Ngẫm chuyện thói quen 'ăn bẩn' của người Việt

Chúng ta cứ chê bai, lên án thực phẩm bẩn, hàng quán mất vệ sinh, tự đầu độc nhau nhưng đã bao giờ ta nhìn lại thói quen ăn uống của bản thân?
Ngẫm chuyện thói quen 'ăn bẩn' của người Việt

Lòng tin của con người đang bị “xói mòn” dần trước vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm bẩn tràn lan, tấn công chúng ta như cơn thác lũ cuồn cuộn, nhấn chìm người dân vào hố đen của bệnh tật, chết chóc.

Ta trách cứ, lên án thật nhiều những kẻ ác tâm hủy diệt giống nòi bằng chất cấm Salbutamol, bằng thuốc bảo vệ thực vật, hay thủ đoạn nhuộm, bôi, tẩm, ướp hóa chất,…

Nhưng có bao giờ chúng ta giật mình nhìn lại tuyên ngôn của cha ông “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”? Dừng lại để ngẫm nghĩ nhiều hơn về chuyện ăn uống của chính mình: thói quen “ăn bẩn”.

Ngẫm chuyện thói quen 'ăn bẩn' của người Việt ảnh 1

Lý giải cho việc chúng ta hay ăn ở những quán vỉa hè vì "nhanh gọn - tiện - rẻ" nhưng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận "bẩn". Ảnh: Vietnamnet.

Hãy nhìn xung quanh chúng ta. Không khó để nhìn thấy rất nhiều hàng quán vỉa hè đông khách lại “tọa lạc” tại những “điểm nóng” của ô nhiễm: bên cạnh một con mương đen ngòm, bên trên một ống cống nước thải bốc mùi, gần ngay một điểm tập kết rác,… Thế mà lắm người vẫn vừa ăn, vừa chuyện trò và tất nhiên là phải hít thở!

Hãy nhớ lại một lần nào đó ta ghé chân vào quán ăn trong giờ cao điểm. Chén bát bẩn chưa kịp dọn, bàn ghế bóng nhờn mùi dầu mỡ và dưới chân ta là xương xẩu, rau hành và cả những cục giấy ăn vo tròn vứt lăn lóc. Thế là dẹp vội bát, lau vội bàn, lùa vội đống giấy bẩn và dọn vội thức ăn lên. Ta vội ăn rồi vội vàng rời quán nhường lại không gian bẩn ấy cho người đến sau.

Hãy ngẫm xem đã bao giờ ta quan tâm đến giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm của một quán ăn? Đã bao giờ ta ghé mắt nhìn thử “hậu trường” của những món ăn bắt mắt, bắt mùi ấy chưa? Để rồi ta sẽ rùng mình với những rổ rau hành rửa vội, đống thịt cá đầy ruồi, mấy chậu nước rửa bát đùng đục lợn cợn màng dầu mỡ…

Người Việt ta thật lạ! Lắm người lên án sự bẩn nhưng sẵn sàng chọn những hàng quán bẩn để nhâm nhi. Ngon – tiện – rẻ là ba tiêu chí hàng đầu để họ dễ dãi trong ăn uống, dễ dãi với sức khỏe của chính mình.

Nhiều phương châm sống được hô hào: “Ăn bẩn, sống lâu”, “Ăn cũng chết. Không ăn cũng chết. Thà ăn mà chết từ từ vẫn hơn!” hay “Khuất mắt trông coi”. Tất cả chỉ là sự ngụy biện cho thói ăn bẩn và kém ý thức trong ăn uống của nhiều người.

Thói “bạ đâu ăn đó” dường như đã ngấm sâu vào tiềm thức của một số người. Bởi vậy, dù báo chí có trưng ra những hình ảnh đáng sợ đến đâu, truyền thông có lên tiếng cảnh báo mối nguy hại thế nào thì vẫn còn có khối người thản nhiên ăn. Và tất nhiên là những hàng quán bẩn, thực phẩm bẩn vẫn có “đất sống”.

Trong khi các cơ quan chức năng đang mạnh tay xử lí nạn thực phẩm bẩn, thiết nghĩ mỗi người cần cứu lấy chính mình bằng cách thay đổi thói quen ăn uống của cá nhân. Khi mỗi “thượng đế” đều khắt khe hơn trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì buộc bên “cung” phải thay đổi từ “cái bát” đến chất lượng “cơm” thôi.

“Nhà sạch thì mát” và tất nhiên “bát sạch ngon cơm”!

Ngọc Hùng

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt động thái như phát hành tín phiếu, sử dụng thêm kênh tín phiếu trên thị trường mở (OMO), điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng để ổn định thị trường trước đà tăng nóng của tỷ giá.
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.