Cuộc cách mạng nhà vệ sinh ở Ấn Độ

(Ngày Nay) - Một vụ ly hôn chưa từng có tiền lệ ở Ấn Độ: Người vợ 24 tuổi muốn chia tay bởi người chồng không chịu xây công trình phụ cho gia đình, mặc cho cô nhiều lần thỉnh cầu. Suốt 6 năm sống chung với chồng, cô phải tắm rửa và đi vệ sinh ngoài trời.
Cuộc cách mạng nhà vệ sinh ở Ấn Độ

Sau hai năm đệ đơn, hồi cuối tháng 8 vừa qua, cô đã được một tòa án gia đình ở thành phố Bhilwara giải quyết cho ly hôn. Trong phán quyết, thẩm phán tuyên bố rằng, việc không có nhà vệ sinh là một “tội ác” đối với người vợ, và là lý do chính đáng để hủy bỏ cuộc hôn nhân này.

Vụ ly hôn ở thành phố Bhilwara là “vô tiền”, nhưng sẽ không phải là “khoáng hậu” ở Ấn Độ. Đất nước Nam Á này hiện có số người phóng uế cao nhất thế giới. Thói quen phóng uế đã gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng và xã hội nan giải, đặc biệt là với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em và phụ nữ. Tuy nhiên, đây là một tập tục đã đi vào tiềm thức của người dân nước này và khó có thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai.

Văn hóa phóng uế

Cựu Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Jairam Ramesh đã mô tả đất nước của chính mình bằng cụm từ “nhà vệ sinh lộ thiên lớn nhất thế giới”. Thực tế là tại Ấn Độ, có tới 600 triệu người có thói quen phóng uế ngoài trời, chiếm 60% số người phóng uế trên toàn thế giới. Số người sử dụng điện thoại di động ở Ấn Độ còn đông hơn số người sử dụng nhà vệ sinh. Trong khi có tới 75% dân số Ấn Độ sở hữu điện thoại di động, chỉ có 50% hộ gia đình có công trình phụ.

Thói quen phóng uế phổ biến nhất ở các làng mạc vùng nông thôn, nơi có tới 65% dân số làm điều này. Ở khu vực thành thị, tỉ lệ này cũng lên tới 16%. Thói quen này đã ăn sâu bám rễ trong người dân bởi rất nhiều lý do. Một trong số đó là việc một phần lớn nhà vệ sinh không đủ tiêu chuẩn: Đèn thắp sáng không đảm bảo hoặc thường xuyên bị nghẽn tắc. Tuy nhiên, lý do sâu xa và lớn nhất chính là rào cản tâm lý của người dân ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Cuộc cách mạng nhà vệ sinh ở Ấn Độ ảnh 1

Khi được hỏi, rất nhiều người ở các khu vực nông thôn Ấn Độ bày tỏ sự ngần ngại không muốn từ bỏ thói quen phóng uế ngoài trời, cho dù họ có được cung cấp nhà vê sinh miễn phí. Rất nhiều người dù trong nhà đã có công trình phụ nhưng vẫn thường xuyên phóng uế bừa bãi.

Trong 40% các gia đình có công trình phụ, có ít nhất một thành viên trong gia đình không bao giờ dùng đến nó. Phần lớn nông dân Ấn Độ đều cho rằng, phóng uế ngoài trời là việc đầu tiên nên làm trong ngày, bởi điều này không chỉ cung cấp phân bón tự nhiên cho cánh đồng, mà còn giúp làm thanh sạch hệ tiêu hóa và sảng khoái tinh thần. Họ cũng cho rằng, việc xây dựng công trình phụ sẽ khiến ngôi nhà của mình trở nên xú uế. Bên cạnh đó, bộ luật Manu có lịch sử 2000 năm của Hindu giáo cũng được cho là khuyến khích các tín đồ phóng uế ngoài trời. Nhiều thế hệ trẻ em Ấn Độ đã quá quen với việc ông bà, cha mẹ chúng phóng uế tự do và coi đây là lẽ thường tình.

Nhà vệ sinh công cộng cũng là thứ không mấy được người Ấn Độ ưa chuộng do sự phân tầng mạnh mẽ trong xã hội. Người không cùng giai tầng, tôn giáo và địa vị kinh tế thường không sẵn sàng dùng chung nhà vệ sinh, mặc dù họ có thể là hàng xóm láng giềng với nhau.

