Đằng sau sự rút lui của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ

(Ngày Nay) - Việc Tướng Michael Flynn từ chức sau ba tuần trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump đã làm rõ thêm cuộc khủng hoảng toàn diện đang diễn ra tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia, từ chức hôm 13/2 sau bê bối tự ý liên lạc với Nga. Ảnh: Reuters.
Tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia, từ chức hôm 13/2 sau bê bối tự ý liên lạc với Nga. Ảnh: Reuters.

Những ngày qua là khoảng thời gian đầy hỗn loạn và lo lắng tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), cơ quan đầu não giúp tổng thống Mỹ xử lý các vấn đề trong một thế giới đầy bất định.

Cố vấn an ninh quốc gia Michael T. Flynn đã chú tâm làm việc kể từ khi các điều tra viên bắt đầu tìm hiểu chính xác những gì ông đã nói với đại sứ Nga tại Mỹ về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt được áp đặt trong những ngày cuối cùng của chính quyền Obama, và liệu ông có lừa gạt Phó tổng thống Mike Pence về những cuộc trò chuyện này.

Cho đến khi ông Flynn từ chức hôm 13/2, việc ông có thể tiếp tục ngồi yên ở vị trí của mình hay không là điều hoàn toàn không chắc chắn.

Bê bối của 'thuyền trưởng'

Hôm 10/2, ông Trump nói với các phóng viên trên chiếc Air Force One rằng ông không biết về những vấn đề mới nhất liên quan đến thỏa thuận của ông Flynn với Nga. Dù vậy, các trợ lý cho biết vào cuối tuần qua tại Florida, nơi ông Flynn tháp tùng tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump đã theo dõi chặt chẽ các phản ứng về sự vụ của của ông Flynn.

New York Times cho biết các cơ quan tình báo Mỹ, nơi chuyên nghe lén các nhà ngoại giao nước ngoài, đã có được bảng ghi chép của một cuộc trò chuyện trong ít nhất một cuộc điện đàm. Điều này có thể quyết định tương lai của ông Flynn.

Stephen Miller, cố vấn chính sách cấp cao của Nhà Trắng, đã thận trọng khi nói về tương lai của ông Flynn vào hôm Chủ nhật vừa qua. Trong chương trình "Gặp gỡ Báo chí" của đài NBC, ông Miller nói việc khiến phó tổng thống hiểu lầm về thông tin liên lạc với Nga có thể là "một vấn đề nhạy cảm". Khi được hỏi liệu ông Trump vẫn đặt niềm tin vào ông Flynn, ông Miller trả lời: "Đó là câu hỏi dành cho tổng thống".

Về phần mình, ông Flynn lại cho thấy nhiều sự phức tạp khác ngoài những cuộc trò chuyện của ông với đại sứ Nga. Các trợ lý cho hay ông lo ngại về việc liên lạc vô giới hạn với ông Trump từ thời tranh cử đang bị thu hẹp và về một "hội đồng bóng tối" được tạo ra bởi Stephen K. Bannon, chiến lược gia hàng đầu của ông Trump, người được mời tham dự các cuộc họp của nhóm nòng cốt NSC cách đây hai tuần.

Ông Flynn rơi vào một cuộc xung đột liên tục với các cơ quan tình báo Mỹ. Ông dẹp bỏ những hành động của họ đối với Nga và các vấn đề khác, cho rằng chúng xoàng xĩnh và mang thành kiến chính trị.

Một số nhân viên nói rằng ông Flynn, một sĩ quan quân đội chuyên nghiệp, không nắm rõ cách triệu tập vệ binh quốc gia trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn một thảm họa tự nhiên như cơn bão Katrina hoặc hủy một quả bom bẩn tại một thành phố nào đó của Mỹ.

Trong khi đó, hai người gần gũi đội ngũ lãnh đạo tại Nhà Trắng cho biết ông Flynn đã thể hiện sự ngạc nhiên khi biết rằng Bộ Ngoại giao và Quốc hội đóng một vai trò then chốt trong việc bán vũ khí và chuyển giao công nghệ cho nước ngoài.

Tại một cuộc họp toàn thể nhân viên, ông Flynn nói về tầm quan trọng của một cuộc sống cân bằng giữa công việc, gia đình và sử dụng thời gian làm việc tại NSC để thu thập kinh nghiệm nhằm giúp đỡ các nhân viên ở các bộ phận khác của chính phủ. Có lúc, nhân viên đã được yêu cầu giơ tay nếu họ cảm thấy một năm nữa họ vẫn tiếp tục làm việc tại Nhà Trắng.

Ông Flynn quay sang cấp phó của mình, K. T. McFarland, hỏi một câu dường như là câu đùa tự ti, rằng: "Tôi tự hỏi nếu chúng ta có ở đây vào năm tới".

Cuộc khủng hoảng toàn diện

NSC là nơi tập hợp hàng trăm công chức, những người tư vấn cho tổng thống về chính sách chống khủng bố, chính sách đối ngoại, răn đe hạt nhân và các vấn đề khác về chiến tranh và hòa bình. Mỗi NSC mới đều có khoảng thời gian thử nghiệm nhiều dao động với các các nhân viên được tuyển về từ Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc cũng như các cơ quan nhà nước khác.

Song các quan chức cho hay những gì đang xảy ra tại Nhà Trắng của ông Trump thì hoàn toàn khác, không chỉ vì "chính sách đối ngoại Twitter" của tân tổng thống. Trong ba tuần kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, việc làm của nhân viên của NSC sau khi thức dậy vào buổi sáng là lướt qua Twitter của ông và cố đưa ra các chính sách phù hợp với những gì ông viết.

