Người cao tuổi trước cơn lốc tin giả

[Ngày Nay] - Tại một trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở bang Maryland, Mỹ, một nhóm 25 người cao tuổi đang học cách tương tác với trợ lý ảo Siri trên thiết bị di động. Họ cầm trên tay những chiếc iPad và bật nút “gọi” người trợ lý vô hình này.
Ngày càng có nhiều người cao tuổi tiếp cận với công nghệ
Ngày càng có nhiều người cao tuổi tiếp cận với công nghệ

“Siri, quán cà phê gần nhất ở đâu?” một cụ bà hỏi.

“Xin lỗi, kết nối vừa bị gián đoạn, bạn có thể hỏi lại được không?” Siri đáp.

Lớp học sử dụng Siri này là một phần của khóa huấn luyện người cao tuổi sử dụng iPad do một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tổ chức. Tại đây, các cụ ông cụ bà được học cách bật và tắt máy, cách nhắn tin, chụp ảnh selfie và sử dụng các ứng dụng di động khác.

Nhưng trong khi người cao tuổi đang dần thích nghi với thế giới công nghệ, một vấn đề cấp thiết khác cũng đang được đặt ra. Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy người cao tuổi đang là đối tượng dễ dàng trở thành nạn nhân của tin giả và đứng trước nguy cơ tự cô lập, chia rẽ bởi chính thói quen sử dụng mạng của mình.

Người cao tuổi trước cơn lốc tin giả ảnh 1

Theo Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, người già từ 65 tuổi trở lên sẽ sớm trở thành nhóm tuổi đông nhất ở Mỹ và thực trạng này sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Song song với sự chuyển dịch dân số này, số người cao tuổi sử dụng Internet và mạng xã hội Facebook cũng tăng cao. Tuy nhiên, người cao tuổi vốn có kỹ năng sử dụng máy tính và Internet hạn chế dễ dàng trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu tung tin giả, phát tán mã độc và lừa đảo tài chính.  

Dù dễ bị tổn thương trên không gian mạng, nhưng người cao tuổi lại đang bị bỏ lại đằng sau trong những nỗ lực nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính và Internet trong thời đại số. Điều này đồng nghĩa với việc những người đứng trước nguy cơ cao nhất lại đang phải đơn độc tự bảo vệ mình trong một môi trường đầy cạm bẫy.

Người cao tuổi trước cơn lốc tin giả ảnh 2

Ghi nhận tâm tư của người cao tuổi khi tiếp cận công nghệ cao.

Bốn nghiên cứu gần đây cho thấy người cao tuổi ở Mỹ dễ dàng tiếp nhận và chia sẻ tin giả trên mạng Internet hơn tất cả các nhóm tuổi khác. Một số nghiên cứu khác cho thấy người cao tuổi không nhận thức được rõ ràng về vai trò của các thuật toán trong việc lựa chọn những thông tin được chuyển tải tới họ trên mạng xã hội. Họ cũng kém sáng suốt hơn những người trẻ tuổi trong việc phân biệt giữa tin tức thuần túy và quan điểm, và thường không ghi nhớ tên của các trang mạng nơi họ tiếp nhận thông tin.

Nhà nghiên cứu chính trị Kevin Munger đã nghiên cứu về thói quen sử dụng Internet của người cao tuổi ở Mỹ và đưa ra nhận định về tình cảnh của người cao tuổi trong tương quan mối quan hệ của họ với mạng Internet.

“Họ cô đơn, điều kiện tương đối khá giả, bị cô lập và cảm thấy bất mãn”, ông nói. “Và họ truy cập được vào mạng Internet”.

Ông Munger cho biết, văn hóa và nội dung của mạng Internet vốn dựa trên những đối tượng có khả năng truy cập mạng và những đối tượng có thể dành ra nhiều thời gian lướt web nhất.

“Trong thập kỷ tới, mạng Internet sẽ có thêm nhiều nội dung hướng tới người già hơn nữa”, ông nói.

Người cao tuổi trước cơn lốc tin giả ảnh 3

Lực lượng “nòng cốt” phát tán tin giả

Ông Jestin Coler, người từng điều hành một mạng lưới website đăng tải thông tin bịa đặt về khoa học, chính trị và những chủ đề khác, cho biết người già từ 60 đến 80 tuổi và một đối tượng bạn đọc chủ chốt của ông bởi họ “hoàn toàn dễ dàng chia sẻ và tiếp nhận tin giả trên mạng Internet, đặc biệt là trên Facebook”.

“Chúng tôi hướng vào đối tượng người cao tuổi khi chạy quảng cáo”, ông cho biết.

Kinh nghiệm thực tế của ông Coler cũng phù hợp với kết quả nhiều nghiên cứu, và không chỉ trong phạm vi mạng xã hội Facebook.

Một nghiên cứu công bố hồi đầu năm nay cho thấy “trung bình, người dùng Facebook trên 65 tuổi chia sẻ bài viết từ các trang mạng tung tin giả nhiều gấp 7 lần nhóm người dùng trẻ tuổi nhất”. Những kết quả tương tự cũng đã được tìm thấy từ các nghiên cứu về hiện tượng lan tỏa tin giả vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. “Những người trên 60 hoặc 65 tuổi nói chung là rất sẵn sàng tiếp nhận và chia sẻ tin giả và thông tin sai lệch trên mạng Internet”, Giáo sư Brendan Nyhan, một chuyên gia về khoa học chính trị của Đại học Michigan (Mỹ) cho biết.

Người cao tuổi trước cơn lốc tin giả ảnh 4

Người cao tuổi cần được hướng dẫn cách truy cập Internet an toàn.

Trong khi số đông người sử dụng Internet bày tỏ sự cảm thông trước thực trạng người cao tuổi tiếp nhận và chia sẻ tin giả, ngày càng có nhiều người bày tỏ sự tức giận và bất mãn trước cách người cao tuổi sử dụng mạng xã hội Facebook.

“Facebook theo cách hiểu của tôi là nơi mà mọi người nghe ngóng tin tức từ một vài nhóm mà họ theo dõi, và một nhóm người cao tuổi tự lừa phỉnh bản thân tin vào những điều hoàn toàn vô nghĩa” - ý kiến của Christopher Mims, một cây viết bình luận về công nghệ của Nhật báo Phố Wall.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nghiên cứu cho thấy người cao tuổi có kỹ năng Internet hạn chế thì cũng không công bằng khi cho rằng đối tượng này là nguồn cơn của của vấn nạn tin giả trên Internet, đây là ý kiến của Phó Giáo sư Andy Guess, một nhà nghiên cứu về chính trị tại Đại học Princeton (Mỹ).

Trên thực tế, có những yếu tố ngoại cảnh tác động nhiều tới hành vi tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội của người cao tuổi. Cảm giác cô đơn, bị cô lập là hai trong số những yếu tố tác động đến hành vi sử dụng mạng của họ. Một nghiên cứu được trích dẫn trên tạp chí khoa học Scientific American cho thấy sự cô độc có thể gây ảnh hưởng tới các chức năng nhận thức cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi, có thể dẫn đến sự suy giảm khả năng tự điều chỉnh.

“Loạt hành vi này, vốn có mục đích tránh xung đột và giảm thiểu sự thất vọng, sẽ khiến cho người cao tuổi ngả về phía những nguồn thông tin tương đồng với thế giới quan của chính họ, và nhờ vậy, họ duy trì được cảm giác tích cực về bản thân”, nghiên cứu chỉ ra.

Trên môi trường Internet, tâm lý này sẽ khiến cho người cao tuổi tự hình thành một “bộ lọc” khước từ sự khác biệt. Nó cũng khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước những trò lừa đảo trên mạng vấn đã trở thành một vấn nạn lớn.

Đối tượng chính của lừa đảo trên mạng

Hồi tháng Ba năm nay, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố chiến dịch truy quét tội phạm lừa đảo người cao tuổi lớn nhất trong lịch sử, đưa ra truy tố 260 người “từ khắp nơi trên thế giới đã lừa đảo hơn hai triệu người Mỹ, trong đó hầu hết là người cao tuổi”.

