Donald Trump và cuộc chiến với ngành tư pháp Hoa Kỳ

(Ngày Nay) -  Trong những tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng minh những lời hứa hẹn gây sốc trong kỳ tranh cử của ông hoàn toàn không phải những lời nói suông, với việc ra hàng loạt sắc lệnh hành pháp để hiện thực hóa những lời hứa này. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng chú ý nhất là sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân của bảy quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi là Iraq, Iran, Lybia, Syria, Somalia, Yemen và Sudan. Sắc lệnh hành pháp cũng cấm nhập cảnh vô thời hạn đối với người tị nạn Syria, kể cả những người đã được cấp visa vào Mỹ. 

Mặc dù cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã được lấy làm một trong những nguyên do để lý giải cho sắc lệnh hành pháp này, nhưng không có thủ phạm nào của vụ 11 tháng 9 đến từ bảy quốc gia bị “cấm cửa” trong sắc lệnh của ông Donald Trump. Trên thực tế, có tới 15 trên tổng số 19 đối tượng tiến hành vụ khủng bố đến từ Arab Saudi, một nước không có mặt trong "danh sách đen" của ông Trump. Bên cạnh đó, chưa từng có công dân nào đến từ bảy quốc gia bị cấm cửa đã thực hiện thành công một vụ tấn công gây chết người trên đất Mỹ. Nói một cách đơn giản, sắc lệnh hành pháp của ông Trump dù mang một lý do mỹ miều là “bảo vệ an ninh quốc gia” nhưng khá cảm tính và phi logic.

Tuy nhiên, không phải là người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ sẽ có được mọi thứ mình muốn. Ngay sau khi sắc lệnh hành pháp về nhập cư được ký, các tiểu bang Washington và Minnesota đã khởi kiện Tổng thống ra Tòa án cấp quận ở thành phố Seattle.

Trước tòa, đại diện của Tổng thống Hoa Kỳ tự biện hộ rằng, việc ông vận dụng quyền lực tổng thống để kiểm soát nhập cư và bảo vệ an ninh quốc gia là một hành động mà tòa án không có quyền truy xét. Tuy nhiên, các thẩm phán liên bang đã bác bỏ lập luận này, và “lên lớp” ông Trump về tầm quan trọng của việc tách bạch các nhánh quyền lực. Thẩm phán James Robart đã ban hành án lệnh hạn chế tạm thời, đình chỉ việc thực thi sắc lệnh hành pháp của ông Donald Trump.

Sắc lệnh hành pháp về nhập cư của Tổng thống Donald Trump đã đặt hai nhánh quyền lực của Hoa Kỳ vào thế đối nghịch nhau, một tình huống có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Tam quyền phân lập – ba trụ cột quyền lực nhà nước Hoa Kỳ

Sự tách bạch các nhánh quyền lực là một yếu tố quan trọng trong việc vận hành nhà nước Hoa Kỳ. Hiến pháp của đất nước này đã đặt ra một hệ thống kiểm soát và cân bằng, theo đó những nhánh quyền lực nhà nước khác nhau có thẩm quyền ngang bằng và có thể điều chỉnh lẫn nhau.

Quyền lực nhà nước liên bang được phân chia thành ba nhánh: Nhánh hành pháp bao gồm Tổng thống và Nội các, nhánh lập pháp bao gồm Quốc hội và nhánh tư pháp bao gồm hệ thống Tòa án. 

Donald Trump và cuộc chiến với ngành tư pháp Hoa Kỳ ảnh 1

Hệ thống này thường được vận hành trơn tru, với các nhánh quyền lực hợp tác và tương hỗ lẫn nhau.

Tuy nhiên, trong những tình huống như vừa xảy ra đối với sắc lệnh về nhập cư, khi Tổng thống công khai xung đột với một nhánh quyền lực khác, thì nguy cơ dẫn đến tình trạng bế tắc là rất rõ ràng. Điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp - một kịch bản mà trong đó các tình huống không thể được giải quyết.

Phản ứng trước phán quyết của thẩm phán James Robart, Tổng thống Donald Trump đã ngay lập tức lên mạng xã hội tỏ ý bất mãn và gọi ông Robart là “kẻ được gọi là thẩm phán”. Cách ứng xử của ông Trump khiến nhiều người lo ngại khi ẩn sau lời nói đó là sự phủ nhận ngấm ngầm đối với quyền lực của thẩm phán và nói rộng ra là của cả nhánh tư pháp. “Sự ác ý của Tổng thống đối với nền pháp quyền không chỉ đáng xấu hổ, nó còn rất nguy hiểm. Ông Trump dường như có ý khơi ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp”, đó là ý kiến của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, một thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ.

