Cứu sống sản phụ nguy kịch do mất máu sau sinh

Bệnh viện HNĐK Nghệ An vừa phẫu thuật, cứu sống thành công một sản phụ nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc trụy mạch do mất máu nhiều sau sinh, nguy cơ tử vong ngay lập tức.
Cứu sống sản phụ nguy kịch do mất máu sau sinh

Ngày 21/1, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết vừa phẫu thuật, cứu sống thành công một sản phụ nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc trụy mạch do mất máu nhiều sau sinh, nguy cơ tử vong ngay lập tức.

Trước đó 4 ngày, sản phụ Luyện Thị Thuyên (35 tuổi, huyện Yên Thành) sinh mổ con thứ 3 tại Bệnh viện huyện. Sau sinh, sản phụ bị vỡ tử cung, băng huyết.

Mặc dù đã được các bác sỹ Bệnh viện tuyến dưới phẫu thuật cấp cứu cắt tử cung bán phần để cầm máu, nhưng sản phụ vẫn bị băng huyết ồ ạt, dần rơi vào trạng thái sốc. Ngay lập tức, sản phụ được chuyển tuyến cấp cứu lên Bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Lúc nhập viện tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, sản phụ Thuyên đã rơi vào tình trạng nguy kịch, đe dọa tử vong gần, cơ hội sống chỉ còn dưới 5%.

Nhận thấy sóng điện tâm đồ của bệnh nhân vẫn còn, ê kip liên khoa Hồi sức Ngoại khoa, Sản, Cấp cứu nỗ lực tiến hành hồi sức, cố gắng cứu sống bệnh nhân bằng mọi cách.

Một cuộc hội chẩn từ xa qua điện thoại với chuyên gia được ê kip cấp cứu tiến hành. Được sự tư vấn từ chuyên gia, các bác sỹ tiến hành cấp cứu nhanh, cố gắng giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Cứu sống sản phụ nguy kịch do mất máu sau sinh ảnh 1

Bệnh nhân Luyện Thị Thuyên được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa.

Sau nỗ lực cấp cứu ban đầu, nhịp tim của sản phụ Thuyên đã dần ổn định, huyết áp đo được 90/60 mmHg (dưới sự hỗ trợ của thuốc vận mạch liều cao), ý thức tiến triển hơn, sản phụ được chuyển ngay vào phòng mổ cấp cứu.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân nhiều lần ngừng tim, tưởng chừng tử vong ngay trên bàn phẫu thuật cấp cứu. Nhưng với tinh thần tận tụy, cùng các phương tiện thiết bị hiện đại và nguồn máu sẵn có, các bác sỹ đã giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Đến nay, bệnh nhân cắt được thuốc vận mạch, cai được máy thở. Đến nay, bệnh nhân đã tỉnh táo và tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng hào lên, bước đầu vận động nhẹ được trên giường bệnh.

Hiện tượng băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh (BHSS) hiện nay vẫn còn là một trong những tai biến sản khoa đứng hàng đầu gây tử vong cho mẹ trên thế giới và Việt Nam. Mặc dù các điều kiện cơ sở y tế ngày càng được nâng cao, chất lượng về máy móc và trình độ của đội ngũ cán bộ y tế đã tiến bộ vượt bậc so với nhiều thập niên trước, nhưng BHSS vẫn còn là một tai biến đáng sợ đối với các bác sĩ sản khoa.

Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 515.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở, trong đó 130.000 phụ nữ chảy máu cho đến chết trong khi sinh. Theo WHO thống kê năm 1998, có 100.000 ca tử vong mỗi năm do BHSS, chiếm 25% tử vong mẹ.

Còn tại Việt Nam, theo nhiều tác giả, tỷ lệ băng huyết sau sinh chiếm từ 3%-8% tổng số sinh. Trong danh mục 5 tai biến sản khoa của toàn quốc, BHSS là tai biến thường gặp nhất (chiếm 50%) và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất (chiếm 78,8%).

Triệu chứng băng huyết sau sinh

Chảy máu từ đường sinh dục: lượng máu chảy ra ngoài có thể nhiều hoặc ít, máu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu cục hoặc máu loãng.

Máu chảy ứ trong buồng tử cung làm tử cung tăng thể tích: đáy tử cung lên cao dần, tử cung to ra theo bề ngang, mềm nhão. Không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ. Lượng máu đem cân được không phản ánh toàn bộ lượng máu sản phụ mất, vì vậy còn phải đánh giá toàn trạng của sản phụ.

Các dấu hiệu toàn trạng chung mất máu: da xanh niêm nhợt, tay chân lạnh, khát nước, mạch nhanh, huyết áp giảm.

Xét nghiệm: giảm hồng cầu, hemoglobin, huyết sắc tố, rối loạn đông máu….

Biến chứng: Tuỳ thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức, cầm máu có tích cực hay không, BHSS có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau:

Choáng do giảm thể tích tuần hoàn, đưa đến suy thận, suy đa cơ quan và tử vong.

Là yếu tố thuận lợi của nhiễm trùng hậu sản.

Biến chứng lâu dài: thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên dẫn đến suy nhược, gầy ốm, rụng lông tóc, mất sữa, vô kinh), không thể có thêm con trong trường hợp phải cắt tử cung.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Đờ tử cung (nghĩa là tử cung không thể co hồi nhỏ lại sau khi thai nhi đã ra): là nguyên nhân thường gặp nhất. Các yếu tố có thể dẫn đến đờ tử cung gồm: Chất lượng cơ tử cung kém, tử cung quá căng, chuyển dạ kéo dài, giục sinh lâu với oxytocin hoặc chuyển dạ quá nhanh do cơn co tử cung cường tính, nhiễm trùng ối, thai phụ bị suy nhược, thiếu máu, gây mê sâu, bất thường của bánh nhau, tổn thương đường sinh dục, vỡ tử cung, rách cổ tử cung và âm đạo, rối loạn đông máu.

Chẩn đoán băng huyết sau sinh dựa vào triệu chứng chảy máu, dấu hiệu mất máu và chảy từ đường sinh dục trong vòng 24 giờ sau sinh.

Điều trị băng huyết sau sinh

Khi BHSS xảy ra, cần nhanh chóng tiến hành các phương pháp cầm máu và hồi sức tích cực, vừa kết hợp kiểm tra nguyên nhân vừa tiến hành điều trị song song.

Hồi sức tích cực: Cho sản phụ nằm đầu thấp, thở oxy, xoa bóp đáy tử cung qua thành bụng, đè động mạch chủ bụng để giảm lượng máu đến tử cung. Đảm bảo huyết động bệnh nhân ổn định. Theo dõi huyết áp, mạch, tri giác, nhịp thở, niêm mạc thường xuyên. Truyền dịch, truyền máu, tiểu cầu, yếu tố đông máu, thuốc vận mạch khi có chỉ định.

Xác định nguyên nhân gây BHSS và điều trị theo nguyên nhân. Việc xác định kịp thời nguyên nhân gây BHSS là vô cùng quan trọng, vì nó giúp cho người bác sĩ điều trị nhanh chóng xử trí nguyên nhân bên cạnh việc hồi sức chống sốc. Chỉ có loại bỏ được nguyên nhân thì mới có thể chấm dứt được chảy máu.

Cắt tử cung: là cứu cánh cuối cùng nhằm cứu tính mạng người mẹ. Có thể nghĩ đến phương pháp này đầu tiên trong trường hợp bệnh nhân đã đủ số con và lớn tuổi. Đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa đủ con, có thể dùng thuyên tắc mạch hoặc thắt động mạch tử cung hoặc động mạch hạ vị hai bên. Cắt tử cung chỉ có chỉ định tuyệt đối trong trường hợp nhau cài răng lược.

Dự phòng băng huyết sau sinh

Để giảm được tần suất và tỷ lệ tử vong do băng huyết sau sinh, cần dự phòng băng huyết trước khi nó xảy ra. Do có đến 90% các trường hợp không có yếu tố nguy cơ trước đó gây BHSS, nên cần dự phòng cho tất cả các trường hợp sinh nở. Một số nguyên tắc dự phòng cần luôn nhớ bao gồm:

Tránh chuyển dạ kéo dài.

Phòng ngừa nhiễm trùng ối.

Sử dụng cẩn thận các loại thuốc tê, mê, giảm đau trong chuyển dạ.

Điều chỉnh các rối loạn đông máu nếu có.

Không thực hiện các thủ thuật giúp sinh nếu không có chỉ định rõ ràng hoặc khi chưa đủ điều kiện. Khi làm thủ thuật phải bảo đảm nhẹ nhàng, thực hiện đúng kỹ thuật.

P.V

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tại lễ gắn biển công trình đạt giải Đặc biệt giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ III đối với Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.
Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) -  Chiều 15/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ gắn biển đạt giải Đặc biệt trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là sự kiện chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).