Chuyện về những ngôi cổ miếu thiêng trong tiềm thức người Hà Nội

Với người dân Hà Nội thì ngày rằm, ngày mồng một, ngoài việc đến chùa cầu an, cầu tài lộc thì việc dâng hương ở miếu làng là một thói quen dường như đã ăn sâu vào tiềm thức.

Ngôi miếu và cây đa nằm giữa đường Vũ Trọng Phụng
Ngôi miếu và cây đa nằm giữa đường Vũ Trọng Phụng

Tín ngưỡng ấy hòa nhập như máu thịt với những nét đẹp thanh tao, sâu sắc của người Kẻ Chợ. Những ngôi miếu thiêng là nơi gửi gắm bao nguyện cầu, là hoài niệm của một thời son trẻ cũng như sự giải thoát tâm linh của nhiều số kiếp long đong, lận đận cõi trần gian.

Nét đẹp tâm linh

Hà Nội có nhiều miếu thờ, thường đặt dưới tán đa cổ thụ. Có miếu tồn tại cả mấy trăm năm, có "lai lịch" rõ ràng và gắn bó với nhiều thế hệ dân cư ở khu vực ấy như một thực thể không thể tách rời.

Nhưng cũng có những miếu mà người trong làng chỉ nghe người già truyền lại là thờ người nọ, người kia trong làng, thậm chí là thờ cô gái thất tình tự vẫn, hay cậu bé không may bị chết xe tông, hoặc đuối nước, chết trôi.

Người dân thắp nhang, cầu cho linh hồn không may mắn ấy siêu thoát và thành thói quen truyền qua nhiều thế hệ. Theo nhiều nhà nghiên cứu về tâm linh, tín ngưỡng thì khi dâng nhang đi lễ chùa, dâng nhang ở miếu mạo, niềm tin tâm linh được thể hiện, nhiều người thấy lòng mình được thanh thoát, ưu phiền được rũ bỏ nên công việc vì thế cũng hanh thông, thuận lợi.

Chuyện về những ngôi cổ miếu thiêng trong tiềm thức người Hà Nội ảnh 1Ngôi miếu nằm dưới gốc đa trên đường Vũ Trọng Phụng

Và, đây là khởi nguồn cho những lời đồn thổi về sự linh thiêng, ứng nghiệm của những ngôi miếu thiêng đất Tràng An.

Cũng theo những chuyên gia nghiên cứu về tâm linh, tín ngưỡng thì ở Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng, miếu thường nằm dưới những tán cây cổ thụ, phần nhiều là dưới gốc đa, cây gạo.

Quan niệm về tâm linh của người Việt thì dưới gốc đa thường có một vị thần cai quản. Vị thần ấy là ai, gốc tích lai lịch ấy ra sao thì không hẳn đã có nhiều người biết. Người ta chỉ biết rằng vị thần ấy thiêng, có thể chở che, đem đến cuộc sống an lành, giải trừ vận hạn, thậm chí tiễu trừ cái gian, cái ác.

Niềm tin ấy trải qua thời gian sẽ thành tín ngưỡng bất di bất dịch, bởi thế với người Việt, miếu thờ là nơi linh thiêng, miếu càng cổ càng thiêng, không ai dám cả gan mạo phạm.

Những ngôi cổ miếu linh thiêng

Ở Hà Nội cũng vậy, nhiều miếu thờ dưới tán đa cổ thụ đã có "chỗ đứng" vững chãi trong đời sống tâm linh của người dân. Điển hình như miếu Quan Hoa nằm ở đầu ngõ 68, phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy; miếu Nguyễn Phúc nằm ngay cạnh bờ sông Tô Lịch, được dân Quan Hoa và vùng lân cận hàng ngày nhang khói; miếu thờ làng Bưởi; miếu thờ làng Nhân Chính (đường Vũ Trọng Phụng)…

Theo những cao niên ở phường Quan Hoa thì ngôi miếu này có "tuổi đời" trên 400 năm, thờ các vị thần linh có công với nước với dân là Công chúa Vạn Phúc phu nhân và Tứ Nương phu nhân, con gái vua Lý Nam Đế (544- 548).

