Lòng tin của Nhân dân - Quốc bảo Việt Nam

Một ngày cuối năm Mậu Tuất 2018, Nhà báo, Tiến sĩ Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tiếp tôi trong căn phòng làm việc nhỏ, bên bờ hồ Thiền Quang tĩnh lặng. Ông thâm trầm nói về lòng tin, niềm tin, thứ quý giá nhất trên đời, không chỉ giữa những con người với nhau, mà lớn hơn còn giữa người dân với cả một thể chế, một chính đảng.
Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức trước Quốc Hội Ảnh: Như Ý
Tổng Bí thư,Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức trước Quốc Hội Ảnh: Như Ý

“Trong lịch sử, bất kỳ một thể chế nào, khi không dựa vào lòng tin của nhân dân, nhân dân không ủng hộ thì thể chế đó sụp đổ. Ngược lại, thể chế nào đặt trên lòng tin, sống trong lòng nhân dân thì thể chế đó mới có thể vững bền” - Nhà báo Nhị Lê nói.

Nhà báo Nhị Lê: Nói về lòng tin, trên đời này sống và phát triển có hai trụ cột quan trọng nhất: tinh thần và vật chất. Tôi quan niệm, trụ cột tinh thần là lòng tin, trụ cột vật chất là hành động. Từ xưa đến nay, không có lòng tin thì không có bất kỳ cái gì cả. Mất lòng tin mất hết, mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều.

Nhìn  lại lịch sử 89 năm Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách là đại biểu của dân tộc, của nhân dân lao động, ra đời giữa máu lửa và xiềng gông, nếu không có lòng tin của nhân dân thì Đảng không thể tồn tại, không thể trưởng thành và có ngày hôm nay. Chính vì tin Đảng, nhân dân âm thầm bất chấp khó khăn, đè bẹp súng đạn kẻ thù, lặng lẽ hiến cả máu của mình để bao bọc, chở che, hy sinh vì Đảng, vì sự sống và trưởng thành của đứa con nòi của mình. Vì, tin Đảng đó chính là độc lập, đó chính là dân tộc. Đó là hành động của lòng tin đấy chứ! Không có lòng tin như thế không bao giờ có được những điều đó!

Bây giờ, nói về lòng tin, tôi nghĩ có ba phương diện quan trọng nhất. Một, trong Đảng tin nhau, đồng chí tin nhau. Nếu không có điều căn bản này thì không nói gì đến sức mạnh và kỷ luật của Đảng. Giành nhau cái chết trong ngục tù thực dân, để đồng chí mình sống, sẽ có lợi hơn cho Đảng; trước họng súng của quân thù, trong lửa đạn chiến trường, lấy thân mình che cho đồng chí, đó là tin nhau đấy chứ - niềm tin bằng máu. Trong Đảng, khó có gì cao quý hơn, khi những người cộng sản nguyện chết thay đồng chí, vì tin nhau! 

Thứ hai, lòng tin trên phương diện quốc gia, dân tộc. Nhân dân tin Đảng, cùng Đảng và đặc biệt là các đảng viên, băng qua cái chết để tìm sự sống cho đồng bào, làng xóm, cho quốc gia, dân tộc bất chấp mọi hiểm nguy. Đảng giữ được lòng tin của nhân dân, bằng đức hy sinh vô bờ bến của những đảng viên, vì nguồn gốc sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh của dân tộc kết tinh! Và đây là rường cột làm nên sức mạnh quốc gia. 

Lòng tin của Nhân dân - Quốc bảo Việt Nam ảnh 1

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XII tại Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bắc

Thứ ba, nói về lòng tin, không chỉ là các đồng chí trong Đảng với nhau, không chỉ Đảng với dân tộc, với nhân dân, mà còn là lòng tin của chúng ta với bầu bạn thế giới và lòng tin của cộng đồng quốc tế với đất nước chúng ta. Và dưới ngọn cờ của Đảng, đất nước đã tạo được niềm tin trong tất cả các chính thể quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế giới tin Việt Nam, Việt Nam tin ở thế giới.

Đảng của chúng ta luôn nhìn lại mình, dũng cảm, tự giải phẫu mình để phát triển, gánh vác trọng trách nhân dân giao phó, vì sự phát triển của quốc gia và vì sự trường tồn của dân tộc, qua đó, phấn đấu và trưởng thành cùng dân tộc. Đó chính là động lực của lòng tin của nhân dân vào Đảng. Đảng sống chết vì nhân dân, vì dân tộc và quốc gia; dựa hẳn vào nhân dân, để tự chỉnh đốn mình, tự mình trở nên vững mạnh. Đó cũng chính là góp phần quan trọng vào sự phát triển của cộng đồng nhân loại và thế giới tiến bộ.

Có lẽ nhìn niềm tin, lòng tin như thế mới thấy được cái mà chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ và phát triển bằng mọi giá. Vì, nó là tài sản vô giá của Đảng, là bảo vật thiêng liêng của quốc gia, danh dự vô song của dân tộc, tôi gọi là Quốc bảo!

