Những lời yêu thương cuối cùng trong ngày 11/9/2001

(Ngày Nay) -New York của ngày 11/9/2001 tràn ngập tiếng còi xe cấp cứu, xe cứu hỏa, những tiếng kêu cứu hoảng loạn và cả những cuộc điện thoại vĩnh biệt.
Những lời yêu thương cuối cùng trong ngày 11/9/2001

Gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 khi hai chiếc máy bay đâm vào hai tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC).

Hàng ngàn người bất lực chứng kiến cảnh hai tòa tháp sụp đổ chôn vùi người thân của mình. Và không biết bao nhiêu người khác đã bàng hoàng nhìn tòa tháp biểu tượng cho sự thịnh vượng của nước Mỹ chỉ còn đám tro bụi.

Tất cả họ, ai cũng có câu chuyện 11/9 của riêng mình.

Những lời yêu thương cuối cùng trong ngày 11/9/2001 ảnh 1
Một chàng trai khóc trên đường phố khi chứng kiến hai tòa tháp sụp đổ. Ảnh:AP

Từ tòa tháp Bắc

8h46 ngày 11/9/2001, chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc. 

* "Không, con ở tầng cao nhất".

Garth Feeney là phó giám đốc của hãng Data Synapse. Vào buổi sáng 11/9, Feeney đang tham dự một hội nghị tại nhà hàng Windows of the World tại tầng 106 của tòa tháp Bắc. Năm phút sau khi máy bay đâm vào tòa nhà, Feeney gọi điện cho mẹ mình, bà Judy Feeney ở Florida.

"Tôi vừa bật chương trình Chào buổi sáng nước Mỹ lên. Họ nói gì đó về chiếc máy bay, tôi đang nói chuyện đó với chồng tôi thì điện thoại rung. "Có gì vậy con trai?". "Mẹ, con không gọi điện để tám chuyện. Con đang ở WTC và tòa nhà bị máy bay đâm vào".

"Hãy nói với mẹ rằng con ở bên dưới". "Không, con ở trên. Con ở tầng trên cùng. Ở đây có 70 người trong một căn phòng. Họ đã đóng cửa lại để ngăn khói vào phòng".

* "Không thể là lúc này, khi chúng tôi vừa biết tin về đứa con sắp chào đời".

Sáng 11/9 đó, Patricia Massari ở tầng 89 của tòa nhà, đang nói chuyện với chồng cô, Loius, qua điện thoại. Họ vừa biết tin mình sắp chào đón đứa con đầu lòng.

"Chúng tôi đang nói chuyện, rồi cô ấy nói "lạy chúa tôi". Những lời đó vẫn vang vọng rõ ràng trong đầu óc tôi mỗi ngày. Cô ấy nhìn thấy, hoặc cảm thấy thứ gì đó, một thứ làm cô ấy sợ".

"Rồi tôi nghe một tiếng động ập đến, nhưng thể cô ấy ngã khỏi ghế, và đường dây điện thoại mất tín hiệu. Tôi gọi lại mọi đường dây đều báo bận. Tôi luôn miệng lẩm bẩm 'không thể là lúc này, không thể là vợ tôi, không thể là lúc chúng tôi vừa nghe tin về đứa con của mình'".

"Chúng tôi biết ơn khoảnh khắc đó"

Ralph Gerhardt đang ở tầng 105 của WTC vào sáng hôm đó, còn bố anh, ông Hans Gerhardt đang ở Toronto, Canada. Đây là cuộc gọi cuối cùng của cha con họ:

"Có bom nổ, hoặc máy bay đâm vào tòa nhà gì đó. Con ổn, những người quanh đây đều ổn. Bọn con đang cố gắng di tản. Con yêu bố, sẽ gọi lại cho bố sau".

"Ralph không phải người dễ sợ hãi. Nó chơi lặn biển, nhảy cầu. Giọng nó hôm đó hơi run. Nhưng vẫn tự tin. Chúng tôi cảm thấy biết ơn đã có cuộc điện thoại đó. Chúng tôi biết ơn khoảnh khắc đó", ông Hans nói.

Những lời yêu thương cuối cùng trong ngày 11/9/2001 ảnh 2
Hoa được đặt tại công trình tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Công trình tưởng niệm được xây tại nơi hai tòa tháp đã sụp xuống. Ảnh:Getty Image

Từ tòa tháp Nam

Lúc 9h03, chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp Nam.

* "Anh có thể được về nhà sớm hôm nay"

Jason Jacobs gọi điện cho vợ mình, Jennifer sau khi máy bay đâm vào tòa tháp Bắc. Anh đang ở tòa tháp Nam, lúc này vẫn an toàn. Jennifer kể lại: "Tôi nghe giọng anh ấy và biết có chuyện không ổn".

