Cô học trò đặc biệt ở xứ Thanh

[Ngày Nay] - Tải danh sách trúng tuyển được Học viện Kỹ thuật Quân sự công bố trên website chính thức của trường, Thương hồi hộp và vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi nhìn thấy cái tên Đặng Thị Thương. Đó là ngôi trường mà em mơ ước, cũng là nơi mà em sẽ có thể yên tâm học đại học mà không phải lo lắng quá nhiều về kinh tế.
Cô học trò đặc biệt ở xứ Thanh

Nỗ lực không ngừng

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018, Thương đạt 27,05 điểm (Toán 8,8 điểm, Vật lý 9 điểm và Hóa học 9,25 điểm), là một trong số 12 học sinh có điểm thi cao nhất tỉnh Thanh Hóa (đạt từ 27 điểm trở lên xét theo khối thi đại học).

Nhắc tới cô học trò nhỏ của mình, thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1, xúc động nói: “Đó là một nữ sinh rất nghị lực, luôn lạc quan dù cuộc sống có nhiều khó khăn.”

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Thương luôn nỗ lực trong học tập và lúc nào cũng là một học sinh xuất sắc nhất trường. Thương bảo, em chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc dù nhiều khó khăn, vì chỉ có nỗ lực học tập mới giúp em thoát khỏi khó khăn.

“Trước mắt tôi là ngôi nhà nhỏ nhưng gọn gàng. Mẹ Thương vồn vã đón tiếp thầy giáo như bất cứ người mẹ thôn quê chân chất nào giàu tình yêu thương với con cái. Nhưng tôi bỗng thấy bối rối khi vừa hỏi han hoàn cảnh gia đình được vài câu thì hai mẹ con em ôm nhau khóc. Mẹ Thương bảo, em đã mồ côi bố, giờ mẹ lại mang trọng bệnh, nếu có mệnh hệ nào thì không biết ai sẽ chăm lo cho các con. Tôi nghe mà cũng xúc động rưng rưng,” thầy Tuấn bùi ngùi kể.

Bố Thương bị bệnh ung thư não và mất khi em học lớp 3. Em lên lớp 6 thì mẹ lại phát hiện bị ung thư. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn càng thêm túng quẫn. Thương học trò, thầy Tuấn cùng các thầy cô giáo và nhà trường đã thống nhất miễn cho em tất cả mọi khoản đóng góp, từ tiền học phí chính khóa, học thêm ngoài giờ, đến tiền may áo quần đồng phục. Các thầy cũng thường xuyên động viên em. Ngày lễ, ngày Tết, Hội chữ thập đỏ của trường cũng có quà đến nhà để động viên gia đình. Để Thương yên tâm ôn thi Trung học phổ thông quốc gia, thầy Hiệu trưởng Lê Văn Dỵ đã hứa sẽ hỗ trợ em một triệu đồng mỗi tháng trong suốt thời gian em học đại học. Các thầy cũng hứa sẽ tìm thêm nguồn hỗ trợ để em vơi đi phần nào gánh nặng tài chính nơi giảng đường.

Năm lớp 12, trong bốn lần trường tổ chức thi khảo sát, kể cả lần có cả sự tham gia của hơn 1.000 học sinh các trường khác, Thương vẫn luôn giữ vị trí thủ khoa. Em còn đăng ký dự kỳ thi khảo sát của trường Trung học phổ thông Hàm Rồng và cũng đứng vị trí số 1. Thậm chí, trong lần tham gia kỳ thi khảo sát do trường Trung học phổ thông Chuyên Lam Sơn tổ chức, nữ sinh trường làng Đặng Thị Thương cũng “vượt mặt” các học sinh chuyên tỉnh để đứng vị trí dẫn đầu.

Sức mạnh của tình mẫu tử…

Trong câu chuyện với phóng viên, cô Đàm Thị Xuân, mẹ em Thương, liên tục phải dừng lời vì xúc động.

Cô học trò đặc biệt ở xứ Thanh ảnh 1

Thương tận tình chăm sóc mẹ lúc ốm đau

Người mẹ ấy vẫn không thể nào quên ngày định mệnh khi bác sỹ kết luận mình bị bệnh ung thư, căn bệnh đã cướp đi người chồng, người cha trụ cột trong gia đình chỉ mới hơn hai năm trước.

“Khi đó, bác sỹ bảo tôi chỉ sống được khoảng 2 tháng nữa. Trời đất như sụp đổ. Họ hàng hứa sẽ cưu mang các con, nhưng cứ nghĩ đến cảnh mình mất đi, con mình phải đi ăn cơm chực, tôi lại đau đớn không thể chịu đựng được,” cô Xuân nghẹn ngào kể.

Một năm điều trị ở Bệnh viện K với người mẹ ấy là những ngày tháng kinh hoàng chiến đấu với tử thần để giành sự sống.

