Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý – sự đảo ngược của một nền dân chủ?

(Ngày Nay) - Trong cuộc trưng cầu dân ý đình đám cuối tuần qua, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ - theo phản ánh trên lá phiếu - đã lựa chọn những thay đổi về Hiến pháp quan trọng, định hình lại toàn bộ nền dân chủ ở đất nước này. Gói 18 nội dung cải cách Hiến pháp đã vượt qua thử thách trưng cầu dân ý, sau khi không nhận được đủ sự ủng hộ của đa số tuyệt đối, tức là hai phần ba số nghị sĩ trong Quốc hội. 
Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý – sự đảo ngược của một nền dân chủ?

Cuộc trưng cầu Hiến pháp được cho là sẽ mở đường cho những diễn biến chính trị đáng chú ý nhất kể từ khi nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập năm 1923. Với kết quả trưng cầu dân ý này, chính thể cộng hòa nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thay thế bằng cộng hòa tổng thống. Tổng thống Erdogan sẽ được quyền ra tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa, đồng nghĩa với việc nếu ông chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 2019 và năm 2024, ông sẽ nắm quyền nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ cho tới tận năm 2029. Bên cạnh đó, ông cũng sẽ được quyền kiêm nhiệm vị trí cao nhất của đảng Công lý và Phát triển AKP, một đảng đang có đa số áp đảo trong quốc hội.

Trong chế độ cộng hòa nghị viện hiện hành tại Thổ Nhĩ Kỳ, vị trí tổng thống mang nặng tính nghi thức và có ảnh hưởng hạn chế tới hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, nhờ vào sức ảnh hưởng cá nhân và sự trung thành của đảng AKP, ông Erdogan đã phần nào mở rộng được quyền lực của bản thân. Với kết quả trưng cầu dân ý mới, nhà lãnh đạo này sẽ như “hổ được tiếp thêm cánh” khi tiếp tục thâu tóm được quyền lực từ các nhánh lập pháp và tư pháp.

Những cải cách củng cố quyền lực

Gói 18 cải cách Hiến pháp được thông qua có nội dung chủ yếu là sắp xếp lại quyền lực của hai nhánh hành pháp và tư pháp. Cụ thể:

- Hủy bỏ vị trí thủ tướng. Tổng thống sẽ trực tiếp chỉ định nội các và sẽ có thêm các vị trí phó tổng thống. Quốc hội sẽ không còn giám sát các bộ trưởng do quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm bị loại bỏ.

- Tổng thống không còn cần phải trung lập, và có thể giữ mối liên hệ với đảng chính trị của mình. Theo Hiến pháp hiện tại, tổng thống phải cắt đứt quan hệ với đảng chính trị sau khi được bầu.

- Số đại biểu Quốc hội tăng từ 550 lên 600 người, độ tuổi tối thiểu được giảm xuống 18 tuổi.

- Tổng thống có thể bị quốc hội đưa ra luận tội. Theo Hiến pháp hiện nay, chỉ có tòa án mới có quyền đưa tổng thống ra xét xử nếu ông phạm tội.

- Bãi bỏ các tòa án binh.

- Tổng thống sẽ có thể chỉ định 4 trong số 13 thẩm phán của Hội đồng thẩm phán và công tố viên tối cao.

Bối cảnh

Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp do những biến động chính trị xã hội trong nước và trong khu vực. Tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ mùa hè năm ngoái, sau khi xảy ra vụ đảo chính hụt khiến 248 người chết và 1.400 người bị thương. Vụ đảo chính được Chính phủ Thổ quy cho là có bàn tay dàn dựng của một giáo sĩ người Thổ đang sống tại Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý – sự đảo ngược của một nền dân chủ? ảnh 1

Sau vụ đảo chính, Tổng thống Erdogan đã cho tiến hành một cuộcthanh trừng sâu rộng nhằm vào các đối tượng công chức, cảnh sát, sĩ quan quân đội, thẩm phán, học giả và các cơ quan truyền thông báo chí. Hàng chục nghìn người đã bị bắt giữ hoặc bãi miễn khỏi vị trí trong các cơ quan nhà nước. Các đối thủ chính trị của Tổng thống chỉ trích rằng, cuộc thanh trừng đã đi xa ra ngoài phạm vi những kẻ âm mưu đảo chính và được lợi dụng để loại bỏ các lực lượng chính trị đối lập.