Tôi không hình dung được, một đảng không có kỷ luật nghiêm minh và bình đẳng thì không khác gì câu lạc bộ cả. Đảng ta càng nghiêm khắc trong bảo vệ kỷ luật Đảng và gương mẫu giữ nghiêm việc thực thi pháp luật, càng củng cố thêm sức mạnh của dân tộc, càng nhân lên niềm tin và sức mạnh của nhân dân vào Đảng. Chính vì điều đó Đảng càng nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.         Nhà báo Nhị Lê

Nhà báo Việt Hùng: Vậy thưa ông, quay lại thời lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì sao lòng tin của nhân dân lại mãnh liệt đến thế? Biết bao nhân sĩ, trí thức học cao biết rộng ở trời Tây, kể cả những nhà tư sản trong nước sẵn sàng từ bỏ tất cả, từ cuộc sống tiện nghi văn minh đến của cải vật chất để đi theo Đảng, theo Bác Hồ! Họ sẵn sàng hiến dâng trí tuệ và của cải, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc! Công cuộc Đổi Mới và xây dựng đất nước ngày nay, chúng ta phải làm gì  để khơi dậy tinh thần tận hiến như thế?

Nhà báo Nhị Lê: Chính là khát vọng và lòng tin đấy! Khát vọng dân tộc độc lập và lòng tin vào Đảng. Những điều đó đã làm nên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lý tưởng của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, khát vọng độc lập của muôn dân đồng bào nước Việt và thời thế lịch sử đã hòa quyện trong nhau, tạo ra một sức hút rất mãnh liệt, thu hút những tinh hoa của dân tộc từ khắp các chân trời tụ về giang sơn Tổ quốc. Rồi, Chính phủ Việt Nam non trẻ vừa ra đời, nếu không có lòng tin ấy thì không thể giữ được chính quyền. 

Thù trong giặc ngoài như nấm sau mưa, nhất là 20 vạn quân Tưởng đang lăm le nhập Việt từ phía Bắc... Đảng chỉ có năm nghìn đảng viên, ngân khố quốc gia thì trống rỗng, chỉ còn mấy trăm đồng bạc Đông Dương. Nếu không tin Đảng thì nhân dân không đem toàn bộ tính mạng và tài sản để hiến dâng cho Đảng. Có người hiến hàng nghìn cân vàng cho Chính phủ của Cụ Hồ mà có mảy may nghĩ về công trạng gì đâu. Máu, xương không tiếc, tiếc gì kim tiền! Sức mạnh của lòng tin là như thế! Niềm tin ấy được bảo đảm và xây nên bởi những gương hy sinh không kể máu xương của rất nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng. Đó thực sự là những trụ cột của niềm tin, là động lực của niềm tin, là bảo bối để bảo vệ lòng tin trước dân của Đảng. 

Phải hiểu như thế để chúng ta thấy được lòng tin của nhân dân được ký thác vô giá như thế nào ở những thời khắc lịch sử sau này, tại những bước ngoặt của cách mạng nước nhà, dưới ngọn cờ của Đảng. Chừng nào lòng tin được củng cố, chừng nào lòng tin được bảo vệ, chừng đó Đảng vững mạnh, dân tộc phát triển. Thử nhìn mà xem, thử ngẫm mà xem, nếu không có lòng tin thì chúng ta không có một đội ngũ tinh hoa từ khắp mọi chân trời trở về nơi đất Mẹ Tổ quốc, từ các vị đại thần của triều đình nhà Nguyễn, tới các vị học tân học ở Tây phương. Đồng bào Việt Nam ta xa xứ tụ về dưới ngọn cờ của Đảng, làm nên cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp. Nhìn lại ba Chính phủ do Cụ Hồ đứng đầu, chỉ có 40% là đảng viên thôi nhé, nhưng đấy là trụ cột của niềm tin, đây là nhân tố quyết định, cố kết niềm tin của hai chục triệu đồng bào ta lúc bấy giờ ký thác cho Đảng Cộng sản mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Hơn 70 năm qua, cho đến bây giờ, 197 quốc gia, 200 chính đảng cầm quyền và chưa cầm quyền trên thế giới đặt lòng tin vào nước Việt Nam, đặt lòng tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn như thế để thấy rằng, lòng tin không tự nhiên sinh ra, lòng tin được ký thác bằng ý chí dân tộc, niềm kiêu hãnh quốc gia, lớn lên bằng hành động cụ thể của mỗi người Việt Nam, dù là đảng viên hay chưa, hun đúc từ trong quá khứ, kết tinh từ trong lịch sử, lớn dần lên theo thời gian, trở thành sức mạnh vô địch. Và chính lòng tin ấy đã làm nên vị thế, uy tín một quốc gia hiện hữu Việt Nam, làm nên danh dự, sự kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Tôi chiêm nghiệm thế!

Đảng phải thu hút được tinh hoa dân tộc

Nhà báo Việt Hùng: Nhưng thưa ông, trong giai đoạn hiện nay trước đòi hỏi cả dân tộc phải bứt phá đi lên, đất nước muốn hùng cường ắt phải thu hút được tinh hoa dân tộc, như Bác Hồ từng làm từ thời lập nước. Muốn vậy, Đảng phải thu hút được những con người tinh hoa phụng sự nước nhà, bản thân mỗi đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu. Đáng buồn là, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2017, hàng vạn đảng viên đã bị xóa tên, bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, trong đó có cả những người từng là ủy viên T.Ư Đảng, ủy viên Bộ Chính trị. Những sự việc xảy ra vừa qua đã làm tổn thương đến hình ảnh của Đảng, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân. Ông nghĩ sao?

Nhà báo Nhị Lê: Hoàn toàn đúng! Đảng cũng như một con người, có thể phạm sai lầm; các đảng viên của Đảng, người này hay kia có thể phạm lỗi, thậm chí phạm tội. Không một ai mong muốn cả. Nhưng điều quan trọng nhất, Đảng hơn tất cả các đảng khác từng tồn tại trong lịch sử nước nhà là, Đảng luôn luôn tự “giải phẫu” mình, dựa vào nhân dân để làm công việc đó. Tôi nghĩ, đó là quy luật trưởng thành và phát triển của Đảng. Chúng ta nhận ra lỗi lầm và thành tâm sửa chữa, những phần tử làm tổn hại thanh danh của Đảng, xâm hại lợi ích của nhân dân, phải được kiên quyết xử lý, nghiêm trị. Đó là biểu hiện của một Đảng cách mạng, một Đảng chân chính, nhân văn và mạnh mẽ. Chỉ có một Đảng dũng cảm với chính mình, cầu thị tiến bộ và tất cả vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, của dân tộc mới như thế; nhờ thế, càng củng cố được lòng tin của nhân dân, của bạn bè quốc tế, rộng hơn nữa là các quốc gia đối với nước ta. Những vết thương, dù là rất nặng và không mong muốn, qua đó, và chỉ qua đó, tôi nghĩ nhất định sẽ mau lành.

Vừa rồi, chúng ta thấy, mấy chục nghìn đảng viên bị đưa ra khỏi đội ngũ của Đảng, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước bị xử lý bình đẳng trước pháp luật. Điều đó, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, đại ý: Ai đã trót nhúng chàm thì lấy đấy mà tự soi, tự gột rửa, tự sửa mình đi. Kỷ luật là sức mạnh của Đảng.

Lòng tin của Nhân dân - Quốc bảo Việt Nam ảnh 2

Lòng tin của Nhân dân là tài sản vô giá của Đảng. Ảnh: Như Ý

Nhà báo Việt Hùng: Bây giờ các cuộc họp xét kỷ luật của Ủy ban kiểm tra T.Ư đều được thông tin kịp thời, công khai, rộng rãi trên báo đài. Đó là sự tiến bộ đáng ghi nhận, người dân cả nước thêm tin tưởng vào sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, thưa ông.

Nhà báo Nhị Lê: Vì Đảng ta là đứa con nòi của nhân dân! Nên đến lượt mình, nhân dân càng coi công việc của Đảng chính là công việc của mình. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rồi, công khai là thanh bảo kiếm tự nó chữa lành những vết thương do nó gây ra. Công khai là phương thức quan trọng để thực thi một nền dân chủ chân chính trong Đảng, trong hoạt động của Nhà nước và đối với toàn bộ hệ thống chính trị.

Những vụ việc vừa rồi càng cho chúng ta thấy, bài học vô giá của lịch sử lúc này, sức mạnh của Đảng ta về thực thi công khai, dân chủ, minh bạch giải trình. Chừng nào tin cậy nhân dân, sống giữa lòng nhân dân và dựa hẳn vào dân, thì chừng đó Đảng tìm thấy sức mạnh vô địch của mình.

Đối với dân tộc cũng vậy, Đảng không chỉ là biểu tượng đạo đức mà còn là kết tụ tinh hoa nhân văn dân tộc. Đảng phải tự mình thu hút mọi tinh hoa của dân tộc, của thế giới và Đảng tinh lọc, đào thải, trừng trị tất cả những gì, những ai làm tổn hại tinh hoa đó.

Một trăm bộ sàng, không gì bằng bộ sàng Lòng dân tuyển lựa. Nói một cách trực tiếp, chưa bao giờ như bây giờ, phải gắn thật chặt chẽ giữa quyền hạn với trách nhiệm, dân chủ với kỷ luật trong công tác cán bộ. Ai tiến cử người sai, thì người tiến cử phải chịu trách nhiệm trước hết. Đo trách nhiệm ở đó!

Ai dám bảo lĩnh lòng tin?

Tôn tộc đại quy, tôn nịnh đại suy, tôn tài đại thịnh, tôn lộc đại nguy

Nhà báo Việt Hùng: Vậy theo góc nhìn của ông, hiện nay chúng ta đã thu hút được một cách mạnh mẽ nhất tinh hoa của dân tộc chưa?

Nhà báo Nhị Lê: Tại sao lại chưa! Tôi nhớ một cách không nhầm lẫn, tất cả những bậc đế vương ở các vương triều thịnh trị đều hết sức coi trọng người tài.Từ chiếu cầu hiền của Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ cho tới khi mới giành được chính quyền năm 1945, được ít tháng thôi, Cụ Hồ đã gửi thư đến tận làng xã để kêu gọi người tài đức ra giúp Chính phủ. Vậy bây giờ chúng ta có cần “Chiếu cầu hiền” nữa không?

