Biên bản chiến tranh

(Ngày Nay) -Năm 2015 tôi quay trở lại Svay Rieng, nơi quân đội Mỹ đã ném quả bom B52 đầu tiên xuống đất Campuchia.

Nhà báo Đức Hoàng
Nhà báo Đức Hoàng

Ở đó, tôi thực hiện một loạt bài về chiến dịch “Bữa sáng” của tổng thống Richard Nixon - khi ông này quyết định ném bom rải thảm Campuchia, một quốc gia trung lập không tham chiến - để ngăn chặn quân đội Bắc Việt.

Khung cảnh sau 40 năm vẫn đau buồn sâu sắc. Những người Khmer chỉ tay vào cái ao trước nhà, một hố bom, và nói chữ “bê năm hai” bằng tiếng Việt . Một người đàn ông tóc đã ngả màu vẫn khóc nức nở, khi nhắc đến cha mẹ. Trong ký ức của ông, là một cậu bé 10 tuổi chạy về từ bãi chăn bò và thấy ngôi nhà đã cháy, mình đã thành mồ côi.

Một thời gian sau loạt bài đó, một đồng nghiệp gặp tôi và nói: "Người ta chửi cậu trên các diễn đàn". Đó không phải là một diễn biến đáng ngạc nhiên. Tôi không cố tìm đọc, vì chỉ nghe qua cũng đã đoán được người ta nói gì. Rằng 40 năm sau cuộc chiến, việc tôi vẫn viết bài về những vết thương cũ, khiến nhiều người hiểu rằng mang sắc thái “lên án tội ác của quân đội Mỹ”, bị cho là một biểu hiện của chủ nghĩa tuyên truyền xưa cũ, khơi gợi lại hằn thù. Và tất nhiên, sẽ có những cuộc tranh luận kích động rằng ai phải chịu trách nhiệm chính về những hố bom trên đất Campuchia. Tôi đã bới lại một luồng quan điểm gây khó chịu trong bối cảnh sự “bình thường hóa” đang được tuyệt đối hóa.

Chủ đề chiến tranh dễ gây mệt mỏi. Trong cuộc đời viết báo, chính tôi cũng đã có lúc mệt mỏi với chủ đề chiến tranh. Tháng trước, tôi nói với nữ đồng nghiệp mình phụ trách, rằng từ nay đến cuối năm anh yêu cầu em không làm một bài nào về chiến tranh nữa. Đó là một người trẻ, giống hệt tôi vài năm về trước, ra khỏi cổng trường và giật mình nhận ra rằng mình biết quá ít về lịch sử. Sách giáo khoa ghi theo kiểu biên bản và phim ảnh làm theo đặt hàng Nhà nước không lý giải được sự phức tạp của lịch sử đất nước, cũng như phản ánh đủ đầy về cảm xúc của con người. Cô say mê đi lại các chiến trường cũ, gặp nhân chứng cũ và khơi gợi lại các câu chuyện lịch sử. Việc đó rất tốn thời gian. Còn tôi giờ đã thành một biên tập viên với chất chồng các nhiệm vụ của thời sự. “Người đang sống còn quá nhiều vấn đề, anh muốn em làm trước” - tôi lạnh lùng nói.

Nhưng tôi luôn tự hỏi rằng mình có công bằng trong giây phút đó, khi chỉ vài năm trước, tôi bất chấp những tiếng chửi bới để khơi lại các vết thương chiến tranh. Tôi nhủ với bản thân, rằng ở cái ngôi làng tại Svay Rieng đó, nơi mà hôm nay vẫn chưa có điện, xơ xác mái tranh, nếu không phải mình, ai sẽ đến đó để biết rằng người ta vẫn còn khóc vì đạn bom.

Viet Thanh Nguyen, giáo sư tị nạn gốc Việt đoạt giải Pulitzer 2016 từng viết một bài trên New York Times với tiêu đề: “Chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ kết thúc”. Đến nước Mỹ năm 4 tuổi, thành đạt và được trọng vọng, ông không gọi mình là “người nhập cư”, mà vẫn khẳng định rằng mình là “người tị nạn” vì nước Mỹ đã tạo ra một cuộc chiến thảm khốc ở Việt Nam. Ai theo dõi sự nghiệp của Viet Thanh đều biết “người tị nạn” gốc Việt trên đất Mỹ là một chủ đề khiến vị giáo sư mang quốc tịch Mỹ này ám ảnh.

