Bộ VH-TT&DL cần hành xử đúng luật

(Ngày Nay) - Sự việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ra văn bản yêu cầu ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng giải trình về những phát ngôn tại Tọa đàm hôm 30/5 vẫn đang "đốt nóng" sự quan tâm của dư luận. 
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã "xin lỗi hiệp hội du lịch Đà Nẵng
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã "xin lỗi hiệp hội du lịch Đà Nẵng

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã "xin lỗi hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cá nhân anh Huỳnh Tấn Vinh và tôi xin lỗi công luận, mong nhân dân chia sẻ" cũng như Bộ VH-TT&DL chỉ đạo Tổng cục Du lịch họp nhằm đánh giá và kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến việc tham mưu ký văn bản thì dư luận vẫn băn khoăn về cách hành xử không đúng luật của nhiều cá nhân thuộc Bộ VH-TT&DL.

Cấm sinh viên trường nghệ thuật làm thêm

Ngày 18/5/2007, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã ban hành Công văn số 283/NTBD, trong đó yêu cầu các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc: "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhắc nhở các em học sinh, sinh viên thuộc trường khi tham gia biểu diễn ngoài giờ học. Không cho phép các học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại quán bar, vũ trường, quán karaoke và các tụ điểm dễ nảy sinh tệ nạn xã hội".

Ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng, không nên coi các quán bar, vũ trường là nơi thực tập ca hát và để kiếm tiền của sinh viên. "Nhiệm vụ của họ là học tập, và phải cố gắng làm sao được nhận học bổng của nhà trường để tự trang trải cho mình. Không có lý do gì khiến họ phải dùng thời gian học tập để đi hát hò, trong khi việc học của họ đã được nhà nước chu cấp, đào tạo". Ông cũng khẳng định: "Chúng tôi không cắt miếng cơm của sinh viên, mà là tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn được phát triển. Cứ đúng luật mà làm, các bạn sẽ vẫn được tự do làm nghề thôi". Cục trưởng cho rằng, quy định này hoàn toàn có tính khả thi, chỉ cần được sự ủng hộ của những người có liên quan.

Dù ông Cường trần tình như vậy thì Công văn này vẫn bị những người làm nghệ thuật phản ứng dữ dội. Vì làm thêm vừa là cách học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí đời sống vừa là dịp để các em trải nghiệm, nâng cao trình độ, kinh nghiệm biểu diễn.

Sau đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã gửi công văn tới Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin đề nghị hủy bỏ văn bản này. Theo Cục Kiểm tra văn bản, Công văn 283 đã đưa ra quy định cấm không phù hợp với qui định của pháp luật về quyền và lợi ích của học sinh, sinh viên các trường văn hoá - nghệ thuật. Những trường hợp học sinh, sinh viên tham gia vào tệ nạn xã hội hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì đương nhiên phải bị xử lý theo quy định của pháp luật và quy chế của nhà trường. Thứ hai, về nguyên tắc, Cục Nghệ thuật biểu diễn là đơn vị thuộc Bộ nên không có thẩm quyền đưa ra các quy định có tính quy phạm pháp luật như nội dung Công văn 283: "Không cho phép HS-SV tham gia biểu diễn…", mà việc ban hành các nội dung quy phạm pháp luật tại Bộ VHTT là thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.

Can thiệp vào hoạt động của các Hội

Ngày 10/3/2017, dưới sự tham mưu của Cục Di sản và Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã ký văn bản số 932/BVHTTDL-TTr gửi UBND các tỉnh thành phố, nội dung công văn yêu cầu các tỉnh thành phố không tổ chức các hoạt động của ba tổ chức là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội Sinh vật cảnh trong một số hoạt động.

Tuy nhiên, hoạt động của ba tổ chức này hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của Bộ VH-TT&DL. Ví dụ việc công nhận “Cây Di sản” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (trong văn bản gửi đi Bộ VH-TT&DL nhầm thành Hội Sinh vật cảnh), hay chứng nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự” của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là những sáng kiến của các tổ chức nhân dân, không mượn danh nhà nước, không lấy ngân sách quốc gia.

Mặt khác, trong văn bản này, Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh cấm các tổ chức này triển khai các hoạt động khi chưa có quy định pháp luật cho phép thực hiện. Như vậy, cả người ký lẫn những người tham mưu đều không hiểu rằng, theo Hiến pháp, các tổ chức như Hội, Hiệp hội hay từng công dân có quyền làm những việc pháp luật không cấm, chứ không chờ Bộ nọ ngành kia cho phép mới được làm.

Để bảo vệ quyền lợi cho tổ chức, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã làm văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ VH-TT&DL ra văn bản trái với thẩm quyền này. Đồng thời, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét việc văn bản Bộ VH-TT&DL do bà thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký có đúng với vai trò chức năng của Bộ hay không.

Ngày 16/5/2017, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư Pháp đã có công văn phúc đáp trong đó khẳng định: Với cách diễn đạt có tính chất “đề nghị” tại Công văn số 932/BVHTTDL-TTr, căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nội dung nêu trên không phải quy phạm pháp luật. Tại văn bản của Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật còn nhấn mạnh: “Trong thực tiễn thi hành pháp luật, nếu các cơ quan, công chức nhà nước viện dẫn những nội dung tại Công văn số 932/BVHTTDL-TTr để thực hiện hành vi trái với quy định pháp luật hiện hành, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam thì sẽ không đảm bảo tính hợp pháp và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam có thể thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật (Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành)”.

Bộ Văn hóa hãy làm đúng chức trách của mình

Có điều gì chung giữa những sự kiện: Cấm học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật làm thêm; yêu cầu một cá nhân (không phải cán bộ công chức viên chức thuộc Bộ) phải kiểm điểm những phát ngôn công khai tại một buổi tọa đàm; cấp phép các ca khúc Cách mạng trong đó có cả Quốc ca và dừng những hoạt động của các tổ chức Hội?

Có lẽ đó là sự chuyên quyền hay nói cách khác là vượt quyền của một số cán bộ công chức Bộ VH-TT&DL. Tổng cục Du lịch đã phải họp đánh giá và kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến việc tham mưu ký văn bản "xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh". Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã bị thôi chức sau những lùm xùm cấp phép ca khúc Cách mạng. Vậy ai là người tham mưu cho Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký văn bản yêu cầu dừng những hoạt động hợp pháp của các tổ chức Hội? Những thiệt hại của các tổ chức Hội sau văn bản số 932/BVHTTDL-TTr sẽ do ai gánh chịu?

Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội và được Chính phủ cụ thể hóa trong các nghị quyết, quyết định quan trọng thời gian qua (Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ). Trong đó, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những hành động "cửa quyền", những văn bản "lạ" trái ngược với chỉ đạo của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Không thể có một Chính phủ kiến tạo, liêm chính khi các Bộ ngành vẫn giữ chiếc roi da với định kiến "cấm đoán, ngăn chặn". Một đất nước tiến lên khi mọi tổ chức, cá nhân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Và ngược lại, cán bộ, công chức, cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Phát biểu tại lễ tổng kết của Bộ VH-TT&DL vào đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ này phải chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ và chính quyền các cấp ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm xóa bỏ các rào cản cho phát triển văn hóa. Nhưng hình như, Bộ VH-TT&DL đang ngày càng đặt ra nhiều "rào cản" trong các hoạt động văn hóa của cộng đồng?

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.