Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội đồng Liên bang Nga

Tiếp tục chuyến thăm chính thức LB Nga, sáng 11/12 (giờ địa phương);tại trụ sở Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matvienko, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự phiên họp toàn thể của Hội đồng Liên bang Nga.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. Matvienko và đại biểu hai nước sau hội đàm. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. Matvienko và đại biểu hai nước sau hội đàm. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu trước các nghị sỹ Hội đồng Liên bang Nga về mối quan hệ hợp tác Việt Nam – LB Nga và quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Chủ tịch V. Matvienko và Hội đồng Liên bang Nga đã mời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội đồng Liên bang nhân chuyến thăm chính thức LB Nga của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam. Điều này thể hiện sinh động tính chất tin cậy đặc biệt của quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và LB Nga, cũng như sự hợp tác giữa quốc hội hai nước.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng được chứng kiến những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội và đối ngoại mà nhân dân Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, Quốc hội và Chính phủ LB Nga đã giành được trong thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động điểm lại cách đây 96 năm, ngày 30/6/1923, trong hành trình đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên đặt chân đến Liên Xô. Chuyến đi đã trở thành một biểu tượng lịch sử cho sự thay đổi mang tính chất quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của đất nước Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Chúng tôi tự hào nhớ lại, đã có những người lính Việt Nam tham gia vào cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ mùa Đông năm 1941, sau đó tiến thẳng ra mặt trận và hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Moskva. Và gần 70 năm về trước, ngày 30/1/1950, Liên Xô trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ hai nước chúng ta”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga đối với Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước. Chủ tịch nhấn mạnh không chỉ viện trợ cho Việt Nam những vũ khí, khí tài hiện đại, mà còn có hàng nghìn chuyên gia kỹ thuật Liên Xô đã hỗ trợ hướng dẫn các đồng nghiệp Việt Nam. Theo Chủ tịch Quốc hội, tấm gương anh dũng bảo vệ Tổ quốc của những người lính Hồng quân và nhân dân Nga trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 luôn là nguồn động viên, cổ vũ khích lệ hết sức to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ giành độc lập dân tộc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam không bao giờ quên, mãi mãi luôn ghi nhớ, trân trọng sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mà nhân dân Liên Xô, trong đó có nhân dân Nga, đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sự nghiệp khôi phục và phát triển đất nước của Việt Nam cũng mang dấu ấn vô cùng tốt đẹp của tình đoàn kết Việt – Nga. Liên Xô và LB Nga đã giúp Việt Nam đào tạo hàng chục nghìn cán bộ. Cụ thể, nhiều người trong số đó đã trở thành các lãnh đạo chủ chốt, chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Nhiều công trình của Việt Nam đã được xây dựng với sự giúp đỡ của nhân dân Nga anh em, trong đó có những công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Nga là tài sản vô giá mà Việt Nam quyết tâm gìn giữ và phát huy. Theo Chủ tịch, đây cũng là tiền đề để Việt Nam và LB Nga ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị năm 1994. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược năm 2001, và tiếp tục nâng cấp trở thành “Đối tác Chiến lược toàn diện” - khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam - vào năm 2012, đánh dấu bước phát triển mới vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trên cơ sở đó, quan hệ Việt Nam – LB Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Quan hệ chính trị giữa hai nước có độ tin cậy rất cao, với trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao được duy trì thường xuyên và trên tất cả các kênh. Nhiều cơ chế hợp tác đã được xác lập trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác kinh tế Việt Nam – LB Nga không ngừng phát triển, năm 2018 kim ngạch thương mại đạt mức kỷ lục 4,5 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu năm 2015, mà Nga là thành viên chủ chốt. Đầu tư giữa hai nước tiếp tục được mở rộng, với nhiều dự án quy mô, hiện đại được triển khai tại cả Việt Nam và Nga, trong đó không thể không kể đến các dự án hợp tác dầu khí giữa hai nước…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh tiếp tục được mở rộng. Giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng được tăng cường, với ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn LB Nga là địa điểm du học. Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là điểm đến yêu thích của người dân Nga, với hơn 600.000 lượt khách Nga thăm Việt Nam năm 2018 và gần 500.000 lượt trong 9 tháng đầu năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiếm có một đất nước nào có được tình cảm sâu đậm trong lòng người Việt Nam như nước Nga. Tình cảm đó xuất phát không chỉ từ sự ủng hộ, hợp tác chính trị và kinh tế mà Nga đã dành cho Việt Nam, mà còn từ sự đồng điệu trong tâm hồn, tình cảm giữa nhân dân, thể hiện qua sự giao lưu, kết nối văn hóa. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nền văn hóa Nga rực rỡ và huy hoàng đã được truyền bá vào Việt Nam. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao của những tên tuổi lớn như Dostoevsky, Puskin, Chekhov, Lev Tolstoi, Maksim Gorky, Sholokhov... hết sức quen thuộc đối với người Việt Nam. LB Nga cũng giúp Việt Nam xây dựng và phát triển các loại hình nghệ thuật như múa balê, nhạc kịch, xiếc. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam ngày càng được công chúng Nga biết đến thông qua các chương trình giao lưu nghệ thuật hằng năm và các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện hai nước đang tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam trong năm 2019 – 2020 nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2020) với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng. Năm 2020 là năm trọng đại với quan hệ hai nước, đánh dấu thời điểm hai bên sẽ cùng nhau kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 75 năm Chiến thắng phát xít Đức và 45 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong tổng thể mối quan hệ tốt đẹp của hai nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội LB Nga không ngừng được củng cố và phát triển. Chủ tịch khẳng định Việt Nam đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch V.Matvienko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga vào tháng 12/2017. Điểm lại chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, Chủ tịch Vyacheslav Volodin (tháng 12/2018), hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Uỷ ban Liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Nga. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là hình thức hợp tác cao nhất và đầu tiên của Quốc hội Việt Nam. Nhân chuyến thăm LB Nga lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga V.Volodin sẽ đồng chủ trì Phiên họp đầu tiên của Ủy ban Liên Nghị viện, trong đó có nội dung đánh giá về kết quả giám sát của Quốc hội Việt Nam đối với các hiệp định và thỏa thuận Việt Nam đã ký kết với Nga.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng tin tưởng nhóm nghị sĩ hữu nghị của hai nước sẽ trở thành nhịp cầu hữu nghị giữa hai Quốc hội và nhân dân hai nước. Hai bên cũng luôn hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như  IPU, AIPA, APPF, ASEP..., đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác Quốc hội Á- Âu (MSEAP) do Nga đồng sáng kiến”.

