10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama

Không đơn thuần chỉ là phơi bày những bê bối tài chính "đen", Hồ sơ Panama đang lật ngược "tảng băng chìm" để diễn giải những phần sâu nhất mà thế giới này đang che giấu.
10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama

Nghi ngờ được khẳng định

Từ trước đến nay, các lãnh thổ ngoài khơi như Panama, quần đảo Virgin hay Samoa đều bị gọi là những "thiên đường thuế" và được coi như các trung tâm trốn thuế và rửa tiền công khai.

Tuy vậy, tất cả những định nghĩa đó đều dừng lại ở mức nghi ngờ và phỏng đoán, chưa có một bằng chứng xác thực nào khẳng định được tính chính danh của nó. Nhưng cho đến khi Hồ sơ Panama được phơi bày, mọi sự đã được chứng minh. Các “trung tâm tài chính hải ngoại” thực chất không hơn gì một nơi mà các nhà triệu phú, tay tội phạm và tham nhũng che giấu những khoản thu nhập phi nghĩa.

10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama ảnh 1

Có tên trong Hồ sơ Panama - các quốc gia vốn được biết đến với chuyên môn kiểm soát và minh bạch tài chính cao cũng đã cho thấy rằng đấy chỉ là bề nổi hào nhoáng của tảng băng chìm.

Quy mô khổng lồ của các tài liệu phát hành từ Mossack Fonseca đã giúp chúng ta thấy được rất nhiều ví dụ. Chúng ta luôn nghi ngờ nó là một cái bình đầy sâu mọt – và bây giờ khi nắp bình được mở ra, sự nghi ngờ đã được khẳng định.

Ai cũng nên có những người bạn để tin tưởng

Không có khoản tiền nào được chuyển từ Nga đến những vùng có thể trốn thuế thuộc về tổng thống Putin. Nhưng có hàng tỷ USD được nêu tên bởi một người bạn thân của ông.

Điện Kremlin cho rằng Hồ sơ Panama là một sự dàn xếp bởi những người đứng sau chống Putin và nước Nga. Tính xác thực của vấn đề này cũng đã được một số thông tin công nhận như việc Mỹ tuyên bố tài trợ cho các nhà báo điều tra về tài liệu của Mossack Fonseca hay Wikileaks lên tiếng Mỹ là đạo diễn của toàn bộ vụ việc.

10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama ảnh 2

Nhưng với đa số người khác, họ cho rằng có vẻ như vị tổng thống Nga đang dùng những người bạn thân tín để rửa tiền cho ông.

Mỗi người đều sẽ có chủ kiến riêng cho vấn đề này, nhưng cũng có những câu hỏi phản bác lại, nếu đây là một âm mưu chống lại Putin, chúng ta trước tiên nên nghĩ đến việc tại sao một trong những người bạn thân của vị tổng thống này, một nghệ sĩ cello Sergei Roldugin, lại có nhiều tiền thế.

Iceland thú vị hơn chúng ta nghĩ

Được biết đến vì vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và sự ổn định về chính trị, Iceland lâu nay, giống như các nước vùng Bắc Âu, được xem là trung thực, đáng tin cậy và chuẩn mực.

Nhưng bất ngờ khi thủ tướng Iceland đã phải từ chức vì cáo buộc giấu hàng triệu USD trong một công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama ảnh 3

Công ty này có những lợi ích trực tiếp từ sự phát triển và phồn thịnh của những ngân hàng ở Iceland mà ông chịu trách nhiệm.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như số tiền trên lại được chuyển đúng thời điểm hệ thống ngân hàng Iceland sụp đổ vài năm trước.

Dù ông Sigmundur David Gunnlaugsson đã khẳng định rằng ông và vợ đã tuân thủ luật ở Iceland và đóng thuế đầy đủ nhưng điều đó cũng không giúp cho nhà lãnh đạo này thoát khỏi những cáo buộc về mặt đạo đức về việc làm của mình trong giai đoạn khó khăn của đất nước.

Miễn có tiền, khách hàng có thể là tội phạm

Mặc dù phần lớn tài liệu của Hồ sơ Panama tập trung phơi bày những giao dịch của những chính khách trên toàn cầu, nhưng có vẻ như Panama cũng giúp đỡ che giấu cả tội phạm và những phi vụ mờ ám.

Vì có cáo buộc công ty Mossack Fonseca đã giúp rửa hàng triệu tiền đánh cắp từ phi vụ cướp vàng Brink Mat nổi tiếng vào năm 1983 khi ba tấn rưỡi vàng biến mất.

10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama ảnh 4

Theo cáo buộc, công ty Panama đã cố gắng ngăn chặn cảnh sát Anh điều tra nguồn tiền bằng việc dựng lên một công ty môi giới tài sản được đứng tên bởi Gordon Parry.

Dù người của công ty Panama biết rằng ông Parry đang rửa tiền từ vụ cướp Brink Mat, họ vẫn giúp ông quản lý số tiền đấy cho đến khi cảnh sát lần ra dấu vết. Parry chỉ bị bắt khi đã che giấu được tài sản đến tận năm 1990 và bị kết án 10 năm tù.

Những khúc mắc cần giải thích

Những tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca cho thấy họ đã giúp một quan chức chính quyền Syria là Rami Makhlouf, anh em họ của tổng thống Syria Bashar al-Assad trong việc duy trì hoạt động của các công ty của mình, mặc dù Makhlouf đã lọt vào danh sách đen của bộ Tài chính Hoa Kỳ và Anh Quốc. Không chỉ có vậy Bộ Ngoại giao của Anh rõ ràng đã biết về một trong những công ty này.

