Ánh sáng công nghệ

(Ngày Nay) - Nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ và các thiết bị hỗ trợ đặc biệt, ngày nay những người mù lòa (gồm người mù và người khiếm thị) có cơ hội ngày càng lớn để nhận diện và hòa nhập thế giới xung quanh.
Ánh sáng công nghệ

1. Rất nhiều suy nghĩ hiện ra trong đầu Chieko Asakawa khi cô đi bộ dọc ký túc xá Đại học Carnegie Mellon (CMU) ở thành phố Pittburgh, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Chiếc gậy giúp cô dò đường phía trước. Cô đếm số bước chân khi đi từ tòa nhà này sang tòa nhà khác. Cô chỉ ghi nhớ được vài con đường. Cô băn khoăn tự hỏi liệu những tiếng "Xin chào" mà cô nghe thấy trên đường là từ những người muốn chào cô, hay chỉ là họ đang nói chuyện qua di động. Cô lo lắng có một con chó đâu đó lao tới, bởi cô rất sợ chó. Bất cứ sự xao lãng nào do mưa, tiếng ồn xây dựng, tiếng nói chuyện của sinh viên... gây ra cũng có thể ảnh hưởng khả năng nhận biết môi trường xung quanh của cô.

Ánh sáng công nghệ ảnh 1

Nhà khoa học máy tính Chieko Asakawa

 Asakawa - người mãi mãi không còn nhìn thấy ánh sáng sau một tai nạn vào năm 14 tuổi - là một nhà khoa học máy tính và làm việc cho chi nhánh Hãng công nghệ IBM (Mỹ) tại Tokyo, Nhật Bản từ năm 1982. Được ghi danh là một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất trong ngành công nghệ thông tin toàn cầu, Asakawa luôn suy nghĩ cách làm cho người khiếm thị dễ dàng tiếp cận với máy tính để thu hẹp khoảng cách với người bình thường. Cô nhận thấy rằng nếu không hành động kịp thời, khoảng cách này sẽ ngày càng xa vời trong kỷ nguyên công nghệ thông tin.

Asakawa đã thiết kế và phát triển rất nhiều công nghệ hiện đại hàng đầu dành cho người khiếm thị, tiêu biểu như thư viện kỹ thuật số các văn bản viết bằng chữ nổi Braille, trình duyệt đa phương tiện Accessibility Browser cho phép người khiếm thị truy cập các nội dung âm thanh và hình ảnh trực tuyến trên Internet dễ dàng...

Vào năm 1997, lần đầu tiên trên thế giới, nhóm nghiên cứu của Asakawa tại IBM Nhật Bản đã đưa ra một trình duyệt web được thiết kế đặc biệt có khả năng phát âm nội dung của các trang web và phần mềm giúp cho những người thiết kế trang web chuyển đổi định dạng các trang web của mình sao cho phù hợp và dễ đọc đối với những người khiếm thị hay mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Internet với sự hỗ trợ của phần mềm này cho phép người khiếm thị tự mình làm được nhiều điều mà lẽ ra trước đây họ phải cần rất nhiều đến sự giúp đỡ.

Asakawa và các cộng sự đang triển khai một dự án mới mang tên "NavCog". Sử dụng các “điểm hiệu” beacon (thiết bị điện tử nhỏ phát ra tín hiệu bluetooth năng lượng thấp) xung quanh ký túc xá Đại học CMU, “NavCog” cho phép người dùng liên kết với các beacon thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Sau đó, một giọng nói tương tự “trợ lý ảo Siri” sẽ hướng dẫn người dùng từng bước đi trong ký túc xá.

Với beacon có khả năng nhận diện gương mặt, nhóm nghiên cứu của Asakawa hy vọng “NavCog” có thể giúp người khiếm thị nhận diện những đồng nghiệp quen biết trong dòng người ngang qua, thậm chí thông báo cho họ biết rằng người họ gặp đang nghe điện thoại hay có dắt chó. Hệ thống này có thể giúp Asakawa đi lại trong ký túc xá dễ dàng hơn. Asawaka tưởng tượng một ngày không xa khi bước vào quán cà-phê, các beacon sẽ liên kết với điện thoại di động của cô và hướng dẫn cô tới quầy tính tiền. Sau đó, chiếc di động này sẽ đọc cho cô nghe menu đồ uống, quét các khu vực còn bàn trống và hướng dẫn cô đi tới đó. Nhờ một gadget (ứng dụng nhỏ cung cấp thông tin) luôn hoạt động trên di động và tự động thu thập thông tin, Asawaka cuối cùng có thể thả lỏng và cho trí óc bay bổng.