Nhà báo Việt Hùng: Nhưng thưa ông, “chiếu cầu hiền” thời nay cũng cần phải có cách nào, cơ chế nào mới cầu được hiền tài chứ? Nói thật, tinh hoa chúng ta thời nào cũng có, nhưng mà chúng ta đã thực sự tập hợp được họ chưa? Ngay trong bộ máy nhà nước, liệu cán bộ nhà nước có cần là tinh hoa dân tộc không? Chắc chắn là có! Thế nhưng, liệu chúng ta đã thu hút được tinh hoa về làm công bộc của dân chưa, hay lại “con ông cháu cha” gửi gắm…?

Nhà báo Nhị Lê: Chuyện đó còn rất dài. Việc đầu tiên chúng ta cần kiện toàn thể chế. Phạm sai lầm, người ta thường đổ lỗi cho thể chế. Nhưng, thử hỏi, thể chế do ai làm ra? Con người. Thể chế sai thì sửa, thậm chí sửa và thay cả những người làm ra chính sách chứ. Nghĩa là cần một thể chế tốt. Thể chế đó phải làm sao để cho bất kỳ ai, kể cả người nước ngoài đến Việt Nam, chưa kể đến cộng đồng Việt kiều sống ở nước ngoài, đều có thể cống hiến cho dân tộc Việt Nam, một khi họ hội đủ tài đức. Lòng tin sinh ra từ đấy!

Nhà báo Việt Hùng: Nếu làm được điều như ông nói thì thật tuyệt vời, hồng phúc cho dân tộc!

Nhà báo Nhị Lê: Cổ nhân có nói rất hay: Tôn tộc thì đại quy - ai vì dân tộc thì người đó tập hợp được muôn dân. Tôn tài thì đại thịnh; Ai vì và cho người tài thì sẽ có đại thịnh. Tôn nịnh đại suy: Muốn chuốc lấy suy vong hãy nghe và theo kẻ xiểm nịnh. Và đặc biệt tôn lộc đại nguy: Ai vì bổng lộc, vật chất tầm thường thì người đó cái chết kề cổ, nhà lao trước mắt.

Nhà báo Việt Hùng: Cổ nhân thật chí lý! Thế nhưng bây giờ nhiều quan chức thích “lộc phát” lắm, biển số xe, số điện thoại, số nhà, số tầng, biệt phủ… tất tật đều muốn. Tâm lý này lây lan cả ra ngoài xã hội.

Nhà báo Nhị Lê: Phú quý đâm sinh lễ nghĩa. Nhưng phú quý bất chính thì liệu lễ nghĩa kia có phải là nét đẹp không? Nói vui, tôi thường thấy xe bị bắt giữ của các vị quan chức đều có dãy số 66, 88, đều “9 nước” cả.

Cứ ngẫm lời các cụ, tôi là người rất hay chăm chú tư tưởng của cổ nhân, rồi nhìn một số vị mà phiền lòng. Y phục xứng kỳ đức, thế mà mấy vị tiêu dùng sang trọng kệch cỡm, biệt phủ xa hoa, học rởm bằng cấp thật… còn dám mở miệng răn dạy đạo lý, rao giảng khuôn phép. Thế mà chưa biết xấu hổ! Về cơ sở, đến với nhân dân thì khệnh khạng, quan dạng, ô che thảm đỏ… mà tịnh họ chả hiểu nổi cái lẽ giản đơn Phúc chu thủy tín dân do thủy – làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước, ngẫm mà đau đớn. Thế mà chưa biết nhục! Lại còn những ai đó, gom tiền thiên hạ, của người phúc ta để mưu cái gọi tích đức riêng mình: nào thì đúc chuông, tô tượng, nào thì lễ bái lu bù! Thế mà chưa biết thẹn! Thử hỏi hình ảnh quốc gia, thể chế còn đâu?

Nhà báo Việt Hùng: Nhưng tiếc rằng, thực  tế cho thấy có người vào Đảng chỉ như một chỗ trú chân an toàn, thăng quan tiến chức, mưu cầu lợi ích chứ có phải vì lý tưởng đâu? Số này không nhỏ đâu ạ.

Nhà báo Nhị Lê: Điều này Cụ Hồ nói rồi: Lắm người vào Đảng cốt là để thăng quan phát tài. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nói rồi, những kẻ cơ hội như con lươn, con chạch, bằng mọi thủ đoạn, mọi ngả đường chui vào Đảng để thăng quan tiến chức. Đó là những ung nhọt, làm táng thất lòng tin, nặng hơn làm băng hoại niềm tin của một bộ phận nhân dân với Đảng. Không thể dung thứ những loại người này được.

Tôi lại nhớ Cụ Ức Trai viết: “Đọc sách thời thông đòi nghĩa sách. Chăn dân mã nỡ mất lòng dân”.

Lòng tin nhân lên qua đó!

Khắc chế 5 loại “đạo

Nhà báo Việt Hùng: Vẫn phải quay lại câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nói gì thì nói, nạn tham nhũng đang rất nhức nhối, gây mất lòng tin của dân chúng khủng khiếp. Một khi quan chức được quản lý khối tài sản ngày càng lớn thì nguy cơ tham nhũng ngày càng cao, nếu chúng ta không có cơ chế giám sát chặt chẽ…

Nhà báo Nhị Lê: Một dân tộc, một quốc gia sẽ rơi vào vòng nguy cơ mất nước, làm nô lệ, thường bởi hai loại giặc. Đó là giặc ngoại xâm. Và tất cả những nguy cơ bệnh hoạn ở bên trong, làm cho mất nước, yếu hèn, thành nô lệ, đó là giặc nội xâm.

Trong những loại giặc bên trong, tham nhũng là loại gây nguy cơ mất nước cận kề nhất. Điều này 250 năm trước, Cụ Bảng nhãn Lê Qúy Đôn có nói một câu như thế này: Có 5 nguy cơ làm mất nước, tôi gọi là ngũ họa. Một là trẻ không trọng già, hai là trò không kính thầy, ba là binh kiêu tướng thoái, bốn là tham nhũng tràn lan, năm là sĩ phu ngoảnh mặt. Cụ xếp tham nhũng là thằng giặc thứ 4 trong 5 thằng giặc nội xâm làm cho đất nước rơi vào tay giặc, ít nhất cũng bạc nhược, yếu hèn và nguy cơ lớn sẽ thành nô lệ. Cách đây 500 năm, một triều đại rất sáng trong lịch sử nước nhà, vua Lê Thái Tông nói rồi: Nếu có cái gì đó làm cho triều đình đổ nát, muôn dân lầm than, đó chính là nạn tham quan lại nhũng.

Trở lại câu chuyện tham nhũng và phòng chống tham nhũng. Theo tôi, tạm thời nhận diện 5 loại chính xung quanh tham nhũng. Một là bọn đạo chích, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì đó là nạn tham nhũng vặt, nhưng nguy hiểm lắm. Một con tàu bị đắm có thể do hàng trăm nghìn lỗ kim châm làm rò rỉ nước. Chúng ta sẽ bị băng hoại từ từ. Ai cũng có nguy cơ rơi vào tham nhũng vặt. Nhẹ thì tham nhũng thời gian, nặng thì nhũng nhiễu, nặng nữa thì cái gì cũng phải “lót tay”. Nó làm hoen ố diện mạo, nhân phẩm cán bộ, công chức, làm bệ rạc nền hành chính quốc gia, làm mòn mỏi, bôi nhọ hình ảnh thể chế. Thứ hai là bọn đạo vật, nghĩa là bọn đục khoét quốc khố đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, bọn bòn rút xương máu của nhân dân. Thứ ba là bọn đạo danh, tức là nạn ăn trộm danh tiếng, bằng cấp, học vị… Nó làm cho nhân phẩm suy đồi, thể chế ngả nghiêng! Đạo danh như thế thì đạo đức còn đâu? Đạo lý còn đâu? Phẩm giá còn đâu? Không gì nguy hiểm bằng giết chết dân tộc bằng giết chết nền đạo đức dân tộc đó! Nhưng, cộng ba thứ đấy không nguy hại bằng thứ đạo vị, tức là nạn trộm cắp chức vụ. Bằng mọi cách chui sâu, leo cao vào bộ máy công quyền, chui vào Đảng, mua quan bán tước, cướp ghế, tranh quyền. Bệnh hoạn chết người, suy vong dân tộc tất cả từ đây mà ra! Nhưng, đạo chíchđạo vậtđạo danh, đạo vị, bốn thứ này không nguy hiểm bằng đạo tâm, tức là ăn cắp lòng tin. Trở về câu chuyện đầu tiên mà anh đặt ra lúc đầu. Khi đã ăn cắp lòng tin thì kẻ ăn cắp là kẻ đáng chết nhiều nhất đã đành, còn người bị ăn cắp thì không biết số phận như thế nào. Khi lòng tin một con người bị đánh cắp, có thể sụp đổ một con người. Nhưng, một quốc gia bị đánh mất niềm tin, thì quốc gia ấy ít nhất là hèn kém, bạc nhược, thậm chí vô hình dẫn tới chỗ tự tiêu vong và làm nô lệ cho kẻ khác.

Chúng ta quyết không thể để ai đó đánh cắp lòng tin!

Lòng tin của Nhân dân - Quốc bảo Việt Nam ảnh 3

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XII tại Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bắc

Nhà báo Việt Hùng: Thưa ông, bây giờ dường như hiện diện cả năm thứ “đạo” ấy rồi. Có cách nào loại bỏ chúng không?

Nhà báo Nhị Lê: Không gì là không thể. Vì, tất thảy những thứ ấy đều do con người tự gieo ra cả. Cái gì do con người sinh ra thì con người có thể khắc chế được nó. Có giời nào giáng họa xuống đâu. Dù giời có giáng họa, thì “đức năng thắng số”, “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, như cổ nhân nói kia mà. Tôi đã nói mấy lần: Dùng đức trị thì chỉ quản được 10 dặm, dùng pháp trị có thể quản được 100 dặm, còn kết hợp chặt chẽ đức trị với pháp trị thì chúng ta sẽ dẫn dắt và quản trị được muôn dặm giang san xã tắc. Đạo lý, đạo đức răn dạy chưa đủ thấu, thì pháp luật phải ra tay. Đạo đức nhiều khi do pháp luật tạo nên. Tất cả những thứ đạo trên, hà cớ gì mà không khắc chế được?

Chỉ có một điều là, chúng ta có làm kiên quyết, triệt để và kiên tâm hay không nữa mà thôi. Lòng tin lớn lên ở chính chỗ này!

Nhà báo Việt Hùng: Theo ông, bây giờ đã làm kiên quyết, triệt để đến mức nào rồi?

Nhà báo Nhị Lê: Những dấu hiệu rất đáng mừng, theo chiều hướng kiên quyết, triệt để. Nếu không thì danh dự mỗi người Việt Nam bị tổn thương, quốc thể bị vấy bẩn. Sức mạnh quốc gia bị bào mòn, nếu không giải quyết triệt để. Và đến lượt mình, Đảng của chúng ta cũng không hoàn thành được trọng trách của mình trước dân tộc, trước nhân dân, trước bạn bè quốc tế. Cho nên, chưa bao giờ vấn đề niềm tin lại đặt ra cấp bách như bây giờ.

Hãy hỏi nhân dân!

Lòng tin của Nhân dân - Quốc bảo Việt Nam ảnh 4

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Như Ý

Nhà báo Việt Hùng: Vấn đề là sẽ phải bắt đầu từ đâu chứ, thưa ông! Gần đây, Hội nghị lần thứ chín BCH T.Ư khóa XII đã về nhân sự của Đại hội XIII. Nhân dân, báo chí và dư luận xã hội rất quan tâm đến công tác chuẩn bị nhân sự cho Ban chấp hành Trung ương khóa tới - Những vị tinh hoa nhất của Đảng, giữ trọng trách cao nhất trong Đảng và cũng là trong bộ máy nhà nước. Làm thế nào để BCH T.Ư khóa tới phải là những người thực sự trong sạch, không chăm chăm vun vén cho gia đình, người thân, dòng họ, sân trước sân sau, lợi ích nhóm, mà phải tài đức vẹn toàn, lao tâm khổ tứ vì dân, vì quốc gia, dân tộc?

Nhà báo Nhị Lê: Xin nói ngay rằng, nếu việc chuẩn bị thất bại thì nhất định đón lấy sự thất bại đã được chuẩn bị trước. Cho nên nhiệm kỳ này, từ kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước, chúng ta làm quy hoạch rất sớm và trực tiếp ngay cho nhiệm kỳ, mà không viển vông, nằm trong tầm nhìn xa, lâu dài. Nếu chuẩn bị không tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận thất bại, như đã từng nhận ở mặt này mặt kia, ở con người này con người kia. 

Lần này, chúng ta xác lập quy hoạch gồm hơn 200 vị. Đảng ta là Đảng cầm quyền, nếu nhiều người trong đội ngũ dẫn dắt đất nước mà bất cập thì vận nước chông chênh; các vị không được lựa chọn một cách cẩn trọng, chặt chẽ và xứng đáng thì đất nước bạc nhược. Nếu nhiều vị trong số ấy hủ bại, đất nước sẽ rơi vào vòng vong quốc nô. Thế cho nên, công việc chuẩn bị vô cùng quan trọng, chuẩn bị tốt là thành công một nửa.

Và, thế cho nên, tiếp tục sửa đổi các thể chế, những quy định cụ thể để chúng ta lựa chọn đúng và trúng cán bộ. Chẳng hạn, có cần một bộ quy chế đa diện trong việc xây dựng quy hoạch không: về lượng hóa và đo lường các tiêu chí và tiêu chuẩn, về các hình thức giới thiệu (tiến tuyển, bảo tuyển, ứng tuyển, tranh tuyển…), về trách nhiệm của người được quy hoạch và người hoặc tổ chức giới thiệu quy hoạch, về chọn trực tiếp và gắn với hồ sơ, về các vấn đề hậu quy hoạch, v.v.  

Nhà báo Việt Hùng: Có cách nào sàng lọc, tuyệt đối không để cho những kẻ cơ hội, vun vén, lợi ích nhóm chui vào không ông? Chọn người, đừng để tình trạng luôn “đúng quy trình” nhưng người thì vẫn sai.

