Xã hội không tiền mặt ở Thụy Điển

Trong một nhà thờ ở Thụy Điển, tài khoản của nhà thờ hiện ra trên màn hình lớn. Các tín đồ rút điện thoại để kích hoạt ứng dụng thanh toán điện tử và quyên góp tiền vào tài khoản.
Xã hội không tiền mặt ở Thụy Điển

NewYork Times cho biết, có lẽ Thụy Điển là một trong những nơi đang tiến về tương lai không tiền mặt nhanh nhất thế giới. Ở đây, dường như người dân đã quá quen với việc mua hàng qua ứng dụng di động và thẻ tín dụng.

Xã hội không tiền mặt ở Thụy Điển ảnh 1

Bjorn Ulvaneus, cựu thành viên của ban nhạc ABBA huyền thoại, thanh toán bằng thẻ tín dụng tại một quầy hàng trên phố ở thủ đô Stockholm. Ảnh: NewYork Times.

Từ sợ lộ thông tin cá nhân khi thanh toán điện tử
Sự ham thích công nghệ của dân Thụy Điển là lý do khiến các ứng dụng liên quan tới thanh toán điện tử phát triển rầm rộ. Đây cũng là một trong những xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhiều ngân hàng ở Thụy Điển không nhận hay trả tiền mặt nữa.

Trong bảo tàng về ban nhạc ABBA huyền thoại, tiền mặt không xuất hiện trong mọi giao dịch. “Chúng tôi không muốn lạc hậu với thời cuộc bằng cách dùng tiền mặt, trong khi tiền mặt đang biến mất dần”, Bjorn Ulvaeus, cựu thành viên ban nhạc ABBA và là một trong những người quản lý bảo tàng, phát biểu.

Mặc dù vậy, một bộ phận dân chúng không hào hứng với xu hướng mới. Sự phổ biến của thanh toán điện tử khi nhiều tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo về nguy cơ lộ thông tin cá nhân và những tội khác trên mạng. Năm ngoái, số vụ lấy cắp tiền trên mạng tăng lên tới 140.000, tăng hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước, Bộ Tư pháp Thụy Điển thông báo.

Một số người lo ngại công dân lớn tuổi và dân di cư sẽ trở thành tầng lớp ngoài lề xã hội vì họ tiêu tiền mặt. Trong khi đó, những thanh niên quen với việc dùng ứng dụng điện thoại để thanh toán hàng hóa hay vay tiền có nguy cơ mắc nợ cao.

“Vô số nguy cơ xuất hiện khi xã hội bắt đầu bước vào thời đại không tiền mặt”, Bjorn Eriksson, cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Thụy Điển và từng giữ chức Chủ tịch Interpol, bình luận.

Song Ulvaeus và những người ủng hộ trào lưu thanh toán điện tử cho rằng an toàn cá nhân là lý do các quốc gia nên bỏ tiền mặt. Ulvaeus chỉ dùng thẻ tín dụng và các ứng dụng thanh toán sau khi kẻ gian đột nhập căn hộ của con trai ông tại thủ đô Stockholm hai lần.

“Xã hội sẽ an toàn hơn nếu những tên trộm, kẻ cướp không thể bán những thứ mà chúng chiếm đoạt?”, ông nói.

Đồng xu và tiền mặt chỉ còn chiến khoảng 2% tổng lượng tiền trong nền kinh tế Thụy Điển – so với tỷ lệ 7,7% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng EUR. Năm nay, chỉ khoảng 20% giao dịch của người tiêu dùng tại Thụy Điển sử dụng tiền mặt, trong khi con số tương tự trên thế giới là 75%, theo số liệu của Euromonitor International.

Trả tiền bằng thẻ tín dụng vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất ở Thụy Điển – với gần 2,4 tỷ giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong năm 2013, so với 213 triệu giao dịch trước đó 15 năm. Nhưng ngay cả thẻ nhựa (bao gồm thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ) cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt do số lượng người Thụy Điển dùng ứng dụng để giao dịch tài chính tăng mạnh.

Xã hội không tiền mặt ở Thụy Điển ảnh 2

Một bảo tàng không chấp nhận tiền mặt ở Stockholm. Ảnh: NewYork Times.

... đến hầu như không có giao dịch tiền mặt

Tại hơn một nửa chi nhánh của những ngân hàng lớn nhất Thụy Điển – bao gồm SEB, Swedbank, Nordea Bank – người ta không thấy bất kỳ giao dịch tiền mặt nào diễn ra. Nhân viên ngân hàng cũng không nhận khoản tiết kiệm bằng tiền mặt. Họ nói rằng với chính sách không nhận hay trả tiền mặt cho khách, ngân hàng đã loại trừ động cơ của bọn cướp.

Số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy, trong năm 2014, các ngân hàng Thụy Điển giữ khoảng 3,6 tỷ Kronor dưới dạng tiền mặt và đồng xu – giảm mạnh so với con số 8,7 tỷ Kronor trong năm 2010. Người ta đã và đang dỡ hàng trăm máy rút tiền tự động (ATM), thuộc quyền sở hữu của một tập đoàn ngân hàng Thụy Điển, đặc biệt là ở những vùng nông thôn.

Eriksson, người đang điều hành Hiệp hội Các công ty an ninh cá nhân Thụy Điển, cáo buộc các ngân hàng và công ty phát hành thẻ tín dụng đang tìm cách đẩy tiền mặt ra khỏi thị trường để dọn đường cho trào lưu thanh toán tử - hoạt động tạo ra lợi nhuận cho họ từ việc thu phí.