Thẩm phán có ngang quyền tổng thống?

Trên toàn nước Mỹ có khoảng 700 thẩm phán liên bang cấp quận giống như thẩm phán James Robart - và họ là những người có quyền lực ra phán quyết về sắc lệnh tổng thống. Cùng với Tòa án Tối cao và các Tòa phúc thẩm, 94 Tòa án liên bang cấp quận làm nên hệ thống tòa án liên bang và có thẩm quyền diễn giải hiến pháp, luật pháp và các thỏa ước của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tòa án thường không đưa ra ý kiến hay nhận định về các chính sách của chính phủ. Các thẩm phán thường chỉ diễn giải luật pháp mỗi khi có một vụ kiện được đưa ra trước tòa.

Nếu hai nhánh quyền lực nhà nước lập pháp và hành pháp có nhiệm vụ thiết lập và thực thi luật pháp, thì nhánh tư pháp có nhiệm vụ diễn giải luật pháp trong những trường hợp phát sinh xung đột. Các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống cũng không nằm ngoài thẩm quyền kiểm soát của tòa án.

Trên thực tế, quyền lực tư pháp đã được vận dụng để chống lại sắc lệnh Tổng thống rất nhiều lần. Gần đây là vào năm 2015, tổng thống Obama đã vấp phải sự cản trở của tòa án khi ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm ân xá cho người nhập cư trái phép. Tổng thống George W. Bush cũng rơi vào cuộc chiến pháp lý tương tự với những sắc lệnh liên quan tới tù nhân ở nhà tù vịnh Guantanamo.

Vì sao ông Trump không bãi miễn những thẩm phán này?

Theo hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực nhà nước, Tổng thống chỉ định các thẩm phán lên bang cấp quận và Thượng viện có thẩm quyền phê chuẩn những đề xuất này.

Thẩm phán James Robart, người mà ông Trump mỉa mai là “kẻ được gọi là thẩm phán” - được chỉ định bởi Tổng thống George W. Bush và được Thượng viện thông qua năm 2004.

Tuy nhiên, ông Trump không thể bãi miễn các thẩm phán, bởi những người kiến tạo ra Hiến pháp Hoa Kỳ đã thiết lập ra một hệ thống mà trong đó nhánh tư pháp được bảo vệ khỏi sự can thiệp từ bên ngoài.

Chỉ có Quốc hội mới có quyền bãi miễn một thẩm phán liên bang thông qua một quy trình luận tội với sự tham gia của cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Quy trình này cũng tương đồng với quy trình bãi miễn Tổng thống. Trên thực tế, trong suốt lịch sử Hoa Kỳ mới chỉ có tám thẩm phán bị bãi miễn sau khi bị buộc tội trong các phiên luận tội của Quốc hội. Kết quả là các thẩm phán liên bang thường tại vị suốt đời, cho tới khi họ tình nguyện nghỉ hưu hoặc qua đời.

Như vậy, trên thực tế là có hai trong ba nhánh quyền lực nhà nước có thể xung đột với nhau - và không có nhánh nào có thể triệt tiêu quyền lực của nhánh còn lại.

Vai trò tòa án tối cao

Tòa án Tối cao, theo đúng như tên gọi của nó, có quyền lực tối cao nhất trong nhánh tư pháp. Mọi tòa án khác đều dưới quyền tòa án này. Cũng giống như các tòa án liên bang khác, Tòa án Tối cao được bảo vệ khỏi sự can thiệp từ bên ngoài.

Tòa án Tối cao có chín thẩm phán. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chỉ có tám thẩm phán phụ trách tòa án này do một người vừa qua đời và chưa có người được chỉ định thay thế. Trong số tám thẩm phán của Tòa án Tối cao hiện tại, có bốn người được chỉ định bởi các cựu Tổng thống thuộc đảng Dân chủ và bốn người còn lại được chỉ định bởi một cựu Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa. Một ghế trống dự kiến sẽ được Tổng thống Donald Trump chỉ định trong thời gian gần nhất, và người được ông Trump lựa chọn chắc chắn sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực theo hướng đồng điệu và có lợi cho nhánh quyền lực hành pháp hiện tại.

