Thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn Hà Nội: Đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa

Trong khi tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng diễn biến phức tạp, dấu vết của các ca F0 ngày càng khó xác định thì vẫn có những cá nhân, cơ sở kinh doanh thiếu ý thức, không thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly xã hội, tiềm ẩn thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế này đã được phóng viên Báo Hà Nội Mới tiếp tục ghi nhận trên nhiều nẻo đường, góc phố của thành phố Hà Nội trong ngày 12-4. Điều này đòi hỏi cấp chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa...
Ngày 12-4, nhiều cửa hàng không bán hàng thiết yếu trên địa bàn thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) vẫn mở cửa.
Ngày 12-4, nhiều cửa hàng không bán hàng thiết yếu trên địa bàn thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) vẫn mở cửa.

Nhiều kiểu lén lút bán hàng

Khảo sát của phóng viên tại quận Ba Đình, dọc tuyến đường Hoàng Hoa Thám, nhiều hàng bán hoa, cây cảnh, cá cảnh… vẫn đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng bằng cách chỉ mở một phần cửa. Điển hình là các cửa hàng ở địa chỉ: 628, 458, 444, 489. Tại phố Văn Cao, một số cửa hàng bán phụ kiện điện thoại vẫn hoạt động. Hoặc tại phố Trần Huy Liệu, một số cửa hàng bán đồ ăn như bún, miến ngan, vịt mở cửa, thậm chí chủ hàng còn sẵn sàng phục vụ khách ăn tại chỗ.

Trên địa bàn quận Ba Đình, dọc đường La Thành, nhiều cửa hàng bán đồ điện, kim khí tổng hợp, thép như số 502, 482, 484, 486, 488, 367… ngang nhiên hoạt động.    

Dọc một số tuyến phố, ngõ trên địa bàn quận Long Biên, tình trạng trên cũng lặp lại. Trong đó, phố Phú Viên, Lâm Du (phường Bồ Đề) có nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng, quần áo thời trang... ngang nhiên vi phạm. Thậm chí có những nhóm người lao động tự do tụ tập ngồi mà không biết dịch bệnh đang rình rập.

Trong khi đó ở vùng ngoại thành, nhiều vi phạm tương tự cũng được ghi nhận. Cuối buổi chiều 12-4, tại thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) có rất nhiều người dân đi tập thể dục và đi ra ngoài khi không có lý do cần thiết và đã có 10 trường hợp bị xử phạt do ra đường không đeo khẩu trang. 

Riêng thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai), khoảng 14-15h, có khoảng 20 cửa hàng bán hàng không thiết yếu mở cửa. Nhiều người không đeo khẩu trang; nhiều nhóm 3-4 người đi tập thể dục nhưng không giữ khoảng cách 2m. Cả đoạn đường qua địa bàn thị trấn không có lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã tìm nhiều cách, nhưng không thể liên lạc được với lãnh đạo thị trấn Kim Bài.

Nguy cơ từ chợ cóc và hàng rong...

Trong khi cơ quan chức năng và rất nhiều người dân đang rất lo lắng về việc mất dấu vết các ca F0 trong cộng đồng cũng như dấu hiệu lây lan từ ca bệnh 243 ở Mê Linh liên quan tới hoạt động mua bán hoa, thì một số chợ tự phát lại tiếp tục là mối nghi ngại. Như tại chợ tạm trên phố Vương Thừa Vũ, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) vẫn có nhiều người túm tụm để mua hàng mà không giữ khoảng cách an toàn... Hay tại ngõ 60 phố Dương Khuê - khu vực giáp ranh phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) và phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) hàng chục tiểu thương vẫn chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh. “Phường Mỹ Đình 2 đã thống nhất với phường Mai Dịch sẽ tập trung lực lượng dẹp chợ này từ ngày 13-4”, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 Lê Minh Dưỡng cho biết.

Còn tại chợ đầu mối phía Nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), số người đến mua bán vẫn rất đông. “Cái khó nhất là việc yêu cầu mọi người giữ khoảng cách 2m, vì nếu hạn chế người vào chợ thì mang tiếng là “ngăn sông cấm chợ”, hoặc ngăn ở một điểm để giãn cách thì sẽ gây ùn tắc ngoài cổng chợ”, Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam) Nguyễn Hữu Quân nói.

Trong khi mối lo về sự lây lan dịch ở chợ chưa được giải quyết triệt để thì trên nhiều đường phố đã xuất hiện trở lại của người bán hàng rong. Ngay cổng phụ Nghĩa trang Mai Dịch, hai người bán hàng rong bật loa công suất lớn, bán hàng dưới lòng đường. Tại ngõ 379 Đội Cấn, cũng có người bán hoa quả, rau bằng xe thồ. Dọc phố Liễu Giai, có người quẩy gánh hàng rong rao bán bánh. Dưới chân cầu vượt đoạn nút giao thông Bưởi (giáp ranh 3 quận Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ) có rất nhiều người làm nghề xe ôm, lao động tự do tụ tập...

Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm

Không thể phủ nhận, các cấp chính quyền cơ sở đã rất vất vả trong việc kiểm tra, giám sát vi phạm tại các chợ hay những tuyến phố chuyên buôn bán, kinh doanh, song hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Nói về hoạt động mua bán của chợ trên phố Vương Thừa Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Nguyễn Anh Chiến cho biết, một số hành vi cá biệt sẽ được tổ công tác kiểm tra, nhắc nhở, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt.