“Tội phạm chống lại người cao tuổi nhằm vào một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta”, Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Bill Barr nói.

Ông Steve Baker, một chuyên gia có thâm niên 30 năm làm việc cho Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, chuyên điều tra về các vụ lừa đảo. Ông Baker cho biết hình thức lừa đảo có tên Xổ số Jamaica, theo đó nạn nhân được thông báo trúng giải sổ xố và phải trả một khoản phí để nhận giải, có mục tiêu nhắm tới người cao tuổi.

“Về hình thức lừa đảo Xổ số Jamaica, chúng tôi biết được rằng thủ phạm không chỉ lừa được rất nhiều người cao tuổi, mà chúng còn tập trung tìm kiếm đối tượng người cao tuổi để thực hiện hành vi lừa đảo”, ông Baker cho biết.

Chuyên gia Baker cũng cho biết người cao tuổi khi bị lừa thường không thể tự nhận ra mình là bị hại, khiến cho thủ phạm càng dễ trục lợi từ họ hơn.

Có một vấn đề khác, cũng rất nhạy cảm, liên quan đến người cao tuổi và hành vi tương tác với công nghệ thông tin của họ. Đó là vấn đề mà ít người muốn nói tới, nhưng lại là một thực tế hiển nhiên của quá trình lão hóa: Sự suy giảm khả năng nhận thức. Đây là điều sẽ xảy ra với mọi người, và có thể xảy đến bất ngờ hoặc qua thời gian. Nhưng khi điều này xảy ra, nó sẽ tác động mạnh đến cách chúng ta tương tác với thế giới.

Ông Munger cho biết “hiện tượng người già ở độ tuổi 90 với khả năng nhận thức suy giảm sử dụng mạng xã hội Facebook hiện nay vẫn còn khá hiếm, nhưng rồi sẽ trở nên ngày càng phổ biến hơn”.

“Điều này có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường”, ông nói.

Giải pháp cho người cao tuổi sử dụng Internet?

Nhà nghiên cứu Munger cho rằng trong thời đại mà lượng người cao tuổi sử dụng Internet đang tăng lên nhanh chóng, các công ty công nghệ cần có hướng tiếp cận phù hợp với người cao tuổi hơn. Tuy nhiên, đây không phải là một điều đơn giản.

“Chúng ta có các giải pháp Internet phù hợp cho trẻ nhỏ thì cũng nên có các giải pháp Internet phù hợp với người già. Tuy nhiên, cái khó là người cao tuổi thường khá bảo thủ và không muốn nghe theo người khác”.

Việc thu hút người cao tuổi đến với các lớp học nâng cao kỹ năng sử dụng Internet cũng không dễ dàng nếu không được tổ chức khéo léo. Ông Coler, người từng điều hành hệ thống trang cung cấp tin giả cho biết, một trung tâm người cao tuổi ở California gần đây đã lên kế hoạch tổ chức lớp học “Bí quyết phát hiện tin giả”. Tuy nhiên, lớp học này đã bị hủy do không có đủ người đăng ký.

“Tôi cho rằng việc đặt tên lớp học là ‘Bí quyết phát hiện tin giả” là không được khéo léo cho lắm, vì ai cũng sẽ tự tin cho rằng họ có khả năng phân biệt tin giả với tin thật”.

Ông Munger cho rằng, điều trước tiên phải làm là ghi nhận tâm tư của người cao tuổi và hỗ trợ họ theo cách họ muốn. Điều đó có thể là tổ chức những lớp học nâng cao kỹ năng sử dụng Internet một cách khéo léo, tế nhị, và trên hết là nỗ lực của mỗi người để hiểu rằng tuổi già, công nghệ, mạng xã hội và xã hội tương tác qua lại như thế nào.

“Tôi không trách người cao tuổi. Họ có những nỗi niềm và tâm tư hoàn toàn chính đáng, và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra cách giúp người cao tuổi hòa nhập hơn trong tương lai”, ông Munger nói.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: