Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng đối đầu

(Ngày Nay) -  Cuô%3ḅc đối đầu ngoại giao nổ ra từ cuối tuần trước giữa hai nước đồng minh NATO là Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày mô%3ḅt trở nên căng thẳng. Những ngôn từ nặng nề nhất đã được trao đi đổi lại giữa những người đứng đầu hai nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gọi nhà chức trách Hà Lan là “tàn dư của Nazi (phát xít)”, trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thì tuyên bố người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ của mình “phát ngôn điên khùng”.
Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng đối đầu

Cuộc đối đầu nổ ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử và trưng cầu dân ý. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan, người tiến hành một chiến dịch thanh trừng đối với lực lượng đối lập sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái, đang vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tháng tới về việc mở rộng quyền lực của chính mình. Còn tại Hà Lan, cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào cuối tuần này đặt ra một thách thức lớn với đương kim thủ tướng, người đang phải chạy đua với một đối thủ đáng gờm là một ứng cử viên cực hữu có khuynh hướng chống Hồi giáo.

Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng đối đầu ảnh 1Các cuộc biểu tình đã bùng phát tại cả hai nước

Ông Erdogan và các đồng minh chính trị đang gấp rút tiến hành các hoạt động tranh thủ sự ủng hộ của khoảng 4,6 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở Tây Âu. Rất nhiều người trong số đó được quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Nhưng những nỗ lực này không dễ được các nước Tây Âu cho qua. Tiếp theo động thái tương tự từ các nước Đức, Áo và Thụy Sỹ, Hà Lan cuối tuần qua đã cấm hạ cánh đối với chuyến bay chở Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tới thành phố Rotterdam của nước này. Hà Lan cũng ngăn không cho Bộ trưởng Gia đình Thổ Nhĩ Kỳ vào trong lãnh sự quán, thậm chí còn hộ tống bà này trở lại biên giới với Đức. Giải thích cho hành động có phần phi ngoại giao của mình, chính phủ Hà Lan cho biết nước này không thể hợp tác với các chiến dịch chính trị của Ankara tiến hành trên đất nước Hà Lan. Hà Lan cho rằng, các chiến dịch này có nguy cơ gây chia rẽ trong cộng đồng người gốc Thổ và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Các cuộc biểu tình đã bùng phát tại cả hai nước. Tổng thống Erdogan đáp trả bằng cách lên án Hà Lan đã “hy sinh mối quan hệ Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ và gọi nước này là “phát xít”. Đây là một lời buộc tội có thể coi là vô cùng nặng nề đối với Hà Lan - một đất nước đã có tới 200 nghìn công dân thiệt mạng trong suốt thời gian bị Đức Quốc Xã chiếm đóng hồi Chiến tranh Thế giới II.

Xung đột giá trị

Tháng tới, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mở đường cho việc tái cấu trúc chính phủ. Nếu được thông qua, hiến pháp mới sẽ thay thế hệ thống chính phủ nghị viện hiện có bằng hệ thống chính phủ tổng thống, thâu tóm quyền lực Nhà nước vào một nhánh hành pháp duy nhất dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan.

Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng đối đầu ảnh 2

Các nhà phê bình, đặc biệt là các chính phủ châu Âu, cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này là một động thái phi dân chủ, một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Erdogan đang lèo lái đất nước theo chiều hướng độc tài kể từ sau cuộc đảo chính hụt 8 tháng trước. Ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền thậm chí đã tuyên bố rằng, ai phản đối cuộc trưng cầu dân ý này là đứng về phe những kẻ khủng bố và âm mưu đảo chính.

