Ký ức Yên Bái

(Ngày Nay) - Tôi người dân tộc Tày. Quê nội ở Yên Bái. Bố tôi giờ cũng nằm trên một sườn đồi có tán cọ ở quê nhà. Nhưng mấy chục năm kể từ khi tôi bắt đầu có ký ức, vùng đất này không đổi thay quá nhiều…
Hí họa tác giả Đức Hoàng của họa sỹ Bút Chì
Hí họa tác giả Đức Hoàng của họa sỹ Bút Chì

“Nhà anh cây mấy?”

Năm 1987, mẹ tôi nuôi con ở Hải Phòng. Bố tôi về Yên Bái công tác, ở nhà ông bà nội. Thỉnh thoảng thằng con đau ốm, mẹ báo lên, bố lại lật đật chạy về xuôi. Hồi đấy, bà nội kể, cứ lúc nào mày ốm bà khổ lắm, lại về vườn nhà, xem có quả mít hay luống hoa nào bán được, vơ vội đem ra chợ bán, để bố mày có tiền về Hải Phòng thăm con. Một đồng cũng không có. Thời ấy, ông nội tôi là chánh án toà án nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn. Quan to.

Sau này xem lại ảnh, thấy ông đi nghỉ dưỡng cùng cụ Giáp, dịp lễ có chủ tịch nước về thăm hỏi gia đình, mới biết ông làm to. Chứ hồi bé, từ Hải Phòng về quê nội, chỉ thấy một căn nhà vách gỗ, một cái bếp vách nứa, một mảnh vườn nghèo mỗi thứ cây có một tý. Tài sản lớn nhất trong nhà, chắc là cái đài cát-xét. Về quê ngoài leo lên đồi phá cây phá cối hàng xóm, thì cũng chẳng có gì chơi. Ông nội tôi thỉnh thoảng ngồi vót khúc nứa ra làm đồ chơi cho cháu. Bà nội, đến năm gần 70 tuổi vẫn phải đi lên đồi, cầm theo cái liềm cắt cỏ, nuôi cá nuôi lợn.

Sau này bác gái tôi theo nghiệp ông, cũng đi từ chân thẩm phán toà tỉnh Yên Bái (lúc này đã tách tỉnh Hoàng Liên Sơn), rồi trở thành chánh án nữ cấp tỉnh duy nhất trong cả nước. Thời bây giờ có lẽ “phả hệ” đã bị soi nhiều, đàm tiếu. Nhưng thời ấy chắc không, vì không có mạng xã hội, và thật ra vẫn nghèo, sống trong cái nhà bé tý, nền đất không lát gạch. Chẳng có gì để bàn. Mà đấy là bác cũng làm dâu của nhà chủ tịch tỉnh.

Ký ức Yên Bái ảnh 1Trung tâm thành phố Yên Bái

Đến tận những năm gần đây, mỗi lần nhà có việc, là bác trai lại phải bán bớt một mảnh đồi cũ của ông bà nội đi. Một quả đồi nghe tưởng to, nhưng rẻ mạt, chưa đủ xây công trình phụ, hay đón một cái Tết ở quê. Nhà không còn người làm. Bà nội tôi vẫn nghĩ quả đồi là sinh kế của gia đình, cứ than vãn, rằng sao lại bán đi, đồi phải để cho thằng Hoàng sau này nó về quê nó làm gì thì làm. Tôi cũng không biết nói gì với bà.

Các bác tôi hay than thở rằng Yên Bái chẳng có gì để phát triển. Đá quý không còn nhiều, và thật ra cũng chẳng thể tính là một ngành kinh tế. Không nằm trong tuyến đường thương mại huyết mạch nào. Chỉ còn táo mèo và thảo quả.  Cho đến tận bây giờ, sau hơn 20 năm kể từ ngày đầu tiên tôi nhìn thấy quê nội, cái gọi là “thành phố Yên Bái” vẫn chỉ bám quanh một trục đường chính, và địa danh vẫn được gọi theo “cây” - một cách gọi điển hình của những đô thị quá nhỏ và chỉ có một trục đường.

