Biến chứng khủng khiếp của căn bệnh cướp mạng gần 30.000 người Việt mỗi năm

Được biết đến là “kẻ giết người thầm lặng”, gần như không có triệu chứng nhưng gây ra nhiều biến chứng về thần kinh, tim mạch, đột quỵ khiến gần 30.000 chết mỗi năm.

Trong thập kỷ qua, số lượng người mắc tiểu đường (đái tháo đường) trên thế giới tăng nhanh. Việt Nam thuộc nhóm nước có số người bệnh tăng nhanh nhất, đặc biệt ở người trẻ.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người bị tiểu đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Trong 10 năm, tỉ lệ tiền tháo đường cũng tăng từ 7,7% lên 14%.

Biến chứng khủng khiếp của căn bệnh cướp mạng gần 30.000 người Việt mỗi năm ảnh 1

Tiểu đường là căn bệnh gây tử vong thứ 3 ở Việt Nam, 90% bệnh nhân mắc tiểu đường type 2.

Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến tiểu đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày. 

Nguyên nhân chính khiến bệnh tăng nhanh do thói quen ăn uống nhiều chất dinh dưỡng, ít rau xanh, lười vận động, hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia...

Dù là bệnh mạn tính có số người mắc rất lớn nhưng 70% người dân Việt không biết mình mắc bệnh do bệnh tiến triển hết sức âm thầm. Do không được điều trị kịp thời, trên 50% bệnh nhân tiểu đường type 2 đến BV khi đã có nhiều biến chứng hết sức nặng nề.

Biến chứng cấp tính

Xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể hôn mê, thậm chí rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Biến chứng do tăng đường huyết: Bệnh nhân có thể tổn thương não, hôn mê nhiễm ceton axit, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu quá nặng. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Bệnh nhân cũng có thể hôn mê do hạ đường huyết quá mức, uống thuốc quá liều hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức...

Biến chứng mạn tính

Biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường xảy ra như một phần tất yếu trong quá trình phát triển của bệnh, đặc biệt đối với những người không kiểm soát tốt đường huyết.

- Tim mạch: Đường huyết tăng cao kéo theo hàng loạt các rối loạn khác như rối loạn mỡ máu, nội mô khiến mạch máu bị tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho các mảng xơ vữa hình thành, làm giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan (tim, não, bàn chân…) hoặc tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu, đột quỵ.

Thống kế cho thấy, gần 70% người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường 2-4 lần. Thống kê cho thấy, 15-33% người bị đột quỵ có bệnh lý tiểu đường.

Biến chứng khủng khiếp của căn bệnh cướp mạng gần 30.000 người Việt mỗi năm ảnh 2

Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp 2-4 lần người bình thường.

GS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng viện tim mạch Việt Nam lý giải, đường huyết tăng cao ở bệnh tiểu đường làm tăng lắng đọng cholesterol tại thành mạch, từ đó làm gia tăng các mảng xơ vữa tại thành mạch, giảm khả năng đàn hồi của mạch máu.

Mặt khác, đường huyết cao lâu ngày dẫn đến mạch máu có thể bị viêm, lâu ngày làm chít hẹp lòng mạch gây bít tắc mạch máu, làm ngưng trệ tuần hoàn. Khi mạch máu não bị tắc, sẽ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu não.

Tiểu đường còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh tự chủ điều khiển nhịp tim. Người bệnh có thể bị tim đập nhanh bất thường khi nghỉ ngơi, hạ huyết áp tư thế đứng hoặc không nhận biết được các cơn nhồi máu cơ tim.

- Suy thận: Thống kê cho thấy, khoảng 1/2 bệnh nhân tiểu đường bị suy thận. Biến chứng này có thể xuất hiện ngay tại thời điểm chẩn đoán (tiểu đường type 2) hoặc sau 10 năm mắc bệnh (tiểu đường type 1).

Ở người đái tháo đường, đường huyết tăng cao kéo dài sinh ra nhiều chất oxy hóa làm các mao mạch ở cầu thận bị tổn thương khiến cơ quan này phải hoạt động quá mức. Sau một thời gian, các lỗ lọc trở nên to hơn làm protein (đạm) bị lọt ra ngoài và ảnh hưởng đến chức năng thận.

Nếu không được điều trị kịp thời, thận dần xơ hóa và mất hoàn toàn chức năng (suy thận) khiến người bệnh buộc phải điều trị bằng cách chạy thận hoặc ghép thận. Thậm chí suy thận giai đoạn cuối còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

- Tổn thương thần kinh: Tổn thương thần kinh cũng là biến chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất gồm bệnh thần kinh ngoại biên và thần kinh thực vật.

Tổn thương thần kinh ngoại biên thể hiện ở việc bệnh nhân giảm cảm giác, tê bì hoặc kim châm, yếu cơ. Các dấu hiệu này thường hay xảy ra ở bàn chân mà cụ thể là gây loét bàn chân, không điều trị kịp thời, có thể sẽ phải cắt cụt chi, thậm chí tử vong.

Ở tổn thương thần kinh thực vật sẽ dẫn đến các biểu hiện loạn nhịp tim, da khô, tiêu chảy, táo bón, đại tiện không kiểm soát được, khô âm đạo ở nữ giới hay rối loạn cương dương ở nam giới...

Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường còn có nguy cơ tổn thương tế bào não, giảm trí nhớ, Alzheimer.

- Biến chứng bàn chân: Nguyên nhân do tổn thương thần kinh và mạch máu nuôi ở bàn chân. Vết thương hoại tử ở bàn chân không lành, càng ngày càng nặng lên dẫn đến đoạn chi.

Biến chứng khủng khiếp của căn bệnh cướp mạng gần 30.000 người Việt mỗi năm ảnh 3

Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường.

Điều đáng lo ngại là có đến 15% bệnh nhân tiểu đường sẽ bị loét bàn chân tại một thời điểm nào đó trong toàn bộ cuộc đời của họ.

Biểu hiện nhiễm khuẩn là một dấu hiệu quan trọng và báo cáo cho thấy khoảng 60% các ca cắt cụt chi khởi phát do vết loét nhiễm khuẩn. Tỉ lệ tử vong sau 5 năm của bệnh nhân bị cắt cụt chi dưới là 50-60%.

- Biến chứng về mắt: Một nghiên cứu tại TP.HCM thấy, có tới 30-40% bệnh nhân đáo tháo đường có biến chứng về bệnh lý võng mạc.

Khi đường huyết tăng cao, các mạch máu nhỏ tại võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ trong lòng mắt dẫn đến các bệnh lý về võng mạc. Mặt khác, tiểu đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù loà. Riêng bệnh tăng nhãn áp cấp tính ở bệnh nhân tiểu đường, nếu không được điều trị trong vòng 72 giờ, người bệnh có nguy cơ mù vĩnh viễn.

- Nhiễm trùng: Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu, điển hình như: Viêm răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục…

Biến chứng của tiểu đường thực sự rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu kiểm soát tốt lượng đường trong máu nhờ tuân thủ điều trị kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện.

Theo Vietnamnet
TIN LIÊN QUAN
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.