Nguy cơ y tế cộng đồng

Thói quen không dùng nhà vệ sinh đang khiến người Ấn Độ phải trả cái giá không nhỏ. Phóng uế bừa bãi là một nguyên nhân chính dẫn tới các ca tử vong do tiêu chảy. Theo thống kê năm 2015, cứ mỗi giờ lại có 13 đứa trẻ dưới 5 tuổi thiệt mạng vì bệnh tiêu chảy trên đất nước này. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã cho thấy thói quen sinh hoạt mất vệ sinh cản trở sự phát triển thể lực của trẻ em. Trẻ nhỏ có xu hướng cho đồ vật vào miệng.

Tại các khu vực nông thôn nơi tình trạng phóng uế bừa bãi xảy ra tràn lan, trẻ em phải tiêu hóa các loại mầm bệnh phát sinh từ chất thải của động vật và con người. Chúng mang trong người một lượng lớn vi khuẩn, kí sinh trùng và virus gây ra các bệnh đường ruột. Kết quả cuối cùng là một thể trạng ốm yếu, còi cọc và suy dinh dưỡng. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, thói quen phóng uế bừa bãi là nguyên nhân của việc có tới 50% trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng.

Cuộc cách mạng nhà vệ sinh ở Ấn Độ ảnh 2

Mật độ dân số dày đặc ở Ấn Độ cũng đồng nghĩa với ngay cả ở khu vực nông thôn, chất thải con người cũng có thể dễ dàng tiếp xúc với vườn tược, nguồn nước sinh hoạt và đồ ăn thức uống hàng ngày.

Một nghiên cứu dân số cho chính phủ tiến hành cũng đã cho thấy mối liên hệ giữa thói quen phóng uế bừa bãi và tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Khi so sánh các hộ dân là người Hồi giáo và Hindu giáo, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ các gia đình Hồi giáo phóng uế ngoài trời thấp hơn các gia đình Hindu giáo là 25%, và tỉ lệ tử vong của trẻ em ở các gia đình Hồi giáo cũng thấp hơn, dù người Hồi giáo ở Ấn Độ nghèo hơn và có mặt bằng giáo dục thấp hơn người Hindu. Ở những khu vực mà người Hồi giáo phóng uế nhiều hơn người Hindu giáo, tỉ lệ tử vong trẻ em cũng theo đó mà tăng.

Vấn đề bình đẳng giới

Đằng sau thói quen phóng uế ngoài trời của rất nhiều người dân Ấn Độ, là một vấn đề về bình đẳng giới đầy nhức nhối trong xã hội nước này. Nếu một người đàn ông có thể tự do phóng uế bất cứ thời điểm nào trong ngày, thì người phụ nữ phải chọn lúc tối trời và nơi vắng vẻ. Sự bất tiện khiến nhiều người phải hạn chế ăn uống trong ngày, dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe cũng như tình trạng suy kiệt thể lực.

Tại Ấn Độ, nơi tình trạng bạo lực chống lại phụ nữ đã và đang diễn ra một cách báo động, thì thói quen phóng uế ngoài trời còn dẫn đến những nguy cơ mất an toàn rất thực tế.

Ở bang Uttar Pradesh, đã xảy ra trường hợp hai chị em gái bị cưỡng hiếp, giết hại và treo thi thể lên cây khi đi vệ sinh ở chỗ vắng lúc tối trời. Các nhà điều tra cũng thừa nhận rằng, 95% số phụ cưỡng dâm ở Ấn Độ xảy ra khi phụ nữ ra ngoài một mình lúc tối trời để đi vệ sinh. Thực trạng tương tự cũng xảy ra ở một số nước châu Phi như Kenya, Zimbabwe và Somalia. Bởi vậy, có thể phần nào kết luận rằng có một mối liên hệ trực tiếp giữa tình trạng tội phạm và thói quen phóng uế ngoài trời.

Trở lại câu chuyện của người phụ nữ 24 tuổi ở thành phố Bhilwara. Suốt những năm tháng hôn nhân, mỗi ngày cô phải chờ từ buổi sáng đến lúc tối trời để có thể đi đại tiểu tiện ngoài cánh đồng. Nhưng trước tòa, người chồng cho rằng, việc vợ anh ta đòi xây nhà vệ sinh là một yêu sách vô lý bởi hầu hết phụ nữ trong làng cũng đi vệ sinh ngoài trời. Người chồng cũng cho rằng mình đang bị làm khó dễ do gia đình vợ đã không đặt vấn đề xây nhà vệ sinh trước khi đám cưới diễn ra.

Tòa án đã đứng về phía người vợ với một phán quyết rất đáng suy nghĩ: “Chúng ta bỏ tiền ra mua thuốc lá, rượu bia và điện thoại di động, nhưng lại không muốn xây nhà vệ sinh để bảo vệ phẩm giá của gia đình mình. Ở nông thôn, phụ nữ phải chờ tới khi mặt trời lặn mới được đi vệ sinh. Đây không chỉ là một sự hành xác tàn nhẫn, mà còn xúc phạm đến phẩm hạnh của người phụ nữ”.

Tuy nhiên, nhiều lời bình luận trên mạng xã hội, phần lớn là từ nam giới, về vụ ly hôn này lại thể hiện một luồng quan điểm trái ngược, đáng lo ngại. Họ chỉ trích tòa án đã giải quyết ly hôn với lý do không thỏa đáng, thiên vị phụ nữ và làm cho nam giới mất niềm tin vào hôn nhân. Thậm chí, họ còn buộc tội người vợ ngoại tình hoặc kiếm cớ ly hôn để tranh giành tài sản của chồng. 

Cuộc cách mạng chưa thấy hồi kết

Câu cảm thán về “nhà vệ sinh lộ thiên lớn nhất thế giới” của cựu Bộ trưởng Phát triển nông thôn Ấn Độ phản ánh chính xác nhận thức trung thực và thẳng thắn của chính phủ Ấn Độ về thực trạng phóng uế bừa bãi ở nước mình. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tiến hành những chiến dịch quyết liệt hướng tới mục tiêu “phổ cập nhà vệ sinh”, xóa bỏ hoàn toàn thói quen phóng uế ngoài trời vào năm 2019.

Khởi đầu có thể kể đến sáng kiến “Không nhà vệ sinh, không lấy được vợ” được chính quyền địa phương bang Haryana khởi xướng từ hơn 10 năm trở về trước. Sáng kiến kêu gọi các gia đình trước khi gả con gái phải yêu cầu nhà trai xây công trình phụ. Chỉ trong 4 năm đầu tiên tiến hành, sáng kiến này đã khiến số hộ gia đình có công trình phụ tại bang Haryana tăng lên 21%. Sáng kiến “Không nhà vệ sinh, không lấy được vợ” nhanh chóng lan ra cả nước. Một số ngôi làng như làng Brahmaputhi ở bang Uttar Pradesh còn lập hương ước không cưới gả phụ nữ trong làng cho những gia đình không có công trình phụ.

Nhưng cuộc cách mạng nhà vệ sinh ở Ân Độ đã thực sự bùng nổ từ năm 2014, khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phát động một chiến dịch toàn quốc có tên “Sứ mệnh Ấn Độ sạch”, đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là lắp đặt 75 triệu nhà vệ sinh với tổng trị giá gần 10 tỷ USD và xóa bỏ hoàn toàn tình trạng phóng uế ngoài trời trên khắp cả nước chỉ trong vòng 5 năm. Trong 3 năm đầu của chiến dịch, Ấn Độ đã cán mốc xây dựng được 50 triệu nhà vệ sinh, tăng số hộ gia đình có công trình phụ từ gần 42% vào năm 2014 lên 64% năm 2017. Trung bình, cứ mỗi ngày có 25.000 nhà vệ sinh được xây dựng mới.

Tuy nhiên, số lượng nhà vệ sinh được xây mới không phản ánh chính xác những chuyển biến trong thói quen vệ sinh của người Ấn Độ. Khảo sát độc lập của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ấn Độ cho thấy, chiến dịch “Sứ mệnh Ấn Độ sạch” vấp phải khá nhiều bất cập như khai báo trợ giá không trung thực, tỉ lệ ngân sách giành cho các hoạt động thông tin, giáo dục, nâng cao nhận thức quá thấp, và việc xây dựng nhà vệ sinh mới chưa đi liền với những giải pháp đồng bộ khác như nước sạch, hệ thống thoát nước và quản lý chất thải rắn.

Kết quả là tại một số nơi, có tới 36% gia đình có công trình phụ cho biết nhà vệ sinh của họ không thể sử dụng được.

Xóa bỏ thói quen phóng uế ngoài trời ở Ấn Độ xem vẫn là một cuộc cách mạng chưa thấy hồi kết.

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.