“Không ăn được, tôi bảo con lấy gạo không có mùi, nấu cháo lên, để nguội, rồi cứ thế ngửa cổ lên, đổ cháo vào miệng và nuốt ực một cái. Lúc đấy chỉ nghĩ đến con mà cố gắng. Tôi chỉ cầu trời phật cho tôi sống thêm được 5 năm, để con tôi lớn thêm chút nữa. Cũng may là trời thương, đến giờ đã được 7 năm…” cô Xuân xúc động kể.

Có lẽ chính sức mạnh của tình mẫu tử đã giúp Thương có thêm nghị lực để làm nên những điều phi thường. Trong suốt 7 năm qua, người mẹ ấy vừa một mình chăm sóc, nuôi nấng 3 đứa con, vừa chống chọi với bệnh ung thư. Suốt 7 năm, chỉ số ung thư vẫn luôn ở mức cao nên cứ 3 tháng cô lại phải ra Hà Nội, đến Bệnh viện K để kiểm tra diễn biến bệnh và lấy thuốc một lần.

“Nhưng cũng có khi 6 tháng mới đi. Ví như lần này là hơn 6 tháng. Tôi không muốn đi khám vì Thương đang trong giai đoạn ôn thi quan trọng, lỡ mình đi khám rồi phát hiện ra bệnh nặng lên, phải nhập viện, thì con bơ vơ, ảnh hưởng đến việc học tập, thi cử. Con có điểm rồi mẹ lại muốn nấn ná thêm để xem con có đỗ trường con mong muốn hay không. Giờ thì tôi đã thật sự yên tâm,” cô Xuân chia sẻ.

… Và những người thầy tuyệt vời

Nói đến Thương, cô Xuân lại nghẹn lời: “Tôi không được khỏe nên không làm được nhiều như người bình thường, cứ trái gió trở giời là ốm. Các thầy thậm chí còn tìm đến những người có tấm lòng bao la để giúp đỡ em. Các thầy ở trường đều tuyệt vời! Trong lớp thì các bạn, các phụ huynh cũng giúp đỡ. Rồi anh, em trong gia đình, họ hàng. Thương không may nhưng em vẫn còn may khi gặp những người như thế!”

Cô học trò đặc biệt ở xứ Thanh ảnh 2

Bữa cơm đạm bạc của mẹ con Thơm

Chia sẻ về những người thầy dưới mái trường Quảng Xương 1, Đặng Thị Thương xúc động: “Em được các thầy quan tâm và giúp đỡ rất nhiều. Nếu không có sự giúp đỡ của các thầy, không biết em có thể được đi học như các bạn hay không. Từ tận đáy lòng mình, em xin cảm ơn những sự giúp đỡ, những tình cảm, những sẻ chia mà các thầy đã dành cho em!”

Nhưng với những người thầy như thầy Dỵ, thầy Tuấn, đó lại không phải là sự ban ơn. Nói như thầy Tuấn, “đó đơn giản vì chúng tôi là những người thầy, là thầy thì phải có trách nhiệm yêu thương, chăm lo cho học trò.”

“Thương là một cô bé giàu lòng tự trọng. Ban đầu, em tỏ ra khá e ngại trước sự giúp đỡ của mọi người. Nhưng ở trong hoàn cảnh của em cũng khó có sự lựa chọn nào khác. Đó cũng là một trong những lý do em quyết tâm thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự, dù điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ của trường này năm 2017 là 30 điểm”, thầy Tuấn chia sẻ.

Nói về quyết định của con gái, cô Xuân bảo lúc Thương nhất quyết làm hồ sơ thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, cả nhà rất lo: “Trước khi con đi khám sức khỏe, tôi có hỏi: Con thi vào trường đó là vì mẹ hay vì con? Hắn bảo là vì cả hai. Đến giờ thì con đã đạt mơ ước, tôi cũng nhẹ lòng.”

Lý giải lựa chọn của mình, Thương cho biết em rất thích xem phim về công an, quân đội. “Em thích tác phong nghiêm túc, chuyên nghiệp, có phần ngầu ngầu của công an, quân đội. Mỗi lần xem phim có những nhân vật đó, em đều mơ ước sau này mình sẽ làm trong lĩnh vực này. Nếu không gặp khó khăn về kinh tế, em sẽ vẫn chọn trường như vậy.”

Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo chia sẻ về cuốn tự truyện của mình.
"Bốn mùa - Một cuộc đời" - Lời tự sự của nhà khoa học Việt Nam trên đất Pháp
(Ngày Nay) - “Bốn mùa - Một cuộc đời” vừa ra mắt công chúng tại Pháp là cuốn tự truyện của Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, tác giả và đồng tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời là nhà hóa học người Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong giới tri thức Pháp cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp.