Một “thế hệ vô thừa nhận” ở Mỹ

(Ngày Nay) - “Bố mẹ tôi yêu nhau từ thời đại học…”, Heather Bowser mơ màng nhìn ra khoảng sân cỏ xanh mướt sau nhà và bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời của cô. “Nhưng bố tôi đã bỏ học, bởi ông ấy cho rằng nghề kế toán thật là buồn tẻ, mà ông ấy thì không muốn trở thành một người buồn tẻ”... 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không lâu sau khi rời trường đại học, chàng trai Bill Morris - khi đó 20 tuổi - được gọi nhập ngũ và gửi sang tham chiến tại Việt Nam. Một đám cưới vội vàng với cô bạn gái Sharon Nelson đã diễn ra một ngày cuối tháng 7 năm 1968, chỉ chín ngày trước khi Bill tạm biệt nước Mỹ để đến chiến trường ở một đất nước xa xôi, nơi đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.

Bill Morris đóng quân tại nơi chỉ cách sân bay quân sự Biên Hòa chưa tới 15 km. Sân bay Biên Hòa là nơi các máy bay quân sự cất cánh, thực hiện nhiệm vụ rải Chất độc da cam để tàn phá các cánh rừng nơi trú ẩn của đối phương. Heather thường nghe cha kể lại rằng, những chiếc máy bay khi trở về thường thả chất độc da cam còn thừa xuống dòng sông ngay cạnh căn cứ của ông. Và những người lính Mỹ khi buồn chán vẫn hay dỡ thùng gỗ đựng hóa chất làm củi đốt để tổ chức các bữa tiệc thịt nướng.

Bill Morris trở về sau chín tháng tham chiến. Nhưng chín tháng đó đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi….

Heather ngừng kể, im lặng nhìn ra khoảng sân cỏ và nhớ lại những tháng ngày cha cô chiến đấu với hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý - PTSD. Những đêm hè ròng rã, ông ôm một khẩu súng săn ngồi ở sân nhà, căng thẳng chờ đợi một kẻ tấn công vô hình tới làm hại gia đình mình. Cô bé Heather, khi ấy mới lên 3 tuổi, cố gắng đi lại trên chiếc chân giả bằng gỗ thật khẽ khàng để không làm cha giật mình… Đó là mùa hè của năm 1975, ngay sau khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc. Nhưng bất hạnh thì đã đeo đuổi gia đình Morris từ trước đó rất lâu, ngay sau khi ông trở về từ chiến trường Việt Nam.

---

Heather Anne Morris sinh ngày 7 tháng 10 năm 1972. Trước khi cô ra đời, bà Sharon đã trải qua hai lần sảy thai liên tiếp mà không rõ nguyên nhân. Sự ra đời của Heather vừa là niềm vui, lại vừa là cú sốc lớn đối với gia đình Morris. Cô sinh non hai tháng, nhỏ bé như một con mèo, chân phải cụt tới đầu gối, hai bàn tay thiếu ngón dị dạng, chân trái không có ngón cái và các ngón còn lại thì dính chặt vào nhau. Các bác sĩ khuyên bố mẹ Heather chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, bởi “khi đứa trẻ bị dị tật bên ngoài, thì thường nó sẽ bị dị tật cả bên trong”.

Bà Sharon yêu thương Heather ngay từ thời khắc đầu tiên trông thấy con gái mình. Nhưng trong suốt một thập kỷ, bà đã sống với cảm giác day dứt, tội lỗi của người mẹ không cho con mình được một hình hài lành lặn. Vợ chồng Morris không thể hiểu nổi điều gì đã diễn ra, vì sao mà định mệnh nghiệt ngã đó lại rơi vào đúng đứa con nhỏ của họ.

Một “thế hệ vô thừa nhận” ở Mỹ ảnh 1Heather Anne Morris

Trong nhiều thập kỷ, Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ đã thu thập - rồi phớt lờ - những thông tin và số liệu có thể giúp trả lời những câu hỏi đó. Các nhân viên y tế đã theo dõi tình trạng sức khỏe của hơn 668.000 cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam và có khả năng đã tiếp xúc với chất độc da cam. Trong ít nhất 34 năm, cơ quan này cũng đã tiến hành khảo sát về những dị tật của con cái họ.