Sau khi Báo Điện tử Hànộimới ngày 12-4 đăng bài nêu cụ thể các cửa hàng chuyên kinh doanh xe đẩy, xe kéo, xe cải tiến... tại số nhà 246, 248, 250... đường Đê La Thành (quận Đống Đa), mở cửa 1/4 nhưng phía trước mỗi cửa hàng là một người ngồi để tiện bán hàng cho khách; UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) đã phân công lực lượng công an kiểm tra tại các địa chỉ nêu trên, yêu cầu các hộ kinh doanh tạm dừng đóng cửa, không kinh doanh buôn bán và ký cam kết thực hiện nghiêm quy định về cách ly xã hội. Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) Hoàng Hoài Loan khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng tương tự. Đồng thời lực lượng công an sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện các hộ tái phạm sẽ có biện pháp xử lý nặng.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) Nguyễn Đình Chiến, phường đã chỉ đạo lực lượng chức năng lập 9 chốt kiểm tra, tập trung giải tỏa chợ cóc, chợ tạm. "Tuy nhiên, vẫn còn một số cửa hàng bán đồ ăn chưa thực hiện đúng quy định. Chúng tôi sẽ cử lực lượng kiểm tra, xử lý ngay", ông Nguyễn Đình Chiến khẳng định.

Trao đổi về những vi phạm trên địa bàn quận Long Biên đã được Báo Hànộimới điểm tên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Nguyễn Thế Thạch cho biết, quận đã tổ chức cho tất cả hộ kinh doanh ký cam kết không bán hàng. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn vin đủ lý do để mở cửa hàng. Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, hộ nào vi phạm sẽ xử phạt.

Thực tế cho thấy, địa phương nào quyết liệt, sát sao, ở đó sẽ chuyển biến tích cực. Điều này được thấy rõ tại những điểm vi phạm mà Báo Hànộimới đã phản ánh liên tục những ngày qua, bởi đến nay, khi trở lại, chúng tôi đã nhận thấy có sự thay đổi. Như tại quận Long Biên, cửa hàng ở số 164 Ngọc Lâm; các cửa hàng: 395, 426, 428 phố Nguyễn Văn Cừ đều đã ngừng hoạt động. Hay cửa hàng kinh doanh quần áo, vàng bạc tại phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) hoạt động ngày 11-4 cũng đã được chấn chỉnh.

Tại phố Hàng Than (quận Ba Đình), Lò Rèn, Thuốc Bắc, Hàng Hòm (quận Hoàn Kiếm), lực lượng chức năng đi kiểm tra với mật độ dày hơn nên các chủ cửa hàng đã chấp hành đúng yêu cầu cách ly xã hội. 

Còn tại “điểm nóng” vi phạm cách ly xã hội ở hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa), từ chiều 11-4, phường Trung Liệt, phường Ô Chợ Dừa đã lập hàng rào, yêu cầu ngừng các hoạt động tập trung đông người. Đồng thời, hai phường còn bố trí nhiều lực lượng tham gia trực chốt luân phiên nên tình hình đã được cải thiện...

Yêu cầu cách ly xã hội đã thực hiện được 12 ngày và đang chứng minh tính hiệu quả khi số người mắc Covid-19 mới có dấu hiệu chậm lại. Song, chỉ một chút lơ là, chủ quan, chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt. Để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của công tác phòng dịch, đòi hỏi chính quyền cơ sở cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý vi phạm, bên cạnh tuyên truyền, vận động. Có như vậy, dịch Covid-19 mới sớm được ngăn chặn và đẩy lùi.

13 quận, huyện, thị xã đã xử phạt hơn 3.000 trường hợp vi phạm  

Tính đến 17h ngày 12-4, thống kê tình hình của 13 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội từ ngày 1-4 đến 12-4 cho thấy, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 3.016 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 với các lỗi chủ yếu là: Mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra đường không có lý do cấp thiết…

Tại quận Long Biên, trong ngày 12-4, lực lượng chức năng quận đã xử phạt 19 người không đeo khẩu trang, nâng số trường hợp bị phạt về hành vi này lên 177 người kể từ ngày 1-4 trở lại đây. Ngoài ra, quận còn xử phạt 3 cửa hàng, cơ sở sản xuất vi phạm quy định phòng dịch với mức cao nhất lên tới 19,7 triệu đồng.

Cũng từ ngày 1-4 đến 12-4, các quận: Hoàng Mai, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông đã xử phạt hành chính tổng số 1.300 trường hợp. Quận Nam Từ Liêm xử phạt 332 trường hợp; quận Hai Bà Trưng xử phạt 320 trường hợp.

Tại thị xã Sơn Tây từ ngày 1-4 đến 12-4, các xã, phường đã phát hiện, xử phạt 60 trường hợp. Trong đó, 2 phường Quang Trung và Sơn Lộc xử phạt hai chủ quán internet vẫn mở cửa kinh doanh với tổng số tiền 11,25 triệu đồng. Cùng thời gian, huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức đã xử phạt tổng số 827 tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn Hà Nội: Đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa ảnh 1
Theo Hà Nội Mới
TIN LIÊN QUAN
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.