Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ASEAN+3 đảm bảo dòng chảy chuỗi cung ứng

(Ngày Nay) - Chiều 4/6, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ASEAN cùng 3 đối tác lớn bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm triển khai chỉ đạo mà các nhà lãnh đạo đã đưa ra tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch COVID-19 vào ngày 14/4/2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo sau hội nghị.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo sau hội nghị.

Kết quả nổi bật của Hội nghị là các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ASEAN+3 đảm bảo dòng chảy chuỗi cung ứng ảnh 1

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị.

Tuyên bố chung đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế áp dụng các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng lưu chuyển của hàng hóa thiết yếu, thuốc và vật tư y tế trong khu vực; tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan cho dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp hạn chế nhằm mục đích phòng, chống dịch COVID-19; khuyến khích xây dựng các hướng dẫn cho phép di chuyển của thương nhân qua biên giới mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh; nỗ lực tận dụng hiệu quả Quỹ Dự trữ gạo ASEAN+3 và tìm kiếm khả năng phát triển kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu; hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tận dụng công nghệ và thương mại số; thúc đẩy hợp tác hải quan để tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa ở cửa khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ASEAN+3 đảm bảo dòng chảy chuỗi cung ứng ảnh 2

Các Bộ trưởng tham gia hội nghị trực tuyến.

Cũng tại hội nghị, các Bộ trưởng sẽ làm việc cùng nhau để khôi phục tăng trưởng kinh tế trong khu vực bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại khu vực thông qua việc giảm các rào cản thương mại, thúc đẩy thương mại, đầu tư và mở rộng các lĩnh vực hợp tác. Họ vẫn cam kết ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020 cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn tại của Ấn Độ, như được chỉ đạo trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thông qua năm 2019 như một phần của nỗ lực để đạt được mức độ hội nhập kinh tế khu vực cao hơn.

Để cụ thể hóa Tuyên bố chung Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3, các nước thống nhất tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN+3 với các biện pháp cụ thể hơn.

Việc các nước ASEAN+3 thông qua Tuyên bố chung và chuẩn bị Kế hoạch hành động cụ thể cho thấy rõ hơn sự đồng thuận và hợp tác của ASEAN với 3 nước đối tác lớn trong khu vực với tinh thần "Gắn kết và Chủ động Thích ứng" nhằm ứng phó với dịch COVID-19 cũng như sẵn sàng đối mặt với các thách thức khác trong tương lai.