Chuyện về những ngôi cổ miếu thiêng trong tiềm thức người Hà Nội ảnh 2Cây đa nằm giữa đường Vũ Trọng Phụng

Miếu nằm trên gò đất cao, có khu đất bao quanh gọi là vườn Bông, rộng khoảng 5 sào, có nhiều cây cổ thụ  che bóng mát. Trước miếu là một ao to, bên trái, độ 30m là giếng nước ăn của xóm, có 2 cây muỗm và hàng cổ thụ tán rộng che khắp mặt giếng. Những ngày nóng nực mùa Hè, người dân trong xóm thường ra đây hóng mát.

Huyền tích về ngôi miếu thiêng này thì người dân ở Quan Hoa nhiều người thuộc nằm lòng. Theo đó, vua Lý Nam Đế thuở xưa có hai nàng công chúa xinh đẹp. Chị là Vạn Phúc, em là Vạn  Lộc. Hai nàng tính nết khác thường nhưng thương nhân như con, hệt như đức vua cha.

Một hôm dạo chơi, hai nàng nghe chuyện có con cáo chín đuôi có phép thần thông biến hóa hại người. Tức giận, hai nàng bí mật đi học phép thuật đề trừ yêu quái giúp dân. Bôn ba, hai nàng đã tìm được người cao siêu pháp thuật và cũng là phận nhi nữ má hồng.

Mời thầy vào cung, thấy cô gái trổ tài pháp thuật, vua Lý Nam Đế cảm kích, phục tài nên phong làm công chúa, lấy tên là Vạn Thọ. Sau đó, Công chúa Vạn Thọ cùng hai nàng Vạn Phúc, Vạn Lộc xin giúp vua dẹp trừ yêu quái, lập đàn tế bên Hồ Tây.

Lập đàn tế lễ xong, sau một hồi làm phép sấm vang chớp giật thì Vạn Thọ hóa đám mây đỏ rực bay thẳng về trời. Sau đó, chuyện cáo chín đuôi hóa phép hại người cũng không thấy nữa. Dân chốn kinh kỳ từ đấy được sống trong yên ổn, an lành.

Tưởng nhớ công lao của công chúa Vạn Lộc, vua cho lập miếu thờ, phong Vạn Thọ làm “Trấn Lĩnh Bà vương” và sai hai Công chúa Vạn Phúc và Vạn  Lộc sớm tối phụng thờ.

Chuyện về những ngôi cổ miếu thiêng trong tiềm thức người Hà Nội ảnh 3Ngôi miếu và cây đa trở thành tín ngưỡng với người dân 

Sau này hai nàng lại giúp cha dẹp giặc phương Nam, biên cương yên ổn, đất nước phồn thịnh. Rồi một ngày nghe tin vua cha qua đời, hai nàng kêu khóc thảm thiết và hóa tại nơi tu. Dân địa phương coi là phúc thần thờ chung với Trấn Lĩnh Bà vương.

Dẫn chúng tôi tham quan miếu, bà Đặng Thị Phương Đông, hiện là thủ nhang miếu cho biết, từ xưa, miếu đã là nơi để dân trong phường dâng nhang cầu phúc, lộc, tài. Để ngôi miếu được khang trang, sạch đẹp như hiện nay cũng là nhờ sự đóng góp, trùng tu của dân trong làng qua nhiều thế hệ. "Bây giờ hễ có công to việc lớn gì thì người dân trong làng đều tới miếu để dâng hương, khẩn cầu", bà Đông chia sẻ.

Cây đa có tuổi đời hàng trăm năm tuổi án ngữ ngay giữa tuyến đường Võ Chí Công về Cầu Giấy đoạn qua cổng làng Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ. Thay vì chặt bỏ cây đa trên tuyến đường đang thi công, chủ thầu và BQL Dự án giao thông trị giá hơn 6.000 tỷ đã quyết định giữ lại cây đa cổ thụ tại cổng làng Nghĩa Đô này.

Thậm chí, đơn vị thực hiện dự án đã chỉnh để cây đa có miếu thờ ấy nằm chính giữa dải phân cách đường. Đương nhiên, việc làm này đã được người dân ủng hộ.

Miếu thờ này cũng gắn với bao huyền tích của Hồ Tây. Những người dân làng Hồ, làng Đông, kẻ Bưởi tháng năm thắp nén tâm nhang gửi bao điều ước nguyện. Tương truyền đây là nơi linh thiêng nên dân các làng ven đô chăm sóc, gìn giữ nguyên khí ngôi miếu hết sức thành kính. Mùa nào, thức nấy, những sản vật đất Tràng An được dâng cúng nghi ngút khoi hương mong cầu một cuộc sống an lạc, thanh nhàn.

Giống như "cụ đa" cả trăm năm sừng sững ở cổng làng Nghĩa Đô, "cụ đa" nằm ở tuyến đường Vũ Trọng Phụng- Nguyễn Huy Tưởng cũng được "hưởng đặc ân" như vậy. "Cụ đa" này thân mấy người ôm, tán tỏa bóng gần như trùm kín cả hai bên đường, ở dưới có miếu thờ lúc nào cũng ngan ngát khói hương.

“Tôi là người gốc ở đây. Khi xưa cả khu vực này là đồng ruộng, lúc đó cây đa nằm ở đầu cánh đồng, giáp làng. Ngày bé, chúng tôi vẫn thường chơi dưới gốc đa, lúc cây còn nhỏ. Cha mẹ, họ hàng chúng tôi cũng thường xuyên nhang khói nơi đây.

Quả thật, chốn linh thiêng này là nhân chứng lịch sử cho bao số phận trầm luân của cõi đời. Ngoài ra, ngôi miếu cổ gắn bó những hồi ức trong sáng, thánh thiện cả một thời thơ ấu của bao thế hệ người dân nơi đây”, ông Nguyễn Văn Hà (57 tuổi), người dân làng Nhân Chính cho biết.

Chuyện về những ngôi cổ miếu thiêng trong tiềm thức người Hà Nội ảnh 4Việc thời cúng tại cây đa trên đường Võ Chí Công đã diễn ra từ nhiều đời nay 

Cũng theo ông Hà, trước đây làng Nhân Chính có nhiều cây đa nhưng quá trình xây dựng, phát triển, tất cả đã bị chặt bỏ chỉ còn lại cây đa đầu làng – tức cây giữa đường Vũ Trọng Phụng bây giờ được giữ lại. Xứng danh “cây cao, bóng cả”, theo các cụ cao niên ở làng Nhân Chính thì "cụ đa" này có tuổi đời chỉ gần trăm năm.

Theo đó, trước đây, ngay cạnh gốc đa là bốt bảo vệ của Công ty chiếu sáng Hà Nội. Bởi ở chỗ “đất lành, chim đậu” nên thân cây phát triển nhanh, chỉ trải qua gần một thế kỷ thì tán đa đã sum xuê như bây giờ.

Nhiều người dân trong làng cho hay, miếu thờ Quận chúa Hoàng Phương (hiệu Quý Thanh công chúa). Gốc tích của bà chỉ có những người trăm tuổi mới biết, am thờ bé nhỏ, khiêm nhường nhưng hết sức linh thiêng.

Người dân chỉ biết rằng công chúa đẹp người, đẹp nết, đoan chính, khoan dung hay độ trì cho những số phận long đong nơi cõi thế. Đặc biệt những người kinh doanh buôn bán đến đây “cầu được, ước thấy” nên không chỉ ngày rằm, mùng một mà cả ngày thường, miếu thờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương.

Tương truyền ngay sau lễ khánh thành trùng tu miếu, trời mây trong vắt hiền hòa nhưng vẫn đổ mưa sầm sập như thể độ trì mùa màng tươi tốt, cuộc sống thái hòa. Người dân ở nhiều nơi tìm về gửi gắm những nguyện cầu mong cuộc đời thanh thản, bằng an. Miếu thiêng nên người dân quét dọn, tu bổ ngăn nắp, thánh thiện, một cao niên làng Nhân Chính cho biết.