Năm 2011, sau khi lệnh trừng phạt ông Maklouf có hiệu lực, ngân hàng HSBC của Anh đã hỏi thống đốc Quần đảo Virgin về một giấy chứng nhận đương nhiệm cho công ty Công nghệ Drex, một trong những doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Makhlouf.

10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama ảnh 5

Để được phê duyệt, thống đốc của Quần đảo Virgin thuộc Anh cần có được chữ ký của một quan chức Bộ Ngoại giao Anh thay mặt cho bộ trưởng ngoại giao. Tài liệu này nói rất rõ rằng giám đốc công ty Công nghệ Drex là Rami Makhlouf nhưng vẫn được đóng dấu và có chữ ký của một quan chức Bộ Ngoại giao Anh.

HSBC bác bỏ các nghi ngờ này khi cho rằng họ đã làm việc chặt chẽ với các công ty chức năng để chống tội phạm tài chính và thực hiện các biện pháp trừng phạt phù hợp.

Chính phủ bắt đầu hành động

Danh sách các nước có hứng thú trong việc kiểm tra 11,5 triệu tài liệu đang ngày càng gia tăng. Đức, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha và Úc là một trong số ít các nước cam đoan sẽ kiểm tra xem có bao nhiêu công dân của họ đã sử dụng công ty và liệu họ đã trốn thuế bất hợp pháp hay không.

10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama ảnh 6

Nhà chức trách Đức, vốn được báo trước một số thông ting quan trọng trong loạt giấy tờ bị rò rỉ, đã nhận được lệnh kiểm tra nhà và các doanh nghiệp để tìm bằng chứng.

Khi các chính phủ đang đào bới các khoản tiền giao dịch đen ở các lãnh thổ ngoài khơi, thì ngoài thị trường hẳn phải có rất nhiều kẻ trốn thuế đang rất lo lắng.

Không phải quốc gia nào cũng biết về Hồ sơ Panama

Bất cứ thông tin hoặc các bài báo nói về Hồ sơ Panama ở Trung Quốc đều không xuất hiện ở quốc gia này, mặc cho những cáo buộc về những họ hàng thân thiết của bảy nhà lãnh đạo hiện tại hay đã nghỉ hưu để chứng minh rằng họ có sự liên kết với công ty nước ngoài.

Tài liệu được tiết lộ ở Panama nêu tên các thành viên trong gia đình chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 2 thành viên thuộc bộ máy lãnh đạo tối cao như Trương Cao Lệ và Lưu Vân Sơn.

Bóng đá cũng tìm đến Panama

Chủ tịch Fifa Gianni Infantino đã phủ nhận các hoạt động sai trái sau khi tập tài liệu tiết lộ việc ông kí hợp đồng với hai doanh nhân sau đó bị cáo buộc hối lộ.

10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama ảnh 7

Hugo và Mariano Jikins, hai người được cho là liên quan đến ông Gianni Infantino cùng là chủ công ty Cross Trading và mua bản quyền truyền hình của giải Champions League của Uefa. Sau đó bán ra thì trường với giá gấp ba lần giá gốc.

Khi đó các hợp đồng được kí bởi Infantino khi ông còn là giám đốc ở Uefa. Mặc dù vậy vị quan chức bóng đá Infantino cho biết ông rất “tức giận” khi “sự trung thực” bị nghi ngờ.

Các công ty tránh thuế đang giúp đẩy bất động sản ở London lên cao

Vụ rò rỉ các giấy tờ từ công ty luật Panama Mossack Fonseca cho thấy nhiều tài sản đắt nhất ở London đang thuộc sở hữu của người nước ngoài thông qua các công ty miễn thuế mà giúp họ giấu danh tính của mình.

Giá nhà ở nhiều nơi thuộc Vương quốc Anh đã ở mức cao nhưng ở trung tâm London cái giá này lại cao lên nữa. Một số công dân Anh đủ khả năng trả tiền nhưng phần lớn chúng lại được mua bởi người nước ngoài.

10 điều bất ngờ rút ra từ Hồ sơ Panama ảnh 8

Sự hấp dẫn rất rõ ràng: London là một thành phố an toàn và thu hút mọi người trên toàn cầu. Mỗi khi có một cuộc khủng hoảng ở đâu đó trên thế giới, một nhóm người giàu có sẽ đổ tiền của họ vào London. Điều đó buộc giá nhà ở trung tâm London đẩy lên và tạo lên làn sóng lan rộng khắp thủ đô và toàn nước Anh.

Tiền vay mua nhà ở London lớn như vậy một phần vì các gia đình hoàng gia Trung Đông, tỷ phú Nga và các nhà lãnh đạo của chế độ tham nhũng có thể sử dụng công ty miễn thuế để bí mật che giấu danh tính của họ và số lượng tài sản họ có ở London.

Tất cả chỉ mới bắt đầu

Danh sách cáo buộc bắt đầu dài ra và độ nghiêm trọng của những vấn đề liên đới ngày càng gia tăng – từ chế độ tham nhũng của các cán bộ nhà nước đến nạn rửa tiền, trốn thuế cho đến vi phạm pháp luật.

Hiện tại mới chỉ có một phần trong số 11,5 triệu tài liệu được công bố. Sắp tới những lời cáo buộc sẽ liên tục đến và áp lực đè lên các chính phủ đòi hỏi phải có biện pháp thích đáng.

Minh Vũ (theo BBC)

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.