Nhân tài bỏ việc

 Trong một buổi làm việc hồi tháng Tư, ông Nguyễn Thương , phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng đề cập chuyện tỷ lệ học viên xin ra khỏi Đề án 922 "tương đối lớn".
Nguyễn Đông - Nhà báo
Nguyễn Đông - Nhà báo

Đề án 992 là đề án phát triển nguồn nhân lực cao, bỏ nhiều tiền đưa nhân tài đi học ở nước ngoài rồi về phục vụ cho thành phố. Nhưng đến nay, có 40 trong số 460 người về công tác đã nghỉ việc. Một tỷ lệ khác, sẽ nhẫn nại chờ đến lúc hết 7 năm làm việc theo cam kết rồi “nhảy” ra khỏi nhà nước - đơn giản vì họ không có tiền đền bù cho thành phố.

Ông Thương nói một thời gian dài cán bộ công chức có tâm tư là không biết khi nào đến lượt mình được bổ nhiệm, vì thấy: "Từ anh thư ký, đến bà con được bổ nhiệm, còn anh em đường đường chính chính thì khó quá. Vấn đề này diễn ra từ phường, quận cho đến thành phố".

Trong cuộc khảo sát mấy năm trước, 64,6% học viên cho biết công việc được bố trí không phù hợp với chuyên ngành, sở trường. Nhiều người không thích nghi được môi trường làm việc hành chính và cho rằng lãnh đạo thiếu quan tâm, chưa cởi mở, chưa lắng nghe tiếp thu ý kiến từ cấp dưới. 12,5% học viên đang đi làm cho biết sẽ không tiếp tục làm việc, với các nguyên nhân môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống, không có cơ hội thăng tiến.

Nhân tài bỏ việc ảnh 1

Thậm chí, có xu hướng học viên xin ra khỏi đề án và chấp nhận bồi hoàn kinh phí cho thành phố. Khi một thanh niên chưa ổn định sự nghiệp mà sẵn sàng trả tiền tỷ chỉ để được… nghỉ việc, chấp nhận đối mặt với việc bị kiện để được bẻ lái cuộc đời, thì lương chắc chắn không phải là vấn đề duy nhất.

Những đặc thù cứng nhắc của môi trường nhà nước chắc chắn có vai trò quan trọng trong quyết định ra đi. Có học viên khi bị Đà Nẵng khởi kiện ra tòa, nói rằng họ chỉ có nguyện vọng tiếp tục học lên tiến sĩ bằng kinh phí tự túc, chỉ cần gia hạn cho họ thời gian rồi sẽ về làm việc cho thành phố, nhưng không được chấp thuận. Bồi hoàn tiền gấp nhiều lần số tiền đã nhận để tiếp tục được học, hẳn nhiều tiến sĩ sẽ không còn hãnh diện khi nhắc đến hai từ Đà Nẵng.

Con số 12,5% học viên đang chờ đến hết thời gian công tác để "nhảy việc" có lẽ không phản ánh đầy đủ tâm lý những người được gọi là nhân tài này. Họ không muốn phá vỡ hợp đồng vì không có tiền tỷ bồi hoàn, nhưng khi đó thành phố chỉ giữ được thân xác, còn tâm trí đã để ở nơi khác, không còn động lực cống hiến.

Từng viết nhiều về chủ đề nhân tài ở Đà Nẵng, câu chuyện nhiều học viên bỗng dưng nghỉ việc khiến tôi quan tâm. Tôi đem thắc mắc của mình đến giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, đơn vị quản lý đề án.

“Chờ đợi lâu nhưng không được tuyển vào công chức hoặc không được sắp xếp công việc phù hợp có phải là nguyên nhân chính khiến họ nghỉ việc?", tôi hỏi. Câu trả lời nhận được khá chung chung: học viên đưa ra lý do thường liên quan đến yếu tố gia đình, sức khỏe hoặc muốn tìm công việc khác.

Tôi rất chờ đợi một cái nhìn trực diện và những bình luận thẳng thắn của lãnh đạo thành phố về vấn đề này. Nhưng cuối tuần qua, buổi làm việc giữa chủ tịch Huỳnh Đức Thơ với học viên đề án lại phải hoãn, vì lãnh đạo “bận công tác đột xuất”.

Một cái nhìn trực diện và thấu đáo là cần thiết, vì chuyện nhân tài bỏ việc không phản ánh một tâm trạng cá biệt của những người đi học ở nước ngoài về. Nó còn phản ánh niềm tin chung của đội ngũ công chức với hệ thống mình đang phục vụ.

Mới đây, thành phố trải qua đợt thanh tra, điều tra liên quan đến nhiều sai phạm. Phó giám đốc Sở Nội vụ nói rằng nhiều công chức đang “run sợ” trong quá trình tham mưu. Ông dùng từ “dao động” để nói về tâm lý của đội ngũ.

Một công chức nói với tôi rằng, anh mất niềm tin sau vụ việc hàng loạt lãnh đạo thành phố bị khởi tố, bắt giam liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ. "Tôi chán nản. Vì những lãnh đạo đó mình phục vụ từ khi các anh còn làm giám đốc sở. Họ trước đây như những mô hình lãnh đạo gương mẫu cho mình phấn đấu".

Sự đánh mất niềm tin này, từ chính các thành viên hệ thống, chứ không phải là nỗi cám cảnh lương thấp, mới là thứ đáng sợ nhất với chính quyền.

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.