"Anh ấy gọi để báo rằng máy bay đã đâm vào tòa nhà WTC. Nhưng anh ấy ổn. Máy bay đâm vào tòa nhà bên kia. Bên ngoài cửa kính văn phòng Jason là quả cầu lửa khổng lồ, giấy bay khắp trời. Mọi người đang chạy tán loạn khắp tầng của tòa nhà.

Jason gọi để báo với tôi rằng anh ấy ổn. Anh ấy cũng không biết mình có phải di tản đi không. 'Anh có thể được về nhà sớm hôm nay, hoặc không'. Lời cuối cùng của Jason với tôi là anh ấy yêu tôi, và con chúng tôi, Zoe. Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với anh ấy".

"Anh vừa đặt vé đi Rome"

Edmund McNally gọi vợ, Liz một lần sau khi tòa tháp Bắc bị đâm, và hai lần nữa sau khi tòa Nam, nơi anh đang đứng, cũng bị tấn công. "Điều đầu tiên anh ấy nói rằng tôi là cả thế giới với anh ấy và anh ấy yêu tôi", cô kể.

Anh ấy bảo tôi nói với lũ trẻ rằng anh ấy yêu chúng. Rồi anh ấy bảo đừng quên cái bảo hiểm nhân mạng anh đã mua. Những chương trình anh ấy đã làm. Mấy cái hợp đồng đã ký... Anh ấy liệt kê cuộc đời mình từ A tới Z, những thứ tôi phải để ý sau này.

Lát sau anh ấy gọi lại, nói là vừa đặt vé để Rome. Anh ấy nói tôi nhớ hủy chuyến đi...".

Những lời yêu thương cuối cùng trong ngày 11/9/2001 ảnh 3
Hai cột sáng thay thế cho hai tòa tháp đã sụp xuống. Ảnh:Reuters

Từ bệnh viện

* "Nhưng không ai tới cả".

Sáng 11/9/2001, các nhân viên của bệnh viện Columbia Presbyterian tụ tập quanh tivi chứng kiến cột khói bốc lên từ tòa nhà WTC. Họ được thông báo rằng bệnh viện đã chuyển sang tình huống đối phó thảm họa và cô phải sẵn sàng cho nhiều ngày rất bận sắp tới.

Những ca phẫu thuật theo lịch bị hủy hết, phòng mổ được chuẩn bị sẵn sàng cho người bị thương. Các bác sĩ ở những bộ phận không khẩn cấp được điều về phòng cấp cứu...

Thế nhưng, đến cuối ngày 11/9, vẫn không có người bị thương sống sót nào được chuyển đến bệnh viện cả. Đến sáng ngày 12/9, phòng cấp cứu của bệnh viện trông như một thị trấn ma. Bác sĩ, y tá, các nhân viên đều đã tụ tập về đây, chờ đợi những bệnh nhân không tới.

"Tôi khóc trong nhiều tuần sau đó, mỗi khi đọc báo. Chồng tôi đã đi làm lại, chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc thảm hại và các đồng nghiệp đi dự hết đám ma này đến đám ma khác", một nữ bác sĩ kể lại.

Từ đường phố

* "Trời New York ngày hôm đó rất xanh"

Carmel Dean từ Australia chuyển đến New York vào tháng 8/2001. Ngày 11/9/2001 trong mắt cô là một buổi sáng trời xanh không gợn mây, và Carmel, 22 tuổi, ra khỏi nhà để đến Đại học New York, theo đuổi ước mơ trở thành một nghệ sĩ ở sân khấu Broadway.

Carmel nghe tin về vụ tấn công khi cô đang ở trong lớp học. Bỗng nhiên, mọi thứ xung quanh cô mất kiểm soát. Một vài người bạn hoảng loạn, tiếng xe cứu hỏa và cảnh sát vọng lên từng những con đường.

Trên radio, một phát thanh viên đang kết nối điện thoại với một người đang có mặt trong tòa nhà vừa bị đâm. Cuộc gọi bị ngắt giữa chừng vì một chiếc may bay khác đã đâm vào tòa nhà thứ hai. Ở bên ngoài, bầu trời vẫn xanh, nhưng không khí ngập tràn sợ hãi và hoang mang.

Carmel mất 8 tiếng để về nhà ngày hôm đó. Đêm đó, cô cùng bạn bè tụ tập ở nhà, xem tin tức, rồi khóc, và an ủi nhau.

Trước ngày 11/9 năm đó, Carmel chưa từng nghe về tổ chức khủng bố al-Qaeda. Cô chưa từng tưởng tượng được khủng bố có thể xảy ra ở New York, thành phố cô đến để theo đuổi ước mơ. Sau ngày 11/9, Carmel vẫn không nghĩ cô sẽ rời bỏ New York.

Theo Zing
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: