Làm gì khi bị sốt giữa mùa dịch sốt xuất huyết?

(Ngày Nay) - Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh. Bên cạnh nhiều người lo lắng thái quá, thì cũng có không ít người “bình chân như vại” khi có biểu hiện sốt.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc đang khám cho một bệnh nhân sốt xuất huyết
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc đang khám cho một bệnh nhân sốt xuất huyết

Sút cân, nhập viện vì tưởng sốt thường

Do chỉ có dấu hiệu ban đầu là sốt nên nhiều người bệnh đã rất chủ quan khiến khi đến khám là phải nhập viện luôn.

Chị B.T.V (Cầu Bươu, Hà Đông) sốt cao suốt 2 ngày đầu tháng 7. Dứt sốt là cảm giác mệt lử. Dù cố gắng nhưng chị V. không sao ăn được.

Bạn bè biết tin khuyên chị nhập viện vì đang mùa dịch sốt xuất huyết nhưng chị kiên quyết không đi vì nghĩ rằng chị mệt, không muốn ăn là do ốm. Chị gắng gượng tự phục hồi sức khỏe bằng cách cố uống sữa, ăn cháo nhưng cứ ăn vào là nôn ra.

Đến khi thấy người như muốn xỉu, chị mới vào bệnh viện. Tại viện 103, các bác sĩ đã lập tức phải chỉ định truyền tiểu cầu sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu trong máu chị T. quá thấp.

Còn chị L.T.T (Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị bắt đầu sốt từ ngày 16/7 nhưng chỉ sốt quanh 37,7o C nên khi chồng chị nhắc: “Cẩn thận có khi sốt xuất huyết” chị còn “mắng” chồng: “Em có đi đâu đâu mà sốt xuất huyết”.

Đến ngày thứ 3, dù dứt sốt và mệt lử nhưng chị cũng không đi khám bởi cho rằng “mệt là do ốm”. Đến khi chảy máu chân răng, nổi ban và ngày càng mệt rũ, chị T. mới ra phòng khám tư gần nhà.

Bác sĩ cho làm ngay xét nghiệm tiểu cầu, lúc này tiểu cầu chỉ còn có 56.000 (trong khi mức trung bình là 150.000 - 450.000 mỗi microlít máu).

Phải đi khám khi sốt sang ngày thứ 2

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai, hiện công tác tại chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, dịch sốt xuất huyết đang quay trở lại theo chu kỳ (4 năm) và đến sớm hơn so với mọi năm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ sốt xuất huyết là trên 7.000 ca nhưng PGS. Ngọc cho rằng con số này thấp hơn nhiều so với thực tế bởi có nhiều người không đi khám.

Trong khi đó, sốt xuất huyết thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục nên việc khi nào đi khám, khi nào nhập viện đang "rối như canh hẹ" đối với nhiều người dân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS. Ngọc cho biết: "Sốt là biểu hiện của nhiều loại bệnh nhưng cũng là biểu hiện đầu tiên của người mắc sốt xuất huyết. Do đó, khi sốt cao sang ngày thứ 2-3 không rõ nguyên nhân, lại ở vùng có dịch sốt xuất huyết lưu hành thì cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

Đặc biệt, nếu kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, đau nhức mình mẩy, đau cơ khớp, nhức 2 hố mắt thì càng cần phải đi khám bởi đây là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết.

Không nhất thiết phải nằm viện

PGS. Ngọc nhấn mạnh: “Việc đi khám là để xác định chính xác nguyên nhân sốt có phải do vi rút sốt xuất huyết không và không phải trường hợp nào cũng phải nằm viện”.

Theo PGS. Ngọc, đa số có thể nằm tại nhà (3-5 ngày đầu). Bởi thực tế là sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là truyền dịch, hạ sốt và chỉ truyền tiểu cầu khi có chỉ định rõ ràng…

PGS. Ngọc lưu ý, trong khi sốt, nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, dùng hạ sốt paracetamol và tuyệt đối không dùng corticoid, kháng sinh.

Một vấn đề khác được PGS. Ngọc nhấn mạnh là dù ở giai đoạn đầu cũng cần được theo dõi hằng ngày.

Khi đã xác định chính xác là sốt xuất huyết thì ở ngày thứ 4-6 sau khi khởi sốt phải làm xét nghiệm công thức máu hằng ngày để xác định tiểu cầu, bạch cầu giảm ra sao, độ cô đặc máu thế nào.

Bởi hiện tượng hạ tiểu cầu, cô đặc máu thường xuất hiện ở ngày thứ 3 - 6 và nếu không được theo dõi chặt chẽ có thể gây biến chứng. PGS. Ngọc giải thích, khi tiểu cầu giảm dưới 50.000/ mỗi microlít máu kèm xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, hành kinh kéo dài, chảy máu cam...) hoặc tiểu cầu dưới 5.000 mới cần phải truyền - tức là bệnh nhân cần nhập viện.

Làm gì khi bị sốt giữa mùa dịch sốt xuất huyết? ảnh 1 Xuất huyết dưới da - biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết ở ngày thứ 3-4

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, PGS. Ngọc lưu ý trẻ sốt cao dễ bị co giật nên ngoài việc cần đi khám ngay khi có biểu hiện sốt cần phải tuân thủ hướng dẫn hạ sốt của bác sĩ. Ngoài ra, ngay cả khi đã xác định chính xác là sốt xuất huyết mà sốt kéo dài trên 7 ngày thì cần nghĩ tới sốt xuất huyết có thể kèm theo nhiễm trùng.

Có thể mệt mỏi tới cả tháng sau mắc sốt xuất huyết

Theo PGS. Ngọc, sau 7 ngày mắc sốt xuất huyết sẽ đến giai đoạn hồi phục, bệnh nhân hết sốt, tiểu cầu bắt đầu tăng dần lên, máu không còn bị cô đặc nữa nhưng do sốt cao, tiểu cầu giảm nên bệnh nhân có thể mệt mỏi kéo dài đến nửa tháng, một tháng sau đó.

Vì vậy, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ (ăn các dạng lỏng, giàu đạm như sữa, cháo; ăn uống nhiều nước hoa quả). Trong trường hợp bị nôn nhiều cần đi khám để được bác sĩ chỉ định truyền dịch phù hợp để nâng thể trạng.

Theo Dân Trí

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.