Bên cạnh căng thẳng chính trị trong nội bộ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với những vụ tấn công khủng bố từ phía lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Đảng Công nhân người Kurd - một lực lượng vũ trang chiến đấu đòi ly khai ở miền Đông Nam, cũng đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khủng bố kể từ sau khi các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ đổ vỡ vào tháng Sáu năm 2015.

Phe "Có"

Phe ủng hộ thay đổi Hiến pháp trong Quốc hội gồm có đồng minh của đảng AKP - do chính tổng thống Erdogan sáng lập - và các nhà dân tộc chủ nghĩa.

Những người thuộc phe “Có” cho rằng, thay đổi Hiến pháp sẽ giúp củng cố cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một đất nước vững mạnh hơn, khi nhánh hành pháp được tập trung quyền lực để thúc đẩy phát triển kinh tế và chống khủng bố. Lập luận được đưa ra dựa trên thực tế về những chính phủ liên minh mất đoàn kết trong những năm 1990. Những bất đồng trong nội bộ các chính phủ này đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng suy thoái kinh tế và lạm phát phi mã.

Phe “Có” cho rằng, một nền cộng hòa tổng thống tương tự như ở Pháp, Mỹ hay Mexico sẽ có thể đối phó tốt hơn với nguy cơ khủng bố trong những thời điểm bất ổn, ví dụ như sau vụ đảo chính hụt, làn sóng bạo lực nổi lên tại các khu vực dân cư người Kurd chiếm đa số và cuộc chiến chống IS đang diễn ra. Trong bối cảnh đó, sự ổn định có được từ việc quyền lực tập trung vào một đảng đem lại sự yên tâm nhất định.

Những người ủng hộ cũng cho rằng, thay đổi là cần thiết đối với một bản Hiến pháp đã lỗi thời, được vạch ra trong thời kỳ thiết quân luật, tạo ra nhánh hành pháp “hai đầu” với quyền lực mâu thuẫn, gây cản trở cho sự vận hành của chính phủ.

Bên cạnh những lập luận đó, thì sức hút cá nhân của Tổng thống Erdogan cũng được cho là lý do nhiều cử tri lựa chọn bỏ phiếu “Có”. Ông Erdogan là người có phong cách lãnh đạo gần gũi với người dân và có sự cương nghị dám đứng lên đối đầu với các đồng minh phương Tây. Rất nhiều cử tri đề cao ông do sự mộ đạo, tôn trọng các giá trị Hồi giáo.

Phe "Không"

Hai đảng đối lập chính, đảng Nhân dân Cộng hòa CHP theo đường lối thế tục và đảng HDP của các nhà lập pháp người Kurd, cùng với một liên minh các đảng nhỏ cánh tả, đã nói “Không” trong cuộc trưng cầu dân ý này. Họ cho rằng thể chế cộng hòa tổng thống sẽ dẫn đến một chế độ “một người” được lãnh đạo bởi Erdogan, người được cho là đã ngày càng trở nên độc tài trong những năm trở lại đây. Cuộc thanh trừng sâu rộng vừa diễn ra, cũng như thái độ “nhạy cảm” của ông Erdogan trước những lời chỉ trích, được cho là minh chính của sự thiếu bao dung và cởi mở trong người lãnh đạo này.

Phe “Không” cho rằng những thay đổi Hiến pháp sẽ tiếp tay cho Tổng thống tiếp tục cuộc thanh trừng với các đối tượng cảnh sát, sĩ quan quân đội, thẩm phán, luật sư, nhà báo, cũng như các vụ bắt giam và quấy rối các những người thuộc các đảng chính trị đối lập.

Những người phản đối cải cách Hiến pháp cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong một bầu không khí chính trị thù địch, với việc phe đối lập bị o ép mà điển hình là các vụ bắt bớ Chủ tịch đảng HDP Selahattin Demirtas hay các nhà báo thuộc tờ báo Cumhuriyet có quan điểm đối lập.

Phe “Không” cũng cho rằng, hệ thống chính trị mới được đưa ra trưng cầu chưa có đầy đủ cơ chế kiểm soát và cân bằng để giới hạn quyền lực tổng thống và sẽ tạo điều kiện cho ông nắm trong tay mọi mặt của đời sống chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến thắng gây tranh cãi

Chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý không phải là một chiến thắng được “tâm phục khẩu phục”. Trước hết, đây là một chiến thắng rất sít sao với tỉ lệ số phiếu ủng hộ chỉ là 51,2%. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý này chưa đạt được những tiêu chuẩn do Hội đồng châu Âu đề ra. Còn các đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhanh chóng lên tiếng phản đối kết quả này.

Những tranh cãi xung quanh kết quả cuộc trưng cầu dân ý chủ yếu xoay quanh quyết định vào phút chót của cơ quan bầu cử cho phép đếm những lá phiếu chưa được đóng dấu xác nhận. Theo đảng CHP, có khoảng 1,5 triệu lá phiếu đã không được đóng dấu xác nhận nhưng lại được đếm và công nhận, trong khi chỉ cần 1,3 triệu phiếu là đã có thể đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu này từ “Có” thành “Không”. Tại các thành thị lớn như Istanbul hay Ankara, nơi đa số cử tri lựa chọn nói “Không”, những cuộc biểu tình giận dữ đã bùng nổ ngay trong đêm công bố kết quả sơ bộ.

Những diễn biến mới nhất của cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, sự kiện này có thể sẽ còn gây chia rẽ hơn nữa một đất nước vốn dĩ đã chia rẽ sâu sắc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan.

“Đây là một kết quả rất sít sao, tôi không cho rằng người dân sẽ bỏ qua nó một cách dễ dàng. Người ta sẽ còn bàn luận nhiều”, nhà phân tích Selim Koru thuộc Quỹ nghiên cứu Kinh tế Chính sách Thổ Nhĩ Kỳ nhận định. “Tổng thống rõ ràng là đang cố gắng nhanh chóng xúc tiến quá trình chuyển đổi để kết quả này không thể đảo ngược được nữa”.

Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý – sự đảo ngược của một nền dân chủ? ảnh 2Chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý không phải là một chiến thắng được “tâm phục khẩu phục”...

Chiến thắng cũng không ngọt ngào đối với ông Erdogan, khi ông vấp phải sự hoài nghi từ chính cử tri tại các khu vực “căn cứ địa”, cũng như chính nhiều người vốn ủng hộ đảng AKP. Tại thành phố Istanbul - thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông Erdogan đã xây dựng sự nghiệp chính trị từ vị trí thị trưởng, số phiếu “Không” áp đảo số phiếu “Có”. Phe “Không” cũng thắng thế ở thủ đô Ankara và thành phố cảng quan trọng Izmir. Nhiều người ủng hộ trung thành của đảng AKP cũng đã bỏ phiếu nói “Không”, một động thái bày tỏ sự thiếu tin tưởng với việc mở rộng quyền lực của một tổng thống vốn dĩ đã không có đối thủ.

Cuộc trưng cầu dân ý cũng đã đẩy Tổng thống Erdogan vào thế “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với nhiều nước thuộc EU, liên minh mà Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực muốn làm thành viên. Hoạt động vận động trưng cầu dân ý nhắm vào người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở EU trong thời gian vừa qua đã khiến những nước này bất bình và gây ra nhiều sự cố ngoại giao giữa hai bên, do những nước EU này phản đối việc các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân lên lãnh thổ nước họ để vận động cho những thay đổi Hiến pháp “phản dân chủ”, đi ngược lại các giá trị châu Âu. Ngay trước khi cuộc trưng cầu diễn ra, tổ chức An ninh Hợp tác châu Âu mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên cũng đã nhất định, điều kiện bỏ phiếu không đủ “công bằng”.

Trước những nghi hoặc và phản đối, Tổng thống Erdogan, người giờ đây có khả năng sẽ nắm quyền thêm hơn một thập kỷ nữa, vẫn giữ nguyên phong cách cứng rắn quen thuộc.

“Có những người đang xem thường kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Họ đừng có cố, vô ích thôi,” ông nói. “Giờ thì đã quá muộn”.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.