Bà Đỗ Thúy Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung khẳng định, dù miếu thờ cùng "cụ đa" trên đường Vũ Trọng Phụng không phải là di tích lịch sử được công nhận nhưng đây là nơi thể hiện tín ngưỡng của người dân. Quy hoạch gọn gàng, là nơi tín ngưỡng của người dân và không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, không ảnh hưởng đến giao thông nên chúng tôi hoàn toàn tôn trọng và ủng hộ việc tu bổ, gìn giữ.

Chốn thiêng "bất khả xâm phạm"

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, miếu thờ là một công trình kiến trúc giản đơn, thường ban đầu chỉ là một cây hương lớn để thờ một vị thần linh hoặc nhân thần, thiên thần nào đó.

Một đứa trẻ sài đẹn, một anh thanh niên lấy vợ, một bà già đổ bệnh, một gia đình buôn bán hay làm nông… tất cả đều đến miếu để cầu mong mọi sự tốt đẹp cho gia chủ.

Ở góc độ ấy thì miếu là nơi sinh hoạt linh thiêng, là nơi mà đời sống tâm linh của con người diễn ra âm thầm, nhưng cũng đầy sức mạnh. Người ta gửi gắm mọi mong ước của mình vào những lời cầu khẩn các vị thần.

Miếu thường gắn với gốc đa, đó là một tín ngưỡng của Phật giáo. Cây đa được gọi là "thần thụ", là một loài cây linh thiêng. Trong dân gian có lưu truyền một giai thoại rằng một lần, các lực lượng tà đạo đánh nhau với chính đạo, đến phá hoại một cây đa cổ thụ. Thần đa đã hóa thành một cô gái đẹp, mê hoặc bọn giặc tà đạo và tiêu diệt chúng. Từ đó, người ta coi cây đa cũng như một vị thần linh thiêng. Vậy là miếu thờ luôn được đặt cạnh cây đa. Hai sự linh thiêng cạnh nhau tạo nên sự liên kết vững chãi.

Và như thế, miếu thờ ngoài là nơi để biết ơn, tưởng nhớ các vị thần, còn là một tín ngưỡng quan trọng trong đời sống người dân. Là nơi để người ta giải tỏa tâm lý, cầu mong vào những lực lượng siêu nhiên nơi tín ngưỡng linh thiêng, để ước vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí Bất động sản Việt Nam cho biết: “Các cơ quan chức năng ở Hà Nội cần có một cái nhìn tổng thể trong việc  quy hoạch đô thị gắn liền với quy hoạch các công trình, di tích văn hóa, tâm linh sao cho Thủ đô văn minh, hiện đại nhưng thực sự giữ được những nét đẹp truyền thống.

Một gốc gạo, một ngôi cổ miếu, một tán đa... là cả một bầu trời ký ức và tâm nguyện của biết bao con người. Sự tinh tế trong quy hoạch ấy khiến Hà Nội không khô cứng những tảng bê tông mà thiền ẩn những tinh tế, những phối ngẫu của một kiến trúc Hà Nội “trong nay có xưa”. Không vì kiến tạo một con đường, một khối đô thị mà mất đi những vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian thuần khiết văn hiến.

 TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cũng nói rằng, mỗi một miếu thờ có một giá trị lịch sử văn hóa khác nhau.

Miếu thờ do người dân lập nên để tưởng nhớ, biết ơn các vị thần đã có công với đất nước, với người dân của địa phương ấy. Chắc chắn là không có cớ gì người ta lại bỗng dưng lập nên miếu thờ.

Mỗi miếu thờ là một câu chuyện, có khi là cả một bước rẽ của lịch sử, có những yếu tố được sử sách xác thực, cũng có những chi tiết mang màu sắc huyền bí truyền miệng. Do đó, khi thực hiện các công trình xây dựng, quy hoạch xây dựng, người ta luôn phải xem xét rất cẩn trọng các miếu thờ, tránh làm “đụng chạm” đến thế giới tâm linh, đến niềm tin, đến tín ngưỡng của người dân.

Theo Đời sống Việt Nam

Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.