Thi THPT 2017: Sẽ chấm điểm từng môn riêng lẻ trong bài thi tổ hợp

(Ngày Nay) - Điểm mới nhất trong phương án dự kiến tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 là lần đầu tiên xuất hiện bài thi tổ hợp.
Thi THPT 2017: Sẽ chấm điểm từng môn riêng lẻ trong bài thi tổ hợp

 Thi THPT 2017: Sẽ chấm điểm từng môn riêng lẻ trong bài thi tổ hợp ảnh 1

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

Điểm mới nhất trong phương án dự kiến tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 là lần đầu tiên xuất hiện bài thi tổ hợp.

Cụ thể, thay vì có 8 môn riêng lẻ như năm 2016, kỳ thi sẽ có 5 bài thi, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.

Trong đó, bài thi Khoa học xã hội gồm tổ hợp các môn Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân. Bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp ba môn Sinh học, Vật lý và Hoá học. 

Các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. Môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội là bài thi tự chọn.

Việc xét tốt nghiệp dựa trên điểm bốn môn, gồm ba môn tự chọn và một bài thi tự chọn. Điểm thi chiếm 50% trong xét công nhận tốt nghiệp, 50% còn lại là điểm học lực lớp 12.

Điểm thi sẽ được sử dụng để xét tuyển vào đại học như thế nào? Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã có chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

- Vậy việc xét tuyển đại học sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng, khi mà các trường thường xét theo nhóm các môn cụ thể chứ không phải tổng hợp

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bài thi tổ hợp gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm chia làm ba phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi. Ví dụ bài thi Khoa học Tự nhiên gồm có 20 câu hỏi của cấu phần môn Lý, 20 câu hỏi môn Hóa, 20 câu hỏi môn Sinh. Điểm khi chấm sẽ có điểm tổng hợp của bài và điểm của từng cấu phần.”

Khi sử dụng điểm để xét tuyển, các trường có thể dùng điểm của từng cấu phần hoặc điểm của cả bài thi, kết hợp với các môn thi khác để xây dựng tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học như Toán-Lý-Hóa.

- Như vậy các em hoàn toàn có thể chỉ làm phần Lý hoặc chỉ làm phần Hóa hay phần môn Sinh trong bài thi tổ hợp nếu các em không chọn môn đó để xét đại học? Khi đó, nếu các em được 0 điểm ở cấu phần môn nào đó thì có được xét tốt nghiệp không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo phương án dự kiến thì việc xét tốt nghiệp căn cứ theo ba môn bắt buộc và một bài thi tự chọn. Nếu các em bị điểm liệt của cả bài thi mới không được xét tốt nghiệp, không tính theo điểm liệt của một cấu phần trong bài thi đó.

Đối với xét tuyển đại học thì tùy trường, nếu trường sử dụng điểm của cả bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội thì các em phải làm hết tất cả.

Nếu trường chỉ sử dụng một cấu phần thì các em có thể làm bài để đạt kết quả cao của cấu phần này. Việc đó giúp các em có nhiều thuận lợi hơn trong xét tuyển.

- Như vậy, mục tiêu chống học lệch của Bộ có thể sẽ không đạt được, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Rõ ràng chúng ta đang cố gắng hướng đến học gì thi nấy, không có sự phân biệt.

Tuy nhiên, nếu làm một lúc, buộc học sinh thi hết thì rất nặng so với trước đây. Năm ngoái các em thi bốn môn, năm nay thi lên 6 môn đã là sự cố gắng.

Việc học gì thi nấy phải tiến tới từ từ, khi học sinh đã sẵn sàng, việc thi cử khi đó sẽ nhẹ nhàng hơn.

- Chỉ còn một năm học nữa, liệu có đủ thời gian để các em chuyển từ thi bốn môn lên 6 môn không thưa Thứ trưởng? Thay đổi của Bộ liệu có quá gấp không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực ra, năm nay những thay đổi không lớn để yêu cầu thí sinh phải chuẩn bị từ đầu. Khác với mọi năm, nội dung thi năm nay trong chương trình lớp 12. Việc xét tốt nghiệp, điểm thi chỉ chiếm 50%.

Trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ cũng yêu cầu các trường phải dành 25% chỉ tiêu cho khối thi truyền thống. Mới là đầu năm học, thí sinh cũng có những bước chuẩn bị. Những đổi mới là để tạo thuận lợi cho các em.

- Năm 2017, việc tổ chức thi sẽ giao cho các sở giáo dục và đào tạo chủ trì và không còn cụm thi đại học. Như vậy, thí sinh sẽ có thể thi để xét tuyển đại học ngay tại trường mình, thưa ông? 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc bố trí địa điểm thi tùy địa phương, dựa trên đặc điểm địa hình của mình. Có thể thi tại huyện, thi liên huyện hoặc thi tại các thành phố, thị xã. Năm 2016 cũng có một số địa phương thi tại huyện hoặc liên huyện. 

- Dư luận vốn khá nghi ngờ tính nghiêm túc của các cụm thi do các sở giáo dục và đào tạo tổ chức. Việc các sở có thể tổ chức ngay tại địa phương, kết quả thi lại có thể xét tuyển vào các trường đại học, liệu các trường có thể tin tưởng được, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi chúng ta giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi mà không có hàng rào kỹ thuật nào, thì các trường đại học nghi nghờ. Vì thế, hai năm qua Bộ đã phải tổ chức đưa các trường đại học xuống địa phương chủ trì cụm thi.

Tuy nhiên, năm 2017, chúng ta đã có hàng rào kỹ thuật là mỗi cháu một đề, trong thời gian thi ngắn nên không thể xảy ra tiêu cực. Vì thế, hoàn toàn có thể yên tâm giao cho địa phương tổ chức chủ trì cụm thi và các trường đại học tham gia giám sát.

Thực tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khi tổ chức thi ở các địa phương cũng chỉ có một số cán bộ của trường đi, không cần đội ngũ lớn. Khi ứng dụng công nghệ thông tin thì kỳ thi sẽ hết sức nhẹ nhàng.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Vietnamplus
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.