Điểm chuẩn

(Ngày Nay) - Nhiều trường đại học tuần này đã công bố điểm chuẩn. Nghĩa là sẽ có những đứa trẻ và gia đình thất vọng vì không được vào đại học; những đứa trẻ và gia đình toại nguyện vì vào được đại học. Và cũng sẽ có cả những gia đình toại nguyện, nhưng đứa trẻ thì thất vọng. Vì chúng sẽ phải đi theo một con đường không phải mơ ước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Cháu yêu nấu ăn và sẽ cưới nấu ăn!”, cháu tôi tuyên bố, kết thúc câu chuyện tỉ tê 2 tiếng trong một chiều mưa Hà Nội, chấm dứt luôn cuốn tiểu thuyết nhiều kỳ trong nhà nó, một gia đình có con vừa học hết cấp ba: chọn trường nào, học cái gì, bao nhiêu tiền, ai xin việc cho? 

Thằng bé muốn thành chuyên gia nấu ăn và quả thực cậu đã tự theo học nhiều lớp nấu ăn trong khi cả họ nội ngoại đều hụt hẫng và lên tiếng bức xúc vì “thằng đích tôn” không chịu du học ngành quản trị kinh doanh ở Úc như bố mẹ nó chuẩn bị. 

- Con sẽ học nấu ăn, con ước mơ thành đầu bếp 5 sao.

- Mơ với mộng gì, cứ mơ như mày có mà ăn cám.

- Cám mà nấu đúng công thức cũng thành đặc sản.

- Hả, mày đi nấu ăn thuê cho người ta, còn cái công ty này để cho ai hả?

Mẹ nó buồn quá, gọi điện: “Mày đến xem thằng bé có nghe không, mấy ngày nữa hết hạn nộp hồ sơ vào đại học rồi, sao nó không như con người ta chứ, con với cái!”.

Hai cô cháu tỉ tê đủ thứ. Nó kể chuyện bạn K, một câu chuyện làm tôi suy nghĩ. Lớp của cháu tôi gồm các bạn học theo khối D từ khi vào lớp 10. Nhưng đến đầu năm học lớp 12 bố của K – một bác sỹ mổ tim nổi tiếng - tuyên bố rằng bố đã thu xếp con sẽ đi học trường Y, trở thành bác sỹ. K phản đối vì cậu cũng đã mơ ước trở thành đầu bếp. 

K chán nản và mất phương hướng. “Mặc kệ, học được ngày nào thì học, mẹ tao muốn nộp hồ sơ vào đâu thì nộp”. Tôi hỏi cháu thế có nhiều bạn giống K không? Cháu nói, khối 12 của cháu phải là 80% chọn trường đại học nguyện vọng 1 theo nguyện vọng của bố mẹ, còn bạn nào có ước mơ nghề gì thì sẽ nộp vào nguyện vọng 2-3. 

Chúng không có nhiều quyền và cũng không ý thức hẳn hoi về việc đi theo tiếng gọi của con tim về sự nghiệp tương lai, mà chỉ có tiếng gọi của cha mẹ, và của “đầu ra”.

Cũng trong câu chuyện, cháu tôi nhắc lại một câu nói trong bộ phim Ấn Độ nổi tiếng “Ba chàng ngốc”: Tại sao yêu nhiếp ảnh mà lại cưới máy móc? Bởi anh chàng trong phim phải thi vào trường đại học bách khoa hàng đầu theo sức ép của gia đình trong khi con tim anh chỉ hướng duy nhất về nhiếp ảnh. 

“Cháu không thể lãng phí thời gian để yêu một nghề, lấy một nghề”. Cậu bé nói nó tôn trọng nghề nghiệp “sang chảnh” của bố mẹ nó, một giám đốc ban ở một ngân hàng lớn và một nhà điều hành doanh nghiệp. Nhưng trong sâu thẳm nó biết bố mẹ không hề thật sự an yên. Bởi mẹ nó luôn mơ về hưu sẽ mở một nhà hàng xôi xéo, còn bố nó rất dễ thương ở công ty nhưng về nhà thì hay cáu. Tôi giật mình vì thằng bé nói đúng. 

Cháu tôi, cùng bao nhiêu người 18 tuổi đang rối rít tìm trường đại học, quyết định chuyến tàu cuộc đời. Ở lớp cháu, những ngày chuẩn bị nộp hồ sơ là những cuộc chiến mất mát. 

Đứa trẻ nào chẳng thuộc cái điệp khúc của bố mẹ nó: “Phải học giỏi để thi được vào đại học rồi mới xin được việc, lúc ấy mới nuôi sống được bản thân rồi muốn làm gì thì làm”. Liệu bố mẹ chúng có biết nhiều đứa trẻ không tin và không cảm thấy chúng sẽ hạnh phúc với điều đó nếu như bố mẹ không liếc mắt nấy một cái vào giấc mơ nghề nghiệp của con mình. Giáo dục không xấu nhưng dường như cách chúng ta đang làm khiến bọn trẻ chẳng thấy xúc cảm gì để đi học và việc học hoàn toàn xa lạ với chuyện chúng ước mơ làm gì trong đời. 

Gốc rễ các mô hình giáo dục được thiết kế theo nền kinh tế, làm sao tạo ra những con người thành phẩm vừa lèo lái nền kinh tế trong 10-20 năm tới nhưng vừa định vị văn hóa của mình. Giáo dục là hệ thống chuẩn bị sản phẩm để đối mặt với tương lai. Nhưng ta đang thiết kế tư duy giáo dục bằng cách đã làm trong quá khứ, thậm chí quá khứ rất xa trong khi đời sống liên tục thiên biến. 

Chúng ta đã thiết lập nền giáo dục dựa trên dự báo các nhu cầu phát triển kinh tế - và chủ nghĩa kinh nghiệm (một thứ kinh nghiệm hay nhuốm màu “đi xin việc” tồn tại từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung). Rồi ta hô hào bọn trẻ sống chết phải có tấm bằng. Nhưng thực tế, ta còn không biết trong 24 giờ tới kinh tế sẽ ra sao.

Tất nhiên có tấm bằng không tệ. Nhưng không còn nên coi đó là sự đảm bảo cho công việc mơ ước nơi khai phóng giá trị người trẻ. Trong khi con đường “lấy bằng” lại cô lập chúng với những gì chúng yêu thích. Và khiến nhiều trẻ con tiếp tục vắt óc nghĩ ra lý do để mai không phải đến trường. 

Nền giáo dục của chúng ta, cả trong nhà trường và gia đình từ rất lâu, chỉ có một “điểm chuẩn” đáng kể duy nhất là điểm chuẩn của các trường đại học.

Trong khi, “điểm chuẩn” của một nền giáo dục phải cao hơn thế: đó phải là khả năng và quyền tự lựa chọn của những công dân khi hết tuổi vị thành niên. “Điểm chuẩn” của đại học thực chất đang là một thứ “điểm sàn” của nền học vấn khoa cử. Một dạng tiêu chuẩn thấp. Chuẩn mực cuối cùng phải hướng tới của giáo dục, là phải cho người ta quyền ước mơ.

Cháu tôi đang phụ bếp cho khách sạn gần Bờ Hồ. Nó muốn học nấu ăn chay và nấu thực dưỡng, và mở một quỹ phi lợi nhuận lan tỏa tinh thần ăn chay, ăn thuận tự nhiên vì tương lai con người. “Chỉ khi nấu ăn con mới là chính mình” - thằng bé nói.

Thế là sau khi nhận nhiệm vụ thuyết phục cậu bé đi du học để sau này thừa kế công ty, tôi quay ngoắt làm kẻ phản bội, ủng hộ kẻ gây rối. Bởi nó đã dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám ước mơ, thay vì làm theo lời bố mẹ, muốn con luôn thận trọng và bám chắc trên mặt đất. 

Theo Vnexpress
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN.
Tôn vinh những người trao truyền văn hóa dân tộc ở cộng đồng
(Ngày Nay) - Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đã diễn ra chiều 18/4 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
(Ngày Nay) - Apple đã nỗ lực tách biệt dòng iPhone thường và iPhone Pro để biện minh cho việc tăng giá của dòng Pro mà không làm giảm tiềm năng của dòng cơ bản. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai loại này có thể thay đổi vào cuối năm nay nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.