Lý Sơn ngày sau sẽ ra sao?

(Ngày Nay) - Hiện nay, Lý Sơn không chỉ còn được nhắc đến là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa; là “vương quốc hành tỏi” mà còn là “thiên đường du lịch”. Bộ mặt Lý Sơn sẽ đổi khác nhưng sẽ ra sao ngày sau vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ!
Lý Sơn nhìn từ trên cao
Lý Sơn nhìn từ trên cao

Dấu mốc lịch sử của Lý Sơn phải là năm 2014 khi điện lưới quốc gia ra đến đảo. Có điện du lịch phát triển, khách đến Lý Sơn ngày một đông, khoảng hơn 150.000 lượt người năm ngoái. Đó là con số ấn tượng khi mà hòn đảo chỉ có chỉ 10 km2 với dân số hơn 22.000 người.

Chuyển động ở huyện đảo

Một người bạn đồng hành của chúng tôi đã ra Lý Sơn nhiều lần nói rằng: “Lý Sơn đã khác trước, nhiều khách sạn, quán xá mọc lên và khách du lịch đến đông chưa từng thấy”. Rồi chính anh cũng bất ngờ khi trên hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió vừa mới mọc lên một khách sạn 4 sao Mường Thanh Lý Sơn. Ở đây, chúng tôi gặp Lê Thị Hậu - cô gái quê Lý Sơn mới ngoài 20 tuổi, đã không chọn việc chăm bón những luống hành tỏi hay tất tả buôn bán hải sản mà lại yêu thích công việc phục vụ trong khách sạn 4 sao sang trọng. Cảm nhận chủ quan của chúng tôi, dường người trẻ ở Lý Sơn không mấy mặn mà với những công việc quen thuộc mà cha ông họ bao đời nay gắn bó? Hỏi chuyện bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn bà gật đầu đồng ý và nói thêm: “Nuôi trồng thủy sản phát triển tốt nhưng đánh bắt thì giảm sút vì ngày càng khó tuyển lựa lao động đi biển. Bạn biết rồi đấy, ngoài biển khơi luôn hiểm nguy, từ thiên tai cho đến nhân tai. Tuy vậy, quyết tâm của chính quyền Lý Sơn vẫn xác định: Kinh tế biển là mũi nhọn và đang tích cực giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám ngư trường truyền thống của cha ông, qua đó khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Lý Sơn ngày sau sẽ ra sao? ảnh 1Lý Sơn - vương quốc của hành tỏi

Số người tham gia vào hoạt động nông nghiệp ở Lý Sơn cũng giảm. Lý do là diện tích trồng hành tỏi đặc sản đang thu hẹp lại dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng phát triển du lịch. Chính quyền huyện Lý Sơn đã thống nhất chủ trương giữ diện tích trồng hành tỏi, không để giảm sâu và cố gắng tăng năng suất thông qua việc đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác, hạn chế rủi ro mất mùa. Đến Lý Sơn hôm nay, khách phương xa vẫn thấy màu xanh của những ruộng hành tỏi trải khắp đảo. Bao đời nay, người dân Lý Sơn đã phải “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” ở nơi thừa nắng gió, thiếu đất đai.

Hàng năm, trước khi vào mùa vụ người dân Lý Sơn lại lên núi gánh đất, xuống biển lấy cát trộn lẫn với nhau, trải đều lên mặt ruộng, rồi mới xuống giống. Giờ đây, giữa những ruộng hành tỏi, những đường ống nhựa dẫn nước ngọt len lỏi để tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ cao, hứa hẹn năng suất sẽ tiếp tục tăng. Hành tỏi Lý Sơn đã được bảo hộ thương hiệu bày bán tại các chợ, siêu thị ba miền. Giờ đây, hành tỏi lại trở thành nguyên liệu để chế biến những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: Rượu tỏi cô đơn, rượu tỏi đen, hành sấy khô... mang nhãn hiệu “Vua tỏi Lý Sơn”. Nông nghiệp có thể không mang nhiều lợi nhuận nhưng trò chuyện với nhiều nông dân trên đảo, ai nấy đều muốn tiếp tục canh tác trên mảnh đất phủ một màu trắng của cát, để danh xưng “vương quốc hành tỏi” của đảo Lý Sơn còn mãi.

Được và mất

Du lịch hiện đang thu hút rất nhiều người dân Lý Sơn tham gia vào các hoạt động khác nhau. Người có tiền thì mở nhà nghỉ, mở quán ăn, không có điều kiện thì tham gia đội xe ôm, xe điện... Người dân Lý Sơn bao đời nay chăm chỉ, hiền lành chất phác nên không có hiện tượng “chặt chém”, chèo kéo du khách. Thêm vào đó, với lợi thế có khung cảnh đẹp và “bảo tàng” về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nên không khó hiểu vì sao du lịch mới phát triển ở Lý Sơn nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Phát triển “nóng” một lĩnh vực đòi hỏi chuyên nghiệp cao trong khi huyện đảo chưa có nhiều kinh nghiệm thì bất cập thủa ban đầu không thể tránh khỏi. Ngay đến chuyện chở khách từ cảng Sa Kỳ ra đến đảo Lý Sơn bằng những con tàu cũ kỹ, thường quá tải và áo phao không đủ. Ngộ nhỡ... Và ngay từ khi bước chân lên đảo, du khách phải vất vả chen chúc qua một “rừng người” ở cầu cảng; trên đảo hàng quán, khách sạn thiếu quy hoạch; đi dạo vòng quanh đảo người ta thấy rác thải khắp nơi... Đó là chưa kể những bất cập về lâu về dài cũng cần được giải quyết, chẳng hạn mật độ dân số ở Lý Sơn rất cao 2.200 người/km2, trong khi đó mồ mả lại nằm rải rác khắp đảo chưa được đưa vào các nghĩa trang tập trung, càng gây áp lực vào quỹ đất vốn không có nhiều. Du lịch không chỉ mang lại toàn điều tốt đẹp!