Ở Yên Bái, người ta hỏi địa điểm là “ở cây mấy?”. Cây số 1 là ga Yên Bái, nhà ông bà nội tôi nếu muốn giới thiệu với ai thì nói là “Nhà em ở cây 2, chỗ nhà máy cao lanh”. Quảng trường trung tâm và khối hành chính của tỉnh thì nằm ở cây 5. Đi hết cây 10 là ra đến các huyện “ngoại thành”. Một trục đường. Bây giờ thành phố cũng đã mở rộng ít nhiều, đô thị hoá ngược về bên kia sông Hồng, có thêm một vài đường nhánh lớn, trong đó có đường đâm ra cao tốc Hà Nội-Lào Cai mới mở, nhưng về cơ bản cũng không thể gọi là “lột xác”. Vẫn chỉ cái trục đường ấy làm huyết mạch.

Đô thị ấy dựa lưng vào những quả đồi. Thương mại dịch vụ không có gì đáng kể. Hoạt động ghê gớm nhất đến tận gần đây vẫn là những cái hội chợ Tết xanh đỏ bán đầy hàng Trung Quốc và những quầy bán xúc xích, thứ mà ngay cả ngoại thành  Hà Nội giờ cũng đã tuyệt tích. Những công viên lúc nào trông cũng đầy vẻ hoang phế (vì thật ra người dân vẫn chưa bao giờ thoát khỏi rừng xanh núi đỏ để mà cần đến mấy cái cây trồng theo hàng trong công viên). Khác với các tỉnh dưới xuôi, nơi những toà nhà lớn nhất thuộc về khối doanh nghiệp, tháp của ngân hàng này, plaza của tập đoàn nọ, thì ở đây, các toà nhà lớn vẫn là khối công quyền. “Thu nhập” quan trọng nhất của tỉnh, nhìn vào đấy, vẫn là bầu sữa ngân sách trung ương.

Cái nhà gỗ sau này bà nội tôi bán được 2 triệu đồng, nhà tôi cuối cùng cũng xây nhà gạch mái bằng. Bà bảo tôi, chắc ở Hải Phòng thì sẽ bán được nhiều tiền hơn ấy nhỉ. Tôi không nói với bà, rằng ở Hải Phòng chắc chẳng có ai mua thứ ấy.

Ký ức Yên Bái ảnh 2Ruộng bậc thang tỉnh Yên Bái  (Ảnh dulichyenbai)

“Đảng viên cũng phá rừng”

Yên Bái vẫn là một trong những tỉnh nhận “trợ cấp” từ ngân sách trung ương nhiều nhất trong cả nước. Năm 2013, nguồn thu bổ sung từ ngân sách trung ương của tỉnh này lên đến 4,9 nghìn tỷ đồng.

Nếu nhìn vào quyết toán ngân sách của Yên Bái, rất dễ nhận ra những con số “tý hon” từ nền kinh tế của tỉnh này. Tổng thu ngân sách từ khối ngoài quốc doanh của tỉnh cả năm 2013 chỉ đạt 300 tỷ đồng, doanh nghiệp của địa phương mỗi năm chỉ đóng góp hơn 100 tỷ cho ngân sách; hay là thuế thu nhập cá nhân của tỉnh cả năm chỉ là 45 tỷ đồng. Nói một cách ngắn gọn, thì thu ngân sách của toàn tỉnh thậm chí không cõng nổi… ngành giáo dục của tỉnh chứ đừng nói tới các lĩnh vực khác. Mỗi năm chi cho đầu tư phát triển của tỉnh chỉ đạt khoảng hơn 1.000 tỷ, tức là tương đương với khoảng 50 triệu USD, không bằng một dự án kinh tế cỡ vừa ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Yên Bái chi nhiều cho rừng

Trong số 7 dự án đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh năm 2013 (mới được công bố theo quyết toán ngân sách 2013 của cả nước), thì có 2 dự án chi cho bảo vệ và phát triển rừng, ở các huyện Mù Căng Chải và Trạm Tấu, với tổng mức đầu tư 456 tỷ đồng, trong đó mỗi năm chi khoảng hơn 26 tỷ đồng. Bảo vệ và phát triển rừng hiện nay vẫn là một lĩnh vực “nóng” và ngốn nhiều ngân sách tại Yên Bái. Tình trạng phá rừng không chỉ dừng lại ở việc lâm tặc ngang nhiên khai thác tài nguyên, mà ngay cả người dân bình thường cũng xâm lấn và phá rừng vì sinh kế trên diện rộng. Yên Bái cũng là địa phương có tình trạng cháy rừng diễn ra thường xuyên và gây thiệt hại lớn.

