Làn gió đổi thay

Tôi đùa với bạn bè rằng, sân khấu “Lễ hội Gió mùa” mới diễn ra tại Hà Nội ngày 23/10 là lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam không có một cái... bóng đèn Trung Quốc nào.
 
Làn gió đổi thay

Không phải vì các nhà tổ chức có vấn đề gì với sản phẩm Trung Quốc, mà đơn giản, là mọi thiết kế, từ cái bóng đèn, đoạn dây điện, đều phải tuân theo yêu cầu thiết kế mà ban nhạc Scorpions gửi sang.

Những người Đức đòi hỏi sự chính xác và kỷ luật tuyệt đối đến từng chi tiết. Ngoài yêu cầu về trang thiết bị, còn rất nhiều nguyên tắc khi biểu diễn, như việc khán giả được mang máy ảnh loại nào, ban tổ chức được dùng ống kính loại gì, và chỉ được chụp ảnh bài nào trong chương trình. Họ là nghệ sĩ, nhưng lại hoàn toàn khác với giới biểu diễn chuyên nghiệp nước ta, thường chỉ đến hát và phó mặc mọi thứ cho nhà tổ chức.

Tổng đạo diễn Quốc Trung kể với tôi rằng anh thực sự căng thẳng khi phải làm việc với Scorpions - ban nhạc mà nhiều người nói đã “hết thời”. Anh Trung bảo tôi, cho dù thực sự ở đâu đó họ đã hết thời, có lẽ trong ngành biểu diễn, chúng ta đi sau họ hàng chục năm, nên Scorpions vẫn xứng đáng là một “Làn gió đổi thay”.

Quốc Trung muốn chọn Scorpions, vì anh bảo rằng người Việt Nam không chỉ nghe nhạc vì âm nhạc, họ còn nghe bằng rất nhiều yếu tố khác ngoài âm nhạc, như là kỷ niệm. Và Scorpions đủ sức mạnh để kéo người ta đến “Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió mùa”.

Tôi đã chứng kiến trong khuôn viên của Hoàng Thành đêm hôm ấy, những người tóc đã bạc, mắt nhắm nghiền ngâm nga theo những câu hát của ban nhạc. Tôi nhìn thấy những người bạn học hội ngộ sau hàng chục năm. Tôi nhìn thấy một người cha già đẩy đứa con ngồi trên xe lăn đến dự lễ hội.

“Gió mùa”, vừa mang nghĩa đen, là nó được tổ chức vào những ngày gió mùa về, vừa mang theo hàm ý, là mong mỏi sự kiện ấy sẽ trở thành một làn gió mới trong đời sống tinh thần của nhiều người.

Âm nhạc chỉ là tiền đề kéo mọi người đến một không gian mở, để tụ hội và trải nghiệm một hoạt động tập thể. Ở Gió mùa, họ cũng uống bia. Nhưng không phải theo cách uống bia khề khà trong những quán nhậu khắp nơi, vốn đang trở thành một thói quen của người Việt trong khu vực. Anh Trung thích dùng chữ “nhân văn” để gọi cái cách mà mọi người tụ tập lại ở Monsoon, trên bãi cỏ ở Hoàng thành. Họ ở đó, đoàn tụ và thư thái, để thưởng thức một thứ âm nhạc mà người biểu diễn đã chăm chút đến từng cái dây diện trên sân khấu.

Khi “Wind of change” (Làn gió đổi thay) vang lên ở Hoàng Thành, tôi vui mừng nhìn thấy sự đổi thay dù nhỏ bé ở những khán giả của mình. Họ thường sẽ làm gì trong một ngày cuối tuần như thế này? Tụ tập nhậu nhẹt, hoặc là ngồi nhà xem truyền hình. Đời sống tinh thần của nhiều người trong số chúng ta, từ lâu bị “trói” bởi những thói quen cũ kỹ, và đôi lúc, như rất nhiều cuộc nhậu mà tôi đã chứng kiến hay tham gia, chỉ khiến ta thêm mệt mỏi.

Ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội, từ lâu “đi chơi” đã trở thành một hoạt động rất khó định nghĩa. Đi chơi là đi đâu? Có rất nhiều quán hàng, trong những quán hàng có rất nhiều người ngồi đó để cắm cúi nhìn vào... điện thoại thông minh. Các hoạt động giải trí mang tính cộng đồng của chúng ta, có vẻ như không tiến lên nhiều kể từ cái thời mà Thạch Lam mô tả về mong ước được “lên Bờ Hồ uống những cốc nước xanh đỏ” trong Hai đứa trẻ (1938). Trong khi đó, thì áp lực của một xã hội đầy biến động thì đã nặng nề thêm nhiều.

Còn có rất nhiều loại rào cản cứng và mềm để những hoạt động như đêm Chủ nhật diễn ra. Chúng hiếm hoi - cho dù chúng không đắt đỏ, và các thành viên xã hội ngày càng cần tiếp thêm sức mạnh tinh thần để đối mặt với những vấn đề ngày càng phức tạp.

Kết thúc Lễ hội Gió mùa, tôi hạnh phúc khi nhìn thấy những khuôn mặt bạn bè rạng ngời rời đêm hội. Có những người mà tôi biết rằng đã lâu rồi mới nắm tay người bạn cùng nhà đi chơi vui như thế. Tôi biết rằng ngày mai họ sẽ có thêm chút ít năng lượng để đối mặt với các vấn đề của cuộc sống.

Và tôi cũng sợ khi nghĩ đến cảnh rồi tuần sau, tuần sau nữa họ sẽ lại “phải” đi ngồi uống bia và chờ đợi một “Làn gió đổi thay” khác trong đời sống tinh thần của mình. 

Theo Vnexpress
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.