'Đá tặc' hoành hành

(Ngày Nay) - 16 năm nay, tài nguyên đá ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị khai thác vô tội vạ. Đến nay, “đá tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự bất lực của chính quyền.
Một điểm khai thác đá lậu ở ấp 3.
Một điểm khai thác đá lậu ở ấp 3.

Cày nát đường

Theo phản ánh của người dân ấp 3 xã Sông Trầu, tình hình khai thác đá ở đây diễn ra hơn 15 năm nay. Khu vực này có rất nhiều cơ sở khai thác đá tự phát và phạm luật. “Đá tặc” hoành hành, tài nguyên bị khai thác vô tội vạ, môi trường bị xâm hại, đời sống một bộ phận cư dân trong vùng bị xáo trộn…

Ông A. (ngụ ấp 3) cho biết, xe chở theo các tảng đá to chạy suốt ngày đêm, lực lượng chức năng vào cuộc nhưng xử lý không triệt để. Tiếng máy xẻ đá, bụi bặm bay mù trời, bám đầy nhà dân. “Các chú mới xuống đây thấy lạ thôi chứ người dân quen rồi. Ở đây mà nói nhiều có khi bị những người lạ mặt tìm đến nhà chửi bới, dọa nạt…”, ông A. nói.

Theo ghi nhận của PV, trục đường dẫn vào xã Sông Trầu rất nhiều đoạn bị hư hỏng. Con đường xuống cấp nhanh phần lớn do xe chở đá cùng các xe tải hạng nặng gây ra. Đường vào các mỏ đá có không ít “chim mồi” bặm trợn đứng gác, cảnh giác người lạ xuất hiện.

Ông H., người dân khu vực, cho biết: “Mùa nắng thì bụi bặm bay khắp trời, mùa mưa thì đường toàn ổ gà, ổ voi. Các phương tiện tham gia giao thông đi lại rất khó khăn. Các xe chở đá không đảm bảo an toàn cứ chở những tảng đá bự chạy “trần truồng” khiến người tham gia giao thông rất sợ khi lưu thông ở phía sau”.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn có 11 cơ sở đăng ký kinh doanh cưa xẻ đá, gồm 9 đơn vị hoạt động tại ấp 3, 1 đơn vị tại ấp 6 và 1 đơn vị tại ấp 7 thuộc xã Sông Trầu. Những cơ sở này chỉ có giấy phép kinh doanh nhưng không đủ điều kiện khai thác, xuất khẩu đá theo quy định của pháp luật.

'Đá tặc' hoành hành ảnh 1
 
Xe ben chở đá không che bạt chạy công khai.

Lách luật

Hầu hết các điểm khai thác đá nằm trong vườn của người dân. Bên ngoài các điểm này không hề đề biển hiệu gì. Xe ben, xe công nông liên tục ra vào chở những tảng đá nặng hàng tấn. Các xe chở đá chạy từ các điểm khai thác ra ngoài đường công khai nhưng không một cơ quan chức năng nào xuất hiện ngăn chặn hay xử lý. 

Theo lời kể của một “đá tặc” có máu mặt ở tại đây, trên địa bàn xã Sông Trầu có hơn 30 mỏ khai thác đá trái phép. Trong số này, chỉ có khoảng 11 mỏ đăng ký với cơ quan chức năng. Thế nhưng, việc đăng ký chỉ là cơ sở sản xuất, chế tác đá thông thường chứ không hề được phép khai thác đá mồ côi như hiện tại.

Để lấy đá từ dưới lòng đất lên, chủ mỏ đá đưa cả máy xúc, xe cẩu vào tận vườn để đào xới lấy đá đưa đi tiêu thụ. Chị C. ngụ ấp 3 nói: “Vùng quê này hơn 10 năm qua không còn yên bình nữa. Hằng ngày, chúng tôi phải sống chung với tiếng ồn, bụi bặm. Sau khi chủ mỏ lấy đá đi để lại đất đá lởm chởm không thể trồng trọt được”.

Theo chị C., loại đá đang được khai thác nhiều nhất ở xã Sông Trầu là đá mồ côi. Loại đá này có tên trong danh sách liệt kê các mục vật liệu xây dựng và được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Sau khi khai thác, qua các công đoạn hoàn thành thành phẩm, đá mồ côi sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao.

Theo điều tra của PV, việc khai thác đá ở đây chủ yếu được sử dụng phương pháp hợp đồng san lấp mặt bằng. Đây là thỏa thuận miệng giữa chủ đất và người có nhu cầu khai thác đá. Với bản hợp đồng lách luật này, “đá tặc” vô tư đưa trang thiết bị hạng nặng vào cày xới bới tung mặt đất để moi móc các lớp đá. Từng mảng đá cứ thế được đưa về các cơ sở sản xuất.

Bị đình chỉ nhưng vẫn khai thác rầm rộ

Trao đổi với PV, ông Vương Đăng Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu, cho biết, tình hình khai thác đá cục ở xã Sông Trầu diễn ra từ năm 2006. Đối với những đơn vị khai thác như PV nêu, việc cưa xẻ đá chủ yếu chỉ có giấy phép kinh doanh chứ không có đầy đủ các loại giấy phép theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, UBND huyện ban hành Thông báo số 168 về việc giao các cơ quan chuyên môn của huyện tham mưu UBND huyện xin ý kiến của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Công Thương về quy trình, biện pháp cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện hoặc xử lý cưỡng chế vi phạm hành chính.

Ông Nguyễn Cảnh Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Sở đã ra quyết định đình chỉ quá trình khai thác đối với 11 cơ sở sản xuất đá như PV nêu trên. Trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp lên sở nài nỉ kéo dài công ăn việc làm cho 850 công nhân đang hoạt động tại khu vực. Ngày 29/2/2016, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định tất cả các cơ sở sản xuất trên chế biến hết trữ lượng đá đã thu mua. Sau đó, việc thu mua khai thác đá phải tạm dừng hẳn”.

Vị này cũng cho biết, thời gian tới sẽ quy hoạch lại khu vực khai thác đá với diện tích lên đến 40.000ha để tập trung các doanh nghiệp kinh doanh đá, không làm ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Theo Tiền Phong
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN.
Tôn vinh những người trao truyền văn hóa dân tộc ở cộng đồng
(Ngày Nay) - Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đã diễn ra chiều 18/4 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
(Ngày Nay) - Apple đã nỗ lực tách biệt dòng iPhone thường và iPhone Pro để biện minh cho việc tăng giá của dòng Pro mà không làm giảm tiềm năng của dòng cơ bản. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai loại này có thể thay đổi vào cuối năm nay nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.