Chủ động quản lý thị trường hàng hóa dịp Tết

(Ngày Nay) - Chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội luôn là một “cuộc chiến” nóng bỏng. Đặc biệt trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại thường có chiều hướng gia tăng.
Hành vi đẩy giá bán lẻ lên cao hoặc mua gom, đầu cơ thu lợi bất chính... sẽ bị xử lý nghiêm
Hành vi đẩy giá bán lẻ lên cao hoặc mua gom, đầu cơ thu lợi bất chính... sẽ bị xử lý nghiêm

Nhằm giúp người dân được đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trong không khí yên bình an vui, lực lượng quản lý thị trường cả nước đang dốc toàn lực để kiểm soát và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trên diện rộng nhằm góp phần làm sạch thị trường. Trong đó có lực lượng quản lý thị trường Hà Nội. 

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP. Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389), Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, với lượng hàng hóa lưu chuyển lớn, Hà Nội được đánh giá là địa bàn phức tạp, “điểm đến” của các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại.

Hằng ngày, hàng lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm... từ biên giới phía Bắc được đưa lậu vào tập kết tại Hà Nội để tiêu thụ và trung chuyển tới các địa phương khác. Các đối tượng buôn lậu hình thành đường dây có tổ chức, câu kết chặt chẽ giữa chủ đầu nậu khu vực biên giới và trong nội địa, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng.

Chủ động quản lý thị trường hàng hóa dịp Tết ảnh 1Thời điểm giáp Tết là thời gian hàng hóa kém chất lượng có cơ hội "tuồn" vào thị trường, nhất là thị trường Hà Nội (Ảnh minh họa)

Ông Chu Xuân Kiên cho biết, các điểm trung chuyển hàng hóa như chợ Ninh Hiệp, ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, sân bay Nội Bài… là những địa bàn trọng điểm mà Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội bám sát, yêu cầu các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, phải nói rằng, các đối tượng làm ăn phi pháp thường bất chấp pháp luật, lợi dụng tình hình thị trường để buôn lậu và gian lận thương mại.

Không những vậy, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Gần đây lại nổi lên tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn trên địa bàn và lĩnh vực phụ trách, phải chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh hiệu quả; bên cạnh tập trung kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, kho hàng thường vận chuyển, tập kết hàng lậu, tổ chức điều tra, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại để đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Về công tác quản lý thị trường Tết, ông Chu Xuân Kiên cho rằng, ngoài tăng cường chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, còn phải kiểm soát chặt chẽ giá cả. Bởi, trong dịp Tết thường tiềm ẩn nguy cơ "sốt giá", gây khó khăn cho người tiêu dùng. UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm thị trường Tết.

Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá và bán hàng không theo giá niêm yết tại các điểm kinh doanh bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm phân phối hàng bình ổn giá, chợ truyền thống, nhất là đối với các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết.

“Các đối tượng có biểu hiện đẩy giá bán lẻ lên cao hơn so với giá quy định hoặc mua gom, đầu cơ thu lợi bất chính, tạo khan hiếm giả, gây bất ổn thị trường làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Kiên nhấn mạnh.

Liên quan đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm góp phần duy trì một thị trường thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô, ông Chu Xuân Kiên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, cơ sở đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở thức ăn đường phố... Trong đó, đặc biệt tập trung kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Đồng thời, kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa đối với các mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết như thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào thành phố gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của các chốt kiểm dịch, tránh kiểm soát hình thức.

Để người dân Thủ đô yên tâm vui đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, bảo đảm hàng hóa lưu thông trên thị trường ổn định, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ tiêu dùng, hội chợ hàng khuyến mãi, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm thị trường ổn định, lành mạnh, bảo đảm an sinh xã hội cũng như quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các thành phần kinh tế và người tiêu dùng.

Một số lĩnh vực, mặt hàng được yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý là: Pháo nổ, hàng cấm, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm, đồ chơi không bảo đảm an toàn, các sản phẩm gia súc - gia cầm nhập lậu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, các loại nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến hàng công nghiệp thực phẩm...

Theo Chính phủ
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.