Tân cho rằng thành công lớn nhất của mình đến hiện tại là hoàn thiện xe đạp tre và ‘đạp’ những xe độc đáo này ra nước ngoài chủ yếu là Châu Âu.
Biến tấu đa phong cách cùng tre

Từ những thân tre gầy guộc, có khi sần sùi, xấu xí, qua đôi tay tài ba của anh, chúng hòa thành những hình hài khác vo cùng hấp dẫn, bắt mắt. Người ta càng trầm trồ hơn, khi anh “ đạp” xe đạp tre ra nước ngoài đầy ngoạn mục. Tất cả như một gam màu mới đầy hấp dẫn trong bức tranh đồ lưu niệm ở Hội An

Vậy mà ít ai biết rằng, Võ Tấn Tân, 38 tuổi ở thôn 2 Xã Cẩm Thanh, TP Hội An Quảng Nam từng có ngã rẽ như sự chia tay với tre, dù anh thừa kế niềm đam mê với tre từ ông nội và cha mình. Đấy là khi anh tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành điện - kỹ thuật và xin đi làm liên quan đến … du lịch. Lý do đơn giản nhất, mà đến bây giờ nghĩ lại là hời hợt, đó là nếu “đâm” đầu vào tre thì cuộc sống không đảm bảo kinh tế. Và nếu là người thợ thủ công, Tân sẽ không được ăn diện phẳng phiu, chỉnh chu. Để rồi trong tương lai suốt 10 năm làm du lịch, anh nhận ra rằng mình không thể thiếu sống tre và quan trọng hơn, anh tìm được phương thức “bắt” tre ít nhất sẽ đảm bảo cuộc sống của mình.

Biến tấu đa phong cách cùng tre ảnh 1

Chiếc ô tô du lịch bằng điện đang trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh Internet

Thế là Tân xin thôi việc, trở lại với tre. Nhưng anh không đi theo lối mòn của ông nội và cha với những sản phẩm thủ công xưa cũ lâu nay. Anh khởi động chặng đường mới bằng cách tìm đến các điểm du lịch, bán đồ lưu niệm đặc trưng rồi về dùng tre chế tác. Và đây là lý do: “Mình phải đến đó để tìm kỹ, thì sản phẩm mình mới mong được đón nhận. Nói thật, ở Hội An tuy có nhiều người bán đồ lưu niệm, nhưng chưa có đặc tả hết đặc điểm riêng của mình, thậm chí có gian hàng bán đồ lưu niệm có xuất xứ từ Trung Quốc”

Từ đó, thêm nhiều sản phẩm từ tre được ra đời như hộp đựng giấy ăn, đựng bánh kẹo, đèn bàn. Lấy cảm hứng bảo tồn cua đá ở Cù Lao Chàm, anh làm ra hộp đựng giấy ăn, đồ trang điểm có hình thù giống cua đá… Trên tất cả Tân cho rằng thành công lớn nhất của mình đến hiện tại là hoàn thiện xe đạp tre và “đạp” những chiếc xe độc đáo này ra nước ngoài, chủ yếu là châu Âu. Cũng với chiếc xe đạp tre, anh đang ấp ủ thực hiện các tour du lịch bằng xe đạp tre. Cách đây không lâu, anh đã thử nghiệm và thu được nhiều tín hiệu khả quan. Nên anh dồn sức làm thêm nhiều xe đạp dự kiến là khoảng 30 chiếc để tour của mình thêm tròn trịa.

Nói thì trơn tru, nhẹ nhàng như vòng quay của bánh xe đạp, nhưng thật ra anh đã phải đối mặt với hàng trăm, hàng ngàn lần thất bại khi ngày đầu làm xe đạp tre. Ban đầu, anh nghĩ nó đơn giản như… xe đạp. Đụng vô mới thấy, càng đơn giản thì càng phức tạp. Nói là xe đạp tre, nhưng không phải tất cả đều là tre, mà chính xác chỉ có khung sườn, bộ phận chịu lực bằng tre, từ đó, “lòi” thêm cái khó nữa, là khi liên kết tre với các bộ phận còn lại của xe phai đảm bảo tính cơ học. Nên thời gian đầu, lỗi anh thường gặp nhất là nếu sườn chịu được lực, thì không đảm bảo tình cơ học khác, nhất là không ổn định sự chuyển động và ngược lại.