Quốc hội - nhánh quyền lực thứ ba

Trong trường hợp xung đột dẫn đến bế tắc giữa hai nhánh quyền lực hành pháp và tư pháp, Quốc hội có thể phá vỡ thế bế tắc này bằng cách thông qua luật mới bác bỏ các quyết định của Tổng thống hoặc thẩm phán, thậm chí là luận tội và bãi miễn họ.

Do đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang nắm đa số trong cả lưỡng viện, việc Quốc hội đưa ra những hành động bất lợi cho ông là điều khó xảy ra. Bên cạnh đó, do sự độc lập của tòa án là một trong những giá trị nền tảng trong việc vận hành nhà nước Hoa Kỳ, việc Quốc hội “tấn công” các thẩm phán để bảo vệ Tổng thống cũng là kịch bản rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, với việc hai trong số ba nhánh quyền lực đang xung đột với nhau, Quốc hội có thể buộc phải đưa ra một quyết định hành động - trừ khi họ thuyết phục được Tổng thống chỉnh sửa sắc lệnh của mình. Đây cũng là điều mà các Tổng thống tiền nhiệm thường làm mỗi khi vấp phải sự phản đối từ phía Tòa án.

Tổng thống Donald Trump cũng đã tỏ dấu hiệu nhượng bộ trước “kẻ được gọi là thẩm phán” với tuyên bố sẽ chỉnh sửa sắc lệnh hành pháp về nhập cư của mình.

“Sắc lệnh mới sẽ được chỉnh sửa theo thứ mà tôi coi là một quyết định rất tồi tệ” - Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo cuối tuần qua. Sắc lệnh có thể sửa đổi, nhưng dường như thái độ thách thức của ông Trump đối với nhánh quyền lực tư pháp thì vẫn chưa thay đổi.

Tổng thống Mỹ có thể bị luận tội?

 Tại Mỹ, luận tội nằm trong thẩm quyền của ngành lập pháp, là việc chính thức truy tố một viên chức dân sự nào của chính phủ vì những hành động phạm pháp thực hiện trong khi đang tại chức. Mục 4, Điều II Hiến pháp Mỹ nêu rõ: "Tổng thống, phó tổng thống và các viên chức dân sự khác của Mỹ sẽ bị truất phế dựa trên sự luận tội vì bị kết án là phản quốc, hối lộ hay các tội nặng nhẹ khác". 

 Hạ viện là nơi có quyền duy nhất luận tội trong khi đó Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử tổng thống và phó tổng thống. Việc phế truất các viên chức bị luận tội là tự động nếu bị Thượng viện xét là có tội. 

Quá trình luận tội một tổng thống bắt đầu tại Hạ viện, nơi Ủy ban Tư pháp Hạ viện mở các phiên điều trần. Tại đây, các tội danh của tổng thống được đưa ra xem xét và nếu được thông qua, Hạ viện sẽ tiếp tục thảo luận để bỏ phiếu quyết định tổng thống có tội hay không. Một khi có tội, tổng thống sẽ bị xét xử tại Thượng viện và bị cách chức nếu 2/3 Thượng viện nhất trí điều này.

 Trong lịch sử nước Mỹ, 2 tổng thống từng bị luận tội nhưng đều không bị phế truất là Andrew Johnson và Bill Clinton. Ngoài ra, Tổng thống Richard M. Nixon đã từ chức trước khi bị luận tội do vụ bê bối Watergate.

 Tổng thống Mỹ còn có thể bị bãi miễn theo cách khác. Điều 4 Tu chính án số 25 quy định vì bất cứ lý do nào, nếu phó tổng thống và đa số nội các quyết định rằng tổng thống "không thể đảm đương quyền hạn và các chức trách tại nhiệm sở", họ có thể "sa thải" ông chủ Nhà Trắng bằng cách gửi đề nghị cho hai người: Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền.

 Như vậy, trên lý thuyết, tại bất cứ thời điểm nào, Phó Tổng thống và bất cứ 8 thành viên nào của nội các cũng có thể loại bỏ người đứng đầu quốc gia. Tổng thống được quyền phản đối hành động này, tuy nhiên sau đó vấn đề có thể được đưa trước Quốc hội để giải quyết bằng bỏ phiếu. Tổng thống sẽ bị "sa thải" nếu 2/3 thành viên ở cả Hạ viện và Thượng viện nhất trí với phó tướng. Tuy nhiên, đến nay, Điều 4 Tu chính án 25 chưa bao giờ được áp dụng. 

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.