Giành lại vỉa hè ở TP.HCM: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

(Ngày Nay) - Chủ trương và cách làm quyết liệt của quận 1 tạo sức lan tỏa tới các quận huyện khác tại thành phố Hồ Chí Minh. 
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 trực tiếp cùng lực lượng chức năng đi dẹp lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Zing
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 trực tiếp cùng lực lượng chức năng đi dẹp lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Zing

Và thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tạo sức nóng, truyền lửa cho một số tỉnh thành khác trên cả nước ra quân lập lại trật tự, tạo mỹ quan đô thị. Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc và giành được sự đồng thuận của nhân dân. 

Không để tái lấn chiếm 

Vỉa hè một số tuyến đường được lập lại trong đợt ra quân của các quận huyện thời gian qua vẫn còn ít so với số tuyến đường đang bị lấn chiếm hiện nay. Ngay cả quận 1, nơi thực hiện quyết liệt nhất cũng mới chuyển biến, thay đổi diện mạo được hơn 45/134 tuyến đường. 

Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trụ sở tổ bảo vệ dân phố, khu phố 4, phường Bến Nghé vốn dĩ bị lực lượng chức năng đập dỡ phần tam cấp lấn chiếm nhưng số gạch vữa vẫn để bề bộn trên vỉa hè, mất nhiều ngày sau mới được dọn dẹp. 

Tình cảnh này cũng diễn ra phổ biến ở nhiều địa điểm mà công trình lấn chiếm vỉa hè bị đập dỡ. Trong khi đó, trên phạm vi toàn thành phố có 2.271 tuyến đường có vỉa hè (dài gần 2 triệu km), riêng số tuyến đường có vỉa hè lớn hơn 3m chiếm 772 tuyến với chiều dài 541km. 

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại một số quận, huyện như “bắt cóc bỏ đĩa.” Sau khi kiểm tra, xử lý vẫn diễn ra tình trạng tái lấn chiếm. Tình trạng chợ tự phát tuy có giảm nhưng chưa dứt điểm, tập trung nhiều nhất quanh các khu công nghiệp, vùng ven. 

Chợ Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình là một trong số đó. Tại đây, ngay đầu đường vào chợ (ngã ba Cống Lở) một loạt sạp hoa quả bày biện xuống lòng đường, người bán cá và rau đứng giữa tim đường bán hàng. Càng đi vào sâu, nhất là cuối giờ chiều, đường càng chật chội, khó nhận thấy đâu là vỉa hè vì đã bị người dân lấn chiếm, bày biện tạp hoá. 

Trong khi đó, tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh chỉ mới chuyển biến được mặt tiền đường Bạch Đằng, nơi tập trung nhiều sạp bán quần áo trong khi 3 mặt còn lại của chợ thì các sạp trái cây, thực phẩm vẫn ngang nhiên chiếm hết vỉa hè. Thậm chí một số xe bán hàng lưu động vẫn đậu ngay xuống lòng đường, ra sức mời khách mua. 

Còn chợ Phước Bình, quận 9 cũng diễn ra cảnh bày bán lấn chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường, gây ùn ứ đường Đỗ Xuân Hợp đoạn qua chợ. Hay tại chợ Cầu, quận Gò Vấp, nhiều tiểu thương bày sạp ra tận vỉa hè, chưa kể một số xe đẩy công khai bán lịch, hàng mã ngay trên mặt cầu. 

Ông Cao Hồng Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết, thời gian tới phường sẽ tiếp tục duy trì lực lượng để kiểm tra, nhắc nhở, tránh tình trạng “tái chiếm” vỉa hè. 

Các tổ công tác sẽ đi 2 ca/ngày, với sự tham gia của lực lượng công an, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố. Đồng thời có cả cán bộ trợ giúp pháp lý để hướng dẫn, giải thích rõ ràng hơn về chủ trương chính sách, chế tài xử lý nhằm tạo sự đồng thuận cao của người dân. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân phường sẽ bàn giao địa bàn đã lập lại trật tự cho Trưởng khu phố và Công an khu vực để kiểm soát, nếu để tình trạng “tái lấn chiếm” thì sẽ xử lý trách nhiệm rõ ràng. 

Vừa qua, tại hội nghị quán triệt công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong đã nhiều lần trăn trở là làm sao phải giải quyết dứt điểm và không để tái lấn chiếm. 

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu, đặc biệt là Bí thư, Chủ tịch và Trưởng công an phường, xã, phải quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để tái lấn chiếm những tuyến đường đã được chuyển biến. 

Làm quyết liệt nhưng phải đúng luật 


Công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đã được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện từ lâu nhưng chuyển biến chậm. Năm 2008, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành quyết định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè, đến năm 2013 ban hành danh mục các tuyến đường cấm đỗ xe trên địa bàn quận 1 và quận 3. 

Cũng trong năm 2013, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành danh mục 117 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công có thu phí; danh mục 13 tuyến đường cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và danh mục 42 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. 

Tiếp đến năm 2016, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị về thực hiện công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn. 

Gần đây nhất, ngày 10/3/2017, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị là “Thống nhất trong nhận thức và hành động, từ công tác tuyên truyền, vận động đến kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị trong cấp uỷ, chính quyền các cấp, các địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo trật tự đô thị, khi để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về buôn bán lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quản lý.”

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhấn mạnh, thành phố cần có sự quyết tâm cao, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng trách nhiệm, vai trò người đứng đầu; đặc biệt là Bí thư, Chủ tịch và Trưởng công an phường, xã; làm quyết liệt nhưng phải nhân văn, đúng pháp luật, đúng quy trình thủ tục, không nóng vội và phải có giải pháp căn cơ, khả thi, đồng bộ. 

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Trưởng công an phường phải ra hiện trường động viên, tiếp lửa việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về trật tự đô thị. 

Tại hội nghị quán triệt công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè mới đây, bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Đa Kao, quận 1 cam kết với Lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ lập lại được trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn phường. Đặc biệt không để tái lấn chiếm sau khi đã kiểm tra, xử lý. 

Bà Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân đã cam kết mạnh mẽ từ nay đến hết năm 2017 sẽ lập lại trật tự các tuyến đường đã đăng ký chuyển biến với quận và thành phố, nếu không làm xong sẽ từ chức. 

Những động thái này đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị vào cuộc để lập lại trật tự lòng lề đường, tạo mỹ quan đô thị, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố./.

Theo Vietnamplus
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.