Không thể phủ nhận nhiều “thành tích” của chính quyền Yên Bái, đặc biệt là trong giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương thông qua các chương trình chính sách. Người Yên Bái bỏ quê đi không quá nhiều. Tỷ suất xuất cư của Yên Bái dao động trong khoảng từ 2,4 đến 5,1% mỗi năm, thường xuyên thấp hơn mức trung bình của toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Để so sánh, thì tỷ lệ “tha hương” của dân Nghệ An hay Hà Tĩnh lúc nào cũng ở mức hơn 10% một năm.

Nhưng người dân nơi này ở lại, nhờ vào nhiều chương trình cho vay vốn để sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình, không tạo ra được đột phá cho kinh tế địa phương. Có một chi tiết đáng nói, là mặc dù tỷ lệ “bỏ xứ” của dân tỉnh Yên Bái thấp hơn trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhưng tỷ lệ người trên 15 tuổi biết chữ thì lại thấp hơn mặt bằng, ở mức dưới 90%. Tỷ lệ lao động làm việc trong nền kinh tế “đã qua đào tạo” của tỉnh, hay gọi nôm na là lao động có trình độ, thì ở mức rất thấp, chỉ khoảng 13%, so với mặt bằng vùng là hơn 15%. Để so sánh, thì lao động đã qua đào tạo ở Thái Nguyên hay Hà Tĩnh là hơn 20%, Hà Nội là 38%.

Tức là nếu nhìn vào các con số thì thấy một bức tranh không mấy lạc quan cho Yên Bái. Nguồn lực tự thân rất yếu, tài nguyên chỉ có đất rừng là đáng kể, thì đang  rất rối ren trong bảo vệ và khai thác từ nhiều năm qua. Trong bài viết “Yên Bái: Tình trạng xâm chiếm đất rừng, phá rừng có dấu hiệu nóng lên” đăng trên báo Yên Bái - cơ quan của đảng bộ tỉnh tháng 4/2008, phản ánh về tình trạng “thậm chí cả cán bộ, đảng viên cũng tham gia xâm chiếm, phá rừng”. Các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao không phát triển, lao động có trình độ ít. Và đặc biệt là với xuất phát điểm này, Yên Bái chỉ có thể trông vào nguồn viện trợ từ ngân sách trung ương để đầu tư cho phát triển. Mà ngân sách trung ương thì hiện nay cũng đang gặp khó khăn.

Để dễ tưởng tượng, thì toàn bộ nguồn đóng góp ngân sách trung ương của Hải Phòng, một trong các thành phố giàu nhất và đóng góp nhiều nhất nước, cũng chỉ đủ để “nuôi” Yên Bái cầm chừng như hiện nay, mỗi năm làm thêm vài ba dự án xây dựng cơ bản nhỏ hoặc giữ rừng.

Ký ức Yên Bái ảnh 3Bến xe khách Yên Bái

Ở công viên Yên Hoà, tập đoàn Vingroup đang xây dựng một trung tâm thương mại lớn. Nó có thể điểm thêm một nét mới vào bộ mặt của thành phố Yên Bái. Nhưng rất khó tưởng tượng ra một bộ mặt hoàn toàn mới nếu chỉ nhìn vào tốc độ tiến lên của Yên Bái trong thập kỷ qua. Đến nơi này, dân Yên Bái vẫn sẽ đãi khách những món từ rừng. Đơn giản nhất là măng sặt, thứ măng bé xíu chỉ bằng ngón tay mọc ở rừng núi Nghĩa Lộ. Quý hoá hơn, thì có thứ rượu 138 “thần thánh”. Đó là rượu ngâm cây thuốc phiện. Cái tên “rượu 138” thì bây giờ đã nổi tiếng trong cả nước nhưng ít người biết rằng nó thật ra được đặt theo một kế hoạch của chính UBND tỉnh Yên Bái nhằm chống lại cây thuốc phiện. Đến giờ, giữa những làng bản nằm sâu trong núi rừng, xa bàn tay của chính quyền, nguồn cung rượu 138 vẫn tồn tại và tỏ ra không quý hiếm lắm ở nơi này.

Họ vẫn sẽ trông vào rừng, vì thật ra ngoài rừng cũng không có nhiều thứ để trông vào.

 Đức Hoàng

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.