Mối đe dọa khủng bố từ trong lòng nước Mỹ

Dù đã lọt vào tầm ngắm FBI, những kẻ khủng bố ở Mỹ có thể qua mặt cơ quan này, dễ dàng thực hiện thành công các vụ tấn công tương tự sự việc vừa diễn ra ở hộp đêm Pluse, Orlando.
Mối đe dọa khủng bố từ trong lòng nước Mỹ

Vụ xả súng đẫm máu tại hộp đêm Pluse dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida ngày 12/6 được thực hiện theo mô hình thường thấy ở Mỹ suốt 15 năm qua. Mô tuýp này thường là những vụ tấn công chết người do công dân Mỹ hoặc các đối tượng cư trú bất hợp pháp thực hiện.

Những kẻ này hoạt động riêng lẻ hoặc theo nhóm hai người và được gọi là "những con sói đơn độc". Chúng đều không có mối liên hệ chính thức hay được đào tạo từ các tổ chức khủng bố như al-Qaeda cũng như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Mối nguy khủng bố tiềm tàng

Sau thảm kịch ngày 11/9/2001 do 19 kẻ khủng bố đến từ các nước Arab thực hiện, nhiều người Mỹ cho rằng, khả năng thủ phạm của các vụ khủng bố ở Mỹ là người ngoại quốc nhiều hơn là công dân nước này.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 do al-Qaeda ở Afghanistan lên kế hoạch và được những kẻ quốc tịch nước ngoài thực hiện, còn sau đó, nhiều công dân hoặc những người sinh sống bất hợp pháp ở Mỹ là thủ phạm của các vụ khủng bố trên đất Mỹ. Ví dụ anh em nhà Tsarnaev gây ra vụ đánh bom Boston năm 2013 và Nidal Hasan, thiếu tá Mỹ, giết 13 người ở căn cứ quân sự Fort Hood, bang Texas, 4 năm trước.

Nghi phạm vụ xả súng ở hộp đêm thành phố Orlando Omar Marteen là công dân Mỹ. Tên này sinh ra tại New York, trong khi cha mẹ của y là người nhập cư Afghanistan.

Theo CNN, Mateen là trường hợp điển hình của những kẻ khủng bố thánh chiến tại Mỹ. Y lọt vào tầm ngắm của Cục Điều tra Liên bang (FBI) khi bị tình nghi là một chiến binh của nhóm cực đoan, cũng cũng giống trường hợp của Tamerlan Tsarnaev (một trong hai kẻ gây ra vụ đánh bom giải chạy Boston). FBI bắt đầu điều tra Tsarnaev sau khi cơ quan này nhận được chỉ điểm từ chính phủ Nga từ năm 2011.

FBI theo dõi Mateen từ năm 2013 vì những phát biểu khiêu khích với đồng nghiệp. Tên này tiếp tục bị điều tra một năm sau đó vì có liên hệ với Moner Abu Salha, một tân binh thuộc al-Qaeda. Abu Salha lớn lên ở Vero Beach (bang Florida) và sau đó chết trong một cuộc tấn công tự sát tại Syria vào năm 2014 khi chiến đấu cho nhóm Mặt trận Nusra có liên hệ với al-Qaeda. Nhưng cuối cùng, FBI đã không truy nã Mateen, Tsarnaev hay Hasan.

Mối đe dọa khủng bố từ trong lòng nước Mỹ ảnh 1

Omar Mateen, nghi phạm vụ xả súng làm 50 người chết ở hộp đêm tại Orlando. Ảnh:Reuters

Theo một quan chức Mỹ, nghi phạm Marteen thề trung thành với IS khi gọi tới số điện thoại khẩn cấp 911 lúc thực hiện vụ tấn công ở hộp đêm Orlando. Tuy nhiên, không giống những kẻ khủng bố đã giết hại 130 người tại Paris hồi tháng 12/2015 và 32 người tại Brussels hồi tháng 3, giới chức chưa có bằng chứng cho thấy Mateen được IS đào tạo ở Syria.

Dựa trên những thông tin hiện nay, tay súng Mateen được xếp vào nhóm hơn 300 chiến binh thánh chiến tại Mỹ kể từ vụ 11/9. Thủ phạm không phải là những thanh niên bồng bột trẻ tuổi giàu trí tưởng tượng. Độ tuổi trung bình của các nghi phạm khủng bố là 28 tuổi và một phần ba trong số đó đã kết hôn. Mateen, 29 tuổi và đã ly dị khi thực hiện vụ thảm sát.

Thách thức lớn

Mối đe dọa khủng bố trong lòng nước Mỹ là thách thức lớn cho lực lượng thực thi luật pháp nước này khi "những con sói đơn độc" không liên lạc với tổ chức khủng bố nước ngoài qua email, điện thoại hay một số loại hình truyền thông khác vì bị tình báo Mỹ chặn. Những kẻ này cũng không họp bàn với các đồng phạm thường xuyên bị FBI giám sát.

