70 năm Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020): Truyền lửa thế hệ sau

Sáng 14/7, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn và Hội Cựu TNXP Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên Xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020) và tôn vinh điển hình tiên tiến thanh niên xung phong (TNXP) qua các thời kỳ. 
Lực lượng TNXP thồ đạn ra chiến trường Ảnh tư liệu Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam
Lực lượng TNXP thồ đạn ra chiến trường Ảnh tư liệu Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam

Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Có thể khẳng định những đóng góp của lực lượng TNXP qua các thời kỳ là vô cùng to lớn. Ông có thể điểm lại những đóng góp quan trọng nhất cho đất nước trong 70 năm qua?

70 năm là chặng đường lịch sử rất dài. Điều đầu tiên phải khẳng định, thành lập đội TNXP là sự sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát huy vai trò xung kích sáng tạo của lực lượng trẻ, cũng như khẳng định được sức mạnh rời non lấp biển của thanh niên.

“Việc quyết định thành lập đội TNXP như góp một bàn tay cho kháng chiến thành công. Nếu bàn tay phải là lực lượng quân đội mà không có bàn tay trái lực lượng TNXP thì kháng chiến khó thành công. Tôi nói vậy có căn cứ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Tôi coi TNXP như bộ đội vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Tôi cảm nhận như một lời sấm dội, đánh giá lực lượng TNXP ngang hàng với bộ đội”.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim

Từ 225 cán bộ, đội viên đầu tiên do đồng chí Vương Bích Vượng - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đoàn làm Đội trưởng, sau trở thành liên phân đội TNXP tham gia an toàn khu, phục vụ chặng chiến đấu ở biên giới từ 1950 - 1952 và chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Số lượng đội viên TNXP không ngừng nâng lên, 3.000, rồi 16.000 người. Trong lúc có 16.000 TNXP thì có 8.000 TNXP được tuyển vào quân đội. TNXP thành chỗ dựa vững chắc cho quân đội khi cần.

Thời kỳ sau năm 1954, hòa bình lập lại, công việc chính của TNXP là mở đường xây dựng xã hội chủ nghĩa như các tuyến đường ở Lạng Sơn, đường Hạnh Phúc ở Hà Giang, mở rộng tuyến đường sắt Bắc - Nam... Đồng thời, tham gia xây dựng các công trường, nông trường phát triển kinh tế ở những vùng gian khó. Có thể nói, đây là giai đoạn đem sức trẻ để bạt núi san đồi đem hạnh phúc cho đồng bào miền núi, đóng góp cho kháng chiến sau này.

Tiếp đó là giai đoạn “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lực lượng TNXP ở miền Bắc và mặt trận đường Trường Sơn có phong trào “Ba sẵn sàng”; còn miền Nam có phong trào “Năm xung phong”. Hai miền Bắc Nam với “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã hòa quyện với nhau tạo nên kết quả lớn.

Đất nước thống nhất, tiếng súng ngưng chưa bao lâu thì lại xảy ra chiến tranh biên giới, TNXP cùng với bộ đội tham gia phục vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Lực lượng TNXP tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng; lao động sản xuất và bảo vệ, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội...

Lực lượng TNXP đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Thế hệ TNXP đi trước tiếp tục lan tỏa truyền thống đến thế hệ trẻ thế nào, theo ông?

Ở độ tuổi mười tám đôi mươi, những TNXP rời tổ ấm gia đình để hòa mình vào cuộc sống tập thể đồng đội, sẻ chia gian khổ và niềm vui để cùng lao động sản xuất, chiến đấu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Điều này đã trở thành kỷ niệm, dấn ấn đầu đời khó phai và được họ gìn giữ để thành phẩm chất, nhân cách của TNXP.

Qua năm tháng, những TNXP ngày ấy giờ đã lên ông lên bà vẫn tiếp tục phát huy, lan tỏa phẩm chất truyền thống của mình trong gia đình, làng bản, rộng hơn ra xã hội. Họ vừa nêu gương vừa tham gia các hoạt động vì an ninh Tổ quốc, vì tình làng nghĩa xóm và công tác xã hội mà Mặt trận kêu gọi, chính quyền yêu cầu. Những người không còn sức thì vận động con cháu tham gia. Có thể nói, điều quan trọng nhất của cựu TNXP hiện nay là giữ lửa truyền hơi ấm cho các thế hệ đi sau và không quên thực hiện lời hứa, tâm niệm của TNXP đi theo lời Bác gọi.

70 tấm gương TNXP được tuyên dương trong lễ kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội là những điển hình, được chắt lọc qua nhiều thế hệ của lực lượng TNXP. Đây là những người đã qua chiến đấu, phục vụ chiến đấu; qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của đất nước và còn sống, trưởng thành mà hiện nay tiếp tục khẳng định vai trò trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi, trong công tác Hội.

Qua các hoạt động trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP, Ban tổ chức mong muốn truyền thông điệp gì đến thế hệ trẻ?

Chương trình kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống được tổ chức với tinh thần gọn gàng, hiệu quả nhưng khơi dậy truyền thống đến thế hệ trẻ. Ngay từ những ngày đầu khi đội TNXP đầu tiên được thành lập ở Núi Hồng (Đại Từ, Thái Nguyên), Bác Hồ mong muốn xây dựng lực lượng cách mạng nòng cốt hùng hậu tin cậy trong quần chúng nhân dân và phát huy được vai trò trong  giai đoạn thử thách quyết liệt. Điều đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Điều chúng tôi muốn gửi gắm là vấn đề tôn vinh TNXP sao cho xứng đáng hơn. Bản thân chữ “xung phong” đã nói lên tinh thần sẵn sàng đi đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì; chịu đựng gian khổ, sẵn sàng chiến đấu sẵn sàng hy sinh; không đòi hỏi gì.

Cảm ơn ông.

Trong 70 mươi năm qua, đã có trên 65 vạn nam nữ TNXP phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hy sinh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới đã có gần 39 vạn nam nữ TNXP làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có hơn 6 nghìn người hy sinh, hơn 40 nghìn người bị thương, hơn 14 nghìn người bị nhiễm chất độc dacam/diôxin. 

Hiện hầu hết TNXP không còn giấy tờ gì. Nhiều TXNP được công nhận và nhận chế độ một lần được 3,5 - 4 triệu đồng. Nguyện vọng lớn nhất của TNXP là có “Huy chương TNXP vẻ vang”, được đưa vào danh mục huân huy chương cấp Nhà nước.

Theo Tiền Phong
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.