Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - LTS: Không chốn nương thân ở đất dành cho người sống, mỗi người mỗi cảnh nhưng tựu trung họ đều cơ cực, đều có đời sống khó nghèo mà đành phải chọn làm hàng xóm láng giềng với những người đã khuất…
Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương ảnh 1

Nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lữ (Q.2, TP.HCM). Ảnh: Bùi Kiều Trang

Bài 1 - Láng giềng âm dương

Tốc độ đô thị hóa rầm rộ của Quận 2 (TP.HCM) dường như hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến nhịp sống của gia đình cụ bà Bùi Xuân Hương (81 tuổi). Mặc kệ các cao ốc ngun ngút chọc trời, mặc kệ các hàng quán, khách sạn, phố xá xung quanh đang được hình thành từng ngày, từng ngày... Mặc kệ hết thế giới ngoài kia, cụ Hương vẫn hàng ngày tỉ mẩn dọn dẹp, lau chùi các ngôi mộ trong nghĩa trang Kiến An - Ngọc Lữ hơn nửa thế kỷ qua.

Người “quản gia” của hơn 1000 ngôi mộ

Ngôi nhà cấp bốn lụp xụp của cụ Hương nằm lọt thỏm trong khuôn viên nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lữ (Phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM). Mỗi ngày, khi chống cửa lên sẽ không thấy nhà hàng xóm sinh sống, không thấy con người hay xe cộ qua lại, mà lọt vào tầm mắt đầu tiên bao giờ cũng là những ngôi mộ san sát nằm lặng yên kề nhau từ năm này qua năm nọ, từ thập kỷ này đến thập kỷ khác. Cụ Hương sống như vậy nửa thế kỷ rồi.

Cụ kể lý do gia đình được cất nhà ngay giữa nghĩa trang là bởi từ những năm chưa hoà bình, hai hội Kiến An và Ngọc Lữ đã hùn tiền với nhau mua khu đất này để làm khuôn viên nghĩa trang chôn cất người thân và những người trong hội, giá đất khi ấy cả hai khu rộng lớn này chỉ gần 2 triệu đồng. Rồi theo tục, họ sợ người đã khuất nằm cô quạnh, lạnh lẽo nên muốn có ai đó vào ra trông coi. Vợ chồng cụ Hương không đất đai nhà cửa, cụ ông (đã mất) làm nghề xây mộ, cụ bà hay theo đến phụ nhổ cỏ, lau chùi các phần mộ nên được họ cho cất nhà ở luôn trong nghĩa trang từ năm 1969, khi đó mồ mả vẫn còn lưa thưa.

Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương ảnh 2

Nhờ có bàn tay của cụ Hương, các ngôi mộ nơi đây luôn sạch sẽ, hoa nở khắp nơi. Ảnh: Bùi Kiều Trang

Chồng cụ Hương đã qua đời năm năm, cụ có bốn người con, ba người làm giáo viên, sau khi lập gia đình đã ra ngoài mua nhà ở. Chỉ còn anh Đặng Hùng Anh (56 tuổi) là con cả, sau khi lấy vợ, sinh con, thì xây nhà sát nhà mẹ ở. Anh Đặng Hùng Anh lúc còn khoẻ cũng làm công việc xây mộ, quét sơn trong nghĩa trang nhưng nay nghĩa trang này không còn cho xây thêm mộ mới, sức khoẻ anh gặp vấn đề không thể cúi xuống đứng lên nhiều được nên anh chỉ còn làm được những việc nhẹ nhàng rồi phụ mẹ nhổ cỏ, lau dọn mồ mả xung quanh.

Nghĩa trang có hơn một ngàn ngôi mộ, có mộ được cụ nhận lời với người thân chăm sóc khói nhang, có mộ lặng lẽ nhiều năm chưa từng có người đến viếng, cụ thấy thương nên cũng tự nguyện chăm sóc mà không đòi hỏi gì. Đều đặn mỗi tuần, mỗi tháng, cụ Hương nhổ cỏ, quét mộ, thắp nhang. Cụ không bao giờ dọn mộ này mà bỏ mộ kia, bởi cụ tâm niệm xem như họ là người hàng xóm của mình, đã là hàng xóm thì là tối lửa tắt đèn có nhau, ai lại “nhất bên trọng, nhất bên khinh” làm người này không làm người kia, hàng xóm họ... buồn.

Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương ảnh 3

Một người phụ nữ đi vào nghĩa trang tìm cây thuốc, được anh Đặng Hùng Anh hướng dẫn chỗ để nhổ. Ảnh: Bùi Kiều Trang

Bởi cả gia đình bốn thế hệ đều sinh ra và lớn lên ở nơi không giống bất kỳ ai này nên cuộc sống và sinh hoạt cũng lặng lẽ, họ ít quan tâm đến thế giới bên ngoài và người bên ngoài nếu ở đây chưa lâu cũng không biết giữa bạt ngàn ngôi mộ có sinh khí của gia đình cụ Hương. Chỉ có ngày lễ Tết là rộn ràng với họ. Tết đến, theo cụ kể là những ngày rất vui và nhộn nhịp. Nghĩa trang khoác lên nhiều màu áo mới, nhang khói, hoa quả thơm lừng. Người ta đi thăm mộ thi thoảng sẽ ghé lì xì cụ và các cháu, biếu ít bánh trái hoa quà hay chậu bông cảm ơn vì thay gia đình khói nhang cho người thân của họ.

Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương ảnh 4

Ngôi nhà của cụ Hương chỉ cần mở cửa ra thôi sẽ có thể "giao lưu" với hàng ngàn ngôi nhà của người đã khuất.Ảnh: Bùi Kiều Trang

“Tháng này tôi đã bắt đầu đi quét dọn và nhổ cỏ dần từng ngôi mộ, nếu không làm từ bây giờ sẽ không kịp, sắp Tết rồi”. Mộ nào cũ quá, ẩm thấp quá và cô quạnh quá cụ còn tự bỏ tiền túi mình ra cho con đi mua sơn nước về quét lại để cả người sống lẫn người mất đều vui vẻ đón Tết với nhau.

Khói nhang cũng lắm buồn vui...

Làm hàng xóm với hơn ngàn ngôi mộ, nhưng khi hỏi cụ Hương có biết sợ không? Cụ trả lời cụ đã quen rồi, mà thật ra người đã chết không có gì đáng sợ. Họ nằm yên giấc ở đó, hàng ngày tôi hay con cháu tôi thấy dơ bẩn thì lau chùi, thấy cỏ dại thì nhổ, lạnh lẽo thì tôi khói nhang. Mình chân thành với họ thì sao họ phải phá hay hù doạ mình. Nếu “có gì đó” chỉ là một vài lần tôi nằm ngủ thấy báo mộng, thường thì của những ngôi mộ người mới chôn cất, có lẽ “họ” chưa quen nên tìm tôi bầu bạn. Cũng không có gì sợ lắm. “Ma sống” mới đáng sợ”.

Ma sống là gì hả? Tôi dọn dẹp mả bắt gặp hoài, nào là ăn trộm vào chia đồ gian, người cầu cơ đánh số đề, đáng sợ nhất là nghiện ngập vào tiêm thuốc. Chúng kéo năm kéo bảy vào tiêm rồi ngủ luôn trên mả, sáng hôm sau thấy quăng kim tiêm tùm lum là hiểu. Mình phải dọn rửa, thắp nhang cho người nằm dưới vì họ bị phiền.

Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương ảnh 5

"...Chúng kéo năm kéo bảy vào tiêm rồi ngủ luôn trên mả, sáng hôm sau thấy quăng kim tiêm tùm lum là hiểu. Mình phải dọn rửa, thắp nhang cho người nằm dưới vì họ bị phiền..."

Đáng nhớ nhất, có lần nửa đêm cái mả trước sân nhà tôi có người đàn ông ở trần xăm đầy mình, nằm dài ra. Tôi thắp đèn ra hỏi “nhà cửa chú đâu sao đang đêm vào đây nằm, lỡ gió má thì sao? Người đó vẫn nằm yên, nói “Tui mới đi tù về, vào đây nằm đỡ có được không?” Tôi sợ quá vào nhà khoá cửa lại. Đến hôm sau thì không thấy người đó nữa.

