Thắng cảnh quốc gia Thác Voi: Nguy cơ hoang phế vì tranh chấp tư nhân (!) – Bài 1: Tiềm năng kinh tế từ KDL Thác Voi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Là một trong những ngọn thác lớn và hùng vĩ bậc nhất tỉnh Lâm Đồng nhưng Thác Voi sau 20 năm được công nhận di tích thắng cảnh cấp quốc gia vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh, tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch mà trái lại, nơi đây đang đối mặt nguy cơ rơi vào quên lãng do chưa được quan tâm đúng mức khiến thảm thực vật và không gian bị xâm hại.
Thác Voi được xếp hạng thắng cảnh quốc gia năm 2001
Thác Voi được xếp hạng thắng cảnh quốc gia năm 2001

Chuyện tình cảm động đất trời

Cách TP.Đà Lạt khoảng 25 km về vùng ngoại ô phía Tây Nam, thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, Thác Voi hay còn được nhắc đến với tên gọi khác là thác Liêng Rơwoa Jơi Biêng là một trong số ít những ngọn thác đến nay vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ của vùng cao nguyên lộng gió.

Thác Voi nằm trên dòng suối Cam Ly với chiều cao khoảng 40 m và bề rộng chừng 15 m. Dưới chân thác là những tảng đá được ví như đàn voi đang ngâm mình trong nước gắn liền với truyền thuyết về một chuyện tình buồn giữa con gái một tù trưởng người dân tộc K’Ho ở vùng núi Jơi Biêng và chàng trai con tù trưởng làng bên.

Hai người yêu nhau say đắm, thường hẹn nhau ra nơi trăng thanh gió mát thề nguyền trăm năm. Thế nhưng, vì sự bình yên cho buôn làng chàng phải ra chiến trận đánh đuổi giặc ngoại xâm và không bao giờ quay về nữa. Nàng đau đớn một mình tìm đến chốn xưa gào khóc rồi cất lên tiếng hát như ai oán. Người sơn nữ hát mãi đến lúc kiệt sức quỵ xuống rồi không bao giờ gượng dậy được.

Thắng cảnh quốc gia Thác Voi: Nguy cơ hoang phế vì tranh chấp tư nhân (!) – Bài 1: Tiềm năng kinh tế từ KDL Thác Voi ảnh 1

Dưới chân thác là những tảng đá được ví như đàn voi đang ngâm mình trong nước gắn liền với truyền thuyết về một chuyện tình buồn.

Tương truyền rằng, khi tù trưởng và buôn làng tìm thấy nàng thì bên cạnh cũng có một đàn voi đã bị tiếng hát của nàng cảm phục, hoá đá tự bao giờ. Bỗng từ vách núi, một tiếng nổ vang trời khiến ngọn núi bị xẻ đôi, dòng nước lớn chảy ra đổ xuống thác tung bọt trắng xóa. Dân gian truyền tai nhau đó chính là nước mắt của nàng hoà vào thiên nhiên như một bản tình ca của núi rừng.

Về sau, để tưởng nhớ về tình yêu son sắt của đôi nam nữ, người dân tộc K’Ho đã đặt tên ngọn thác này là thác Liêng Rơwoa Jơi Biêng - Ngọn thác của những con voi hóa đá trước tình yêu vĩnh cửu.

Tiềm năng phát triển du lịch rất lớn

Trải qua hàng trăm năm dưới tác động của con người và các yếu tố môi trường, Thác Voi đã ít nhiều mất đi vẻ tự nhiên vốn có. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong trong số những ngọn thác đẹp hoang sơ bậc nhất xứ sở ngàn thông và cả vùng Tây Nguyên. Cuối tháng 12/2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định xếp hạng Thác Voi là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

Thắng cảnh quốc gia Thác Voi: Nguy cơ hoang phế vì tranh chấp tư nhân (!) – Bài 1: Tiềm năng kinh tế từ KDL Thác Voi ảnh 2

Thác Voi nhìn từ trên cao xuống như một dải lụa dài xuyên qua cánh rừng.

Kể từ đây, Thác Voi cũng được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Thác Voi có diện tích khoảng 56 ha, trong đó khu vực có các yếu tố cấu thành di tích phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian rộng khoảng 10 ha. Những dịp cuối tuần hay lễ tết, Thác Voi đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, khám phá. Từ trên cao nhìn xuống, thác như một dải lụa dài bất tận uốn lượn giữ rừng cổ thụ cả trăm năm tuổi. Nhiều người không ngại hiểm trở vượt qua 145 bậc thang xuống tận chân thác, leo ra mỏm đá chụp ảnh, đùa giỡn với dòng nước đang tung bọt trắng xoá.

Khu vực chân thác ngoài những tảng đá khổng lồ, nằm ngổn ngang, được phủ lên một lớp rêu xanh còn tồn tại một hang động kỳ bí ăn sâu vào lòng đất chừng 50 m, hai bên là những vách đá thẳng đứng với hình thù kỳ lạ. Ban đầu, nơi đây được gọi là hang Dơi, sau đổi thành hang Gió. Lối vào miệng hang có rất nhiều rễ cây lớn và dây leo trải dài đến cuối hang, càng xuống sâu, hang càng tối và lạnh bởi bọt nước khiến hành trình khám phá của du khách trở nên thú vị hơn.

Bên cạnh Thác Voi là Linh Ẩn tự, nơi vừa hoàn thành Tượng Bồ tát Quan âm cao nhất Việt Nam (71 m). Đại tượng Bồ tát với nét nhìn từ bi hiền hòa, tọa lạc giữa khuôn viên chùa rộng hơn 6 ha, được phủ xanh bởi những loại cây rừng quý hiếm được phát nguyện xây dựng nhằm kiến tạo cho khuôn viên chùa Linh Ẩn trở thành một tòng lâm thạch trụ. Đại tượng Bồ tát nhìn thẳng về hướng Thác Voi sẽ là một điểm nhấn vô cùng quan trọng, thu hút khách du lịch đến với ngọn thác hùng vĩ này.

Thắng cảnh quốc gia Thác Voi: Nguy cơ hoang phế vì tranh chấp tư nhân (!) – Bài 1: Tiềm năng kinh tế từ KDL Thác Voi ảnh 3

Tỉnh Lâm Đồng đã quyết định phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái Thác Voi do công ty TNHH TMDV kinh doanh địa ốc Việt REMAX

Nhận thấy những thế mạnh và tiềm năng của Thác Voi để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái Thác Voi do công ty TNHH TMDV kinh doanh địa ốc Việt REMAX làm chủ đầu tư vận hành, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị. Thế nhưng, sau nhiều năm, Thác Voi đang đối mặt nguy cơ rơi vào quên lãng do chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến những vụ lùm xùm, tranh chấp không đáng có.

Thắng cảnh quốc gia Thác Voi: Nguy cơ hoang phế vì tranh chấp tư nhân (!) – Bài 2: Chủ đầu tư bị ‘mất quyền” khai thác dự án

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.