Đói nghèo – mảng đề tài bị lãng quên trong báo chí Mỹ

(Ngày Nay) -  Năm 2000, tại các quốc gia ở khu vực tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi, cứ 12 người trưởng thành thì có 1 người phải sống chung với HIV/AIDS. Tuy nhiên, việc điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS ở đây rất khó khăn và đắt đỏ, do các tập đoàn dược phẩm đã gây sức ép, buộc chính phủ những nước nghèo bậc nhất thế giới này hạn chế quyền tiếp cận thuốc generic của người bệnh, buộc họ phải mua thuốc chính hãng với giá cắt cổ.
Đói nghèo – mảng đề tài bị lãng quên trong báo chí Mỹ

Phóng viên Tina Rosenberg của nhật báo số 1 Hoa Kỳ The New York Times đề xuất với ban biên tập viết một phóng sự điều tra về vấn đề này. Câu trả lời từ phía ban biên tập: “Chúng ta không thể bắt bạn đọc phải đọc thêm một bài báo dài 7.000 chữ nữa về đề tài người dân Malawi sắp chết cả nút”.

Câu trả lời của ban biên tập The New York Times phản ánh thực trạng đáng buồn đã kéo dài lâu nay của mảng đề tài về đói nghèo trong báo chí Hoa Kỳ.

Năm 2014, tổ chức giám sát truyền thông có tên Công bằng và Chính xác trong Tác nghiệp báo chí đã khảo sát trong suốt 14 tháng và rút ra kết luận rằng trong các bản tin của ba kênh truyền hình hàng đầu nước Mỹ, chỉ có 0,2% thời lượng là nói về chủ đề đói nghèo. Tương tự, Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng tiến hành nghiên cứu và phát hiện rằng, đề tài đói nghèo chỉ chiếm dưới 1% các bài báo của 52 tổ chức báo chí hoạt động trong 5 năm từ 2007 đến 2012. Trong khi đó, có tới 46,7 triệu người Mỹ - tức là gần 15% dân số - đang sống trong đói nghèo, theo Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2014.

“Đói nghèo không phải mảng đề tài mà phần lớn phóng viên muốn theo đuổi, cũng không phải là mảng mà các nhà báo triển vọng được khuyến khích theo đuổi. Người đọc được cho là không thích thú gì đề tài này” - đó là nhận định của nhà báo Barbara Raab, một nhà sản xuất truyền hình nổi tiếng và là chuyên gia của Quỹ Ford.

Một phần nguyên nhân của thực trạng này là áp lực chi phí ngày càng tăng lên các tổ chức báo chí. Họ phải cắt giảm nhân lực và thực hiện nhiều biện pháp để có lợi nhuận, hoặc ít nhất là duy trì tình trạng hòa vốn.

Năm 2013, nhà báo Barbara Raab đã tổ chức sản xuất một loạt phóng sự về đề tài đói nghèo bằng nguồn tiền tài trợ từ Quỹ Ford. Nhóm sản xuất của bà đã cho ra hơn 100 tin bài, và giành được giải thưởng báo chí George Foster Peabody danh giá. Tuy nhiên, họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa tin bài lên phát sóng, đơn giản vì mảng đề tài này không mấy hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo. “Tổng biên tập rất ngại phải phát các tin bài về đề tài đói nghèo”, nhà báo Raab cho biết.

Ở Hoa Kỳ, đinh kiến về sự đói nghèo cũng tác động đến cách nhìn nhận và chất lượng phản ánh của báo chí về mảng đề tài này, theo nhận định của nhà báo Maggie Bowman, người đã sản xuất một loạt phim tài liệu về nhân công giá rẻ phát trên kênh truyền hình Al Jazeera. “Quan niệm về trách nhiệm cá nhân quá ăn sâu bám rễ trong xã hội Mỹ: họ cho rằng nếu một người không thành công trên đất nước này, nghĩa là anh ta đã làm điều gì đó không đúng”, nhà báo Bowman cho biết. “Họ cho rằng, đói nghèo thật sự là một sự lựa chọn”.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng phản ánh của báo chí về mảng đề tài người nghèo chính là thu nhập của phóng viên. Nhiều tổ chức báo chí có xu hướng cắt giảm lương phóng viên, cắt giảm nhân sự và phụ thuộc vào đội ngũ phóng viên tự do để thực hiện những đề tài “mì ăn liền” chi phí thấp. Nhà báo Barbara Ehrenreich, tác giả của trường phóng sự nổi tiếng Nickel and Dimed về cuộc sống của người thu nhập thấp ở Hoa Kỳ, nhận định: “Sự nghèo khổ của nhà báo đã dẫn đến sự nghèo nàn của báo chí”.