Phân tích những dữ liệu trên đã cho ra kết quả đáng chú ý: Khả năng sinh con có dị tật đối với các cựu binh đã tiếp xúc với chất độc da cam cao hơn gấp 1,3 lần so với các cựu binh không tiếp xúc, hoặc không chắc chắn. Nhiều đứa trẻ gặp những dị tật lạ chưa từng xảy ra trước đó trong gia đình như thiếu chân tay, thừa chân tay và nhiều loại dị tật khác.

Những nghiên cứu về thế hệ thứ hai đã phần nào dẫn dắt chính sách trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ đối với con cái của các cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam. Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ hiện trợ cấp thương tật cho những người bị dị tật nứt đốt sống là con của các cựu binh. Bộ cũng trợ cấp những người bị mắc 18 loại dị tật khác nhưng chỉ trong phạm vi con cái của một số nữ cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là Heather và phần đông những người cùng hoàn cảnh với cô vẫn không được chính phủ Mỹ công nhận là một nạn nhân chất độc da cam.

---

Cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh đã làm thay đổi cách xã hội Mỹ đối đãi với các cựu binh trở về từ chiến trường. Đó là một cuộc chiến mang đầy những nỗi ê chề mà nước Mỹ chỉ muốn sớm cho vào quên lãng. Thay vì được chào đón trở về như những người hùng, các cựu binh tham chiến tại Việt Nam như cha của Heather chỉ nhận được sự xa cách, lạnh nhạt của xã hội.

Di chứng chất độc da cam cũng là một thực tế mà cho đến ngày hôm nay, nước Mỹ vẫn muốn né tránh, không nhìn nhận. Không ai muốn thừa nhận rằng quân đội Mỹ lại có thể gây ra một tội ác khủng khiếp như vậy đối với những người lính của họ và với cả những đứa trẻ vô tội còn chưa ra đời. Và còn một lý do mang tính thực tế hơn, đó là nếu thừa nhận di chứng chất độc da cam, người Mỹ sẽ rơi vào thế bất lợi trong các cuộc chiến pháp lý với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Bước sang đầu những năm 1980, chất độc da cam ngày càng gây những di chứng rõ ràng lên sức khỏe của Bill Morris. Ở tuổi ngoài 30, ông bắt đầu mắc các chứng về tiểu đường và tim mạch, vốn thường chỉ xuất hiện ở những người đã bước qua tuổi 60. Và năm 1998, ở tuổi 50, ông qua đời sau một cơn đột quỵ, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Những lá đơn xin trợ cấp thương bệnh binh gửi đi đều bị từ chối.

Nhưng một lá đơn cuối cùng đã được chấp nhận sau khi Bill Morris qua đời vài tháng. Cầm thư phúc đáp trên tay, bà Sharon đã tới trước mộ chồng để báo tin: “Bill à, anh đã chính thức được công nhận là một thương binh rồi đấy”.

Đối với những nạn nhân chất độc da cam như Bill Morris và con gái ông, Heather, thì sự thừa nhận này còn quan trọng hơn bất cứ quyền lợi vật chất nào. Sự thừa nhận cũng chính là điều Heather tìm kiếm không mệt mỏi kể từ khi nhận biết mình là một nạn nhân chất độc da cam.

“Thật thà mà nói, tiền đền bù không phải là vấn đề. Quan trọng hơn là sự thừa nhận rằng chúng tôi đã phải chịu khổ đau, cha mẹ chúng tôi đã phải chịu khổ đau, đó là thực tế cần phải được thùa nhận… Di chứng chất độc da cam không phải tồn tại trong trí tưởng tượng, cũng không phải là một thuyết âm mưu. Đây là thực tế đã xảy ra với chúng tôi, với gia đình chúng tôi”.

---

Heather tìm thấy sự thừa nhận ở một nơi cô không ngờ nhất. Cuối năm 2010, cơ duyên đưa Heather đến với Việt Nam, khi đó đối với cô còn là một đất nước đáng sợ, nơi có bóng ma chiến tranh đã ám ảnh cha cô và thay đổi cuộc sống của gia đình họ mãi mãi.