Nhà báo Nhị Lê: Về mặt định hướng thì rõ rồi, về mặt định tính, với hệ tiêu chuẩn thì rõ rồi. Bây giờ phải định lượng, cụ thể. Tiếp tục hoàn thiện bộ thể chế, trong đó sửa sang, chỉnh đốn các quy định thiết thực. Ví dụ, công khai lịch sử nhân thân người sẽ chọn, trong phạm vi cho phép, nhưng đa diện và rộng rãi. Chỉ có như thế mới thấy những “vùng tối” trong cuộc đời cán bộ. Ví dụ, cần lượng hóa độ hài lòng của nhân dân về cán bộ, bằng nhiều “kênh”, để nhận định đúng về cán bộ. Ví dụ, gần đấy nhất, Ban Tổ chức Trung ương đang bàn định và tham mưu một quy chế về chống chạy chức chạy quyền, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Trong việc chọn người, xưa kia, cổ nhân chúng ta nói rồi. Chẳng hạn, Cụ Trần Hưng Đạo đặt ra tám điều để chọn một người làm tướng; Cụ Tô Hiến Thành lấy việc, xem tính cách mà làm thước đo để chọn trung thần, nghĩa sĩ… Vấn đề là nghệ thuật nhưng cụ thể trong việc chọn và dùng người. Cho nên, trong nhiều việc, thì việc chọn người cầm cân nảy mực làm công tác chọn người là vô cùng quan trọng. Khâu này hỏng là đại cục hỏng!

Nhà báo Việt Hùng:Có lẽ cái đó mình nói nhưng chưa làm được?

Nhà báo Nhị Lê: Ông cha ta cũng đã làm cả rồi, cố nhiên ở thời điểm lịch sử cụ thể lúc bấy giờ. Tất cả những điều chúng ta đang nghĩ hiện nay, tiền nhân của chúng ta đã cho chúng ta những kinh nghiệm lớn. Một gương sáng vô cùng về chuyện này là Cụ Trần Thủ Độ. Khi bà Trần Thị Dung là vợ của Cụ xin cho đứa cháu làm chức câu đương, anh biết Cụ Trần Thủ Độ trả lời như thế nào với vợ không? Nàng hãy về nói với họ hàng nhà nàng rằng, ta sẽ chặt cánh tay của vị câu đương đó, bởi đó là cánh tay của vị câu đương đi xin, để phân biệt với những vị câu đương khác. Một con người nổi tiếng, Đỗ Thái hậu đến hỏi vị tể tướng Tô Hiến Thành, lúc ngươi mất, ai thay ngươi? Cụ Tô trả lời, nếu Thái hậu cần một người hầu hạ thuốc thang thì hãy lấy Vũ Tán Đường, còn cần một bậc trung thần chăm lo việc nước, thì thần chửa thấy ai hơn Trần Trung Tá.

Nhiều lần tôi nói về công tác cán bộ, rằng tài không đợi tuổi, tài không kể tuổi, tài không nệ tuổi. Nếu những việc lựa chọn mà cứ so kè, tự khuôn mình vào chật chội theo những khung độ tuổi một cách cứng nhắc, tuy lúc nào đó cũng có thể cần thiết, nhưng thì sao chọn được tinh hoa rộng rãi nhất, xứng đáng nhất, ngang tầm công việc lịch sử đang cần. 

Chúng ta thấy, càng ở vào những thời khắc cam go nhất, chừng nào tinh hoa dân tộc được tập hợp rộng rãi nhất, bảo vệ và phát triển mạnh mẽ nhất chừng đó sức mạnh của dân tộc, của đất nước sẽ tỏa sáng, Đảng sẽ nhân lên mãi mãi một ngọn nguồn sức mạnh của chính mình!
Nhà báo Nhị Lê

Tài không đợi tuổi, tài không kể tuổi, tài không nệ tuổi

Nhà báo Việt Hùng: Đúng vậy thưa ông, có lẽ để chọn người hiền tài thì chúng ta không nên quá máy móc về độ tuổi được?

Nhà báo Nhị Lê: Lịch sử nước nhà, trực tiếp là lịch sử Đảng ta cho thấy rất rõ điều đó. Tài không đợi tuổi, đồng chí Trần Phú chỉ 26 tuổi đã làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Tổng Bí thư Đỗ Mười giữ chức vụ này năm ông 74 tuổi. Đồng chí Lê Khả Phiêu, khi năm 60 tuổi, ông mới tham gia Ban Chấp hành Trung ương, sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng. Tài không kể tuổi, không nệ tuổi là ở chỗ đó. Nhìn sang lân bang, trong thời Tam Quốc, Lục Tốn 23 tuổi, một thư sinh được tiến cử làm Đại tướng, và người tiến cử mang toàn bộ gia sản, vợ con, quan tước để bảo lãnh cho người này, và nhà Đông Ngô vững bền. Nhìn rộng khắp các nước Đông Nam Á, nếu vị tuổi, nệ tuổi, thì ngài Mahathir Mohamed khi trở lại chính trường Malaysia, và giữ chức vụ Thủ tướng, lúc đã ở tuổi 93, liệu có gì phải sửng sốt không?

