3 năm giá đất từ 500 triệu đồng lên 12 tỷ đồng ở Phú Quốc

(Ngày Nay) - Ba năm trước 1.000 m2 đất mặt tiền đường ở Gành Dầu (Phú Quốc) trị giá khoảng 500 triệu đồng nhưng hiện nay đã tăng lên 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ tịch xã này nói đây là giá "ảo".

Hai tuần qua thị trường bất động sản ở đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) có dấu hiệu hạ nhiệt sau hơn nửa năm liên tục "sốt giá" từ tháng 9/2017 đến đầu tháng 4/2018.

Theo giới đầu cơ, các giao dịch nhà đất có thể trầm lắng kéo dài thêm 3 tháng nữa, theo tiến độ thanh tra đất đai (do Thanh tra Chính phủ thực hiện) và kết quả kiểm tra, xử lý tình trạng bao chiếm đất rừng của đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh Kiên Giang vừa thành lập.

Ba lần sốt giá đất

Theo Chủ tịch UBND xã Gành Dầu Lê Thị Hằng, 3 năm trước mỗi công đất (tương đương 1.000 m2) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nằm ở vị trí mặt tiền đường lớn được người dân vùng Bắc đảo này bán với giá khoảng 500 triệu đồng. Đến năm 2016, giá đất có sự biến động lớn đầu tiên, một công 500 triệu đồng đã tăng ba lần lên 1,5 tỷ đồng.

3 năm giá đất từ 500 triệu đồng lên 12 tỷ đồng ở Phú Quốc ảnh 1Một khu đất trồng cây lâu năm được phân lô bán nền ở xã Cửa Dương, Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.

"Đầu năm 2017, cũng công đất đó giá tăng thêm lần nữa, khoảng 3 tỷ đồng. Giá này thấy đã cao nhưng cuối năm ngoái cho đến đầu năm nay thì một công đất mặt tiền đường lớn giá 8-12 tỷ đồng", bà Hằng chia sẻ với Zing.vn.

Như người đứng đầu chính quyền xã Gành Dầu thông tin thì trong 3 năm, mỗi công đất giá nửa tỷ đã tăng vọt lên 12 tỷ đồng. Còn nếu tính trong vòng một năm thì tăng 400%, tức 3 tỷ lên 12 tỷ đồng. Mức tăng này đã làm cho những người dân tay lấm chân bùn ở đảo ngọc phải "chóng mặt".

Chính vì "tấc đất tấc vàng" nên ngày càng có nhiều vụ tranh chấp đất xảy ra, kéo theo đó là các băng nhóm "bảo kê" tranh chấp có đất sống.

Từ Vĩnh Thuận ra đảo này lập nghiệp và trở thành cán bộ chủ chốt của xã Gành Dầu, bà Hằng cho rằng giá đất cao ngất ngưỡng ở Phú Quốc như hiện nay là "ảo", được giới đầu cơ và những người môi giới bất động sản "thổi" lên qua các lần giao dịch.

3 năm giá đất từ 500 triệu đồng lên 12 tỷ đồng ở Phú Quốc ảnh 2Những ngày đầu tháng 4/2018, bộ phận tiếp nhận hồ sơ đất đai của Văn phòng Đăng lý đất đai huyện Phú Quốc rất đông người. Hiện, lượng khách đến giao dịch đã giảm một nửa. Ảnh: Việt Tường.

Cụ thể là một khu đất được chủ rao bán thì sẽ có ít nhất 10 người biết đến. Để có đất đầu cơ, những người này bắt đầu tranh giá, thổi giá để mua cho bằng được và sau đó tìm cách nâng giá cao hơn để bán kiếm lời.

"Giá đất cao như vậy chỉ có người đầu cơ mua thôi, chứ mua đất cất nhà ở hay kinh doanh thì tôi thấy ít ai cầm số tiền lớn mà mua đất ồ ạt như vậy.

Nói đi cũng phải nói lại, ở Gành Dầu tôi thấy có người từ đất liền cầm trên chục tỷ đồng mua đất để mở nhà hàng và kinh doanh thành công nhưng là số ít", bà Hằng nói.

Chấp nhận mất tiền cọc vì sợ thua lỗ

Anh Nguyễn Sơn (tên đã thay đổi, 37 tuổi, quê Hòn Đất, Kiên Giang) ra Phú Quốc làm việc tự do, có vốn ngoại ngữ, am hiểu thị trường bất động sản. Ba năm qua anh Sơn được các doanh nghiệp lớn thuê tìm hiểu thị trường, kiếm các khu đất sạch cho họ đầu tư.

Anh Sơn cho biết mỗi công đất 8-12 tỷ đồng, thậm chí 20 tỷ đồng ở tuyến đường chính của thị trấn Dương Đông là giá "nóng bỏng tay". Giá này được cho là cao nhất trong 3 năm qua và đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" sau lệnh thanh tra đất đai.

3 năm giá đất từ 500 triệu đồng lên 12 tỷ đồng ở Phú Quốc ảnh 3Một áp phích rao bán đất ở xã Hàm Ninh, chủ đất cam kết "mua 1 lời 10". Ảnh: Việt Tường.

"Toàn giá ảo nên khi thanh tra đất đai thì nhiều người đã bỏ tiền cọc vài tỷ đồng đưa cho chủ đất. Họ chấp nhận mất vài tỷ chứ không dám mua đất để đầu cơ tiếp vì sợ rớt giá hoặc bán không được sẽ lỗ nặng hơn", anh Sơn nói.

Theo bà Lê Thị Hằng, thị trường bất động sản trầm lắng trong hai tuần qua tập trung vào những giao dịch đất không đầy đủ giấy tờ. Những thửa đất có sổ đỏ vẫn được một số người chuyển nhượng thành công.

"Tôi mới biết có người bán đất mặt biển, có giấy tờ đầy đủ với giá 12 tỷ đồng mỗi công", bà Hằng khẳng định.

Ông Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, cho biết giá đất cao nhất ở địa phương khoảng 12 tỷ đồng, tập trung ở khu vực ven biển. Đối với đất gần các tuyến đường lớn cũng khoảng 8-10 tỷ đồng/1.000 m2. Ba năm trước, đất như thế này chỉ có giá 1-1,2 tỷ đồng.

3 năm giá đất từ 500 triệu đồng lên 12 tỷ đồng ở Phú Quốc ảnh 4Khách đến quán cà phê đối diện phòng công chứng ở thị trấn Dương Đông đa số là chờ giao dịch bất động sản. Ảnh: Việt Tường.

Tương tự, giá đất ở thị trấn An Thới cao nhất khoảng 50 triệu đồng/m2, nằm ở khu vực gần khách sạn Marriott. Những nơi xa trung tâm thị trấn giá "đất sạch" dao động từ 10-12 tỷ đồng mỗi công.

"Vài năm trước một công đất ở An Thới chỉ 200-600 triệu đồng. Nền nhà gần khách sạn Marriott, khoảng 40 m2 được bán giá 2 tỷ đồng", ông Phan Quốc Thới, Chủ tịch UBND thị trấn An Thới, nói.

3 năm giá đất từ 500 triệu đồng lên 12 tỷ đồng ở Phú Quốc ảnh 5Phú Quốc (chấm đỏ) ở Kiên Giang. Ảnh: Google Maps.
Theo Zing
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.