Lo ngại hồ Đầm Bài cũng gặp sự cố còn nghiêm trọng hơn sự cố nước sông Đà nhiễm độc

Sau khi xảy ra sự cố nguồn nước sinh hoạt của gần 2 triệu dân Hà Nội bị “đầu độc”, người ta mới giật mình và quan tâm tới việc nguồn nước đầu vào từ Nhà máy nước sông Đà được bảo vệ và xử lý như thế nào. Đi vào tìm hiểu, PV nhận thấy rằng còn có nhiều nỗi lo khác còn to hơn sự cố “nước sông Đà nhiễm độc” vừa qua…
Lo ngại hồ Đầm Bài cũng gặp sự cố còn nghiêm trọng hơn sự cố nước sông Đà nhiễm độc ảnh 1

Sự nước sông Đà nhiễm dầu khiến gần 2 triệu người dân Hà Nội lao đao. Nguồn: vtv.vn        

Từ nguy cơ nhà máy nước sông Đà mất hồ lắng Đầm Bài

Các đối tượng liên quan đến việc đầu độc nước sông Đà hiện đã bị bắt giữ, tạm giam để điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Từ sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, theo tìm hiểu của PV, việc các cấp chính quyền nhanh chóng vào cuộc để giải quyết vấn đề ô nhiễm dầu thải hiện mới chỉ giải quyết ở phần... ngọn. Bởi hồ Đầm Bài, vốn được coi là bể sơ lắng nước tự nhiên trước khi nước được dẫn vào xử lý trong nhà máy nước với dung lượng lên tới 4,9 triệu mét khối, đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Cụ thể, 8 năm trước, Công ty cổ phần đầu tư Sannam Hòa Bình được giao thực hiện dự án xây dựng khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ trên địa bàn hai xã Phú Minh và Hợp Thành của Kỳ Sơn (đúng nơi có hồ Đầm Bài), đã có hành vi xâm lấn hồ. Khi ấy, Công an tỉnh Hòa Bình đã phải lập biên bản ghi nhận và giải quyết những xâm phạm của một số hộ cá nhân và Công ty cổ phần đầu tư Sannam Hòa Bình đối với hồ Đầm Bài.

Lo ngại hồ Đầm Bài cũng gặp sự cố còn nghiêm trọng hơn sự cố nước sông Đà nhiễm độc ảnh 2

Hình ảnh về Hồ Đầm Bài. Nguồn: zing.vn

Sai phạm của Công ty cổ phần đầu tư Sannam Hòa Bình trong việc san lấp đường ngăn hồ đã được... hợp thức hóa bằng việc cắm mốc giới lệch ra khỏi địa điểm vi phạm. Đến nay, hành vi sai phạm xâm lấn hồ của đơn vị này vẫn... còn nguyên. Phương án cắm mốc chỉ giới để bảo vệ hồ Đầm Bài sau nhiều lần tranh cãi vẫn chưa được giải quyết.

Và một diện tích hơn 400 ha thuộc hai xã Phú Minh, Hợp Thành mà Công ty cổ phần đầu tư Sannam được cấp ban đầu với mục đích xây dựng khu vực trồng, chế biến rau quả xuất khẩu đã được... đổi sang chủ mới là Công ty TNHH phát triển Phú Hưng Khang. Công ty TNHH phát triển Phú Hưng Khang do ông Tseng Fan Chih (quốc tịch Trung Quốc) làm chủ tịch HĐQT.

Dự án xây dựng khu chế biến rau quả cũng đã được chuyển thành xây dựng khu đô thị sinh thái phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng bao quanh hồ Đầm Bài.

Cùng với đó, trả lời công văn xin quản lý hồ Đầm Bài vào tháng 11/2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã có công văn số 1618/UBND-NNTN trong đó có nội dung “không chấp thuận giao quyền quản lý hồ Đầm Bài từ Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình cho Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex trực tiếp quản lý...”.

Gần đây nhất, tháng 5/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản chỉ đạo số 3015/VPUBND-TH gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở NNPTNT, trong đó nêu rõ giao Sở NNPTNT đề xuất phương án thu hồi việc sử dụng hồ Đầm Bài làm hồ chứa nước, sơ lắng cấp nước của nhà máy nước Vinaconex.

Đặc biệt, ngày 18/10, trong buổi họp báo thông tin về sự cố đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn nước Nhà máy nước sông Đà được tổ chức tại thành phố Hòa Bình, để đảm bảo an toàn nguồn nước trong tương lai, tỉnh Hoà Bình yêu cầu phía Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cần tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước; tiếp tục thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài.

Tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex phải xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó và khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước trong tương lai.

Phía tỉnh Hoà Bình cũng thừa nhận “gặp khó khăn” trong bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước dẫn về hồ Đầm Bài do diện tích rộng và có nhiều suối nhỏ dẫn vào.

Đến nước thải Nhà máy nước sông Đà quay lại hồ Đầm Bài

Không biết việc kiểm soát sẽ như thế nào, nhưng theo ông Trần Quốc Toản - Chi cục trưởng thủy lợi tỉnh Hòa Bình thừa nhận, thực tế trâu, bò kiếm ăn xung quanh và đằm ở các suối dẫn nước vào hồ rất nhiều.  Ngoài ra, người dân ở khu vực xung quanh hồ chưa có vệ sinh tự hoại, tất cả nguồn nước thải sinh hoạt trong phạm vi 16km² lưu vực ấy chưa có một nhà máy nào xử lý, cho nên đổ xuống hồ Đầm Bài thì ô nhiễm là không tránh khỏi.

“Với ngành thủy lợi, điều này có khi lại có lợi cho sản xuất vì có các chất hữu cơ từ trâu, bò… Nhưng với hồ lắng của nhà máy nước sạch lại là chuyện hoàn toàn khác”, ông Toản nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo tìm hiểu của PV, ngày 27/5/2019, Bộ TNMT đã ký ban hành Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 1307/GP-BTNMT, trong đó nêu rõ: Cho phép Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà được xả thải từ Nhà máy nước sông Đà ra suối Bằng rồi chảy vào hồ Đầm Bài tại xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn. Giấy phép này cũng cho Nhà máy nước sông Đà xả cả nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt sau khi xử lý ra suối Bằng, chảy vào hồ Đầm Bài. Vị trí số 1 xả nước thải sản xuất là 32.000m³/ngày đêm và vị trí số 2 là nước thải sinh hoạt 15m³/ngày đêm.

Lo ngại hồ Đầm Bài cũng gặp sự cố còn nghiêm trọng hơn sự cố nước sông Đà nhiễm độc ảnh 3

Giấy phép xả thải vào hồ Đầm Bài. Nguồn: tienphong.vn

Mặc dù giấy phép này cũng yêu cầu tiêu chuẩn của nước xả thải không vượt quá Quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất nhưng qua đó cũng cho thấy, hồ Đầm Bài đang được Nhà máy nước sông Đà vừa sử dụng làm bể lắng, vừa sử dụng luôn làm nơi xả nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt.

Ghi nhận tại khu vực Nhà máy nước sông Đà, không chỉ có khu sản xuất mà công ty này cũng xây cả một khu nhà khách để cho cán bộ công nhân và khách ăn, nghỉ tại đây. Nước thải sinh hoạt sau khi xử lý cũng được thải quay lại hồ Đầm Bài.

Và sân golf sẽ “mọc” bên hồ Đầm Bài?

Tìm hiểu thêm được biết, thời gian gần đây có một số doanh nghiệp đang quan tâm tới khu vực ven hồ Đầm Bài để triển khai xây dựng dự án sân golf. Dù khu vực này là đất rừng và liên quan tới an toàn của hồ sơ lắng Đầm Bài, nơi cung cấp nguồn nước đầu vào cho Nhà máy nước sông Đà, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình đã đồng ý cho phép khảo sát lập dự án sân golf.

Cụ thể, ngày 6/9/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 1418 về việc đồng ý về chủ trương cho phép Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và thương mại nghiên cứu, khảo sát, lập dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn.

Lo ngại hồ Đầm Bài cũng gặp sự cố còn nghiêm trọng hơn sự cố nước sông Đà nhiễm độc ảnh 4

Nguồn: googlemap

Xin được nói thêm, trước đó, ngày 23/5/2019, Cục Quy hoạch đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT) đã có văn bản số 146 gửi Sở TNMT Hòa Bình về việc không bổ sung đưa vào quy hoạch sân golf Việt Nam và dừng phê duyệt chủ trương lập dự án đầu tư khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình).

“Dự án nước sông Đà có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội, việc xây dựng khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn là không phù hợp, vi phạm phương án bảo vệ Nhà máy nước sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 28/8/2014, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước, chất lượng nước thô đầu vào và kế hoạch cấp nước an toàn liên tục phục vụ nhân dân TP. Hà Nội”, văn bản của Cục khẳng định.

Tiếp thu văn bản này, ngày 27/6/2019, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình có văn bản số 1230 nêu quan điểm: Đề nghị Sở KHĐT tỉnh Hòa Bình hướng dẫn Công ty CP đầu tư phát triển đô thị thương mại nghiên cứu khảo sát, lập dự án đảm bảo ranh giới đề xuất quy hoạch, đầu tư dự án có khoảng cách an toàn theo phương án bảo vệ Nhà máy nước sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ- UBND ngày 28/8/2014.

Trong quá trình tìm hiểu về dự án sân golf ở xã Phú Minh và Yên Quang, một nguồn tin cho biết, sắp tới tỉnh Hòa Bình sẽ có 10 sân golf.

Cụ thể, nguồn tin này cho biết, hiện tại đã có 2 sân golf đi vào hoạt động là sân golf Phoenix Golf & Resort và sân golf Hòa Bình Geleximco; Sân Golf An Việt của Công ty cổ phần golf An Việt Hòa Bình cũng đang triển khai đầu tư; 2 sân golf tại xã Đồng tâm huyện Lạc Thủy và xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn đã được Bộ KHĐT bổ sung vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Cùng với dự án sân golf ở xã Yên Quang và Phú Minh đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận cho khảo sát và 3 dự án khác đang được các nhà đầu tư tìm đến đặt vấn đề khảo sát.

Theo phunumoi
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.