'Công trình lấn chiếm vỉa hè dù là của ai cũng phải phá dỡ'

(Ngày Nay) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định công trình lấn chiếm vỉa hè dù là của tổ chức, cá nhân nào cũng phải bị phá dỡ, như vậy người dân mới đồng tình.
'Công trình lấn chiếm vỉa hè dù là của ai cũng phải phá dỡ'

Chiều 3/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định chiến dịch giành lại vỉa hè nhằm duy trì kỷ cương, cảnh quan nhưng cũng linh hoạt trong đảm bảo sinh kế của người dân. Chiến dịch có sức lan tỏa từ Hà Nội, TP.HCM tới Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết quản lý vỉa hè là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Chủ trương này không phải bây giờ mà đã được làm nhiều năm, nhưng khi giải tỏa xong, người dân lại tái lấn chiếm.

Thủ tướng và Bộ trưởng Công an đã có quan điểm gửi các tỉnh và thành phố để thực hiện đồng bộ. Trong thời gian ngắn, việc dọn dẹp mang lại kết quả tích cực, được người dân đánh giá cao.

"Tất cả công trình xây dựng cơi nới, những hoạt động bán hàng rong, bán hàng ăn, hàng nước được yêu cầu đưa về đúng vị trí, trả lại vỉa hè cho người đi bộ", ông Dũng nói.

Theo Người phát ngôn Chính phủ, chủ trương giành lại vỉa hè cho người đi bộ và duy trì không để tái diễn lấn chiếm là nhất quán. Để đảm bảo sinh kế của người dân, mỗi địa phương có cách làm linh hoạt khác nhau.

Có địa phương quy định một số tuyến đường, tuyến phố, chợ để người dân bán sản phẩm của gia đình mình từ mớ rau, quả trứng, con gà. Có nơi lại quy định giờ bán hàng ăn sáng, ăn tối...

"Như vậy việc kỷ cương lập lại trật tự hè phố vẫn được duy trì và sinh kế của người dân vẫn được đảm bảo", ông Dũng khẳng định.

"Báo chí có đặt vấn đề các đơn vị chức năng phá dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè ảnh hưởng tới cảnh quan, tôi cho rằng đã lấn chiếm vỉa hè dù là của tổ chức hay cá nhân đều phải phá dỡ. Có như vậy người dân mới đồng tình", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm.

Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, trước đây, chúng ta không phá bỏ được các công trình lấn chiếm vỉa hè như bậc tam cấp. Nhưng bây giờ bằng những hành động quyết liệt, thiết thực, nhận thức của người dân đã thay đổi. Nhiều tỉnh thành phố chưa đặt vấn đề cưỡng chế, chỉ giáo dục, tuyên truyền nhưng người dân đã tự dọn dẹp phần lấn chiếm vỉa hè.

Chiến dịch giành lại vỉa hè tại Việt Nam 2017 là cuộc chiến chống lấn vỉa hè, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ bắt đầu vào ngày 16/1 tại quận 1, TP.HCM rồi tới thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố, địa phương khác.

 

Ngày 28/2, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã gửi công điện chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm...

Sáng 1/3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2, Thủ tướng cho biết trong hai tháng đầu năm nhận được nhiều tin vui, như TP.HCM quyết liệt trả lại vỉa hè cho người đi bộ; Hà Nội lên kế hoạch thu hồi, tiêu hủy 2,5 triệu xe máy cũ nát, ra quân dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè.

"Việc này không thể làm tất cả ngay, không thể làm đầu voi đuôi chuột nhưng thái độ lập lại trật tự đô thị ở các thành phố lớn là việc hết sức hoan nghênh trong tháng sau Tết", Thủ tướng nói.

Theo Zing
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.