Theo FBI, cơ quan này đã thực hiện 900 cuộc điều tra những kẻ tình nghi là chiến binh Hồi giáo tại 50 bang của Mỹ.

Tuy nhiên, khó khăn đối với giới thực thi luật pháp còn tăng gấp bội vì họ không thể ngờ những kẻ như Mateen, làm việc cho công ty an ninh toàn cầu, đồng thời là một sĩ quan an ninh được cấp giấy phép tại Florida, hay Nidal Hasan là thiếu tá trong quân đội Mỹ, lại trở thành những kẻ giết người hàng loạt.

Vụ tấn công mới nhất tại Orlando nhắc nhở người Mỹ rằng, dù có thể đã lọt vào tầm ngắm FBI, những kẻ khủng bố Mỹ vẫn có thể qua mặt cơ quan này, đồng thời dễ dàng thực hiện thành công các vụ khủng bố đẫm máu.

Sợ hãi bao trùm

Trong khi đó, vụ thảm sát tại Orlando làm dấy lên lo ngại về tình trạng an toàn của những người đồng tính. Cộng đồng người đồng tính và chuyển giới (LGBT) từng chứng kiến nhiều vụ bạo lực trước đó, từ vụ ám sát nhà hoạt động chính trị đồng tính Harvey Milk tới vụ sát hại sinh viên Matthew Shepard. Tuy nhiên, vụ xả súng tại hộp đêm Pluse tại thành phố Orlando là sự việc nghiêm trọng nhất nhằm vào LGBT tại Mỹ từ trước tới nay, CBS cho hay.

Vụ tấn công hộp đêm Pulse cũng là vụ xả súng hàng loạt đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ. Sự việc diễn ra trong bối cảnh nhiều sự kiện kỷ niệm tháng Tự hào diễn ra trên toàn nước Mỹ. Nỗi sợ hãi bao trùm xung quanh vụ thảm sát khiến 50 người thiệt mạng nhanh chóng thúc đẩy vấn đề an ninh chặt chẽ hơn tại các sự kiện liên quan tới người đồng tính. Tay súng Mateen từng nói với cha rằng, y cảm thấy “khó chịu” khi thấy hai người đàn ông hôn nhau ở Miami.

Theo thị trưởng thành phố Dallas, Mike Rawling, vụ xả súng tại hộp đêm Pluse là “minh chứng cho những lo ngại chính đáng trong cộng đồng LGBT hàng ngày”. Thành phố Dallas là trung tâm của cộng đồng người đồng tính địa phương.

Mối đe dọa khủng bố từ trong lòng nước Mỹ ảnh 2

Những vết đạn lỗ chỗ trên tường của câu lạc bộ của người đồng tính sau vụ xả súng kinh hoàng. Ảnh: Los Angeles Times

Cũng trong ngày 12/6, cảnh sát bắt người đàn ông có tên James Wesley đem theo súng trường, đạn và hóa chất có thể được dùng để tạo vật liệu nổ, ở miền Nam California. Tên này khai đang lên kế hoạch tấn công lễ diễu hành của người đồng tính. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết, họ không có bằng chứng cho thấy Wesley có liên quan tới vụ thảm sát ở Orlando.

Trước đó, sự cố nghiêm trọng nhất nhằm vào người đồng tính là vụ giết Harvey Milk, chính trị gia đồng tính tiên phong tại San Francisco năm 1978 và vụ giết hại Shepard, người sinh viên đồng tính ở Wyoming.

Trong khi đó, đây cũng không phải lần đầu tiên hộp đêm dành cho cộng đồng LGBT bị tấn công. Năm 1973, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán bar dành cho người đồng tính nam Upstairs Lounge, ở New Orleans, khiến 32 người thiệt mạng.

Ngày 31/12/2013, khoảng 750 người đang chào đón giao thừa tại Neighbours, một hộp đêm nổi tiếng dành cho những người thuộc giới tính thứ ba ở Seattle, Musab Masmari đổ xăng vào cầu thang trải thảm và khiến ngọn lửa bùng lên. May măn, không ai bị thương sau vụ việc. Masmari bị kết án 10 năm tù vì tội đốt phá.

“Hộp đêm luôn là không gian thiêng liêng của những người đồng tính. Đó là nơi chúng tôi thoát khỏi ánh mắt dò xét, đánh giá của xã hội, nơi chúng tôi có thể yêu và được yêu”, Paul Raushenbush, mục sư kiêm nhà văn đồng tính nổi tiếng, từng viết trên Facebook.

Tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, những buổi cầu nguyện được tổ chức tại trung tâm cộng đồng LGBT và các điểm tụ họp khác để tưởng nhớ những nạn nhân ở Orlando.

Theo Zing.vn

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: