Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Đào tạo nghề tốt như Đức thất nghiệp vẫn cao'

(Ngày Nay) - "Thất nghiệp và làm việc không đúng ngành học là tình trạng chung, nước nào cũng có, kể cả nước tiên tiến, đào tạo nghề tốt như Đức", Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Chất vấn Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sáng 18/4, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện nay hệ thống cơ sở dạy nghề có quy mô quá lớn, công tác quản lý khó tập trung, chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đáp ứng nhu cầu lao động. "Tình trạng học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm, trong đó sinh viên có trình độ đại học chiếm tỷ lệ cao. Giải pháp để giải quyết tình trạng này là gì?", bà Trang đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Dung cho biết, việc tuyển sinh đào tạo nghề hiện rất khó khăn. 50% số trường chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu và thời gian tới học sinh học nghề ngày càng ít. Bộ sẽ nâng cao chất lượng học nghề để hút thanh niên vào học đông hơn, đảm bảo học nghề ra có việc, người có đủ điều kiện thì được học liên thông.

"Tôi mong nhân dân ủng hộ, động viên con em học nghề, tìm việc bằng con đường chính đáng vì đại học không phải là con đường duy nhất", ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng Dung, hiện nay Bộ chọn ba vấn đề có tính chất đột phá, để nếu làm tốt thì giáo dục nghề nghiệp sẽ có chuyển động nhất định.

Thứ nhất là tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng bước chuyển giao dự toán ngân sách như hiện nay sang phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra mà không phân biệt công hay tư. "Từ nay đến 2020 sẽ chỉ cấp ngân sách như năm 2017, như vậy hàng năm giảm được 7% chi tiêu trong trường tự chủ", ông Dung nói.

Thứ hai, Bộ Lao động tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo và người lao động. "Sở dĩ người ra trường không có việc làm, doanh nghiệp phải đào tạo lại vì chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường và người học", Bộ trưởng Lao động nhận định.

Vừa qua Bộ đã tổng kết ở ba trường giao thí điểm tự chủ toàn phần và 5 trường liên kết doanh nghiệp (để doanh nghiệp tham gia từ đầu, từ giảng dạy, thực hành, tổ chức thực tập có trả lương). Sau đó doanh nghiệp ký cam kết với nhà trường, nhận sinh viên tốt nghiệp. "Hiện có 6 trường đã cam kết là sinh viên ra trường có việc làm. Nếu em nào không có việc làm thì trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo", Bộ trưởng Lao động thông tin.

Vấn đề thứ ba, Bộ tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, tiệm cận với chuẩn mực của các nước ASEAN và một số nước phát triển, như: chuẩn đầu ra, chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị, chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý và chuẩn về kiểm định chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) băn khoăn, Bộ trưởng nói cung vượt cầu nên thiếu việc làm, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp. Vậy khi nào Bộ giải quyết dứt điểm tình trạng đào tạo lãng phí nguồn nhân lực như hiện nay?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay đã cùng Bộ trưởng Giáo dục, Tài chính trao đổi, cố gắng ở mức cao nhất để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đối với thanh niên miền núi, dân tộc.

"Mong muốn của đại biểu cũng là của chúng tôi. Tuy nhiên, theo tôi và tôi tin nhiều đại biểu cũng đồng tình, việc thất nghiệp và làm việc không đúng với ngành học là tình trạng chung trên thế giới, nước nào cũng có, kể cả nước tiên tiến, đào tạo nghề tốt như Đức thất nghiệp còn rất cao. Chúng tôi mong giảm càng nhiều tỷ lệ thanh niên thấp nghiệp càng tốt và sẽ giải quyết với quyết tâm chính trị cao nhất, cách làm quyết liệt nhất", ông Dung khẳng định.

Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện số học sinh được học văn hoá trong các trung tâm giáo dục thường xuyên tăng lên 40%, số có nhu cầu chuyển sang học giáo dục nghề nghiệp không tiếp tục đại học tăng lên, năm ngoái dưới 50% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục vào đại học. Như vậy là đã có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm.

Bộ Giáo dục đang phối hợp với Bộ Lao động rà soát nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, khuyến khích học sinh khi tốt nghiệp đã có nguyện vọng chuyển sang học nghề chứ không nhất thiết vào đại học. "Chúng tôi đẩy mạnh hướng nghiệp gắn với thực tiễn kỹ thuật công nghệ. Đây cũng là giải pháp tạo đầu vào nhiều hơn cho giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Giáo dục cũng cho hay, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đã tăng cường những môn hướng nghiệp để học sinh lớp 11-12 có thể lựa chọn, khi quyết định vào đại học thì đã được định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng có những chuẩn đầu vào và thắt chặt chất lượng đại học để góp phần hài hòa việc phân luồng. Năm trường đại học sư phạm kỹ thuật đã được Bộ yêu cầu đào tạo ra những giáo sinh thạo nghề.

"Chúng tôi cùng với Bộ Lao động tới đây trình Thủ tướng ban hành quyết định đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học sau của đại học. Quyết định này sẽ tạo động lực cho các em, chưa có điều kiện thì học nghề, khi có thì học liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân", Bộ trưởng Nhạ cho hay.

 

Thống kê đến tháng 9/2016, Việt Nam có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 29.000 so với quý trước đó. Nhóm trình độ đại học trở lên thất nghiệp cao nhất, hơn 202.000 người. Tiếp đến là cao đẳng 122.000 người và trung cấp chuyên nghiệp 73.800 người.

Theo thông báo, tỷ lệ thất nghiệp của Đức đang giảm dần, từ 7,4% năm 2010 xuống 5,1% năm 2014 và 4,2% năm 2016.

Theo Vnexpress
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.