Cô giáo Tày xuyên rừng lập trường gieo chữ ở Khuẩy Ma

Cô Dung cùng một cô giáo trẻ tiến vào Khuẩy Ma với tài sản duy nhất là niềm yêu thương vô hạn với trẻ em.
Cô giáo Tày xuyên rừng lập trường gieo chữ ở Khuẩy Ma

Con đường đến điểm trường khấp khuỷu dài tưởng chừng như vô tận, một bên là vách núi đá dựng đứng, một bên là vực thăm thẳm. Đã không ít lần bị ngã do trời mưa, đường trơn nhưng những khó khăn đó không đủ làm lung lay ý chí, không lớn hơn tình yêu dành cho trẻ thơ của cô giáo vùng cao Trần Kim Dung.

Năm 1986, rời ghế nhà trường, khác với nhiều bạn bè đồng trang lứa, cô giáo trẻ người dân tộc Tày, Trần Kim Dung (quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang) quyết định chọn một trường xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang làm nơi công tác.

Từ giây phút cầm tờ quyết định công tác tại trường mầm non, cô giáo Dung đã bỏ qua mọi trở ngại, khó khăn để gắn bó và cống hiến cho khát vọng “gieo chữ” nơi rẻo cao.

Qua nhiều đơn vị công tác ở các điểm trường, năm 2003 cô Dung quyết định làm đơn xin đến xã Hùng Lợi, Yên Sơn, Tuyên Quang công tác với quyết tâm xây trường cho con em đồng bào người dân tộc ở nơi đây.

Nhớ lại ngày đó, cô Dung tâm sự: Ngày đầu tiên lên núi nhận lớp, hôm đó gió mù trời, núi sạt lở vùi lấp đường khắp nơi, phải mất nhiều giờ đánh vật với con đường lầy lội, dốc đá dựng đứng, thầy mới đến được điểm trường Hùng Lợi nằm cao chót vót trên quả đồi.

Cô giáo Tày xuyên rừng lập trường gieo chữ ở Khuẩy Ma ảnh 1

Cô Trần Kim Dung.

Lúc đến nơi, cô Dung bàng hoàng nhận ra lớp học ở vùng cao chỉ là một túp lều được dân bản lấy nứa đập dẹp và ghép lại cho cô giáo vừa là chỗ cho cô giáo ở, vừa là nơi dạy chữ cho các em, diện tích và ánh sáng không đủ để cho các em học tập nhưng những học sinh nơi đây vẫn chăm chỉ đọc thơ, kể chuyện, những tiếng hát vang vang cất lên còn ngọng nghịu không rõ tiếng Việt.

Cô Dung kể: "Thôn Khuẩy Ma, xã Hùng Lợi là nơi đồng bào người Mông sinh sống, cách trung tâm thị trấn gần 20 ki- lô-mét, những hộ đồng bào người Mông đời sống kinh tế còn khó khắn, kiếm miếng ăn còn vất vả nữa là cho con cái đi học. Với tấm lòng yêu trẻ, cô giáo Dung quyết tâm phải dựng một điểm trường nơi đây.

Lúc quyết định đi vào Khuẩy Ma dựng trường có nhiều người ngăn lắm, đồng nghiệp thì khuyên bảo, lãnh đạo thì nghi ngờ, người ủng hộ thì thương cảm. Nhưng lúc đó cứ nghĩ đến cảnh trẻ nhỏ vốn đã thua thiệt so với bạn bè ở thành phố về điệu kiện sống nay lại thua cả về văn hóa, tinh thần thì đó lại là động lực giúp cô Dung thêm quyết tâm".

Cô Dung cùng một cô giáo trẻ tiến vào Khuẩy Ma với tài sản duy nhất là niềm yêu thương vô hạn với trẻ em. Con đường đến được Khuẩy Ma chưa thực sự được gọi là đường vì phải đi xuyên rừng, đi đến đâu hai người lại đánh dấu phát quang cây cối đến đó. Sau gần một ngày vạch nứa xuyên rừng, thôn Khuẩy Ma hiện lên với những mái nhà tranh của bà con dân tộc.

Ngôi trường được dựng lên, đơn sơ mộc mạc nhưng lại mang bao nhiêu hi vọng cho cả cô trò và nhân dân nơi đây. Họ vui mừng khi có cô giáo không ngại gian khổ đem cái chữ đến cho con em mình.

Điều kiện khó khăn, cô ở chung với một cô khác trong căn lều tranh tre vỏn vẹn 25 mét vuông, ban ngày đó là nơi cô trò dạy học, ban đêm biến thành giường ngủ cho 2 cô giáo xa nhà. Những đêm mùa đông, gió lùa qua vách nứa lồ ô vào căn lều trống hoác, rét cắt da, cắt thịt, cô phải ngồi dậy nhóm bếp lửa sưởi ấm.

Cô giáo Tày xuyên rừng lập trường gieo chữ ở Khuẩy Ma ảnh 2

Nụ cười của các em học sinh vùng cao luôn là động lực cho các cô giáo.

Những ngày cuối tuần, ngày lễ, không về quê được, thấy vợ chồng người khác hạnh phúc bên nhau còn mình thì không gần chồng con để được quan tâm và chăm sóc chồng con tốt hơn mà thấy buồn. Có những lúc khó khăn muốn từ bỏ nơi này trở về quê tìm một nghề gì đó để gần gia đình. Nhưng mỗi giờ lên lớp, ánh mắt tròn xoe ngây thơ của những đứa trẻ đã níu chân thầy ở lại với bản làng heo hút này. Hay những ngày mưa lũ, nhìn học trò đến lớp với đôi chân trần lấm lem bùn đỏ, mảnh áo mong manh cũ nhàu, môi tím tái rét run vì lạnh thì thầy lại càng không thể bỏ các em mà đi.

Khổ nhất là chuyện đi lấy nước mùa khô hạn, mỗi ngày đi lấy nước trên những con đường đầy sỏi, chiếc can 20 lít đựng nước duy nhất được cô trò nơi đây xem như báu vật. Nhưng để đem được nước về cũng không phải chuyện dễ dàng, chiếc xe đạp chở chiếc can 20 lít phía sau phải đặt phía trước một hòn đá to để khi lên dốc xe không bị lật.

Niềm vui sướng của các thầy cô vùng cao như cô là khi vào lớp thấy các em đi học đầy đủ, và nỗi buồn lớn nhất cũng chính là khi lớp thiếu vắng học trò. Mỗi lần như thế, cô Dung lại cùng đồng nghiệp leo lên con dốc cao tìm đến tận bản làng nơi các em ở để thăm hỏi, vận động gia đình và thuyết phục các em trở lại lớp.

Trong sáu năm dạy ở điểm trường lẻ Hùng Lợi, tuy ngày 20/11 không hoa, không quà, cũng không có lời chúc mừng nhưng điều mà cô Dung nhận được đáng giá rất nhiều. Đó là tình cảm của bà con, của học sinh người Mông dành cho mình, hoàn cảnh người dân ở đây rất khó khăn nhưng họ sống tình cảm, yêu quý các thầy cô giáo và biểu đạt tình cảm kính mến bằng biếu tặng những thứ giản đơn nhưng họ coi trọng.

Sáu năm công tác tại trường là khoảng thời gian không quá dài, nhưng đủ để cô giáo thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Đó là quãng thời gian cô và các đồng nghiệp cùng trải qua cuộc sống không có điện, cái lạnh đến thấu xương của khí hậu Tây Bắc với những em nhỏ run rẩy, không giầy và cả những giờ học dưới mái lớp xiêu vẹo, thiếu thốn… Nhưng cô luôn tin rằng với sự kiên trì, mọi chuyện rồi cũng chuyển biến tốt hơn.

Năm 2009, cô Dung được điều động về làm trường Hiệu trưởng Trường Mầm non Thắng Quân, huyện Yên Sơn. “Ngày chia tay, những giọt nước mắt rơi trên gương mặt của bà con làm lòng mình nặng trĩu, sáu năm với bao nhiêu kỷ niệm, khi chia tay sao thấy khó khăn đến vậy”, cô Dung tâm sự.

Đồng bào còn khó khăn nhưng khi chia tay cô giáo họ cũng không tiếc khi mang những gì quý nhất của mình tặng, người rổ khoai mới lấy, người chút măng rừng, người khó khăn quá thì tiễn cô đến 3 4 cây số. Đối với họ, cô Dung không chỉ là một cô giáo mà còn là người mẹ hiền của trẻ trẻ nhỏ nơi đây.

Khi về công tác tại Trường Mầm non Thắng Quân, huyện Yên Sơn, với sự năng động, sáng tạo và thường xuyên đổi mới công tác quản lý phù hợp và những nỗ lực phấn đấu không ngừng cô Dung đã có nhiều sáng kiến, giải pháp từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2015, cô Trần Kim Dung vinh dự được vinh danh trong chương trình “Vì sự nghiệp đổi mới giáo dục” do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Nghĩ đến những ngày vượt núi, băng rừng xây trường ở Khuẩy Ma, làm việc ở Hùng Lợi cô Dung lại bùi ngùi xúc động: “Trong ần 30 năm công tác, những ngày tháng đó là những ngày tháng vất vả nhất trong cuộc đời mình nhưng cũng là những ngày tháng hạnh phúc nhất. Được thấy những học trò của mình ngày đó giờ đã có cháu được đi thi học sinh giỏi trên tỉnh, tôi thấy thật tự hào. Không biết khi nào mình mới được quay lại Hùng Lợi, quay lại Khuẩy Ma để được sống lại những ngày tháng đáng nhớ đó nữa”.

Văn Tâm

Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.