“Loại bỏ tiền mặt không nên là thứ mà các doanh nghiệp tự quyết định. Họ không nên dùng ảnh hưởng của họ trên thị trường để biến Thụy Điển thành xã hội không tiền mặt”, ông bình luận.

Chính phủ không ngăn chặn cơn sóng thanh toán điện tử. Họ hưởng lợi lớn từ trào lưu ấy, bởi nó giúp hoạt động thu thuế trở nên hiệu quả hơn do các giao dịch điện tử luôn để lại dấu vết.

Leif Trogen, một quan chức của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Điển, thừa nhận các ngân hàng kiếm bộn tiền từ việc thu phí trong cuộc cách mạng lật đổ tiền mặt. Nhưng vì các ngân hàng cũng phải chi tiền cho những hoạt động giao dịch tiền mặt, việc giảm sử dụng tiền mặt có ý nghĩa về mặt tài chính đối với họ.

Dĩ nhiên tiền mặt chưa “chết” hẳn. Riksbank, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, dự báo tiền mặt sẽ biến mất, nhưng vẫn tiếp tục tồn tại trong nền kinh tế trong 20 năm nữa. Mới đây Riksbank phát hành loại tiền xu và tiền giấy mới.

Vì sao người dân "chán" tiền mặt?

Nhưng số lượng người bỏ thói quen tiêu tiền mặt đang tăng dần theo thời gian. Tại Đại học Gothenburg, các sinh viên nói họ chỉ sử dụng thẻ tín dụng và ứng dụng thanh toán điện tử. “Chẳng ai dùng tiền mặt nữa. Tôi nghĩ thế hệ chúng tôi có thể sống mà không cần tiền mặt”, Hannah Ek, một sinh viên 23 tuổi, nói.

Nhược điểm của thanh toán điện tử, theo Ek, là nó khiến người ta tiêu tiền mà không nghĩ. “Tôi đã tiêu nhiều tiền hơn. Nhưng nếu tôi cầm một tờ tiền giấy, tôi sẽ đắn đo một chút trước khi tiêu”, cô nói.

Xu hướng mới lan tỏa tới cả những tầng lớp mà chẳng ai nghĩ là có thể tiếp cận phương thức thanh toán điện tử. Stefan Wikberg, 65 tuổi, trở thành người vô gia cư 4 năm trước, sau khi ông mất công việc kỹ thuật viên công nghệ thông tin. Hiện tại ông bán tạp chí cho Situation Stockholm – một tổ chức từ thiện đã cung cấp chỗ ở cho ông. Cựu kỹ sư công nghệ thông tin dùng thiết bị đọc thẻ di động để nhận tiền của khách, bởi giờ đây rất ít người mua bằng tiền mặt.

“Khi khách nói họ không có tiền lẻ, tôi nói họ có thể thanh toán bằng thẻ hoặc thậm chí tin nhắn SMS”, Wikberg kể. Doanh số của ông tăng 30% từ khi ông dùng thiết bị đọc thẻ tín dụng từ hai năm trước.

Soren Eskilsson, một linh mục của nhà thờ Filadelfia tại Stockholm, nói rằng chỉ vài người trong số khoảng 1.000 giáo dân ở đây mang theo tiền mặt. Vì thế nhà thờ cũng phải thích nghi với hoàn cảnh.

Trong một buổi lễ chủ nhật gần đây, số tài khoản ngân hàng của nhà thờ xuất hiện trên một màn hình lớn. Các giáo dân rút điện thoại và kích hoạt một ứng dụng mang tên Swish. Nó là hệ thống thanh toán điện tử do những ngân hàng lớn nhất Thụy Điển thành lập. Hiện nay Swish là đối thủ lớn nhất của thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Một số người đi tới máy rút tiền “Kollektomat”, nơi họ có thể chuyển khoản tới tài khoản của nhà thờ. Năm ngoái, nhà thờ nhận 20 triệu Kronor từ giáo dân và 85% số đó tới tài khoản bằng giao dịch điện tử.

“Mọi người quyên nhiều tiền hơn cho nhà thờ vì nó là tiền điện tử, đồng thời phương thức chuyển khoản cũng đơn giản. Chi phí dành cho an ninh của nhà thờ cũng giảm vì không phải xử lý nhiều tiền mặt như thời gian trước”, Eskilsson nói.

Bất chấp những điểm thuận lợi, ngay cả một số người đang hưởng lợi từ xã hội không tiền mặt vẫn nhìn ra những hạn chế của nó.

“Thụy Điển là một trong những tiên phong về công nghệ, vì thế chúng tôi chấp nhận trào lưu thanh toán điện tử một cách dễ dàng. Nhưng chính phủ có thể theo dõi mọi hoạt động của công dân nếu họ chỉ thanh toán điện tử”, Jacob de Geer, người sáng lập hãng chế tạo máy đọc thẻ iZettle, nhận định.

Nhưng Ulvaeus không lo ngại về nguy cơ mà de Geer đề cập.

“Mọi thứ hiện nay đều cho thấy xã hội không tiền mặt sẽ là xu thế tất yếu. Xã hội không tiền mặt là suy nghĩ không tưởng, song chúng tôi đã tiến rất gần tới nó”, ông nói.

Cựu thành viên ABBA dừng lại tại một quầy bán xúc xích để mua. Nhưng khi ông thanh toán, máy đọc thẻ của người mua hỏng.

“Xin lỗi, nhưng ngài sẽ phải dùng tiền mặt”, người bán hàng nói.

Theo Zing.vn

Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.