Bộ trưởng Ngoại giao Cavusoglu, người bị cấm hạ cánh xuống Rotterdam, đã thề sẽ trả đũa “gấp mười lần”, trong khi Tổng thống Erdogan tiếp tục dùng những lời lẽ mỉa mai gọi Hà Lan là một nước “cộng hòa chuối” - một từ lóng để ám chỉ các nước nhược tiểu. Theo các nguồn tin ngoại giao, các cơ quan ngoại giao của Hà Lan tại Ankara và Istanbul đã đóng cửa do lo ngại nguy cơ an ninh từ các cuộc biểu tình. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thông báo với Đại sứ Hà Lan, người đang đi nghỉ phép ở nước ngoài, rằng ông này “đừng có sớm trở lại”.

"Tấm gương phản ánh chủ nghĩa bài Hồi giáo"

Hà Lan không phải đất nước đầu tiên bị ông Erdogan gọi là Nazi. Trước đó, Đức cũng đã trở thành mục tiêu để ông Erdogan so sánh với phát xít sau khi nước này đình chỉ một số cuộc tuần hành của người Thổ tại Đức hồi đầu tháng này. Ước tính có khoảng 1,5 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Đức được quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tháng tới.

“Tôi cho rằng chủ nghĩa phát xít đã diệt vong, nhưng tôi đã lầm”, ông Erdogan mỉa mai phát biểu trong sự kiện trao Giải thưởng Thiện chí Quốc tế tại Istabul hôm Chủ nhật vừa rồi. “Những gì chúng ta chứng kiến vài ngày trở lại đây tại Đức và Hà Lan chính là tấm gương phản ánh chủ nghĩa bài Hồi giáo”. Khác với các nước láng giềng ở châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có phần lớn dân số là người Hồi giáo dòng Sunni.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản ứng gay gắt, chỉ trích rằng việc so sánh lệch lạc như vậy chỉ cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang xem nhẹ những tội ác mà Đức Quốc Xã đã gây ra. Mối quan hệ Đức - Thổ vốn dĩ cũng đã xấu đi trong thời gian gần đây. Trong số những sự kiện làm xói mòn quan hệ đối tác an ninh và kinh tế giữa hai nước có thể kể đến vụ Ankara bắt giữ nhà báo người Đức Deniz Yucel và buộc cho ông này tội tuyên truyền khủng bố. Còn năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất tức giận khi quốc hội Đức tuyên bố cuộc thảm sát mà Đế quốc Ottoman - nhà nước tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ - tiến hành đối với hàng trăm nghìn người Armenia là diệt chủng.

Nhìn rộng ra, từ sau cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ, các chính phủ châu Âu nói chung đã liên tục tỏ ra quan ngại về những động thái mà họ cho là vi phạm quyền tự do cơ bản của chính quyền Erdogan. Trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đất nước bắt giam nhiều nhà báo nhất. Gần 140 cơ quan báo chí đã bị đóng cửa, hơn 41.000 người bị bắt giữ và khoảng 100.000 công chức đã bị miễn nhiệm.

Tuy nhiên, các chính phủ châu Âu vẫn phải “kiềng mặt” Thổ Nhĩ Kỳ do vai trò của nước này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tiếp nhận một người tị nạn Syria cho mỗi người tị nạn Syria mà Liên minh châu Âu EU tiếp nhận. Tháng 11 năm ngoái, sau khi EU đóng băng các cuộc đàm phán về trao quy chế thành viên của khối này cho Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã de dọa: “Nếu các ông đi quá xa, chúng tôi sẽ cho mở tung cánh cổng biên giới”.

Đồng hội đồng thuyền

Bất chấp những lời đe dọa từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan và Đức không cô đơn trong nỗ lực đối đầu của mình. Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen hồi đầu tuần đã cho hoãn một chuyến thăm được lên kế hoạch từ trước của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

“Trong tình huống thông thường, tôi sẽ rất hân hạnh được đón tiếp Thủ tướng Binali Yildirim tới Copenhagen”, ông Rasmussen nói. “Nhưng với những cuộc tấn công bằng ngôn từ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành nhằm vào Hà Lan, thì chúng ta không thể tách bạch chuyến thăm của ông ấy với sự kiện đang diễn ra”.