Mãi 2 năm sau, thì mới thành công. “Tuy vậy, đó là chưa đủ để đảm bảo tính hoàn chỉnh cho 1 chiếc xe đạp, ý tôi là về thẩm mỹ và thời gian sử dụng”, anh Tân kể. Thế là anh mất thêm 1 năm nữa, để hoàn thiện 2 yếu tố này. Cái hay, là anh hài hòa giải quyết độ bền của xe gắn liền với giá trị thẩm mỹ. Đó là xe trước khi đưa vào làm xe, sẽ được ngâm nước chống mối mọt từ 8 tháng đến 1 năm. Sau đó sẽ được đem đi phơi khô rồi gia công thô. Khi gắn hoàn chỉnh, anh sẽ đánh lớp keo chống thấm nước. Đoạn giữa các bộ phận, anh dùng một loại keo do anh chế tạo nên. Loại keo này có đặc điểm là rất bền và “thân thiện” với tre.

Biến tấu đa phong cách cùng tre ảnh 2

Những sản phẩm làm từ tre của anh Tân.

Khi những chiếc xe đạp được hoàn thành, anh đặt 1 chiếc ở một quán cà phê trên đường Trần Phú của phố cổ. Từ đó, khách tìm đến anh nhiều. Khách tìm đến nhiều, nảy sinh thêm những yêu cầu khác, và anh mất thêm không ít thời gian để làm ra những chiếc xe đạp tre theo yêu cầu của khách không chỉ về thẩm mỹ, mà về mục đích sử dụng. Đó là xe để đi trong phố, leo núi, địa hình… Mỗi chiếc xe như thế có giá từ 10 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán ra nước ngoài từ 7 – 8 chiếc trở lên.

Hôm tôi đến, Tân đang cặm cụi với những công đoạn cuối cùng cho chiếc xe ô tô điện du lịch bằng tre đầu tiên. Đó cũng là minh chứng cho sáng tạo, biến tấu không ngừng nghỉ cùng tre của anh. Và cũng như xe đạp đạp tre, thì ngoài động cơ và các bộ phận truyền động, điện, tín hiệu ra, thì tất cả là sự hiện diện của tre.

Đối với anh, ô tô điện tre tuy phức tạp hơn xe đạp tre, nhưng thực hiện thì dễ dàng hơn nhiều. Bởi vì nó cho phép anh dễ dàng sử dụng những đoạn tre có kích thước lớn. Và chiếc anh đang làm, cũng là chiếc thử nghiệm. Anh đồ rằng, sau này chỉ mất khoảng hơn 1 tháng là hoàn thành một chiếc theo yêu cầu của khách hàng. Cái hay của thử nghiệm này là có khách hàng “dám” vào cuộc với anh, tất nhiên là giao dịch chỉ diễn ra khi 2 bên thỏa mãn với nhau những điều kiện.

Tôi “bỏ mặc” anh với sản phẩm đang nên hình hài, lang thang trong không gian mà chỉ có nhắm mắt mới không thấy bóng dáng của tre. Bên phải, là cái trại nhỏ với hàng tá công cụ để anh chế tác, biến tấu cùng tre. Đối diện nó là một căn nhà cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ở đó, tre cũng hiện diện đầy, từ nội thất đến kiến trúc. Được chủ nhân cho phép, tôi nhón bước trên cầu thang bằng tre để đi lên lan can cầu thang cũng bằng tre nốt. Gian phòng hiện ra, những thanh tre thẳng tắp, đều đặn chạy kín vách. Thảo nào, anh lại đam mê sáng tạo với tre như vậy…

Lê Xuân Thọ

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.