Tuy vẫn trong tình trạng ảm đạm, nhưng trong những năm gần đây, mảng đề tài đói nghèo trong báo chí Hoa Kỳ đang có dấu hiệu được cải thiện. Những phương tiện mới cho phép định lượng khán giả đã dần xóa đi định kiến rằng người đọc không hứng thú với mảng đề tài này.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 kéo theo những biến động sâu trong xã hội cũng góp phần dần làm thức tỉnh chủ đề đói nghèo. “Người đọc bắt đầu để ý nhiều hơn tới tầng lớp người nghèo”, giáo sư Edward Wasserman, hiệu trưởng Trường Báo chí Đại học California tại Berkeley nhận xét. “Tình trạng bất bình đẳng đã trở nên cực đoan đến nỗi phần đông người đọc không thể không chú ý đến nó”.

Nhưng nếu chỉ tăng cường số lượng tin bài, tác phẩm báo chí về đề tài đói nghèo thì chưa đủ. Thách thức đặt ra với các phóng viên viết về mảng đề tài này không chỉ là cung cấp thông tin, mà phải chỉ ra được những vấn đề cấp thiết, cần được giải quyết ngay.

Đói nghèo – mảng đề tài bị lãng quên trong báo chí Mỹ ảnh 1

Theo nhà báo Susan Smith Richardson của tờ The Chicago Reporter, việc thực sự thâm nhập vào các cộng đồng của người nghèo là chìa khóa để xây dựng lòng tin và phản ánh cuộc sống của họ một cách có ý nghĩa nhất. “Không có cuộc đời nào có thể đại diện cho tất cả”, nhà báo Richardson cho biết. “Vấn đề là bạn phải kể được câu chuyện có bối cảnh, có quan điểm lịch sử, có số liệu, và phải là một câu chuyện chân thực”.

Nhiều năm sau khi bị Tổng biên tập New York Times từ chối phũ phàng, nhà báo Rosenberg cuối cùng cũng đã tìm ra cách để bài viết của mình được lên mặt báo. Thay vì kể về những nước đang trong cơn khủng hoảng, bà tập trung kể câu chuyện về một chính phủ đã đứng lên chống lại áp lực từ các công ty dược phẩm: chính phủ Brazil. Bài báo có tựa đề “Làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng AIDS toàn cầu” đã được lên trang nhất. Bài báo chỉ ra được tình hình tồi tệ tại nhiều nước, nhưng cũng đưa ra được những giải pháp đầy triển vọng.

Đói nghèo – mảng đề tài bị lãng quên trong báo chí Mỹ ảnh 2

Nhà báo Rosenberg, người sau này đã đồng sáng lập ra Mạng lưới Báo chí Giải pháp có mục đích khuyến khích các nhà báo viết về giải pháp cho các vấn đề xã hội, cho biết: “Báo chí giải pháp thu hút được nhiều độc giả hơn, và có tác động xã hội lớn hơn”.

Cách tiếp cận đặt vấn đề song song với tìm giải pháp cũng là cách để các phóng viên thuyết phục các biên tập viên cũng như độc giả của mình vượt qua định kiến rằng các vấn đề liên quan đến đói nghèo là những vấn đề khó có thể giải quyết. Chính định kiến này khiến cho mảng đề tài đói nghèo hay bị xem nhẹ. “Người đọc cần biết rằng đó là những vấn đề có thể giải quyết”, nhà báo Rosenberg nói.

Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo chia sẻ về cuốn tự truyện của mình.
"Bốn mùa - Một cuộc đời" - Lời tự sự của nhà khoa học Việt Nam trên đất Pháp
(Ngày Nay) - “Bốn mùa - Một cuộc đời” vừa ra mắt công chúng tại Pháp là cuốn tự truyện của Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, tác giả và đồng tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời là nhà hóa học người Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong giới tri thức Pháp cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp.
Thách thức từ AI đối với tương lai của báo chí
Thách thức từ AI đối với tương lai của báo chí
(Ngày Nay) - Hội nghị Nhà báo thế giới 2024 do Hội Nhà báo Hàn Quốc tổ chức với chủ đề "Vai trò của truyền thông trong đưa tin về chiến tranh và Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai của báo chí" diễn ra tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 22-26/4. Hội nghị năm nay có sự tham dự của 52 nhà báo đến từ 47 quốc gia trên thế giới.