Thấy bất an ngày càng nhiều, tôi tự bỏ tiền để con trai xây luôn bờ tường phía trước bao nghĩa trang lại. Kể từ đó mới không còn tệ nạn ở đây nữa, cho “người ta” yên ổn an nghỉ, mình cũng đỡ lo lắng hơn”. Cụ chia sẻ.

Có những gia đình họ bận không đến chăm sóc phần mộ gia tiên thường xuyên, hoặc những việt kiều ở xa một hai năm mới về, nhờ mình chăm sóc giúp. Các phần mộ được chăm sóc sạch đẹp bản thân mình cũng thấy vui, gia đình của họ ở xa cũng yên tâm và tin tưởng tôi nhiều lắm. Nhận lời với ai rồi không nghĩ đến chuyện tiền công đâu, không làm gian dối được đâu. Mình gian dối người ở xa họ không biết chứ người nằm ngay đây họ biết hết đó chứ. - Cụ kể tiếp. Người có lòng họ thương mình cũng nhiều, mà gặp người khó tính, họ cũng chi li từng chút một.

Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương ảnh 6

Mọi thứ nơi đây đều sạch sẽ, gọn gàng...

Tính cụ đã dọn dẹp, lau rửa mộ phần thì ai cũng như ai, có nơi mối mục cụ sơn lại, gặp người thân đến viếng cụ có kể và nhắc đến khoảng tiền sơn sửa, nhưng người ta không đồng ý vì không có nhờ cụ làm. Nghe vậy cụ cũng không hỏi nữa. Điều đó cũng không làm cụ suy nghĩ hay bận lòng khi chăm sóc các ngôi mộ những ngày sau.

“Là mình không tính toán với người đã khuất, sau này con cháu mình ra đường người ta sẽ không tính toán lại”. Cụ cười rất hiền từ.

Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương ảnh 7

Ngoài 81 tuổi, da cụ Hương vẫn sáng, sức khoẻ vẫn tốt, cụ không đau bệnh vặt của tuổi già và trí nhớ vẫn còn minh mẫn...

Ngoài 81 tuổi, da cụ Hương vẫn sáng, sức khoẻ vẫn tốt, cụ không đau bệnh vặt của tuổi già và trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Cụ có thể nhớ chính xác tên, phần mộ ai nằm ở đâu nếu thân nhân nhiều năm của ngôi mộ lâu ngày quá mà quên. Cụ có thể đặt chính xác cho mộ phần ai đó một đĩa trái cây, một chén cơm nếu ngày giỗ năm nào đó, vì một lý do gì đó mà phần mộ ấy đìu hiu, vắng lặng.

Sống nơi cửa mả: Bài 1 - Láng giềng âm dương ảnh 8

Củi trong nghĩa trang rất nhiều, và nửa thế kỷ qua cụ vẫn nhặt để nấu bếp lò. Cụ không biết thế giới ngoài kia người ta sử dụng đến loại bếp nào rồi, cụ khẳng định "nấu cơm củi hạt cơm rất ngon!"

Nhờ có ngôi nhà nhỏ của cụ Hương giữa nghĩa trang này, nhờ tiếng chổi tre xào xạc khẽ xua lá vàng úa rụng, nhờ đôi bàn tay nhỏ bé lặng lẽ với tiếng cuốc cỏ dại, tiếng vắt nước lau mồ… giữa hai mùa mưa nắng mà dường như những ngôi mộ của những người đang say giấc ngủ nơi đây cũng bớt hắt hiu.

Bài 2: Cư dân ‘Thành phố buồn’

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN.
Tôn vinh những người trao truyền văn hóa dân tộc ở cộng đồng
(Ngày Nay) - Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đã diễn ra chiều 18/4 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
(Ngày Nay) - Apple đã nỗ lực tách biệt dòng iPhone thường và iPhone Pro để biện minh cho việc tăng giá của dòng Pro mà không làm giảm tiềm năng của dòng cơ bản. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai loại này có thể thay đổi vào cuối năm nay nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.