Bộ trưởng Giáo dục: 'Chuyển biên chế sang hợp đồng là hành trình dài'

(Ngày Nay) - Việc chuyển biên chế sang hợp đồng không phải làm ngay mà sẽ được nghiên cứu thấu đáo và được thực hiện ở cả cán bộ quản lý.
 
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Chiều 6/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, những ngày qua sau khi đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ nhận được nhiều chia sẻ, góp ý. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận, đánh giá cao thì cũng có những băn khoăn, thậm chí là trái chiều.

Ông Nhạ cho biết, dù đồng thuận hay trái chiều cũng đều là thông tin quan trọng, bổ ích đối với ngành giáo dục trong quá trình cụ thể hóa đề xuất này. Tuy nhiên, để làm rõ thêm thông tin, người đứng đầu ngành giáo dục đã giải thích một số điểm. Trước hết là trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục đã triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó có đổi mới công tác thi cử, đổi mới chương trình - sách giáo khoa.

Khi đổi mới sách giáo khoa, để thực hiện hiệu quả chương trình mới đó cần đổi mới đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có đội ngũ giáo viên. "Khi nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, vấn đề áp dụng chế độ viên chức đối với giáo viên như hiện nay liệu còn phù hợp trong bối cảnh nghề giáo có nhiều đặc thù, thu nhập chưa được cải thiện, một bộ phận thiếu động lực phấn đấu, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên đang phổ biến... đã được đặt ra", Bộ trưởng nói và cho biết, vì thế Bộ Giáo dục đã đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, chủ trương thực hiện công chức, viên chức hợp đồng đã được đề cập ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Quyết định số 1557 của Thủ tướng về tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức. Chủ trương này hướng tới mục đích cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức, hình thành cơ chế sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó có giáo viên.

Theo Bộ trưởng Nhạ, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng đã chỉ rõ việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

"Chủ trương này hướng đến việc xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Như vậy, các chủ trương của Đảng đã thể hiện rõ quan điểm về việc phải có các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tình hình hiện nay", Bộ trưởng khẳng định.

Sẽ thí điểm ở trường đại học và một số trường THPT

Tư lệnh ngành giáo dục cho rằng, chất lượng đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng thực tế, bên cạnh nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề thì cũng còn một bộ phận không nhỏ có tư tưởng dựa vào “biên chế” để yên tâm ổn định lâu dài, thiếu động lực phấn đấu dạy tốt. Có tình trạng giáo viên dù dạy không tốt nhưng vì có “thâm niên” lâu năm nên lương cao, trong khi người mới ra trường dù dạy tốt lương vẫn thấp. "Những bất cập này cần sớm được khắc phục", ông Nhạ nói.

Tuy nhiên, để xóa bỏ được quan niệm về “biên chế” với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải là việc có thể làm ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác trong đội ngũ giáo viên - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó được hưởng đãi ngộ xứng đáng - là việc cần phải làm.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng khẳng định việc chuyển dần viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Bộ Giáo dục ý thức rõ việc này nên sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai.

Trước mắt, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số đại học và trường trung học phổ thông có đủ điều kiện. Bộ chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa đảm bảo điều kiện thí điểm, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, biên giới, hải đảo.

Khi nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm, Bộ Giáo dục sẽ nghiên cứu các giải pháp để giải quyết thỏa đáng các vấn đề mà dư luận băn khoăn, như chính sách đặc thù đối với giáo viên đang công tác ở vùng sâu, biên giới, hải đảo; chế độ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp; cơ chế kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng... "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù chính sách có thế nào thì chúng ta đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, thu nhập và đảm bảo công bằng đối với tất cả các nhà giáo", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Giáo dục đề nghị Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục làm đầu mối tổ chức khảo sát, nghiên cứu kỹ để xây dựng đề án thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động. Sau đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, nếu Chính phủ đồng ý thì Bộ Nội vụ phải thực hiện. Như vậy để thực hiện được thì còn một hành trình dài, đòi hỏi phải nghiên cứu thấu đáo. Việc chuyển biên chế sang hợp đồng cũng không phải chỉ thực hiện ở giáo viên mà cả cán bộ quản lý để tạo sự đồng bộ và bước đi thích hợp.

"Hiện nay địa phương như tỉnh, huyện tuyển biên chế giáo viên sau đó phân về các trường gây thừa thiếu cục bộ. Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng mà không đề nghị nâng cao chất lượng giáo viên thì ai sẽ đề nghị", ông Nhạ đặt vấn đề.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đổi mới giáo dục không phải nhìn vào ông Bộ trưởng hay cơ quan Bộ mà cần có sự chung tay của toàn dân, phải được coi là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị. "Đổi mới giáo dục có sự đồng hành của các thầy cô thì thắng lợi rất cao", ông Nhạ chia sẻ.

Theo Vnexpress
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.