Sĩ tử tự tin vì đề địa lý “nhắm” vào chủ quyền biển, đảo

Theo chia sẻ của một giám thị chấm thi trường THPT chuyên Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, đa số thí sinh đều đạt được điểm tối đa ở những câu hỏi liên quan đến biển đảo.
Sĩ tử tự tin vì đề địa lý “nhắm” vào chủ quyền biển, đảo

Về đề thi môn Địa lý, nhiều học sinh đăng ký dự thi môn này đều khẳng định chắc chắn với phóng viên trước giờ làm bài rằng: “Bọn em tin rằng, đề thi sẽ có một phần về chủ quyền biển đảo, trong suốt cả tháng qua, bọn em cũng đã ôn rất kĩ phần này”.

Sau khi kết thúc môn Địa lý, nhiều người đã tỏ ra rất thích thú với đề thi Địa lý và cho rằng: “Bộ Giáo dục - Đào tạo nên phát huy những dạng câu hỏi như vậy ở các kì thi, những đề thi như vậy sẽ tạo điều kiện cho học sinh nói lên tiếng nói của mình về vấn đề chủ quyền của đất nước”.

Giáo viên Nguyễn Thị Thanh Hà, dạy địa lý tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Đống Đa, Hà Nội cho rằng: “Đề thi Địa lý khá dễ đoán, bởi lẽ học sinh đã ôn phần biển đảo cả tháng nay, cụ thể nhất là câu hỏi yêu cầu liệt kê vùng biển Việt Nam, câu hỏi này khá dễ. Tuy nhiên, câu hỏi về tại sao phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù là nhỏ thì rất hay, câu hỏi tương đối bất ngờ nhưng không khó với các thí sinh theo học khối C.

Cô Hoàng Thị Hảo, giáo viên tổ Địa lý, trường THPT chuyên Lam Sơn cho biết qua hai ngày chấm bài của thí sinh, hầu hết các em đều thể hiện được ý thức công dân tốt ở chỗ đều bám sát, thể hiện được đầy đủ ý trong đáp án. Và gần như các em thí sinh đều đạt được điểm tuyệt đối với những câu hỏi liên quan đến biển đảo.

Cô Hảo cho biết thêm, các thí sinh còn nắm rất rõ kiến thức về lãnh thổ Việt Nam. Có hai câu liên quan đến biển đảo, trong đó, có câu chỉ yêu cầu thí sinh nêu các bộ phận của vùng biển, chỉ cần kể ra gồm có: nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế... là đạt được điểm tuyệt đối, nhưng các thí sinh còn kể chi tiết được thế nào là thủy nội địa, thế nào là lãnh hải, rồi thế nào là vùng đặc quyền kinh tế biển…

Sĩ tử tự tin vì đề địa lý “nhắm” vào chủ quyền biển, đảo - anh 1

Đối với môn Sử, đa số thí sinh đều làm đúng theo đường lối. Thí sinh đều nhận thức được khá đầy đủ về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam thông qua những biện pháp hòa bình, lên án, phản đối việc sử dụng bạo lực và kêu gọi sự ủng hộ của thế giới.

Đặc biệt là không có bài làm nào có tư tưởng, đường lối trái ngược với những phương pháp mà Việt Nam chúng ta đang làm hiện nay đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.

Còn đối với môn Văn, các em thí sinh cũng đã biết vận dụng các kiến thức kể cả trong văn học, trong cuộc sống. Các em đều thể hiện thái độ rất rõ ràng trước những sự kiện của Tổ quốc, hễ có giặc ngoại xâm thì dũng cảm lên đường, thể hiện tinh thần đoàn kết. Đặc biệt, không có câu văn, hay phát ngôn bừa bãi trong bài thi, các em trung thực đối với những vấn đề nêu ra trong bài thi.

Như vậy, có thể thấy, năm nay, các em thí sinh đã thể hiện cơ bản sát với trọng tâm kiến thức của những câu hỏi về biển đảo và đúng tinh thần, trách nhiệm của một người công dân trước vận mệnh đất nước.

(Hoàng Nguyên - TH)

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.