Viet Thanh cho rằng việc kể, đọc và nghe về cuộc đời của những con người mất mát vì chiến tranh như thế là một nghĩa vụ, là “cách để ứng phó với sự mất kiểm soát của mối phức hợp công nghiệp-quân sự” của nước Mỹ.

Các siêu cường, với các động cơ kinh tế và chính trị riêng của chúng, từng hơn một lần được chứng minh rằng có nhu cầu phát động chiến tranh tự thân. Các cuộc chiến sau đó sẽ được gọi bằng tên này, tên khác; tóm tắt bằng các chủ thuyết chính trị; chụp lại dưới bộ dạng của các nguyên thủ trong bộ vest đang bắt tay ở bàn hội nghị; rồi sẽ được phân định đúng-sai bằng các cuộc tranh luận, đổ lỗi, bởi các chuyên gia.

Nhưng tôi chưa gặp một nhân chứng nào của chiến tranh gọi nó bằng một cái tên nào khác ngoài “chiến tranh”. Không phải “chiến tranh Việt Nam”, "chiến tranh Đông Dương lần thứ hai" hay là “chiến tranh 54-75”, chỉ đơn giản là “chiến tranh”. Chiến tranh không phải là một trạng thái xã hội, một hoạt động giới hạn thời gian và không gian. Nó là nỗi đau cá nhân của con người, là đứa con mới nằm xuống như hôm qua và người mẹ nằm trong vũng máu, là nỗi đau tận cùng và không cách nào kết thúc.

Hôm nay Mỹ đã trực tiếp tấn công Syria, bằng tên lửa "đẹp, mới và thông minh" theo cách gọi của tổng thống Trump. Và rồi cuộc chiến này sẽ lại được gọi bằng một cái tên nào đó trên Wikipedia. Nó sẽ lại được mô tả bằng các tranh luận chính trị, với “Nga” hay “Mỹ”, “Putin” hay “Trump” là chủ ngữ. Những đứa bé Syria đói khát và những người đàn ông đàn bà Syria bê bết máu và gạch vữa sẽ không bao giờ xuất hiện đủ nhiều. Ngay cả những đoàn thuyền tị nạn của người Syria cũng sẽ được mô tả bằng “chính sách của Merkel” hay “sắc lệnh của Theresa May”. Chúng ta đã luôn ứng xử với chiến tranh theo kiểu biên bản như thế. Không ai được nhìn vào từng gương mặt, từng ánh mắt đủ lâu để thấu hiểu nỗi đau khủng khiếp của họ.

Chính tôi, nhận ra rằng đến một thời điểm, mình cũng đã coi chiến tranh là một dạng “đề tài”, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nào đó của một người quan sát từ tầm xa. Đến một lúc, tôi cũng cảm thấy rằng việc liên tục kể ra các câu chuyện đau đớn về chiến tranh thật sự mệt mỏi, và tự vấn rằng nó có tác dụng gì với mối phức hợp quân sự-công nghiệp mà Viet Thanh Nguyen nhắc tới? Ai có thể ngăn chính phủ Mỹ tiêu 2 nghìn tỷ USD ngân sách cho bom đạn ở Iraq khi họ có động cơ để tiêu?  Mười lăm triệu người xuống đường trên khắp thế giới vào ngày 15/3/2003 cũng không ngăn được George W. Bush và đồng minh.

Nhưng có lẽ với tư cách những con người bình thường trên hành tinh này, chúng ta chỉ có một cách đó. Nhắc nhau rằng chiến tranh không phải là những biên bản, mà là nỗi đau, vết sẹo của từng con người bằng xương bằng thịt. Nó không thể kết thúc bằng hòa đàm. Chúng ta kể lại, dạy cả con cái mình chia sẻ nỗi đau đó, biết căm ghét chiến tranh và những chính thể tạo ra chiến tranh.

Hôm ấy, cô phóng viên nghe xong rồi cự: “Anh không cho làm em vẫn tự đi. Tháng Bảy em sẽ tự lên lại chiến trường biên giới”. Tôi im lặng, chấp nhận mình là một nhà quản lý tồi. Đôi khi, người làm nghề chép biên bản - như chúng tôi - cũng không có quyền đối xử với mọi thứ như một biên bản.

Đức Hoàng 

Theo Vnexpress
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.