Ánh sáng công nghệ ảnh 2Ứng dụng “Be My Eyes”

Từ năm 2016, với tư cách là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Đại học CMU, Asakawa bắt đầu giảng dạy về công nghệ hỗ trợ (assistive technology). Công nghệ này để chỉ các thiết bị được thiết kế đặc biệt nhằm giúp người mù lòa hoặc người khuyết tật khác hồi phục và thích ứng với cuộc sống dễ dàng hơn. Trên thế giới, các nhà sản xuất công nghệ hỗ trợ cho người mù lòa hiện đang nỗ lực phát triển các phần mềm xác định và giải thích những gì đang hiển thị trên màn hình điện tử (screen reader) cho người mất thị giác hoàn toàn; các phần mềm phóng đại hình ảnh, chữ và đồ họa trên máy tính (screen magnifier) cho người khiếm thị; các thiết bị đọc và viết cho người khiếm thị; các máy in và đồng hồ chữ nổi Braille; các phần mềm định vị và chỉ dẫn đường (GPS); các loại kính thông minh cải thiện tầm nhìn; gậy thông minh...

 2. Một vài thập kỷ trước, các công nghệ hỗ trợ người mù lòa khá cồng kềnh và đắt tiền. Tới nay, nhiều “ông lớn” trong làng công nghệ đã nhận thấy tiềm năng thị trường và dành một nguồn lực lớn cho việc phát triển các ứng dụng, tiện ích cho người mù và khiếm thị. Người mù và khiếm thị đã được trang bị các thiết bị hỗ trợ gọn nhẹ, rẻ hơn, đáp ứng nhu cầu hàng ngày và có thể mua ở khắp nơi.

Vào giữa những năm 1970, Ray Kurzweil là người đầu tiên phát triển phần mềm nhận dạng ký tự quang học và tiếp sau đó là sự ra đời của Kurzweil Computer Machine, máy đọc đầu tiên dành cho người khiếm thị. Sau đó, thị trường đã có những loại màn hình hiển thị chữ nổi Braille nhưng có giá lên tới hàng ngàn USD và chỉ hiển thị được một dòng chữ Braille, do đó, mỗi lần người dùng chỉ có đọc được vài chữ.

Đến đầu năm 2017, hãng công nghệ khởi nghiệp Blitab có trụ sở tại Vienna, Áo tuyên bố đã thiết kế và chuẩn bị tung ra thị trường chiếc máy tính bảng đầu tiên có màn hình cảm ứng hiển thị chữ nổi cho người mù. Với một nút bấm màu bạc ở một bên của thiết bị, khi người dùng bấm chọn, nền tảng công nghệ tích hợp bên trong chiếc máy tính bảng đặc biệt này sẽ chuyển đổi các văn bản trên website hoặc các nguồn tài liệu kỹ thuật số thành dạng chữ nổi Braille để những người mù có thể đọc được dễ dàng. Có giá dự kiến khoảng 500 USD/chiếc (hơn 11 triệu đồng), chiếc máy tính bảng của hãng Blitab có khả năng hiển thị được tới 14 dòng chữ Braille.

Ánh sáng công nghệ ảnh 3

Công nghệ hỗ trợ người mù lòa

Với sự phát triển của công nghệ, ngay cả khi không có chữ nổi, người mù vẫn có thể xem được các văn bản nhờ các phần mềm thông minh đọc văn bản. Ví dụ sản phẩm có tên HanSight là sự kết hợp giữa phần mềm thông minh đọc văn bản và một camera nhỏ xíu, do các nhà phát triển đến từ Đại học Maryland (Mỹ) thực hiện.

Camera có thể được giữ chắc trên ngón tay như một chiếc nhẫn trong khi phần còn lại của thiết bị bao quanh cổ tay. Người dùng di chuyển ngón tay theo văn bản, máy quay sẽ ghi lại và đọc to từ đó. Tín hiệu âm thanh và rung động nhẹ nhàng hướng dẫn người dùng biết khi nào xuống dòng hoặc nhắc họ cần điều chỉnh vị trí ngón tay. Qua thử nghiệm, người khiếm thị có thể đọc được từ 63-81 từ/phút. Con số này thấp hơn so với 90 - 115 từ/phút như một người chuyên đọc chữ nổi và thấp hơn so với 200 từ/phút của người có mắt bình thường. Mặc dù vận tốc đọc của thiết bị này còn chậm hơn so với đọc chữ nổi truyền thống, nhưng nó vẫn được coi là thiết bị tiềm năng, công cụ hữu ích cho người mù lòa

Trong số các thiết bị công nghệ hiện đại, điện thoại di động thông minh là công cụ phổ biến nhất để áp dụng công nghệ hỗ trợ cho người mù lòa, với nhiều loại GPS và ứng dụng nhận diện vật thể. Issac Abdinoor bị suy giảm thị lực nghiêm trọng vào năm 2004 do bệnh viêm thần kinh thị giác Leber.