Lý Sơn ngày sau sẽ ra sao? ảnh 2Rác xả đầy biển Lý Sơn

Một hệ quả xấu khác của du lịch là các tệ nạn xã hội không sớm thì muộn xâm nhập hòn đảo nổi tiếng bình yên. Thượng tá Huỳnh Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn biên phòng Lý Sơn, cho biết: “Có hai mối lo với tình hình an ninh trật tự khi phát triển du lịch ở Lý Sơn là ma túy và quản lý có hiệu quả du khách. Hàng năm, chúng tôi đã xử lý hàng trăm trường hợp khách du lịch vi phạm một số quy định”.

Thường người ta nói, để giải quyết vấn đề bất cập, giải pháp đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền. Nhưng có thực tế là đa số người dân Lý Sơn chưa có ý thức làm thế nào về một sự phát triển bền vững hòn đảo quê hương. Như câu chuyện Lý Sơn trước kia nhiều rừng nhưng vì không có điện người dân phải lên núi đốn hạ cây để về làm chất đốt. Đến khi nhà nước đầu tư trồng rừng để Lý Sơn phủ một màu xanh, vừa bảo vệ môi trường, góp phần thu hút du lịch thì người dân vẫn quen thả trâu bò làm hại cây rừng mới trồng. Tuyên truyền không ăn thua, cực chẳng đã, chính quyền mới phải sử dụng biện pháp hành chính “cưỡng bức” là cấm thả trâu bò lên núi và tới đây không phát triển đàn đại gia súc trên đảo.

Lúng túng trước tương lai

Bản thân chính quyền huyện Lý Sơn lúng túng trước những vấn đề phát sinh từ lượng người đến du lịch tăng đột biến. Bắt đầu từ câu chuyện nhỏ mà ngẫm ra là không nhỏ là xử lý rác thải. Mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường ở huyện đảo Lý Sơn tới gần 20 tấn, chưa kể rác thải trên biển theo dòng hải lưu dồn lại xung quanh đảo. Người dân trên đảo vốn chẳng suy nghĩ sâu xa, đất chật không có nơi chôn rác thì vô tư xả rác ra biển. Chưa nói đến chuyện to tát, để Lý Sơn trở thành một hòn đảo du lịch, không thể để rác bao vây. Dù đã có khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đội thu gom rác thải nhưng hễ cứ đến mùa cao điểm du lịch, Lý Sơn vẫn đầy rác thải, không thể xử lý kịp. Chính quyền huyện Lý Sơn cũng cố gắng dành ngân sách và huy động xã hội hóa để thu gom rác thải ven bờ biển nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, vẫn thấy rác thải lềnh bềnh trên mặt biển...

Trong số 8 tỉnh, thành khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi là địa phương mà lĩnh vực du lịch phát triển chậm chạp. Ý thức được hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn có những lợi thế có một không hai để phát triển ngành công nghiệp không khói nên chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu chú trọng đầu tư, nhằm xây dựng ngành du lịch Lý Sơn bền vững, thân thiện với môi trường. Đầu tiên là quy hoạch tổng thể cho Lý Sơn đã được tính đến và các chuyên gia Nhật Bản đã được lựa chọn để giúp quy hoạch huyện Lý Sơn theo hướng đô thị biển đảo sinh thái, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng vừa thích ứng biến đổi khí hậu. Có quy hoạch tổng thể mới có thể “dẫn đường” cho những dự án cụ thể phát triển hạ tầng du lịch; từ đó huyện đảo Lý Sơn mới mong có thể cạnh tranh với những khu du lịch biển đảo nổi tiếng của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines... Tiếp đó, tỉnh cũng đã đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên đảo để phục vụ tín ngưỡng, tham quan, nghiên cứu và phát triển du lịch.

Đảo Lý Sơn được du khách ngợi khen là “Maldives của Việt Nam” với nước biển xanh trong ngày đêm vỗ về lên bờ cát trắng, những triền đá núi lửa... Mừng khi du khách đến với Lý Sơn ngày càng nhiều, người dân Lý Sơn sẽ có thêm công ăn việc làm tăng thêm thu nhập. Nhưng nhìn tổng thể, Lý Sơn vẫn còn quá nhiều việc phải làm để biến Lý Sơn thực sự trở thành “đảo ngọc”. Trước khi thực hiện những dự án lớn, người dân và chính quyền huyện đảo Lý Sơn đang tự chuyển mình để thích ứng với cơ cấu chuyển dịch thiên dân về du lịch và dịch vụ. Bắt đầu từ việc không rả rác ra biển và trồng cây xanh. Điều người ta cần ở Lý Sơn rút cuộc không phải là những khách sạn, những resort sang trọng mà là một hòn đảo sạch đẹp, xanh một màu xanh cây rừng và vẫn còn đó bao dấu tích của đội hùng bình Hoàng Sa. Để rồi bất cứ ai đến đây đều có thể tạm quên đi những lo âu của cuộc sống thường nhật, hòa mình với thiên nhiên, để thấy yêu hơn trân trọng hơn vẻ đẹp và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.