Chính phủ Đan Mạch đang theo dõi diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ “với sự quan ngại sâu sắc do các nguyên tắc dân chủ đang phải chịu đựng rất nhiều áp lực”, Thủ tướng Rasmussen nhận định thêm. “Một cuộc gặp vào lúc này sẽ dễ bị diễn giải thành Đan Mạch coi nhẹ những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ, và điều đó không phải sự thật”.

Văn phòng của Thủ tướng Đan Mạch cho biết kế hoạch về chuyến thăm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã được hai bên bàn bạc từ nhiều tuần trước đó. Giờ đây, chuyến thăm sẽ bị hoãn lại tới cuối tháng.

Tổng tuyển cử Hà Lan

Trở lại với Hà Lan, nhà lãnh đạo cực hữu Geert Wilders đã ca ngợi động thái “cấm cửa” các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ của chính phủ, và cho rằng động thái này có được nhờ áp lực từ Đảng Tự do (PVV) của ông.

Cử tri Hà Lan đã bỏ phiếu trên phạm vi toàn quốc vào giữa tuần này, với mối lo ngại về tình trạng nhập cư Hồi giáo là một trong những vấn đề bao trùm lên cuộc bầu cử.

Làn sóng dân túy toàn cầu đã đưa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Nhà Trắng và cuốn nước Anh ra khỏi gia đình EU, giờ đây cũng đưa đảng dân túy PVV của Hà Lan tới với những chiến thắng giòn giã. Theo những cuộc thăm dò dư luận ban đầu, PVV thậm trí còn có khả năng giành nhiều ghế trong nghị viện hơn là chính đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD) cầm quyền của đương kim Thủ tướng Mark Rutte. Cuộc đua đã sát sao cho đến phút chót, cho thấy vị thế không thể chối cãi của một đảng dân túy cực hữu trong đời sống chính trị hiện tại của Hà Lan.

Lãnh đạo PVV Geert Wilders - người được mệnh danh là “Donald Trump của Hà Lan” - là một người quyết liệt chống lại cái mà ông gọi là sự “Hồi giáo hóa Hà Lan”. Những phát ngôn gây sốc của ông bao gồm cả việc gọi những người gốc Ma rốc là “đồ rác rưởi” làm loạn đường phố Hà Lan. Các lời hứa hẹn tranh cử của ông gồm có đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo, cấm kinh Quran, đóng cửa biên giới với các nước Hồi giáo, từ bỏ đồng tiền chung châu Âu Euro và rút khỏi EU.

Sự nổi lên của Geert Wilders và phái cực hữu Hà Lan cho thấy, chủ nghĩa bài Hồi giáo không phải không có chỗ đứng trong cử tri Hà Lan. Một số nhà phân tích nhận định, quyết định “làm căng” với Thổ Nhĩ Kỳ có một phần nguyên nhân từ áp lực của chính cuộc bầu cử tại Hà Lan. Chính phủ Hà Lan muốn tranh thủ một phần nào đó sự ủng hộ của những cử tri đang băn khoăn đứng giữa hai dòng nước trong cuộc bầu cử này.

EU - Con đường gian nan

Cuộc đối đầu ngoại giao hiện tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Tây Âu là sự nối dài của những xung đột về giá trị giữa hai xã hội, hai nền văn hóa và hai nền chính trị. Cuộc đối đầu này một lần nữa khẳng định con đường đi tới quy chế thành viên EU cho Thổ Nhĩ Kỳ còn rất xa xôi và tiềm ẩn nhiều xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ cần EU vì những lợi ích về kinh tế, xã hội mà khối này đem lại. EU cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ như một vùng đệm ngăn cách Tây Âu với khu vực bất ổn Trung Đông.

Duyên nợ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ còn kéo dài, và một tương lai “sống chung một nhà” thì cũng khó thấy trước mắt. 

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.