Chàng thanh niên 32 tuổi lo lắng tìm cách duy trì công việc trong ngành bất động sản. Abdinoor đã tiêu tốn hàng nghìn USD cho các thiết bị hỗ trợ người khiếm thị. Anh mua công cụ phóng đại trên máy tính có tên là “Zoom Text” với giá 1.200 USD (hơn 27 triệu VND).

Anh cũng thử sắm hàng loạt thiết bị phóng đại vật thể vừa to, vừa đắt tiền. Cuối cùng, anh không còn đủ tài chính để mua các hệ thống GPS cồng kềnh có mặt trên thị trường lúc đó. Giờ đây, tất cả mọi thứ Abdinoor cần đều hiện hữu qua chiếc di động thông minh của anh. Abdinoor không thể tiếp tục công việc bất động sản đòi hỏi xử lý giấy tờ quá nhiều. Tuy nhiên, anh đã chuyển sang công việc mới mà một người khiếm thị khó có thể mơ tới vào một thập kỷ trước, đó là nghề pha chế cocktail.

Nhìn vào di động của bất cứ người mù lòa nào ở những nước phát triển, bạn sẽ thấy hàng loạt ứng dụng hỗ trợ đặc biệt. Ví dụ BlindSquare sử dụng GPS để chỉ cho người mù qua đường. VizWiz cho phép người khiếm thị có thể hỏi ứng dụng (bằng giọng nói) về những hiển thị trên smartphone hay những hình ảnh mà họ chưa xác định được nó là gì. Ứng dụng VizWiz và các bạn bè trong friend-list mạng xã hội của người dùng sẽ nhận các thông tin về hiển thị này để có phản hồi nhanh nhất.

Được coi là một cuộc “cách mạng công nghệ” cho người khiếm thị, ứng dụng “Be My Eyes” (Hãy là đôi mắt của tôi) do một công ty phát triển ứng dụng tại Đan Mạch tên là Robocat phát hành nhằm kết nối người khiếm thị với các tình nguyện viên qua một kết nối video từ xa. Qua camera của smartphone, người khiếm thị có thể cho tình nguyện viên thấy những gì họ đang tiếp xúc với thế giới thực và khi nhận được thông báo, chỉ trng vòng chưa đầy 1 phút, các tình nguyện viên sẽ trợ giúp họ với bất kỳ vấn đề gì. Hơn 35.000 người khiếm thị đã đăng ký sử dụng “Be My Eyes” cùng với khoảng 500.000 tình nguyện viên tham gia trợ giúp. Jose Ranola, 55 tuổi - người Philippines mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố, cho biết: “Tôi thường sử dụng ứng dụng này để đọc tên thuốc và các loại giấy tờ. Các trải nghiệm của tôi đều rất tốt. Các tình nguyện viên đều rất nhiệt tình”.

Hãng công nghệ Microsoft cũng vừa giới thiệu Seeing A.I – ứng dụng vận hành bằng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị định hướng và cảm nhận được cuộc sống. Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại thông minh, đi kèm cùng với một chiếc kính mắt đặc biệt. Qua đó, Seeing AI sẽ mô tả những sự vật xung quanh khi người dùng hướng máy ảnh điện thoại vào các vật trước mặt. Ứng dụng thậm chí còn có thể nhận biết những người mà nó đã từng nhìn thấy, phân tích biểu cảm trên khuôn mặt người để dự đoán tâm trạng, quét mã vạch, đọc tài liệu và nhận diện tiền giấy. Đây được cho là công cụ mạnh mẽ có khả năng đóng vai trò “đôi mắt ảo” dành cho người khiếm thị. Hiện ứng dụng này đã có mặt trên kho ứng dụng dành cho người dùng hệ điều hành iOS tại Mỹ.

Có thể nói, các công nghệ hỗ trợ đang giúp người khuyết tật, trong đó có người mù lòa, sống độc lập và tham dự đầy đủ hơn vào mọi lĩnh vực đời sống (ở nhà, ở trường, trong cộng đồng), đồng thời tăng cơ hội cho họ được giáo dục, tương tác xã hội và tìm kiếm việc làm.

Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.