Tình hình thế giới và khu vực trong thời gian qua tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống; hòa bình, ổn định và hợp tác đang bị thách thức. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: “Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục tăng cường, phát triển mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - LB Nga không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, là sự lựa  chọn chiến lược, yếu tố đảm bảo thực hiện thành công công cuộc Đổi Mới và phát triển của mỗi nước; đồng thời góp phần gìn giữ, củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng của khu vực và thế giới”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao lập trường của Nga về Biển Đông, theo đó ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; ủng hộ thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với LB Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam”. Tổng thống V. Putin nhấn mạnh Việt Nam là “một đối tác hàng đầu” của Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Là Chủ tịch ASEAN và AIPA năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa ASEAN và Nga, nâng cao tiếng nói và vị thế của Nga tại khu vực. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nga trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Tự hào nhìn lại chặng đường 70 năm quan hệ Việt – Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng rằng, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga sẽ tiếp tục phát triển, vượt qua mọi thách thức và khó khăn, xứng đáng với truyền thống hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc. Trong sự nghiệp phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga, Quốc hội hai nước sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường giám sát, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận và dự án hợp tác, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên Nghị viện quốc tế, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – LB Nga không ngừng được củng cố và phát triển; chúc hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam – LB Nga ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng của mỗi nước.

Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được phát trực tiếp trên toàn nước Nga qua kênh truyền hình của Hội đồng Liên bang Nga (vmeste-rf.tv).

Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội đồng Liên bang Nga ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Liệt sĩ vô danh. Ảnh: Bùi Duy Trinh/Pv TTXVN tại Liên bang Nga

Trước đó, sáng cùng ngày (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các chiến sỹ vô danh tại thủ đô Moskva. Sau khi đặt vòng hoa, Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dành phút mặc niệm các chiến sỹ vô danh.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Vladimir Ilich Lenin trên Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva.

Theo TTXVN
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà tham gia buổi giao lưu, tọa đàm.
70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 16/4, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”.
Ảnh minh hoạ.
Xác thực trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư
(Ngày Nay) - Thông tin về triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, đến nay, trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của đồng bào dân tộc Mường (Nho Quan, Ninh Bình) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai 2023.
Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024
(Ngày Nay) - Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024 bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, đa dạng, như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống thi leo cột chinh phục tình yêu, đánh yến, trình diễn thổi khèn Mông, múa nhảy lửa, múa trống đồng; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng...
Ảnh minh hoạ.
Thêm một cây xanh – thêm một hành động bảo vệ môi trường
(Ngày Nay) - Triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức trồng cây phục hồi hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn, rừng cây chắn sóng… với số lượng cây dự kiến trên 250.000 cây.