Đặt chân xuống Việt Nam, điều khiến Heather ngỡ ngàng hơn cả là di chứng chất độc da cam, điều thường xuyên bị phủ nhận tại Mỹ, lại được coi là một thực tế đương nhiên được tất cả mọi người mà cô gặp ở Việt Nam thừa nhận. “Ở Việt Nam, nếu trông thấy một đứa trẻ dị tật, người ta sẽ nghĩ ngay đến chất độc da cam”, Heather kể lại. “Điều đó không xảy ra ở nước Mỹ hay ở thành phố quê hương tôi”.

Một “thế hệ vô thừa nhận” ở Mỹ ảnh 2Heather và cậu bé 12 tuổi người Việt Nam

Và ở Việt Nam, cô gặp một cậu bé 12 tuổi ngồi trên xe lăn với nụ cười rạng rỡ. Cậu bé cũng bị mất cùng một bên chân, và cũng bị mất những ngón tay giống như Heather. Cậu bé là hình ảnh phản chiếu hoàn hảo của Heather.

“Giờ thì ai dám nói tôi không phải nạn nhân chất độc da cam nào. Cùng mất chân tay, trong cùng một cuộc chiến đấy nhé” - Nếu không phải Heather, khó ai có thể hiểu nổi sự mãn nguyện trong câu nói có phần kỳ lạ của cô.

---

Trở về Mỹ, Heather Bowser sáng lập ra Liên minh vì Sức khỏe Con cái các Cựu binh Việt Nam - COVVHA. COVVHA hiện nay đã trở thành một cộng đồng của hơn 4.000 thành viên, trong đó phần lớn là các nạn nhân chất độc da cam Hoa Kỳ cùng nhau tìm kiếm công lý và sự thừa nhận. “Câu chuyện của chúng tôi rất giống nhau… cùng một loại dị tật, cùng những vấn đề sức khỏe: dị tật ống thần kinh, cụt tay cân, ngón chân dính liền, thừa đốt sống, thiếu đốt sống…”.

Tới thăm Heather tại ngôi nhà ấm cúng của cô ở tiểu bang Ohio, tôi cũng tình cờ gặp người đồng sáng lập COVVHA với Heather. Kelly Derricks, con gái một cựu phi công Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Ông qua đời năm 1982 ở tuổi 37 do di chứng chất độc da cam.

Kelly sinh năm 1975, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe được cho là có nguyên nhân từ chất độc da cam như suy thận mãn tính, viêm bàng quang kẽ, tăng sản tuyến thượng thận… Nhưng Kelly rất ít khi nói tới sức khỏe của mình. Cô lại hay kể về người cha qua đời năm cô mới lên bảy tuổi, về sự tức giận và niềm tiếc nuối những năm tháng trưởng thành không được sống bên ông.

Kelly là một phụ nữ Do thái rất thông minh và là một nhà hùng biện, nhưng lẩn khuất đâu đó vẫn là một cô bé bảy tuổi mang vết thương sâu. Cô buộc tóc hai bên, nói chuyện bằng một điệu bộ có phần hơi phụng phịu, dễ bị kích động và hay nổi nóng.

Heather, một cử nhân tâm lý học, giải thích với tôi rằng: “Bạn biết không, khi con người trải qua một cú sốc lớn trong cuộc đời, thì về mặt tâm lý họ sẽ bị ‘đóng băng’ trong thời điểm đó, họ sẽ mang theo tâm tính và cách hành xử ở thời điểm đó theo mình suốt về sau này. Kelly mất cha năm lên bảy, cú sốc ấy khiến giờ đây, một phần con người cô ấy vẫn đang là đứa trẻ bảy tuổi”.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi một tiếng đàn ghita dịu dàng đưa tới… Kelly đang hát bài “Leaving on a jet plane”, bài hát mà cha cô đã hát trên giường bệnh để chào từ biệt con gái trước khi qua đời.

“Hãy hôn cha đi và hãy mỉm cười

Hãy nói rằng con sẽ đợi cha về

Hãy ôm như thể con sẽ không bao giờ để cha đi

Bởi vì cha sắp ra đi trên một chiếc máy bay

Không biết đến khi nào mới trở về

Bé con ơi, cha ghét phải ra đi…”.

Tiếng hát của Kelly nhòe dần rồi nghẹn lại, giữa buổi hoàng hôn Ohio rực màu da cam.

Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.