Thế cho nên, muốn gửi một ý về điều này, để chọn đúng và trúng người thực sự gánh vác được trọng sự của Đảng, trọng sự của quốc gia thì Đảng hơn lúc nào hết, là nơi hội tụ được toàn bộ tinh hoa dân tộc dưới ngọn cờ của mình, dù trong Đảng hay ngoài Đảng, tuổi tác và những gì cơ học, chỉ là những tham chiếu, vì điều cốt yếu nhất phải lấy lợi ích của nhân dân làm căn bản, lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng. Bài học lịch sử mà tôi tâm đắc và thấm thía nhất, là những ngày đầu cách mạng năm 1945, Cụ Hồ đã nêu một tấm gương mẫu mực về tầm nhìn, về niềm tin trong sáng ở việc chọn người lập ba Chính phủ lúc bấy giờ. Có thể nói, đó là một kinh điển trong công tác cán bộ. Hãy học phương pháp và niềm tin ở con người của Cụ Hồ, trước và trong khi tham chiếu, học tập các kinh nghiệm quý báu khác. Càng ở những lúc khó khăn nhất, chúng ta càng trở lại với tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng tìm thấy lối ra, nhất là ở những thời khắc lịch sử tưởng chừng như không có lối ra.

Lòng tin của Nhân dân - Quốc bảo Việt Nam ảnh 5

Thu hút và tập hợp được hiền tài, quốc gia sẽ thịnh vượng. Trong ảnh: Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam    toàn cầu lần thứ Nhất tại Đà Nẵng tháng 11/2018. Ảnh: Xuân Tùng

Nhà báo Việt Hùng: Thưa ông, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 14 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ chức Chủ tịch nước với số phiếu rất cao: 99,79%. Người dân cả nước, báo chí và công luận đều đồng lòng ủng hộ, bày tỏ niềm tin lớn vào Tổng Bí thư của Đảng, vào người đứng đầu Nhà nước. Với những gì đã và đang làm được, có cảm giác một luồng sinh khí mới, một sự kỳ vọng mới đang lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân vào sự phát triển của đất nước, vào sự liêm chính, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Nhà báo Nhị Lê: Nói về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với riêng cá nhân tôi, có thể nói gọn một câu. Lịch sử đã chọn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã chọn Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; và, cùng với Bộ Chính trị, cùng với Ban Chấp hành Trung ương, cùng với Quốc hội và cùng với toàn thể dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ đáp lại một cách xứng đáng trọng trách của lịch sử, khao khát của muôn dân, kỳ vọng của toàn dân tộc và xứng đáng với sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế. 

Nói cách khác, uy tín của Đảng, của Nhà nước, của quốc gia và của dân tộc  dồn tụ và kết tinh ở đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng!

Đấy là cội nguồn của niềm tin, động lực của khát vọng, điều kiện căn bản nhất của hành động, đưa chúng ta vượt qua mọi khó khăn trên con đường phát triển ở phía trước.

Nhà báo Việt Hùng: Đầu Xuân, ông có dự báo gì cho sự phát triển của dân tộc giữa lúc chúng ta sắp bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21?

Nhà báo Nhị Lê: 2018 là năm bản lề của nhiệm kỳ XII của Đảng tiếp tục đặt nền móng rất quan trọng để đất nước vững chãi tiến lên phía trước. Nhìn tổng thể, có thể thấy, thế và lực của ta đã khác trước, đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia ổn định chính trị tốt, có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Việt Nam “trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á”, “giữ vị trí hàng đầu năm thứ hai liên tiếp trong số những điểm đến dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực APEC”.

Đấy là giá đỡ, là bảo đảm, là bệ phóng của niềm tin!

Nhà báo Việt Hùng: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này trước thềm Xuân Kỷ Hợi, một Mùa Xuân mới của dân tộc

Tôi nhắc lại lời Cụ Ức Trai: Phúc chu thủy tín dân do thủy! Lắng đọng lại, nếu mỗi đảng viên không trở thành muối thì không thể ướp mặn người khác. Mỗi đảng viên không là một tấm gương, nói như cổ nhân,không tiên trị gia, hậu trị quốc, thì nói chuyện gì đến lý tưởng, niềm tin, thiên hạ hay giang sơn, xã tắc hay tập hợp muôn dân.Mà chúng ta biết rồi, mất tiền bạc thì mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất niềm tin là mất hết. Khi nào lòng tin được ký thác và sống chết vì nó, thì khi ấy, mọi khó khăn, mất mát, thậm chí cả hy sinh chúng ta nhất định đều vượt qua. Lòng dân ở đó!                                Nhà báo Nhị Lê

Bước vào 2019 một cách tự tin và vững chãi, để nhìn và đi tới 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2030, 100 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tầm nhìn năm 2045. Trước thềm Xuân Kỷ Hợi, con đường rộng mở, lịch sử đã lựa chọn cổ vũ, dù còn không ít chông gai, cạm bẫy, nhưng sức mạnh toàn dân đang nhân lên, sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế tỏa rộng, không có lý do gì chúng ta không tiếp tục tiến lên.Dân tộc trường tồn, quốc gia hùng mạnh, Đảng của chúng ta tiếp tục xứng đáng là đứa con nòi của nhân dân Việt Nam, làm tròn sứ mệnh là người dẫn dắt công cuộc Đổi Mới toàn diện, đồng bộ tiến lên, không phụ sự tin cậy và ủy thác của nhân dân.

Đó là phẩm giá Việt Nam! Đó là danh dự Việt Nam! Đó là niềm tin Việt Nam!

Theo Tiền Phong
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.