Luật đường sắt

(Ngày Nay) - Hình ảnh nổi bật nhất của Ga Hàng Cỏ mấy chục năm qua không phải chiếc đồng hồ trên tiền sảnh hay lối kiến trúc thuộc địa của nhà ga. Đó là hình ảnh những phụ nữ làm nghề “phe vé”.
Luật đường sắt

Họ có thể "mua hộ" một vài đôi vé trong những ngày cao điểm. Họ bán vé thu tiền chênh ngay cả khi ngành đường sắt yêu cầu trên vé ghi số CMND. Họ bán cuống vé.

Nếu như nghề con phe đã mai một ngay cả trong những lĩnh vực nóng sốt nhất như ca nhạc hay bóng đá, thì trước cửa ga Hàng Cỏ, lúc nào cũng vẫn tìm được một phe vé đang sẵn sàng phục vụ - hoặc lừa đảo bạn.

Trong 20 năm qua, ký ức về ngành đường sắt đọng lại trong tôi qua hình ảnh một bà chị. Suốt từng ấy thời gian, chị là “cứu tinh” của gia đình, họ hàng và đám bạn tôi. Dù cao điểm, hàng trăm người xếp hàng mua vé ở ga, hàng chục đoàn xin mua vé tập thể thì chúng tôi, bằng cách nào đó, vẫn có vé tàu. Thường là đi Sa Pa, Vinh… nơi hàng không chưa bay tới hoặc rất ít chuyến.

Nhiều nhân viên ngành đường sắt trở thành những cứu tinh như thế. Một vài chiếc vé "không bán vội", vài "ghế phụ", vài chỗ trên khoang nhân viên cũng đủ sắp xếp cho người thân không lỡ chuyến du lịch. Những sự sắp xếp chưa biết có đáng gọi là tham ô không, nhưng xung đột lợi ích thì có.

Từ năm 1993, các hãng hàng không Việt Nam đã sử dụng hệ thống bán vé điện tử thuê của Mỹ, Canada. Tiền thuê hệ thống nếu bổ vào từng khách hàng là một số tiền không quá lớn. Phải đến năm 2014, hệ thống bán vé điện tử của ngành đường sắt mới chính thức khai trương. 21 năm đó không thể lý giải được là “thiếu vốn”, “thiếu đầu tư”.

Khâu bán hàng đã xuê xoa, thì chất lượng hàng hóa cũng không việc gì phải cầu kỳ. Những ấn tượng cuối cùng còn lại trong tôi về đường sắt là ghế ngồi hẹp và bẩn, giường nhỏ và thấp, đi vệ sinh trực tiếp xuống mặt đường. Ngày vắng thì không sao nhưng trong thời gian cao điểm, ngành đường sắt nghĩ ra kế nối toa, bán "ghế phụ" tức là xếp hàng ghế nhựa vào lối đi giữa toa cho hành khách ngồi, thậm chí bán cả khoang dành cho nhân viên…

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng "Việt Nam là một trong không nhiều nước sớm có hệ thống đường sắt hiện đại, nhưng sau 100 năm thì kém dần và nay thì thực sự rất lạc hậu". Tuy nhiên, điều mà người đứng đầu ngành Giao thông không nói ra là sự lạc hậu không chỉ nằm ở cơ sở hạ tầng mà nằm ở trong đầu những cán bộ ngành đường sắt.

Chuyện phân phối vé chỉ là một biểu hiện, còn rất nhiều biểu hiện nữa mà người ta không cần phải bước lên một đoàn tàu, cũng chỉ ra được rằng: vấn đề không nằm ở đầu tư vật chất. Ở nghị trường, những tranh luận xung quanh Luật đường sắt có thể rất nóng bỏng. Nhưng từ lâu, người dân đã mang cảm giác về một thứ “luật đường sắt” khác, thứ luật ép những hành khách tay đùm tay nải phải tất tả thương lượng với đám con phe.

Cái “luật đường sắt” vô hình này tạo ra những não trạng khiến đại chúng hoảng hốt. Khi lãnh đạo có thể tuyên bố hàng không “vét hết khách” của đường sắt, đòi tìm giải pháp hạn chế khách đi máy bay để cứu đường sắt, thì đó là một lối tư duy rất phi thị trường.

Khi tôi viết bài này, biên tập viên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi: Tại sao đường sắt lạc hậu? Tại sao không bỏ độc quyền để tư nhân khai thác? Tại sao không đầu tư?

Tôi đã cố công đi tìm hiểu, bởi vì đó là những câu hỏi quá đỗi hợp lý. Nhưng chính bởi hợp lý thế mà không ai trả lời, nên có thể tin rằng mọi thứ đang không diễn ra đúng với các quy luật, mà bị chi phối bởi những điều bí ẩn. Đơn cử, việc tư nhân đầu tư vào đường sắt, vốn hoàn toàn có thể bắt đầu từ việc đấu thầu những dịch vụ trên tàu, không đòi hỏi hạ tầng đắt đỏ gì. Nhưng khách đi tàu vẫn chấp nhận những bữa ăn rất tồi trong nhiều năm qua.

Tôi có một người bạn làm việc quanh khu cầu Long Biên. Anh có thể phanh gấp giữa đường, nhưng không bao giờ đi qua gầm cầu khi thoáng nghe tiếng một đoàn tàu đang đi tới. Một lần nào đó, anh đã bị dính nước rơi từ gầm cầu xuống đầu khi đi ngang qua - và cho dù không biết rằng đó là thứ gì, có phải thực sự rơi xuống từ đoàn tàu không, anh cũng mang một nỗi ghê sợ và không bao giờ dám đi qua gầm cầu khi tàu đang chạy nữa.

Người bạn đó, và nỗi ghê sợ của anh, chắc sẽ không thể giải quyết tâm lý bằng câu lý giải “thiếu đầu tư”. Ở nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới theo GDP sức mua, khách đi tàu vẫn phải đi vệ sinh thẳng xuống đường.

Theo Vnexpress
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.