Hai quan chức cho biết tại một cuộc họp gần đây, vài người đề nghị rằng nên đưa ra gợi ý cho ông Trump về nội dung ông viết trên Twitter để NSC có quyền ảnh hưởng lớn hơn.

Thông tin về hoạt động bên trong NSC mà New York Times có được dựa trên các cuộc trò chuyện với hơn 20 thành viên của cơ quan này trước đây và hiện tại cũng như những người khác trong chính phủ. Họ lên tiếng với điều kiện không tiết lộ danh dính do lo sợ bị trả thù.

Các quan chức cho biết hầu hết cuộc điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo nước ngoài đều được giữ bí mật. Một số nhân viên NSC phải mã hóa thông tin trao đổi với đồng nghiệp, sau khi biết các cố vấn hàng đầu của ông Trump đang cân nhắc tiến hành một chương trình gọi là "mối đe dọa nội bộ". Theo chương trình này, điện thoại di động và email của nhân viên chính phủ có thể sẽ bị theo dõi để ngăn chặn rò rỉ thông tin.

"Cho đến nay, đây là một Hội đồng An ninh Quốc gia bị rối loạn chức năng nặng", dân biểu Adam B. Schiff của bang California, thành viên cấp cao thuộc đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Trong một cuộc trò chuyện điện thoại vào chiều 12/2, bà McFarland cho biết các cuộc họp gần đây của NSC hoạt bát hơn, chặt chẽ hơn và quyết đoán hơn so với quá khứ, nhưng bà thừa nhận rằng các viên chức lâu năm đang lo ngại.

"Đây không chỉ là một chính quyền mới, mà còn là một đảng mới, và ông Donald Trump đã được bầu bởi những người muốn thay đổi hiện trạng", bà McFarland, nhân viên chính phủ dưới thời Tổng thống Reagan, từng làm việc tại đài Fox News, cho biết.

"Tôi nghĩ rằng sẽ là một sai lầm nếu chúng ta không kinh ngạc về những thay đổi. Hầu hết thành viên nội các thậm chí chưa từng bước chân vào bộ máy nhà nước".

Đằng sau sự rút lui của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ảnh 1Tướng Flynn bên cạnh các quan chức Nhà Trắng trong phòng làm việc của Tổng thống Trump. Cố vấn Steve Bannon (đứng, thứ 3 từ phải sang), được ông Trump chỉ định tham dự các cuộc họp định kỳ của NSC, điều chưa từng có tiền lệ. Ảnh: Reuters.

Khoảng trống nhân sự

Một số nhân viên không muốn làm việc cho ông Trump đã trở về cơ quan cũ, để lại khoảng trống "lớn hơn bình thường" trong một bộ máy hành chính đầy kinh nghiệm. Nhiều người trong số những người ở lại, vốn vẫn xem mình là công chức phi chính trị, cảm thấy khó chịu trước việc phân chia bè phái công khai.

Tại một cuộc họp toàn thể khoảng hai tuần sau khi chính quyền mới thiết lập, bà McFarland nói với mọi người rằng họ phải "làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa". Trong khi đó, một nhân viên NSC cho biết những người được bổ nhiệm mới bởi Tổng thống Trump mang cốc cà phê với khẩu hiệu từ thời ông còn tranh cử này vào các cuộc họp với quan chức nước ngoài.

Các nhân viên trong tâm trạng lo lắng đã gặp nhau vào một đêm khuya gần đây tại một quán bar cách Nhà Trắng vài khối nhà và nói về việc thanh tẩy các tài khoản truyền thông xã hội của họ, xóa đi bất kỳ câu nói mang tinh thần chống Trump nào trên các tài khoản này.

Nhân viên NSC của ông Trump phần lớn được đưa về từ quân đội, thường những người có quan hệ với ông Flynn thời ông còn là sĩ quan tình báo quân sự cấp cao và sau đó là giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng trước khi bị buộc phải từ chức. Nhiều trong số những cái tên lần đầu tiên xuất hiện liên quan đến quân sự, chứ không phải là ngoại giao hay các chương trình sáng kiến.

Và trong khi ông Obama thích văn bản nêu các lựa chọn chính sách phải dài 3-6 trang cách dòng đơn, nhân viên NSC hiện được yêu cầu chỉ viết một trang duy nhất cùng rất nhiều đồ họa và bản đồ.

"Tổng thống thích bản đồ", một quan chức cho biết.

Dung lượng giấy, "huyết mạch" của cơ quan nhà nước, đã trở nên thất thường. Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết đã thấy một dự thảo sắc lệnh về việc đối đãi với tù nhân chỉ thông qua những tin đồn không chính thức và rò rỉ trên các kênh truyền thông.

Một số quan chức từng cho rằng sự thiếu trình tự trong hệ thống văn bản tại NSC, mà trách nhiệm sau cùng thuộc về ông Flynn, giải thích lý do tại sao ông James Mattis, bộ trưởng quốc phòng và Mike Pompeo, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), không bao giờ nhìn thấy một số sắc lệnh hành pháp của Trump trước khi chúng được công bố. Một sắc lệnh đã phải được sửa đổi sau khi công bố, để trấn an ông Pompeo rằng ông có một chỗ ngồi thường xuyên trong NSC.

Các quan chức Nhà Trắng nói đó là sai lầm và rằng quá trình xem xét các sắc lệnh hành pháp đã được điều chỉnh bởi Reince Priebus, chánh văn phòng Nhà Trắng.

Theo Zing
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.