Nhiều khu đô thị ở Hà Nội "quên" xây trường học

(Ngày Nay) - Khu đô thị là nơi tập trung dân cư đông nên khi thiết kế, nhà thầu nào cũng đưa ra một quy hoạch tổng thể, bao gồm cả trường học (khoảng 12% đến 15% diện tích đất). Thực tế thì đến nay, nhiều khu đô thị đã đưa vào sử dụng cả chục năm, được quảng cáo mang tiêu chuẩn quốc tế vẫn “quên” xây trường học, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học.
Nhiều khu đô thị ở Hà Nội "quên" xây trường học

Trăm trường học quy hoạch “treo”

Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là một trong những nơi có mật độ dân số cư cao nhất Thủ đô. Hơn một vạn cư dân tại đây vẫn phải chấp nhận hai “kịch bản”: một là cho con học trái tuyến trong các trường Đại Kim, Hoàng Liệt (Hoàng Mai) hoặc phải cho con học tại các trường tư thục với chi phí cao. Thậm chí có người đưa con vào “làng” lân cận để đi học.

Cũng vì thiếu trường, trẻ em ở khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai (Hà Nội) phải đi học mầm non ở các trường tư thục học phí cao gấp 3 - 4 lần trường công lập. Theo quy hoạch, khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) có 6 ô đất dành cho xây dựng trường học. Nhưng đến nay chỉ có 1 trường mẫu giáo được xây dựng.

KĐT Mễ Trì Hạ nằm ngay bên đường Phạm Hùng với hàng trăm căn hộ tái định cư, những tòa chung cư cao tầng và nhà biệt thự khang trang nhưng chỉ có khoảng 4 - 5 trường mầm non tư thục dành cho trẻ nhỏ với giá đắt đỏ. Nhiều phụ huynh buộc phải đưa con về quê ở cùng ông bà để đỡ phải gửi trường tư…

Nhiều khu đô thị ở Hà Nội "quên" xây trường học ảnh 1Nhà cao tầng mọc lên san sát trong khu đô thị nhưng trường học thì... vắng bóng

Thành phố Hà Nội đã từng có đợt tổng rà soát tình trạng các khu đô thị thiếu trường học. Nhưng có một thực tế là nhiều khu đô thị chưa có người đến ở dù đã được bàn giao nhà. Không có người đến ở thì chưa xây được trường. Vì trường học xã hội hóa nên đầu tư phải có hiệu quả. Trên toàn thành phố có đến cả trăm trường học quy hoạch “treo”.

Trao đổi vấn đề này với báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thùy - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho rằng, để lấp đầy các dự án treo cần phải có thời gian và hài hòa lợi ích giữa các bên. Trong các trường thuộc dự án treo, gần như 100% các trường ngoài công lập. Trường công lập được xây mới sẽ không nhiều, chủ yếu là sửa chữa và nâng cấp.

Nguyên nhân là các chủ đầu tư vẫn muốn ôm đất, không muốn bàn giao cho chính quyền địa phương Bà Nguyễn Thị Thùy - trưởng ban VH Xãi, HĐND TP Hà Nội

Đại diện lãnh đạo nhiều quận nội thành Hà Nội thừa nhận, ngành giáo dục đang chịu sức ép quá lớn từ tình trạng tăng đột biến dân số thời gian qua. Người ngoại thành, ngoại tỉnh nhập cư vào Hà Nội quá lớn khiến các trường quá tải. Với cấp tiểu học, quy định sỹ số chỉ là 35 học sinh/lớp nhưng thực tế nhiều trường thuộc các quận Ba Đình, Hoàn kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa… lên tới 45-55 học sinh/lớp.

Theo phân tích của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, chỉ cần dân số tăng lên 1.000 người là đã dẫn đến biến động về nhu cầu trường học vì cứ 1.000 dân thì có thêm ít nhất 50 trẻ nhỏ, tương ứng với 2 nhóm trẻ. Với hàng trăm dự án đô thị tương ứng cả triệu dân thì nhu cầu rất lớn, hệ thống trường học cũ của các quận nội đô vốn xây dựng từ hàng chục năm trước không thể đáp ứng được.

Đầu tư trường công lập cần cơ chế rõ ràng

Không thể phủ nhận, việc xây trường học trong khu đô thị sẽ khiến nhiều người dân tìm đến mua nhà và gắn bó lâu dài với khu đô thị hơn. Đơn cử, năm 2012, Công ty CPĐT Văn Phú – Invest đã đồng loạt hoàn thiện và bàn giao cho UBND Quận Hà Đông 3 trường học công lập các cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) ngay trong Khu đô thị mới Văn Phú (phường Phú La, Hà Đông). Đây là hệ thống trường công lập (không phải trường tư thục) có học phí phù hợp với đa số các hộ gia đình, khuôn viên rộng rãi, học sinh đi học chỉ trong vòng bán kính khoảng 1km.

Nhiều khu đô thị ở Hà Nội "quên" xây trường học ảnh 2Khuôn viên rộng rãi của trường tiểu học Phú La

Được biết, chi phí đầu tư xây dựng của cả 3 trường công lập nói trên lên tới khoảng 100 tỷ đồng đều lấy từ tiền ngân sách do chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước trước đó. (Trong đó, trường mầm non Phú La khoảng 28 tỷ đồng, trường tiểu học Phú La gần 45 tỷ đồng và trung học cơ sở hơn 26 tỷ đồng).

Kể từ khi các trường học cơ bản hoàn thiện, số cư dân đến ở trong khu đô thị đang ngày càng tăng nhanh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như các cơ quan chức năng, để hoàn thành được các trường công lập, ngoài sự nỗ lực của chủ đầu tư còn cần có sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên của chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai bên.

Việc xây dựng một loạt các trường học công lập như trong khu đô thị mới Văn Phú không thể thiếu “bàn tay” của chính quyền địa phương. Nếu có một cơ chế rõ ràng cùng với việc giám sát chặt chẽ, các chủ đầu tư sẽ rất nỗ lực để hoàn thành những hạng mục quan trọng này. Bởi đây cũng chính yếu tố quan trọng giúp các dự án nằm trong “tầm ngắm” để khách hàng lựa chọn, và đặc biệt là để những người có nhu cầu thực mua nhà và đến ở.

Trao đổi với báo Hải quan, ông Nguyễn Hùng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đô thị cho rằng:

“Nhiều người cho rằng phát triển đô thị nhìn vào không gian kiến trúc, nhưng tôi cho rằng hạ tầng kỹ thuật đô thị đóng vai trò quan trọng, quyết định trong nâng cao chất lượng sống ở đô thị. Một đô thị phát triển nghĩa là điều kiện sống của người dân phải được cải thiện, sống trong môi trường không bị ô nhiễm, các chất lượng dịch vụ đô thị phải được cải thiện, đấy mới là đáp ứng được yêu cầu trong phát triển đô thị”.

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.